Tản mạn về tên địa danh ở Hải Phòng

CCB Nguyễn Vinh Hùng (Tổng hợp)

30/11/2021 09:06

Theo dõi trên

Đọc đến mấy bài tản văn về Hải Phòng, thấy một số thông tin có thể phần nào giải mã được cái sự lạ đời về tên địa danh của Hải Phòng.

tan-man-ve-ten-1638237612.jpg

Hôm trước tình cờ nghe được bài hát xẩm nói về tên địa danh của Hải Phòng với nội dung như sau:

"Hải Phòng tên thật lạ đời

Sông thì đem Lấp, Đồ thời đem Sơn

Cửa thì Cấm, Chợ thì Con

Lại thêm chợ Đổ, còn buôn bán gì

Cầu thì Rào lại không đi

Lại đi Cầu Đất, còn gì lạ hơn."

Thày giáo Nguyễn Vinh Xương, quê Hà Nội nhưng có đến gần 50 năm sống và làm việc (dạy học, làm thơ, viết văn) ở Hải Phòng. Hàng năm cứ đến ngày giỗ ông và ngày 20 tháng 11, tôi vẫn giở di cảo để đọc và để … nhớ đến người, vừa là cha, vừa là thầy của tôi.

Đọc đến mấy bài tản văn về Hải Phòng, thấy một số thông tin có thể phần nào giải mã được cái sự lạ đời về tên địa danh của Hải Phòng. Xin nhắc lại, đây chỉ là những thông tin lượm lặt trong di cảo của bố tôi. Chả biết có đúng không, rất cần được kiểm chứng.

1. Sông Cấm và Ngõ Cấm: Năm 938, Biết tin Kiều Công Tiễn làm phản lại đút lót kèm thư cứu viện nhà Nam Hán, Ngô Quyền kéo quân từ Thanh Hóa, phát động dân chúng chống giặc ở Đại La. Sau đó, ông lập tức xuống vùng biển (Hải Phòng), triệu tập các ngư dân thông thạo luồng lạch vẽ thành bản đồ bày mưu đánh giặc (với phương án dùng cọc nhọn bịt sắt, lợi dụng thủy triều… nên cần giữ bí mật tuyệt đối). Nơi đại bản doanh, Ngô Quyền ra lệnh cấm dân qua lại để giữ bí mật. Sông đó gọi là sông Cấm, khi lên phố, thành đường cũng gọi là Ngõ Cấm.

2 Gia Viên: Phu nhân của Ngô Quyền là bà Dương thị Mai (con gái Dương Đình Nghệ) thấy chồng có trí lớn thì bảo rằng: “Phu quân hãy quyết đi, phần lương thực, phần quân nhu, thiếp xin đảm nhiệm”. Nói rồi bà cho lập làng ở ven khu cấm để cung cấp lương thảo cho quân đội. Lại cho người trồng dừa (vốn là quà tặng của người Thanh Hóa khi bà ngược ra bằng đường thủy). Cây dừa tiếng Hán đọc là Da, trái dừa đọc là Da tử. Nên vùng đất ấy gọi là Da Viên với nghĩa là vườn dừa; về sau có nhiều gia đình đến ở nên được đọc là Gia Viên với nghĩa vườn nhà.

3. Chùa Vẽ: Quân lính của Ngô vương thời đó rất thông thạo luồng lạch trên sông Bạch Đằng nhưng do không biết chữ nên khi bàn mưu đánh giặc tướng phải vẽ sơ đồ các phương án trên bờ sông để quân lính mau hiểu. Sau này đến khi Trần Hưng Đạo đánh giặc nguyên ( Năm 1287), vùng đất này có ngôi chùa Linh Hoa Tự. Lợi dụng thế đất cao của chùa, Trần Hưng Đạo sai người lên chùa quan sát và vẽ lại sơ đồ để các tướng bàn mưu đánh giặc. Từ đó, chùa này được gọi nôm là chùa Vẽ. Về sau, cảng được xây dựng trên đất đó cũng gọi là cảng Chùa Vẽ.

4. Chùa Đỏ và Lạc Viên: Vua Nam Hán không ngờ thua trận nhanh đến như vậy, không kịp nghĩ kế tiếp viện mà chỉ lo thu nhặt tàn quân. Quân đông hàng vạn, thuyền lớn kể trăm, giờ thu lại chỉ còn vài chiếc. Nói về bên thắng trận, do đánh dưới nước nên họ chỉ đóng khố, cởi trần. Sau khi đại thắng, quân cứ thế công kênh tướng về trại Cấm, cả tướng lẫn quân đều xoay trần, đóng khố, quá vui nên cũng chẳng ai phát hiện ra. Tới khi đội quân cận vệ dâng mũ áo lên chủ soái, tất cả mới ồ lên cười vui. Ngô Quyền khoát tay: Hà tất ! hà tất ! Không ở trần, sao phân biệt được ta với giặc, lỡ chém nhầm thì sao. Có phải lúc nào người chiến thắng cũng được ăn mặc như này đâu, cứ để nguyên thế mà ăn mừng cho thỏa thích. Nói rồi lệnh cho nhà bếp chuẩn bị rượu thịt, cúng tam sinh, lễ trời phật tổ tiên và khao quân trong 3 ngày ở thao trường. Bếp nuôi quân ở chùa đỏ lửa 3 ngày. Dân cứ thế mà gọi là Chùa Đỏ. Khu vườn, nơi quân chiến thắng vui chơi nhảy múa, ăn mừng được gọi là Lạc Viên (Vườn Vui). Tên Lạc Viên có từ đó.

