Thương lắm Bắc Giang

Tùy văn của Ngô Đức Hành

21/05/2021 11:09

Theo dõi trên

Cuộc sống luôn đẹp nhờ nghĩa cử “trao – nhận”, hy sinh vì đất nước, quê hương, chia sẻ cùng con người. Bắc Giang sẽ vượt qua Covid-19 nhờ sự đồng lòng, đồng thuận. Vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch, sẽ lại đến với người tiêu dùng cả nước và bạn bè quốc tế vốn đã mê mẩn với bốn mùa hoa trái Việt Nam.

    bac-giang1-1621569880.jpg

      Một góc trung tâm thành phố Bắc Giang. Nguồn: Báo Bắc Giang

           Mỗi lần từ quê xuống Hà Nội, chú Hiếu thường mang theo chút quà quê là mỳ Chũ Bắc Giang. Chú từng qua một thời lận đận làm báo. Được cái, chú có phẩm chất tần tảo, ai cũng quý. Bây giờ chú đã là một phóng viên, hàm trưởng phòng của báo Bảo vệ Pháp luật, thuộc Viện Kiểm sát tối cao. Nhớ Bắc Giang là nhớ tấm bánh đa Kế, mỳ Chũ... Nó là vật thể, nhưng về thương hiệu là một phần văn hóa, đậm bản sắc vùng quê.

Cuộc đời làm báo, trao cho tôi cơ hội được đến Bắc Giang, từ thời còn cùng Bắc Ninh trong một tỉnh lớn Hà Bắc. Bắc Giang chiếm phần lớn diện tích của vùng Kinh Bắc xưa và có nền văn hoá phong phú. Đặc trưng của Kinh Bắc, là một trong những cái nôi của Dân ca Quan họ với 23 làng quan họ cổ được UNESCO công nhận. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50 km.

Nhiều người vẫn nhầm tưởng Hà Bắc cũ được thành lập từ thời, ta ngỡ nhập tỉnh, nhập huyện là có “làm ăn lớn”, có chủ nghĩa xã hội ngay tức thì. Thực ra, Bắc Giang và Bắc Ninh hợp nhất thành Hà Bắc thời “đỉnh cao muôn trượng”. Chính xác là năm 1962, năm 1997 thì tách ra. Trở lại lịch sử, cái tên Bắc Giang xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, được thành lập ngày 10 tháng 10 năm 1895, tách từ tỉnh Bắc Ninh, bao gồm phủ Lạng Giang, phủ Đa Phúc và các huyện Kim Anh, Yên Dũng, Phượng Nhỡn, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế và một số tổng nằm ở phía nam sông Lục Nam. Tỉnh lỵ là Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Không ai có thể quên cuộc khởi nghĩa Yên Thế và người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Bắc Giang, chứa nhiều huyền sử, và tự hào chính đáng về truyền thống lịch sử.

Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo Phật pháp thiền phái Trúc Lâm; chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc".

Văn hóa Bắc Giang là văn hóa các dòng sông lớn như Lục Nam, sông Thương và sông Cầu. Hàng ngàn năm nay, phồn sinh, mỡ màu mà thành cuộc sống. Bất giác tôi nhớ nhà thơ Đinh Tiến Hải. Năm 2020, anh xuất bản tập thơ “Chiều trên sông vắng”, cô đơn đến triết luận, thiền tịnh đến sương khói và yêu thương đến đằm sâu. Những dòng sông quê hương bồi đắp mà thành “cánh đồng” của mẹ:

 

Mẹ gom cánh đồng đi bán

Vàng phai những cánh hoa đào

Mẹ gom cả chiều giông bão

Mặn mòi cả giấc chiêm bao

(Cánh đồng của mẹ tôi)

bac-giang2-1621569880.jpgThành cổ Xương Giang, nơi lưu giữ dấu ấn chống giặc Minh
 

 Bây giờ Bắc Giang (và cả Bắc Ninh) đang “gồng” lên chống “giặc Covid-19”. Toàn tỉnh đã có đến 695 ca nhiễm Covid-19. Tính đến 17h30 ngày 20/5, tỉnh Bắc Giang đã cách ly y tế 103 thôn, tổ dân phố, giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, cách ly xã hội 4 huyện, giãn cách xã hội thành phố Bắc Giang. Đến nay, Bắc Giang có khoảng 900.000 người dân trong vùng cách ly, giãn cách xã hội. Để chống dịch, từ 0h00 ngày 21/5, Bắc Giang đã dừng toàn bộ hoạt động vận tải trên địa bàn.

Chia sẻ với người Bắc Giang lúc này là truyền thống, đạo lý Việt, vì Bắc Giang là vì địa phương mình. Cám động trước sự dấn thân lên vùng “tâm dịch” Bắc Giang của nhiều lực lượng; trong đó có anh chị em y bác sỹ, điều dưỡng viên từ các Bệnh viện ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương... tăng cường cho lực lượng tại chỗ, tôi đã viết bài thơ “Vì con người phải biết nhận hy sinh”.

..

Hết dịch này về bên anh

tặng anh nhiều nụ hôn hơn nữa

dặn con mình khắc ghi như thế

vì con người phải biết nhận hy sinh

...

Cuộc sống luôn đẹp nhờ nghĩa cử “trao – nhận”, hy sinh vì đất nước, quê hương, chia sẻ cùng con người. Bắc Giang sẽ vượt qua Covid-19 nhờ sự đồng lòng, đồng thuận. Vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch, sẽ lại đến với người tiêu dùng cả nước và bạn bè quốc tế vốn đã mê mẩn với bốn mùa hoa trái Việt Nam.

bac-giang3-1621569880.jpg

Y bác sỹ Quảng Ninh tình nguyện đến Bắc Giang chống dịch

 

Nhà thơ Hoàng Cầm, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, sinh ra ở Bắc Binh, nhưng ông có tập thơ “Về Kinh Bắc”, cảm xúc chung về cả vùng quan họ. “Về với ta” là một bài thơ trong tập thơ này.

“...

Ta con phù du ao trời chật chội

Đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao

Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ

Vừa rụng chiều nay

....”

 

Về với ta, về với Bắc Giang để tìm lại khoảng trời của ta, tìm lại cảm xúc. Hơn hết lúc này, cùng người dân Bắc Giang, chống dịch Covid-19. Đó là cảm xúc đồng bào, không có nó “nhân vị người” của thơ văn và các sản phẩm nghệ thuật khác, sẽ “rụng chiều nay”./

Ngày 21/5/2021

NĐH

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Thương lắm Bắc Giang" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn