Thím tôi Phạm Ngân Hà (Kỳ 5)

Ngoài chuyện nấu nướng ra, quả thực về cô cũng còn nhiều chuyện ngố. Không kể việc bị trẻ con bỏ rơi, đi lạc vườn hoa Chí Linh ngay gần nhà, một chuyện đã thành giai thoại của lớn bé trong toàn khu tập thể 5 Đinh Lễ, cô còn nghe ai nói không biết, lấy nước lòng đò cho con uống. Đấy là thứ nước lấy trong con đò vẫn ngược xuôi về làng Cói quê chồng.

Quê tôi ở Cói Thái Đường, một trong bảy làng Cói nổi tiếng của xứ Đông Ngàn xưa, nay là đất Đông Anh Hà Nội. Nhưng đó là quê mẹ vị vua Lý đầu triều, với Lý gia lăng và cái bẫy sập (giết hết tôn thất nhà Lý) của cụ Trần Thủ Độ, được ghi vào sử sách. Một câu chuyện dài. Chỉ cái, hôm ấy ông em tôi, trai đầu lòng, được bữa đau bụng suýt toi. Và tất nhiên, chuyện này cũng thành một giai thoại về cô Hà. Đấy là chưa kể, cô còn bị một thằng oắt con, mới nứt mắt ra, là tôi bắt nạt.

pham-ngan-ha-ky-5-1644204380.jpg
Chè hoa cau ảnh minh họa do tác giả sưu tầm

 

Số là hồi mới lấy chú, chuyện gì không hiểu, chị vắng nhà cô lại đem hỏi cháu. Các cụ chả bảo, về nhà hỏi trẻ đấy ư. Nhưng thằng cháu, không biết cũng có, nghịch ngầm cũng có, đã cho cô khối vố. Chẳng hạn, cô hay nấu chè hoa cau, thứ chè bột sắn với đậu xanh không vỏ. Mùa hè ăn thật mát. Tôi xui cô đem muối cho vào chè, bảo vì thấy bà nội làm thế. Bà chỉ cho một đôi hạt muối thôi, còn cô cho hẳn một thìa. Kết quả là cả nhà được bữa cười bò. Nhiều chuyện, sợ cô nói với bà nội, tôi chặn trước: “Lại sắp sửa mách bà đấy!” Cô không nói với bà được. Tất nhiên. Song một lần hình như chuyện tôi được cô thủ thỉ với chú, hay mẹ nghe được nói với chú chả rõ, và kết quả ra sao thì chả nói cũng biết rồi.

Chú phải bênh vì cô hiền quá. Chả cứ tôi, cô luôn nín nhịn trước con cái, nhất là con dâu. Song đấy là lúc chú đi vắng. Trước cửa nhà xưa có cái bếp, sau ông sửa thành nhà cho vợ chồng con lớn ở riêng. Một lần ông vào thì bà vừa bước ra. Cô con dâu đang cầm cái giẻ, lau nhà, đúng chỗ bà bước. Mặt nặng như chì. Ông nhỏ nhẹ, bẩn quá hả. Muốn sạch sang nơi khác. Đây nhà tao, chúng tao muốn đi đứng thế nào thì đi. Nhá. Nàng dâu rụt vội tay, im thít. Mắng phũ thế, mà giọng ngọt như đường. Lần khác qua thấy ông chú mặt như kem song đang nói như đùa, anh bênh vợ anh, bắt vợ tôi hầu. Hả. Tôi không xót vợ tôi ư. Ông con ngượng, mặt đỏ kè, muốn cười lắm rồi mà đâu dám. Ông xót bà cắn răng chịu cực, quá dài lâu. Vì thương chồng thương con.

Cuộc sống sơ tán của một người vụng dại, xa chồng, một nách ba con như cô hồi ấy hẳn vất vả, cơ cực lắm. Ai chả biết. Vả lại, ngay từ hồi sinh con đầu lòng, cô cũng không kiêng khem được gì. Mẹ tôi đã dặn, “Sinh con đầu lòng phải cố kiêng, không nhiều cũng phải đủ 100 ngày. Không làm sớm, nhất là không được sờ vào nước lạnh. Kẻo về già khổ lắm.” Song mẹ đẻ ở xa, tận Quảng Bình. Mẹ chồng già cả, không dám nhờ. Chị dâu lại đi suốt, mà cũng ngại ngỏ lời. Thế là cô toàn lén tự giặt giũ, tắm rửa cho con. Nước lạnh, giữa mùa đông giá rét, tất nhiên. Kết quả là chưa nghỉ hưu hai cổ tay đã bị thấp, đau nhừ. Đến thăm, nghe cô than, “Đau từ trong xương đau ra.”

Hồi mới giải phóng, nhiều nhà mua ngay máy khâu máy dệt đem về. Để làm thêm. Hàng dệt len, hồi ấy bán chạy. Nghe bảo, hái ra tiền. Nhà tôi kiếm được một chiếc máy dệt, hai vợ chồng cùng cầy. Trông vào lương sao đủ. Cô cũng thích. Chú chiều, mua ngay khi có dịp vào Sài Gòn công tác. Khổ nỗi, khi có máy thì đã hết làm ăn gì được nữa. Tôi đến thăm, thấy cái máy dệt sáng choang để giữa nhà, như làm cảnh. Còn cô buồn thiu: “Tay đau.”

Sau lên sống trên Sa Pa, thấy thuốc tắm người Dao. Thuốc lá gói thành thang có. Thuốc chưng cất sẵn, cho vào can, vào chai lọ cũng có. Bán đầy phố, đầy chợ. Có đủ loại, cho người ốm, người phải cảm, người bất chợt mắc mưa, và nhất là cho bà đẻ. Nghe nói, đàn bà khi đẻ thì tắm, chỉ dăm hôm là lên nương được. Người ta còn đùa đùa, lên nương được là lên giường cũng được đấy.

Chợt nhớ cô. Giá hồi ấy có thuốc. Rõ ràng chú từng ở Lào Cai, từng qua tận Sa Pa mua đào mà không biết ư? Nhưng nghĩ lại, việc của chú là tiễu phỉ, suốt đêm ngày sục sạo. Chứ đâu phải la cà du lịch như giờ. Mà dạo ấy, phỉ đầy núi, đầy rừng. Ngay trên đất Sa Pa, giờ vẫn còn dấu tích của cuộc tiễu phỉ ngày xưa ấy.

Từ khi cô, rồi chú, lần lượt về nghỉ hưu thấy ông bà sống đã có vẻ nhàn tản. Lâu lâu có một hội, toàn thanh niên là chính, đến rủ ông đi săn. Trong số này, khối người là con cháu. Không ít chuyến vào tận tây xứ Thanh, ngay bên Nghè Vẹt, nơi thờ tổ họ Trịnh dòng chúa. Thay vì hạc, chỗ ấy có tượng vẹt thần. Xưa xung quanh toàn hồ đầm với ruộng nước, lúc vào đông chim trời kéo đàn kéo lũ bay về.

Thấy tài bắn của ông một bạn ham săn bắn của tôi, Phan Kế Bình, con út cụ Phan Kế Toại kể lại, ông cụ tài lắm, cứ ngồi thuyền xoay người bắn tứ phía. Trái phải trước sau, đều trúng. Có đứa đùa dai, nghe ông Kỷ định đi đâu lập tức đến trước, bắn tứ tung. Xua dạt chim đi là chính. Vậy mà khi ông về vẫn thấy cái túi săn phồng tướng.

Chiến lợi phẩm được ông rải khắp, cho anh, các cháu, họ hàng. Bác Tùng tôi từng được chú biếu hàng chục đôi chân chim. Sâm cầm. Nghe bảo bổ lắm. Ông bác đem ngâm rượu, song để ngắm nghía săm soi, nào uống. Sau khi ông mất đi, anh Bé nhà ông mới đem ra. Thậm chí một anh bạn thân của tôi cũng được tặng chân sâm cầm, ngâm rượu sẵn. Vì một lần hắn đến nhà, thịt giúp ông con dê. Song hắn lập tức lôi chân chim ra nhắm rượu. Nghe chuyện, ông chú cười. Cái thằng, hỏng mồm thế.

Chim thú ấy lại qua tay bà thành lắm món ngon. Ăn không hết, đem cất tủ lạnh. Hai ông con trai, lấy vợ rồi mà mãi vẫn chưa ra ở riêng. Có nhẽ còn trông vào khẩu súng săn của ông chăng? Em thứ hai còn theo bố đi và nghe chúng bạn đồn cũng sát chim lắm. Song đến khi ông bố không còn đi bắn nữa, thì ông con cũng nghỉ luôn.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính