Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ cho biết: Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư và huy động mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư, đáp ứng yêu cầu “chuyển đổi số” trong lĩnh vực giáo dục. Qua đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018, phòng GD&ĐT thị xã, các trường THCS trên địa bàn đã tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinhkhối 9;chú trọng trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 9 để giúp các em có lựa chọn phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích, hoàn cảnh của gia đình khi bước vào bậc THPT.
Tuy là trường ở một xã ngoại thị, quy mô trường lớp nhỏ hẹp, số học sinh ít nhưng trong những năm qua, Trường THCS Thanh Minh cũng đã từng bước khẳng định được uy tín, chất lượng so với các trường trong toàn thị xã. Trường đều có học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS luôn đạt 100%; chất lượng giáo dục đại trà ổn định. Điểm trung bình thi vào lớp 10 THPT, thi khảo sát chất lượng lớp 9 luôn nằm trong tốp đầu của thị xã Phú Thọ.
Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Thanh Minh có tổng số lớp là 7 lớp với 192 học sinh, tổng số cán bộ giáo viên nhân viên là 18.Thầy giáo Trần Duy Ngọc - Hiệu trưởng chia sẻ: Năm học này trường có 1 lớp 9 với tổng số 35 học sinh. Nhằm định hướng cho các em học sinh lớp 9,trường thành lập ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh làm tốt công tác hướng nghiệp. Hằng tháng,trường đều thực hiện giảng dạy công tác hướng nghiệp đối với học sinh lớp 9; đồng thời phối hợp với Trung tâm Kĩ thuật - Tổng hợp - Hướng nghiệp thị xã tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp cho các em vào dịp cuối năm học.Đối với chương trình GDPT 2018, trường chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học; đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; đồng thời cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các em.
Em Nguyễn Duy Hưng - học sinh 9 Trường THCS Thanh Minh chia sẻ: Qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp em nắm bắt được đầy đủ thông tin về những ngành nghề và các trường học. Em đã đăng kí vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Phú Thọ sau khi tốt nghiệp THCS vì ngoài học văn hóa thì sau khi tốt nghiệp em còn có thêm cơ hội việc làm.
Trường THCS Văn Lung cũng là một trong số các đơn vị thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng cho học sinh theo chương trình GDPT 2018. Ngoài thực hiện tốt chương trình chính khóa theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, trường đã triển khai chương trình giáo dục địa phương một cách triệt để, giúp học sinh hiểu rõ về tình hình thực tế tại địa phương, những tiềm lực, thế mạnh cũng như những khó khăn của tỉnh nhà để từ đó các em có những định hướng cho tương lai. Bên cạnh đó, trường tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9; nắm bắt nguyện vọng, năng khiếu của từng em để có định hướng phù hợp. Nhờ được tuyên truyền, hướng nghiệp đầy đủ nên một số học sinh của trường sau khi học xong bậc THCS đã lựa chọn không tiếp tục học lên THPT mà vào học tại các trường đào tạo nghề cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và lực học của bản thân và nhu cầu của xã hội.
Trường THCS Trần Phú hiện có 2 lớp 9 với tổng số 60 học sinh. Để thực hiện công tác phân luồng đối với lớp 9 theo chương trình GDPT 2018, trường đã thực hiện giảng dạy công tác hướng nghiệp theo đúng quy định. Trong các buổi họp Chi bộ, họp cơ quan, họp tổ nhà trường thường xuyên triển khai các văn bản của các cấp về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tới toàn vể đảng viên, cán bộ, giáo viên; đồng thời tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đi tập huấn các nội dung về trải nghiệm hướng nghiệp, công tác phân luồng để về triển khai đến học sinh. Với các giải pháp tích cực nên đến thời điểm này, trường có 27 học sinh đăng kí thi THPT Hùng Vương; 23 học sinh đăng kí vào THPT thị xã Phú Thọ; 10 học sinh đăng kí vào THPT Trường Thịnh và Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Phú Thọ.
Những năm gần đây, Trường THCS Thanh Vinh đã được đầu tư để hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiện nay, 7/7 phòng học đều được lắp máy chiếu phục vụ hoạt động dạy và học. Trường có 1 phòng học tiếng anh chuyên dụng đảm bảo việc dạy và học ngoại ngữ, Tin học. 1 phòng bộ môn có tivi thông minh kêt nối mạng để dạy học trực tuyến và tra cứu thông tin phục vụ dạy và học.
Năm học 2022 - 2023, Trường THCS Thanh Vinh có tổng số 183 học sinh; 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhận thức được vai trò to lớn của công nghệ thông tin và truyền thông đối với việc đổi mới và phát triển giáo dục, trường đã huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên có kỹ năng tin học cơ bản, đảm bảo vận hành các thiết bị và ứng dụng vào quản lý, dạy học. Nhờ ứng dụng “công nghệ số”, bài giảng của giáo viên đa dạng, phong phú và chất lượng; học sinh hào hứng hơn trong mỗi giờ học, nhờ đó nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và tiếp cận vấn đề nhanh hơn.
Trường THCS Hùng Vương đã tăng cường ứng dụng các bài giảng điện tử trong giảng dạy và học tập.Hiện nay, Trường đang khai thác và sử dụng các phần mềm trong công tác quản lý các hoạt động dạy và học; sử dụng hiệu quả hồ sơ điện tử (sổ điểm, sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm) đối với các khối lớp từ 6 đến 9 và Học bạ điện tử đối với học sinh lớp 6. Bên cạnh đó, trường sử dụng các tiện ích của một số nền tảng như zalo, zoom, teams,... để điều hành triển khai các hoạt động chuyên môn. Tăng cường sử dụng các phần mềm như: Qizzi (kiểm tra trắc nghiệm), Pletd (kiểm tra tự luận), giao nhiệm vụ học tập, K12 Online thi trực tuyến; ôn luyện,.. Đặc biệt trong môn Toán, giáo viên đã áp dụng phần mềm PLICKERS (rèn kỹ năng làm bài tập trắc nghiệm) và đem lại hiệu quả tích cực, học sinh hứng thú hơn trong học tập. Đáng chú ý, giúp các em phát triển năng lực, sở trường của mình, đạt kết quả cao trong các kì thi. Trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023, trong tổng số 73 em tham gia dự thi có 62 học sinh đạt giải (trong đó 3 giải Nhất, 23 giải Nhì, 22 giải Ba, 14 giải Khuyến khích).
Năm học 2022-2023, cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, Trường THCS Phong Châu đã chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Trường đã chủ động tổ chức thi học sinh cấp trường, chọn lựa 4 học sinh khối 9 để bồi dưỡng, tham gia thi học sinh giỏi cấp thị ở bộ môn Tiếng Anh. Trong đó có 2/4 em đoạt giải học sinh giỏi cấp thị là: Em Lê Thị Uyển Nhi - lớp 9A đoạt giải Ba; em Lê Thị Bạch Dương - lớp 9A đạt giải Khuyến khích. Đặc biệt, em Lê Thị Uyển Nhi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Tiếng Anh của thị xã dự thi cấp tỉnh và đã giành giải Ba môn Tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2022-2023. Đây là niềm vinh dự, tự hào của thầy và trò Trường THCS Phong Châu, đồng thời cũng là động lực để trường tiếp tục vươn lên, gặt hái nhiều thành tích hơn trong những năm học tới.
Năm học 2022-2023, Trường THCS Hà Thạch có tổng số 13 lớp với 552 học sinh. Trong đó có 3 lớp với 122 em học sinh. Theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT, trường đã chủ động tổ chức phân luồng, ôn tập cho các em học sinh lớp 9 chuẩn bị bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024.Đặc biệt, trường quan tâm lựa chọn giáo viên bộ môn có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng để tổ chức ôn tập cho học sinh; phân luồng, chia nhóm lớp ôn tập phù hợp với năng lực của các em; tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh yếu để kịp thời bổ sung kiến thức cho các em, giúp các em bước vào kỳ thi lớp 10 THPT đạt kết quả cao nhất.