Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 45)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.
ddt1-mo-hinh-chien-thuyen-tay-son-1666429146.png
Mô hình chiến thuyền Tây Sơn (Bảo tàng Tây Sơn, Bình Định). Nguồn: Internet.

 

Kỳ 45

Vài dòng kết luận

Cho tới bây giờ quá trình phát triển về tổ chức và về trang bị của thủy quân Việt Nam trong thời kỳ cổ-trung đại hãy còn là vấn đề hầu như hoàn toàn mới mẻ trong khoa học. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể biết được rằng đi đôi với việc phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực ngoại thương buôn bán với nước ngoài, kỹ thuật đóng tàu của cha ông ta có từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện, tinh xảo, không kém thuyền tàu của các nước văn minh trên thế giới. Năm 809, một viên quan lại nhà Đường là Trương Châu ở nước ta đã sai thợ đóng 400 chiến thuyền có bịt "mông đồng", mỗi chiếc thuyền chiến như vậy có tới 32 tay chèo và 25 chiến sĩ. Thủy quân dưới thời Ngô Quyền, Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần đều là một binh chủng hùng mạnh, trang bị có lẽ tương đối khá mới đủ sức đè bẹp thủy quân của Nam Hán, Tống, Nguyên. Cho đến khi nhà Hồ nắm chính quyền, Hồ Quý Ly ra sức xây dựng một quân đội hùng mạnh. Nhiều xưởng đóng chiến thuyền, đúc vũ khí được lập. Chiến thuyền đời Hồ là một loại chiến thuyền lớn đóng bằng đinh sắt, phần trên có sàn đi lại để tiện việc chiến đấu, phía dưới phải hai chiến sĩ mới chèo nổi một mái chèo. Đó là một bước phát triển trong kỹ thuật đóng tàu, sức trọng tải và trang bị cho thủy quân. Thủy quân của chúa Nguyễn vào thế kỷ thứ 17 cũng là một lực lượng khá mạnh, bằng chứng là vào tháng 7 năm 1643 trong lần liên minh lần thứ ba giữa tư bản Hà Lan và chúa Trịnh để đánh  Chúa Nguyễn, hạm đội Hà Lan đã bị chiến thuyền quân Nguyễn đánh bại ở vùng biển Quảng Nam sau một trận hải chiến. Điều đó chứng tỏ thủy quân Việt Nam vào thế kỷ thứ 17 trang bị không kém một số nước tư bản Âu Châu. Thủy quân Việt Nam khi đó đã có hai biến đổi quan trọng, bên cạnh thuyền chèo còn có thuyền buồm trọng tải rất lớn, có đặt đại bác. Loại chiến thuyền đó không khác thuyền buồm của phần lớn các nước Âu Châu.

Người đã làm cuộc cách mạng về mọi mặt trong lực lượng thủy quân Việt Nam là nhà tổ chức thiên tài Nguyễn Huệ. Ông đã nhận thức rõ tính chất, đặc điểm địa lý của nước ta có nhiều sông ngòi, biển rộng nên đã thấy rõ tầm quan trọng của thủy quân đối với sự nghiệp đấu tranh vũ trang chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc. Nguyễn Huệ đã ra sức xây dựng một quân đội cách mạng hùng mạnh có nhiều quân binh chủng, trong đó ông đã dồn nhiều sức lực để xây dựng lực lượng thủy quân mạnh mẽ. Nguyễn Huệ biết rằng thủy quân đại Việt không chỉ tác chiến trên mặt biển rộng lớn mà còn phải tác chiến trên sông ở sâu trong nội địa. Để thích hợp với từng điều kiện của chiến trường, Nguyễn Huệ cho đóng nhiều loại chiến thuyền, loại nhỏ, loại vừa và loại lớn. Chiến thuyền loại lớn của thủy quân Tây Sơn có thể chở được voi chiến hoặc có từ 600 đến 700 lính và đặt được hàng chục đại bác. Bên cạnh những chiến thuyền tác chiến, Nguyễn Huệ đã tổ chức và đóng những hạm đội vận tải bộ binh, lương thực vũ khí. Điều đó đã giúp cho tốc độ hành quân của lục quân Tây Sơn rất cơ động, nhanh chóng và giúp cho Nguyễn Huệ giải quyết được vấn đề lương thực hậu cần cho quân đội trong các chiến dịch.

Đồng thời với việc cải tiến tổ chức kỹ thuật chiến thuyền, Nguyễn Huệ còn ra sức đẩy mạnh trang bị những loại vũ khí tối tân nhất mà trong điều kiện vật chất lúc bấy giờ cho phép. Khoảng thế kỷ 15-16 trở về trước, vũ khí của thủy quân gồm giáo mác, cung nỏ và những phương tiện hỏa công - dùng lửa để dốt cháy chiến thuyền địch một cách lan tràn là một chiến thuật chiến đấu có hiệu suất cao của thủy đại Việt. Vào cuối thế kỷ 18, Đơ la bít sa se ruy (De la Bissachéru) một giáo sĩ Pháp ở Việt Nam lúc đó đã nhận định rằng phép đánh hỏa công đã làm cho thủy quân Đại Việt thời đó rất đáng sợ. Theo ông ta thì hỏa công của thủy quân là một loại tên lửa bằng cánh tay, lửa hỏa công rất mạnh có thể đốt cháy mọi thứ tàu thuyền. Lửa hỏa công này nguy hiểm hơn lửa hỏa công trên mặt đất rất nhiều vì hỏa công càng gặp nước càng cháy dữ dội. Trên cơ sở đó, thủy quân Tây Sơn bên cạnh các loại vũ khí khác còn có một loại vũ khí đặc biệt là hỏa hổ. Hỏa hổ của thủy quân Tây Sơn là một hỏa lực khủng khiếp đối với kẻ thù.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã khai sinh ra thuốc nổ và đó là nguyên nhân ra đời của các loại súng và đại bác. Thế kỷ 15-16, nước ta đã có đại bác nhưng tác dụng còn kém, trọng lượng nặng, số lượng ít và chưa thành một binh chủng độc lập. Trong thời nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng đã chế ra đại bác thần cơ với nhiều cỡ khác nhau. Đến thế kỷ thứ 17, pháo binh đã giữ một vai trò quan trọng trong phòng ngự thành lũy và trong thủy chiến. So với các quân đội đương thời, quân đội Tây Sơn có nhiều đại bác nhất và có đủ các loại  nặng nhẹ khác nhau. Nguyễn Huệ đã đưa loại vũ khí có uy lực lợi hại này xuống chiến thuyền và thay đổi hỏa lực của thủy quân. Theo báo cáo của Bá Đa Lộc với Hoàng đế Pháp tại Pari ngày 6-5-1787 thì trong những chiến dịch đánh Gia Định, thủy quân Tây Sơn có đặt đại bác trên chiến thuyền. Tới những chiến dịch tiến công ra Bắc, thủy quân Tây Sơn được trang bị khá nhiều đại bác. Với sự cố gắng nỗ lực phi thường như vậy của Nguyễn Huệ, cuối thời Quang Trung, thủy quân Tây Sơn đã đạt đến sự hùng mạnh chưa từng có, chiến thuyền đủ các loại. Loại chiến thuyền lớn trang bị 60 đại bác 700 chiến sĩ, loại vừa 50 đại bác và 500 chiến sĩ, loại nhỏ đặt 16 đại bác và 200 chiến sĩ, một loại nhỏ nữa trang bị 1 đại bác loại lớn hoặc loại vừa và có từ 50, 70 đến 150 chiến sĩ[1]. Se nhô, một sĩ quan hải quân Pháp, từng giúp Nguyễn Ánh tác chiến với thủy quân Tây Sơn đã viết: "Trước khi nhìn thấy thủy quân của địch, tôi rất khinh thường, nhưng tôi bảo đảm với các anh rằng đó là sai lầm. Họ có những thuyền chiến mang 50 và 60 đại bác lớn"[2]. Đặc biệt trong khi đưa những vũ khí mới đó vào trang bị cho thủy quân, Nguyễn Huệ vẫn giữ lại loại vũ khí lợi hại từ lâu là hỏa hổ kết hợp đã làm cho hỏa lực của thủy quân Tây Sơn thêm hoàn thiện mạnh mẽ. Đại bác giúp cho thủy quân Tây Sơn đánh địch từ xa, hỏa hổ giúp cho thủy quân Tây Sơn tiêu diệt thủy quân địch khi tiếp cận giáp lá cà. Với một lực lượng thủy quân như vậy, Nguyễn Huệ đã đánh tan thủy quân Trịnh, Nguyễn, Xiêm trong nhiều trận thủy chiến ác liệt .

Mở rộng và tăng cường lực lượng thủy quân như vậy, Quang Trung đã nâng thủy quân lên một địa vị rất cao, địa vị của một quân chủng chiến lược. Từ thời Ngô Quyền cho đến trước thời Quang Trung, thủy quân chỉ là một binh chủng, tổ chức của nó chưa phức tạp, chưa đòi hỏi nhiều binh chủng khác phải phục vụ cho nó. Bản thân binh chủng đó mang tính chất chiến thuật, nhiều lúc nó mang tính chất chiến lược. Nhiều khi thủy quân chỉ hoàn thành những nhiệm vụ chiến thuật như chở bộ binh vượt sông biển, trợ lực cho bộ binh diệt địch, làm một cánh vu hồi. Khi thủy quân mang tính chất chiến lược là lúc thủy quân đảm đương trách nhiệm tiêu diệt thủy binh chủ lực của địch bằng những trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định cục diện chiến tranh. Nhìn chung trong thời kỳ đó, tính chất chiến thuật của thủy quân là chủ yếu. Công lao to lớn của Nguyễn Huệ là phát triển một cách tương đối nhịp nhàng các binh chủng và đưa thủy quân lên hàng quân chủng chiến lược, đó là việc làm có ý nghĩa cách mạng trong việc tổ chức quân đội ở nước ta thế kỷ 18. Trong thủy quân Tây Sơn hình thành nhiều binh chủng, bao gồm đội thuyền chiến tác chiến trên sông, đội thuyền chiến vừa tác chiến trên sông vừa tác chiến trên biển gần, đội thuyền chiến tác chiến trên biển xa. Ngoài các đội thuyền chiến, thủy quân Tây Sơn còn có một đội thuyền vận tải tải lương thực, vũ khí quân trang và đội thủy binh chuyên dùng để tác chiến trên bộ. Chủ lực của thủy quân Tây Sơn là đội thuyền chiến lớn đi biển có hỏa lực rất mạnh chở theo một cơ hoặc một đội thủy binh có thể tác chiến giỏi cả trên bộ. Như vậy mỗi thuyền chiến của thủy quân Tây Sơn với sức trọng tải lớn, với hỏa lực mạnh, với một đội thủy binh tác chiến mạnh đã trở thành những đơn vị chiến dịch.

(Còn nữa)

CVL

         

                                                         

 

[1] Thư của Ba Rysi ngày 11-4-1801 dẫn theo THTTQS trang 352.

[2] Se nhô (JB Chaigneau) THTTQSNH trang 352.