“Sông Đáy”, khúc ca về mẹ và dòng sông

“Sông Đáy” với Nguyễn Quang Thiều là cố hương nhưng cũng là cố nhân. Nó là chứng nhân của làng Chùa, chứng nhân của nhà thơ. Bởi thế bài thơ đem đến cho người đọc không chỉ là những mỹ cảm độc đáo mà còn thể hiện một tình yêu da diết, mãnh liệt của nhà thơ với quê hương; một tấm lòng biết ơn cùng khát vọng được hiến dâng tất cả cho mảnh đất ân sâu nghĩa nặng.
song-day-noi-gan-thuong-nguon-dap-phung-dan-phuong-1728122163.jpg
Sông Đáy nơi gần thượng nguồn (đập Phùng, Đan Phượng)

Dường như mỗi một nhà văn, nhà thơ thành danh ít nhiều đều có một không gian văn hóa riêng mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân. Chẳng hạn, Ma Văn Kháng là vùng miền núi Lào Cai, Đỗ Bích Thúy là vùng núi Hà Giang, Y Phương là vùng đất Cao Bằng, Hoàng Cầm là Kinh Bắc, Phạm Tiến Duật là Trường Sơn… Và, với Nguyễn Quang Thiều là làng Chùa với dòng sông Đáy đi qua vùng đất Ứng Hòa, Hà Nội, quê ông. Con sông quê ấy gắn bó với tuổi thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó giống như một mạch nguồn mát ngọt nuôi dưỡng tâm hồn ông. Bởi thế đọc các tác phẩm của ông chúng ta thấy hình ảnh con sông quê hương yêu thương ấy cứ trở đi trở lại trong những sáng tác của ông như một nỗi ám ảnh da diết. Trong tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là truyện ngắn “Bầy chim chìa vôi”, “Mùa hoa cải bên sông”; trong tác phẩm trữ tình có các bài thơ “Những người đàn bà gánh nước sông”, “Ngoại ơi”, “Những người lính của làng”, “Con bống đen đẻ trứng”… đặc biệt là “Sông Đáy”.

Bài thơ “Sông Đáy” được Nguyễn Quang Thiều sáng tác năm 1991 và được nhà thơ đưa vào tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” do Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 1992. Đây cũng là tập thơ được Hội Nhà văn trao giải A vào năm 1993. Có thể nói “Sông Đáy” là một bài thơ rất hay, tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Quang Thiều, với những câu thơ văn xuôi, tứ thơ mới lạ, ngắt nhịp linh hoạt, cảm xúc phóng khoáng, nhiều hình ảnh tượng trưng…

Đọc bài thơ chúng ta bắt gặp một mỹ cảm sâu sắc, mới lạ của Nguyễn Quang Thiều. Đó là tình yêu quê hương tha thiết, cháy bỏng của nhà thơ. Tình yêu ấy lúc nào cũng bền bỉ, thông suốt trên một dòng chảy không ngừng không nghỉ của thời gian với những quãng đời trầm bổng khác nhau của nhà thơ (nhân vật trữ tình trong bài thơ): lúc tuổi thơ, khi xa cách, ngày trở về. Trong suốt những quãng đời khác nhau ấy lúc nào người ta cũng thấy ở nhà thơ toát lên một tình quê tha thiết, chân thành, mãnh liệt đi kèm với một khát vọng mong muốn tìm về những giá trị đích thực, cao đẹp, vĩnh cửu của một người con luôn canh cánh trong mình những ân sâu nghĩa nặng với làng Chùa và dòng sông Đáy.

Sông Đáy
                        (Nguyễn Quang Thiều)
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.
Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông.
Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại
Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát bên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi
Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc.
Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.
                    Sông Đáy, 1991
            (“Sự mất ngủ của lửa”, Nhà xuất bản Lao động, 1992)

Sông Đáy không phải là con sông của trí tưởng tượng. Đó là con sông có thật, con sông chảy qua làng Chùa của Nguyễn Quang Thiều. Con sông ấy từng hiện lên thơ mộng trong những vần thơ của nhà thơ Quang Dũng: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng” (Đôi mắt người Sơn Tây) và ngọt ngào, êm ái qua những lời thơ của Lai Vu, từng được nhạc sĩ Đoàn Bổng phổ nhạc trong một bài nổi tiếng của quê lụa Hà Tây: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vạnh một góc trời/ Là sông dâu, tằm ơi/ Sóng xanh như mắt trẻ/ Sao giống nhau đến thế/ Tiếng mưa như tiếng tằm ăn” (Dòng sông của anh dòng sông của em).

Tôi nhớ đã có lần nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Trong sự may mắn được sinh ra của mỗi con người có sự may mắn được lớn lên bên một dòng sông. Tôi đã lớn lên bên dòng sông Đáy suốt tuổi thơ mình. Trong tâm hồn tôi, sông Đáy là con sông đẹp nhất trong mọi con sông trên thế gian” (Nông nghiệp Việt Nam, ngày 12 tháng 2 năm 2018).

Bởi vậy ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy nó trở thành một trong những đối tượng trữ tình trong rất nhiều tác phẩm của nhà thơ. Và, ở trong bài thơ “Sông Đáy” này ta thấy con sông ấy hiện lên như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài thơ, gắn liền với hành trình cuộc đời của tác giả.

Dòng sông thơ mộng ấy lặng lẽ trôi từ đầu bài thơ cho đến hết bài thơ và gắn liền với hình ảnh của những người thân yêu; đặc biệt là người mẹ hiền từ, nhẫn nại, lam lũ khiến cho tâm trí của người con từ lúc ấu thơ cho đến khi lớn lên đi xa nhà; rồi trở lại quê hương, lúc nào cũng rưng rưng những nỗi niềm tha thiết. Cứ thế, theo mạch chảy của dòng sông gắn với cuộc đời của nhà thơ ta thấy mạch cảm xúc của “Sông Đáy” chia thành ba phần theo trình tự thời gian xuất hiện của nhà thơ bên dòng sông: ba câu thơ đầu (sông Đáy trong hoài niệm tuổi ấu thơ), tám câu thơ tiếp theo (sông Đáy trong những tháng ngày xa cách), đoạn thơ còn lại (sông Đáy trong ngày trở về).

Theo dòng hoài niệm, Nguyễn Quang Thiều kể cho người đọc những kỷ niệm tuổi thơ của mình bên dòng sông Đáy: “Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm”. Lời kể của nhà thơ nhẹ nhàng nhưng chất chứa. Ngay từ tiếng thơ tự sự đầu tiên Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng một hình ảnh ẩn dụ để nói lên sự gắn bó thân thiết của mình với dòng sông: “Sông Đáy chảy vào đời tôi”. Nếu cuộc đời nhà thơ là một dòng sông thì sông Đáy là một chi lưu chính đưa nước vào dòng sông đời của tác giả. Cho nên lời tự sự của Nguyễn Quang Thiều cũng chính là một sự thú nhận về mối quan hệ không thể tách rời giữa nhà thơ và dòng sông. Như thế, với Nguyễn Quang Thiều, sông Đáy là cội nguồn của tình yêu và cũng là khởi nguồn cho mọi sáng tạo.

Sau lời kể về mối quan hệ gắn bó thân thiết của mình với dòng sông, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một bức tranh quê qua những nỗi niềm ký ức của một thời thơ ấu gian khổ. Ngắm nhìn cái bức tranh ấy người ta dễ dàng trông thấy một cuộc sống ấm áp tình người giữa một không gian yên tĩnh, thanh bình nhưng không kém phần gian khó của một làng quê bên sông. Tâm điểm của bức tranh ấy là một bà mẹ cần cù, lam lũ và một đứa trẻ thơ đang được tận hưởng một bầu trời hạnh phúc bên mẹ. Để nói về sự tần tảo, khổ cực của người mẹ phải hôm sớm ngoài bãi, trên đồng nhà thơ đã dùng những hình ảnh biểu cảm rất cao: “mẹ tôi gánh nặng”, “đi làm về vất vả”, “lưng người đẫm mồ hôi”.

Nguyễn Quang Thiều không kể nhiều, chỉ bấy nhiêu thôi nhưng câu thơ của ông đủ để làm người đọc cảm nhận được hình ảnh của một bà mẹ đang lầm lũi trở về nhà trong buổi chiều hôm với đôi quang gánh trên vai, trong một dáng vẻ đầy mỏi mệt. Có vẻ như những hình ảnh này đã đè trĩu tâm hồn nhà thơ và trở thành một nỗi ám ảnh thân thương khó quên về mẹ. Ngắm nhìn hình ảnh người mẹ ấy ta như thấy hiện lên bóng dáng của một bà Tú Xương hay hình ảnh con cò trong ca dao trong những nỗi đời cơ cực nhưng giàu đức hy sinh với một tấm lòng rất nhân ái, bao dung. Nhưng điều thú vị của câu thơ là cách nói ví von so sánh người mẹ với sông Đáy. Cách nói ấy đã đồng nhất mẹ với dòng sông để vừa gợi lên cuộc đời mẹ với biết bao thăng trầm gian lao, vất vả vừa thể hiện được sự cao cả, vĩ đại của mẹ với một tấm lòng vị tha, trong tình yêu con mênh mông, tha thiết.

Dòng sông mang nước ngọt và phù sa để bồi đắp lên những châu thổ, nuôi dưỡng những xóm làng. Sự vất vả của mẹ cũng vậy, giống như dòng sông trở nặng phù sa để nuôi lớn đời con. Chính tấm lòng nhân hậu, bao dung đã làm cho người con có được cái nơi trú ẩn tuyệt đối an toàn: “Tôi dụi mặt vào lưng người”. Ở sau lưng mẹ “đẫm mồ hôi” người con (nhân vật trữ tình, nhà thơ) không chỉ cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ; không chỉ cảm nhận được sự che chở, nâng đỡ yêu thương của mẹ mà còn cảm thấy êm dịu, sung sướng, dễ chịu đến vô cùng. Cái nỗi niềm của người con ấy được nhà thơ thể hiện trong một hình ảnh thơ đầy thi vị “mát một mảnh sông đêm”. Niềm vui sướng này của Nguyễn Quang Thiều lại làm ta nhớ đến những hạnh phúc ngọt ngào của em bé khi được vui chơi bên mẹ ở trong bài thơ “Mây và sóng” của đại thi hào Rabindranath Tagore.

Sau những hoài niệm của tuổi cùng với dòng sông, Nguyễn Quang Thiều đã nói về những năm tháng tha phương để diễn tả sự gắn bó máu thịt của mình với dòng sông quê hương qua những tiếng lòng đầy chất chứa: “Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn/ Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi/ Một cây ngô cuối vụ khô gầy/ Suốt đời buồn trong tiếng lá reo/ Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông”.

Trở lại với phần thứ nhất của bài thơ, nếu ở quê hương, nhà thơ tìm được một tấm lưng mẹ để làm chỗ dựa an toàn, êm ái cho bản thân thì khi xa quê vùng trời bình yên đó không còn và cuộc sống mưu sinh hẳn sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Những khó khăn ấy được nhà thơ thể hiện ngay trong câu thơ đầu tiên của “khúc hát” xa quê, thông qua một nghệ thuật so sánh rất hay: “Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt”. Hình ảnh “bước hụt” thật ý nghĩa. “Bước hụt” là trạng thái bước đi không vững chắc nhưng cũng là hình ảnh gợi lên những chông gai của đường đời gian khó. Hình như thế vẫn chưa đủ, trong bài thơ này, “bước hụt” có lẽ còn được dùng để chỉ cả sự hụt hẫng về trạng thái tâm lý vì xa cách quê hương, phải sống trong nỗi nhớ người thân, nhớ làng quê.

Cho nên trong những “tháng ngày sống xa quê”, miền “tâm tưởng” của thi nhân lúc nào cũng hiện lên với những thanh âm và bóng hình của quê hương trong một nỗi niềm da diết, cháy bỏng: “Tiếng cá quẫy tuột câu”, “tóc mẹ bến mòn đứng đợi”. “Tiếng cá quẫy tuột câu” vang lên trong cơn mơ được Nguyễn Quang Thiều ví von với tiếng nấc (khóc nấc lên). Tiếng nấc ấy “âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn”, có nghĩa là mãi không dứt, chảy loang ra tận “cuối nguồn”. Một hình ảnh tả nỗi nhớ quê thật hay. “Tiếng cá quẫy tuột câu” vang lên trong giấc mơ “như một tiếng nấc” không gì khác ngoài hình ảnh sông Đáy.

Bởi thế đọc câu thơ, nhờ cái hình ảnh liên tưởng độc đáo ấy cùng với biện pháp tu từ so sánh (tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc) và biện pháp tu từ điệp ngữ (âm thầm vỡ) mà người ta thấy con sông của nhà thơ hiện lên không chỉ có thanh âm mà còn có đường nét, hình khối. Nhưng thanh âm, đường nét, hình khối ấy chứa đựng một nội tâm chất chứa nỗi niềm và có sức ám ảnh, mê hoặc người đọc. Đọc câu thơ này của Nguyễn Quang Thiều tôi mới hiểu thế nào là “cả trong mơ còn thức” mà Xuân Quỳnh từng nói và càng thấm thía câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi/ Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy”.

Thế đấy, với Nguyễn Quang Thiều, sông Đáy lúc nào cũng khắc khoải trong tiềm thức. Tiếng nấc kia phải chăng chính là tiếng vọng của cố hương trong nỗi nhớ cồn cào da diết. Sau nỗi nhớ sông Đáy của nhà thơ là một hình ảnh tuyệt đẹp khi nhớ về mẹ. Kể về mẹ Nguyễn Quang Thiều đã lựa chọn một hình ảnh hoán dụ hết sức tài hoa “tóc mẹ bến mòn đứng đợi” để gợi lên hình ảnh của những người mẹ trên bến sông hàng ngày mòn mỏi đợi chờ người con ở nơi xa trở về. Một thi ảnh thật đẹp. Nó vừa gợi lên dáng đứng, nơi đứng vừa gợi lên mái tóc nhuộm nước thời gian với những nắng mưa của đời mẹ.

Chẳng hiểu sao, nghĩ đến đây trong tôi lại thấy hiện lên hình ảnh những người làng Chùa từng đứng đợi những người con đi chiến đấu trở về ở bên này sông Đáy như có lần chính nhà thơ đã tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Quán nước chè xanh dưới gốc đa đầu con đường chạy từ bến sông lên đê đã trở thành một trạm thông tin vô cùng quan trọng của làng. Những ngày tháng đó, sự đợi chờ lớn lao nhất của người làng tôi là sự đợi chờ sự trở về của những người lính… Tôi từng chứng kiến một vài lần cảnh tượng ấy. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt vì xúc động…”.

Hình ảnh người mẹ đang đứng đợi con ấy như thể đã xoa dịu nỗi đau vất vả của người con: “tỏa mát xuống cơn đau tôi”. Từ “mát” ở đây không chỉ được cảm nhận bằng xúc giác (gió/ nước làm mát da mát thịt) mà còn được cảm nhận bằng cả cảm xúc (niềm vui, niềm hạnh phúc).

Phải chăng người con nhận ra hạnh phúc của đời mình là luôn có mẹ ở quê hương che chở cho nên nỗi đau tha hương, nỗi đau phải vấp váp trên đường đời cũng đã dịu đi rất nhiều. Nhà thơ cảm thấy sung sướng khi vẫn luôn có mẹ hướng về phía mình. Nhưng đọc kỹ khổ thơ chúng ta cũng sẽ nhận ra một nỗi niềm đắng đót của người con khi nhìn thấy dáng hình của mẹ. Hình ảnh mẹ hiện lên trong phần hai này không giống như hình ảnh người mẹ ở phần đầu. Nếu ở phần đầu là hình ảnh mẹ tần tảo, lam lũ thì phần hai là hình ảnh của một người mẹ bị thời gian hủy hoại, bào mòn: “Một cây ngô cuối vụ khô gầy/ Suốt đời buồn trong tiếng lá reo”.

Có thể nói trong hình ảnh người mẹ xuất hiện lần thứ hai này Nguyễn Quang Thiệu đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ để gợi lên nhiều lớp nghĩa trong trí tưởng tượng của người đọc.

Ở lớp nghĩa thứ nhất người ta có thể hình dung ra cảnh vật của thiên nhiên bên sông Đáy (cây ngô khô gầy cuối vụ). Sâu hơn một chút, ở lớp nghĩa thứ hai người ta sẽ nhận ra hình ảnh một người mẹ đã bị thời gian, vất vả, xa cách làm cho thay đổi (héo gầy, già nua, buồn khổ). Nhìn thấy mẹ xơ xác, hao gầy trên bến sông đứng đợi, hơn ai hết người con đã thấu tỏ hạnh phúc của đời mình (có mẹ yêu thương, che chở) được đánh đổi bằng những gian lao, vất vả, nhớ thương của đời mẹ. Hóa ra ẩn sau hạnh phúc ngọt ngào thì cũng có không ít điều chua chát, đắng cay.

Có lẽ, bà mẹ có một người con hiểu chuyện đến mức này chắc hẳn cũng rất ấm lòng, sướng vui, hạnh phúc. Đúng là một sự tần tảo, hy sinh không bao giờ phải tiếc nuối. Đọc phần hai này người ta thấy hình ảnh của quê hương và hình ảnh mẹ luôn song hành với nhau. Cũng có lúc hòa vào trong nhau. Cho nên nỗi nhớ quê hương cũng là nỗi nhớ gia đình, nỗi nhớ mẹ; niềm xót thương của người con với mẹ.

Nỗi nhớ, tình thương ấy cồn cào, da diết: “Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy/ Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn dụa nước mưa sông”. Nguyễn Quang Thiều đã dùng hình ảnh dòng sông và câu thơ văn xuôi rất dài để khắc họa nỗi nhớ một cách rất độc đáo. Cách thể hiện ấy làm cho nỗi nhớ, tình thương hiện hình như dòng nước trôi chảy trên sông, cứ miên man không dừng, không nghỉ.

Xa quê, trong nỗi niềm nhung nhớ, Nguyễn Quang Thiều muốn “dòng sông dâng lên ngang trời” để nhìn thấy cho đỡ nhớ. Quả là một hình ảnh thật mạnh mẽ, táo bạo nhưng cũng đầy hư ảo. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là hình ảnh so sánh “cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ” và thi ảnh “giàn giụa nước mưa sông”. Nghệ thuật so sánh ở đây vừa diễn tả được nỗi nhớ thương quê hương vừa thể hiện được khát vọng hóa thân vào dòng sông quê hương của nhà thơ. Nỗi nhớ thương quê hương được hiện hình qua đôi mắt khóc hết nước mắt tạo thành hai hốc đất. Còn khát vọng hóa thân vào dòng sông để thể hiện lòng mong ước được gắn bó suốt đời với quê hương. Đó là khao khát được vĩnh cửu hóa mình vào dòng sông.

Cùng với nghĩa biểu cảm của nghệ thuật so sánh, hình ảnh đầy chất thơ “giàn giụa nước mưa sông” cũng góp phần bổ sung thêm ý nghĩa cho nỗi nhớ và khát vọng của tác giả. Hình ảnh ẩn dụ ấy gợi lên cái quẫy đuôi của con cá bỗng làm tung tóe nước lên như những giọt nước mắt. Đó là giọt nước mắt của dòng sông nhưng cũng tượng trưng cho giọt nước mắt của nhà thơ đang nhớ thương quê nhà đến hốc hác cả hai con mắt.

song-day-chay-qua-lang-chua-xa-son-cong-huyen-ung-hoa-trong-chieu-cuoi-nam-anh-nguyen-quang-thieu-1728122895.jpg
Sông Đáy chảy qua làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) trong chiều cuối năm (Ảnh: Nguyễn Quang Thiều)

Đọc các sáng tác của Nguyễn Quang Thiều người ta dễ thấy làng Chùa - sông Đáy là một ám ảnh trong tâm thức của nhà thơ. Nguyễn Quang Thiều từng tâm sự về nỗi ám ảnh của cái nơi “chôn nhau cắt rốn” trong mình như sau: “Có những đêm ngồi trên hiên nhà nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi thấy linh hồn sông Đáy đang trôi trong vũ trụ vô tận, và bên linh hồn của dòng sông là linh hồn của những người làng tôi. Tất cả đang ra đi mang theo những vẻ đẹp giản dị nhưng linh thiêng của một đời sống...”. Bởi vậy mà nhà thơ Bình Nguyên Trang từng có lý khi bảo ông là “một kẻ yêu ngôi làng của mình đến đắm mê”. Một người như thế hẳn chẳng muốn xa quê làm gì nhưng có lẽ vì cuộc sống mưu sinh mà đành phải bỏ quê đi. Nhưng dù có rời quê ở đâu đi nữa thì ngôi làng của ông lúc nào cũng đè nặng trong tâm trí và trở thành một nỗi niềm hoài vọng, một nỗi khát khao cho ngày trở lại.

Trong tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” Nguyễn Quang Thiều từng hơn một lần nói về sự trở về này: “Làng quê ơi, bao năm xa cách/ Đêm nay ta trở lại làng…”. Và, sự trở về ấy tất nhiên sẽ mang lại cho nhà thơ nhiều niềm vui nhưng cũng có cả không ít nỗi buồn, bởi sự thay đổi cùng nỗi bơ vơ, lạc lõng của chính nhà thơ ở nơi quê nhà vốn từng rất thân quen. Lần trở về này của ông trong bài thơ “Sông Đáy” cũng vậy: “Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa./ Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi/ Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt/ Tôi khóc./ Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng”. Đúng là một ngày về rất “đẹp”, đẹp từ ngữ điệu cho đến thi ảnh nhưng rất buồn.

Đọc đoạn thơ này người ta thấy ngoài hình ảnh mẹ và dòng sông thì có thêm hình ảnh của người “em” nữa. Trở lại với sông Đáy, ngày trở về, Nguyễn Quang Thiều gọi tên dòng sông đến ba lần “Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại …/ Sông Đáy ơi/ sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại”. Tiếng gọi tha thiết ấy không dấu được những phấn khởi, háo hức, đợi chờ của người con trong ngày trở về quê hương sau bao tháng ngày xa cách. Nhưng niềm vui chưa kịp tày gang thì những nỗi buồn đã ùa đến bởi những đổi thay của làng quê khiến cho người con không khỏi có những nỗi niềm tâm trạng. Thời gian và sự đổi thay là điều không thể tránh được. Có những đổi thay thuộc về phía chủ quan và có những đổi thay thuộc về phía khách quan theo quy luật. Nhưng đổi thay nào cũng đều đáng buồn. Với Nguyễn Quang Thiều sự đổi thay mang tính chủ quan ở đây là “người em”: “Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa”.

Vậy là những kỷ niệm của một thời “cổ tích” nay đối diện đã trở thành “một niềm tức tưởi”. Em của một thời “đôi môi màu dâu chín” đã theo đò sang sông để lại trên bãi vắng với những bẹ ngô và ký ức của một thời xưa cũ: “áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa”. Những thi ảnh rất đẹp nhưng càng đẹp lại càng buồn. Đó là duyên lỡ làng của mối tình quê đã để lại trong lòng người con một sự nuối tiếc không nhỏ trong ngày trở về. Còn nỗi buồn thuộc về quy luật khách quan chính là sự thay đổi của mẹ: “Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi/ Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt/ Tôi khóc/ Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng”.

Hình ảnh mẹ già được so sánh với cát. Một so sánh gợi nhớ đến câu nói “cát bụi lại trở về với cát bụi”. Nhà thơ đau đớn ôm cát vào lòng mà ngửi thấy mùi tóc mẹ. “Mùi cát khô” hay chính là mùi năm tháng của cuộc đời “một nắng hai sương”, tần tảo, lam lũ của mẹ.  “Mùi cát khô”, “mùi tóc mẹ” ấy còn chính là mùi vị của quê hương. Với cách so sánh như thế nhà thơ đã hóa thân mẹ vào với quê hương, đồng nhất với dòng sông, bãi cát. Người con trở về bến sông xưa gặp lại “cố nhân”, gặp lại mẹ hiền trong nỗi đau đớn đến quặn lòng: “Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt/ Tôi khóc/ Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng”.

Cát chảy “dòng dòng” hay nước mắt chảy “dòng dòng”? Là cát nhưng cũng là nước mắt. Đến đây ta gặp lại từ “chảy” ở đầu bài thơ. 

Nhưng chủ thể thì đã thay đổi. Nếu ở đầu bài thơ là sông Đáy chảy vào “đời tôi” thì cuối bài thơ là “tôi chảy” vào sông Đáy “dòng dòng”. Một hình ảnh thơ thật hay. Đầy tính tượng trưng. Đó là “tiếng nấc” đau đớn của người con tha hương nay được trở về bên mẹ. Nhưng cũng có thể hiểu đó giọt nước mắt sung sướng được đoàn tụ với cố hương, được hòa nhập vào với bờ cát, dòng sông của quê hương. Cái khát vọng hòa nhập này cũng có lần từng được nhà thơ thổ lộ: “Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi” (Bài hát về cố hương).

“Sông Đáy” với Nguyễn Quang Thiều là cố hương nhưng cũng là cố nhân. Nó là chứng nhân của làng Chùa, chứng nhân của nhà thơ. Bởi thế bài thơ đem đến cho người đọc không chỉ là những mỹ cảm độc đáo mà còn thể hiện một tình yêu da diết, mãnh liệt của nhà thơ với quê hương; một tấm lòng biết ơn cùng khát vọng được hiến dâng tất cả cho mảnh đất ân sâu nghĩa nặng. Tình cảm chân thành và sâu sắc ấy đã lay thức người đọc; truyền cảm hứng cho người đọc trong một tình yêu bất diệt với mảnh đất quê hương yêu dấu. Có lẽ bởi ý nghĩa này mà bài thơ được các tác giả sách giá khoa lớp 9 (Bộ Chân trời sáng tạo) lớp 11 (bộ Cánh diều) lựa chọn đưa vào trong chương trình dạy học.