Người ta kể rằng Sông Tiên xưa sâu và rộng hơn bây giờ, nằm án ngữ con đường độc đạo lên vùng biên ải phía bắc nước Đại Việt, khách bộ hành qua đây gặp nước lớn thường bị nước lũ cuốn chết rất nhiều, nên dân trong vùng gọi dòng sông này là Giang Ma, nghĩa là sông ma quỷ. Một buổi sáng đẹp trời, người ta thấy một ông già dáng hình cân đối, mắt sáng râu bạc phủ kín ngực, mũ mão cân đai cung kiếm chỉnh tề cưỡi ngựa trắng lội xuống dòng Giang Ma. Có người nói đó là Phò mã Dương Tự Minh thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới ba triều vua nhà Lý: Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông ( 1128-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175). Dương Tự Minh hai lần được phong làm phò mã, được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ tri thần”; “Cao Sơn Quý Minh”.
Sau khi làm tròn bổn phận với dân với nước, người đã bay xuống sông tắm rửa rồi lặng lẽ cùng ngựa trắng bay về cõi Tiên trên trời. Kể từ đó dòng sông chảy hiền hòa hơn, hai bên sông bốn mùa lúa ngô xanh tốt, dòng sông Giang Ma không còn được nhắc tới nữa, mà được gọi bằng cái tên mới là Giang Tiên, nghĩa là sông Tiên, sông có Tiên xuống tắm.
Người dân đã lập đền thờ tại bến Giang Tiên và đặt tên cho ngôi đền là Đền Trình, bởi mỗi lần quan binh đến ngôi Đền thờ chính của Dương Tự Minh đặt tại Điểm Sơn (Núi Đuổm), đều phải dừng chân tại Đền Trình sửa soạn mũ mão cân đai, tấu trình “Cao Sơn Quý Minh”, chính vì vậy ngôi đền càng tôn nghiêm, cung kính.
Di tích Đền Trình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 2465/QĐ-UBND, ngày 13/10/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, được nhân dân nhiều đời bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đến nay đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho du khách thập phương khi chảy Hội Đền Đuổm mồng 6 tháng Giêng hàng năm.