5. Đường Lạch Tray: Có người bảo rằng: Ngày xưa, sát phố Cầu Đất có cái hồ lớn lắm (nay đã bị lấp hầu như không còn). Cách đó không xa lại có hồ Đào (Hồ An Biên). Mùa mưa, nước từ vùng cao chảy vào hồ lớn, từ hồ lớn chảy xuống hồ An Biên rồi chảy tiếp ra sông, tạo thành cái lạch, chảy như thác gọi là “Lạch Chảy”. Đến khi người Pháp lập bản đồ, hỏi người dân rồi cứ thế ghi vào. Bỏ hết dấu, lại viết sai chính tả (Có thể dân Hải Phòng đọc chữ “chảy” hơi nặng nên người Pháp nghe ra thành tray). Từ đó có tên đường Lạch Tray. Chả biết có phải không?.

6. Miếu Hai Bà: Thoạt nghe cứ ngỡ miếu thờ Hai Bà Trưng. Nhưng không phải thế. Sự tích miếu hai bà ở An Đà liên quan đến suốt chiều dài lịch sử như sau:

+ Năm 43, khi bà Lê Chân đang chiến đấu chống giặc trên hồ An Biên. Bỗng một ngọn giáo phóng tới phía sau thuyền bà. Người nữ cận vệ chồm lên hứng lấy ngọn giáo và ngã xuống hồ. Bà Lê Chân thoát hiểm chạy ra Đồ Sơn rồi ra Cát Hải, Cát Bà. Còn người nữ cận vệ lập lờ bơi đến vệ hồ rồi chết. Sáng hôm sau, mối đùn lên lấp thành gò. Những người đánh cá quanh vùng đi qua nếu thả một viên đá lên gò, y như rằng hôm đó được rất nhiều cá. Biết là nơi đất thiêng người ta lập miếu thờ. Chả biết tên, người ta gọi là miếu thờ đức bà Thiên thành (do trời xếp đặt, mộ thiên táng).

+ Sách Hoàng Lê nhất thống chí có ghi: Khi Lê Chiêu Thống mất ở bên Trung Quốc, vợ vua là bà Nguyễn thị Kim xin với Gia Long được đưa thi hài vua về quê nhà. An táng xong, bà tuẫn tiết theo chồng. Vua Gia Long khen là liệt nữ, sắc phong cho An Đà được thờ làm thành hoàng chính vị. Bài vị của đức bà Thiên Thành vì thế mà bị dẹp sang một bên coi như thờ phụ.

+ Từ đấy trong làng thường sảy ra những chuyện lục đục như hỏa hoạn, dịch dã, trộm cướp… điển hình nhất là có cô gái đồng trinh, tự nhiên phát điên, đến từng nhà cầm roi mà mắng: “ Bấy lâu nay, dân làng thờ phụng ta, ta đã ban cho bao nhiêu phước lộc. Nay vì sắc mới của vua mà dẹp ta sang bên. Có mới nới cũ như vậy sẽ phải chịu nhiều tai họa đấy”. Dân làng sợ, cậy cục lên quan, lên đến triều đình. Mãi đến cuối thế kỷ 19, vua Duy Tân mới ban sắc cho phép làng An Đà được thờ song song hai bà. Đó là đức bà Thiên Thành (không rõ tên họ và bà Nguyễn thị Kim vợ vua Lê Chiêu Thống).

7. Đường Thiên Lôi: Bố tôi có bài thơ kể về sự tích đường Thiên Lôi (hình dưới, tôi chụp lại bút tích của ông về bài thơ này). Theo đó, Xưa ở làng Vĩnh Niểm có một người tên là Phạm Tử Nghi, vóc dáng to khỏe, tính nết cần cù. Đường Lạch Tray chỉ ra đến gần sông, đoạn còn lại vẫn thường xuyên bị ngập sâu. Khi bàn chuyện đắp đường, mọi người ai cũng ngại, sợ không đắp nổi vì sâu quá, nước lớn quá. Phạm Tử Nghi quyết định làm một mình. Sau vài năm cần cù, con đường bước đầu thành hình. Mọi người tới xem ngạc nhiên hỏi nhau: sức người hay thiên lôi mà khỏe thế? rồi hồ hởi cùng góp sức đắp thành con đường hoàn chỉnh và gọi là đường Thiên Lôi.

(Tổng hợp từ di cảo của nhà giáo Nguyễn Vinh Xương)

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Tản mạn về tên địa danh ở Hải Phòng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn