Biểu tượng "Soái ca" của một thời

Đặng Vương Hưng

09/11/2021 12:15

Theo dõi trên

Còn nhớ, quãng đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, cả thị trấn phố huyện quê tôi tiếng là giàu có nhưng mới chỉ ba người có xe máy: một ông thợ may có chiếc "Cá xanh", một anh chủ hiệu chữa đồng hồ kiêm thợ kim hoàn có chiếc "Cá xám", (đều mang nhãn hiệu Mobylette của Pháp).

chuy-trai-tim1-1636448570.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Nhưng đặc biệt nhất là một ông thợ chữa xe đạp có chiếc Môtôbêcan (Motobécane) rất cổ, đã được ông thay động cơ và hàn gắn chế tác thêm, khiến dáng nó nom vừa giống cái cần cối giã gạo, lại vừa như con cào cào... Tất cả những chiếc xe ấy đều có một đặc điểm chung là đã cũ, vỏ ngoài sơn đi sơn lại nhiều lần, tiếng máy nổ phành phạch ầm ĩ và ống xả thì phun khói mù mịt... Vậy mà cứ mỗi lần những ông chủ của nó có việc cưỡi xe vào làng, là cả lũ trẻ con vẫn chạy theo hò reo, người lớn thì xúm lại tha hồ mà trầm trồ thán phục. Họ gọi chung đó là những chiếc... "bình bịch".

Suốt nhiều năm, đất nước đang có chiến tranh, mức sống dân miền Bắc ta còn nghèo, ai cũng phải thắt lưng buộc bụng cho tiền tuyến đánh giặc, nhà nào khá giả lắm để dành dụm mãi mới mua được chiếc xe đạp. Mà thậm chí xe đạp cũng còn phải... đeo biển số kiểm soát và người sử dụng luôn phải mang theo "Giấy chứng nhận" do Công an đăng ký (chuyện thật mà nghe cứ như đùa!).

Hẳn các bạn đọc trẻ bây giờ không ai tưởng tượng nổi rằng: Đã có một thời chiếc xe đạp ở miền Bắc nước ta được bán phân phối theo tiêu chuẩn ngặt nghèo. Còn phụ tùng thay thế của chúng thì khan hiếm tới mức... chỉ những ngày lễ - tết các tập thể, cơ quan mới tổ chức bốc thăm. Ai may mắn bốc trúng chiếc săm hay chiếc lốp... là đủ cho vợ chồng sung sướng âm ỉ cả tháng trời! Chính vì thế, có người mua được xe đạp mà chẳng dám đem ra dùng, chỉ lau chùi cho bóng và treo lên để... ngắm cho đã! Hồi đó, ai có những chiếc "bình bịch" kiểu Pơgiô (Peugeot) 102,103... với "máy cụp, máy xoè", thì quả là thứ phương tiện giao thông cực kỳ sang trọng và xa xỉ... Và anh nào đã ngồi trên xe máy, thì dù xấu tới mấy vẫn mặc nhiên được chị em coi là "soái ca", tán gái dễ như chơi!

Cuối năm ấy, một người bà con họ xa của tôi ở thị xã may mắn trúng xổ số độc đắc. Trong giải thưởng, có một chiếc xe máy Habích mới đập hộp. Lập tức, tiếng đồn lan ra cả tỉnh đều biết. Ông trưởng họ sốt sắng liền cử người xuống thị xã, mang theo cơm nắm cơm đùm, tìm bằng được người trúng thưởng chỉ với một yêu cầu: Phải đi cả chiếc xe mới về làng vào... giữa "thanh thiên bạch nhật", để mọi người cùng chiêm ngưỡng và bà con anh em tổ chức ăn mừng. Đó là niềm tự hào và hồng phúc của cả dòng họ, lớn lắm chứ chẳng phải chuyện chơi!

Hồi đó, người được sở hữu những chiếc xe sang trọng và môđen như thế còn hiếm lắm. Người ta thường ví ngồi xe mà như cưỡi trên một tòa nhà lầu di động, bởi giá trị của nó tới gần chục "cây" vàng, có thể đổi ngang được ngôi nhà lớn nhất nhì dưới thị xã. Mua bán gì người ta cũng quy ra vàng. Mà vàng hồi đó còn rất hiếm, chỉ dân buôn bán mới có, lại thường phải giấu giếm tích cóp mua chui bán lủi từng nửa "chỉ" một.

Sau ngày giải phóng miền Nam và nhất là từ khi nước ta bước vào cơ chế kinh tế thị trường, lần lượt các loại xe máy dân chủ (các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa) chế tạo từ Xítta, Habích, đến Java, Babétta, rồi Simsơn Môkích... – những "Ông hoàng" của một thời thị trường xe máy miền Bắc – đã dần dần nhường chỗ cho các loại xe máy Nhật vừa bền, vừa tiết kiệm xăng, lại dễ khởi động và điều khiển.

Cuối thập niên 80, tôi may mắn được một người bà con "vừa bán vừa cho" một chiếc xe Habich cũ với giá 6 chỉ vàng 9999. Nhưng chỉ đi được chừng 3 tháng, có một ông vừa thắng quả ở bưởng vàng về, đã chạy theo năn nỉ đánh đổi một chiếc xe Minxcơ mới tinh và còn các thêm 3 chỉ vàng nữa.

Ngay đầu những năm 90 của thập kỷ này, trên những trang quảng cáo rao vặt của báo Hà Nội mới và Sài Gòn giải phóng ta còn thấy nhan nhản những địa chỉ rao bán các loại xe bãi thải: Honda Cúp các đời 78-79-80 đầu vênh, máy cánh, đèn tròn. Ai giàu có mới dám tìm mua loại xe Cúp 81, người bán thường mở ngoặc để nhấn mạnh thêm giá trị của nó: "màu su hào", "màu ốc bươu", hoặc "có đồng hồ báo xăng"... Xe 81 mà "đời chót chét", "giảm sóc hai tầng" và "kim vàng giọt lệ" được coi như của quý và là mơ ước của dân Hà Thành một thời.

Ấy vậy mà mới chỉ mấy năm sau, thị trường xe máy cả nước đã thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ thì ngay "người nhà quê" cũng có nhiều người tậu được xe máy, coi nó như công cụ và phương tiện để kiếm sống. Hết "Kích" đến "Cúp", hết "Min khù khờ" lại đến "Người tình trăm năm". Những chàng trai, cô gái thị trấn phố huyện quê tôi thì phóng xe Win100, xe Honda 82 ào ào. Còn ở thị xã nghèo nàn bụi đỏ năm nào, những chiếc xe máy "Giấc mơ" một thời đã được thay thế bằng SH và các kiểu xe tay ga đời mới nhất... cũng không phải là của hiếm nữa!

______

(Trích "Nếu tôi là tỷ phú" - Tập phóng sự và tư liệu dày 716 trang, bìa cứng của Đặng Vương Hưng, NXB Hội Nhà văn ấn hành lần đầu 2003, giá lẻ 200K/c (cả cước phí). Ai muốn đọc, xin kết nối với số điện thoại (Zalo): 0913210520 sách sẽ được gửi theo đường bưu điện đến nhà.

Bạn đang đọc bài viết "Biểu tượng "Soái ca" của một thời" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn