Thủy hải chiến Việt Nam (Truyện lịch sử) (Kỳ 56)

Trân trọng giới thiệu Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ  56.

CON TÀU KHÔNG TRỞ LẠI

Đó là đêm 30, đêm tận cùng của năm Kỉ Hợi (1959) sang năm Canh Tí (1960), bóng tối bao trùm tất cả. Toàn bộ thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) chìm trong màn đen nhưng loang lổ bởi ánh sáng của những ngọn đèn điện yếu ớt vàng vọt. Những đường phố, những hàng cây mờ ảo dọc sông Nhật Lệ soi mình xuống nước. Dòng sông Nhật Lệ ban đêm như mênh mông, lung linh lấp lánh bởi đèn những con tàu và những con thuyền vận tải, thuyền đánh cá, những con phà dưới sông. Phố xá trên thị xã im lặng chuẩn bị tiễn một năm cũ sắp đi qua, đón một năm mới tới. Phút giao thừa đang đến gần. 

ddh2-tau-khong-so-1-1667375564.jpg
Một con tàu không số huyền thoại. Ảnhtư liệu. Nguồn: Internet.

           

Nơi cầu cảng Nhật Lệ đơn sơ đêm nay có một con tàu gỗ, kiểu tàu đánh cá miền Trung. Những vật dụng và lưới đánh cá vứt lộn xộn trên tàu. Con tàu không phải đang chuẩn bị đón giao thừa mà đang chuẩn bị nhổ neo ra khơi. Trên bến sát nơi con tàu đang đậu, những người ở lại và cấp trên đang ra tiễn người ra đi. Những người ở lại lần lượt bắt tay và ôm thắm thiết sáu người con của biển Miền Trung, chúc họ hoàn thành nhiệm vụ, mở đường cho con đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa đạn dược vũ khí cho đồng bào Thừa Thiên - Huế đánh Mĩ - ngụy.

Nơi cập bến của con tàu là bến Hồ Chuối. Thuyền trưởng con tàu là Nguyễn Bật cùng năm anh em chiến sĩ của Hải đoàn cảm tử 125 hứa sẽ vượt qua mọi gian khổ hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Trong ánh sáng vàng vọt của cầu cảng Nhật Lệ hắt xuống, con tàu nhỏ bé như con thuyền rời bến. Những bàn tay của sáu người trên tàu vẫy vẫy, những bàn tay những người trên bờ vẫy theo. Con tàu tiến ra cửa sông và mất hút trong biển đêm. Khi đó trên bờ, khắp thị xã râm ran pháo nổ đón giao thừa cũng là  những loạt pháo đưa tiễn con tàu nhỏ bé nhưng mang sứ mệnh vinh quang và nhiệm vụ quá nặng nề hiểm nguy: Mở con đường vận chuyển vũ khí vào Miền Nam bằng đường biển.

             Dù đã được chuẩn bị gần một năm nhưng con tàu thực ra cũng chỉ là một con thuyền đánh cá cũ kĩ, lần đầu tiên đi biển xa nên có lẽ nó cũng tràn đầy hứng khởi. Cánh buồm căng gió đẩy tàu lướt trên biển phăng phăng. Cánh buồm không chỉ hứng gió đưa tàu đi mà buồm còn có tác dụng như bánh lái lái tàu đi theo phương hướng của con người xác định. Ngoài ra, tàu còn có mái chèo đề phòng khi buồm rách hoặc biển không có gió. Điều chỉnh hướng con tàu còn có bánh lái vặn bằng vô lăng. Vô lăng chuyền lực xuống bánh lái bằng dây xích. Con tàu thô sơ nhỏ bé đó khi ra khỏi dòng sông Nhật Lệ  giống như con kiến lóp ngóp trên đại dương bao la hung dữ. Đất liền đã lùi dần trong đêm và khuất bóng. Chung quanh con tàu chỉ là sóng nước mênh mông. Gió mùa đông bắc thổi rét căm căm, lồng lộng ù ù, mặt biển xanh một màu xanh đen, cuồn cuộn từng đợt sóng lừng xanh lè làm con thuyền như ngụp lặn lắc lư giữa biển khơi mịt mù. Cả sáu người vật lộn với cơn say sóng. Từng người nôn nao với một cảm giác khó chịu từ lúc  cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới có. Thế rồi từng người mửa ra cơm nước, đến đợt nôn sau thì mửa ra nước vàng, ruột gan như lộn nhào nhảy múa trong bụng đau đớn, cơn mửa đợt sau nữa thì ra dịch vị màu xanh, dịch vị của mật. Ruột gan đau như xát muối vào vết thương.

            Trời đã sáng. Biển mênh mông hiện ra tràn đầy sóng lừng hung dữ. Thuyền trưởng Nguyễn Bất động viên anh em. Anh kéo buồm hướng mũi con tàu về phía đèo Hải Vân, cái đích mà con tàu phải đến. Trong lúc người lái đang vặn bánh lái cho con tàu quay ngang vào thì ngược gió. Buồm căng hết cỡ và cây cột buồm kêu răng rắc, cột buồm gãy gục xuống boong tàu trước sự sững sờ của mọi người. Cánh buồm phủ kín cả boong, phủ hết cả mọi người. Sáu người phải loay hoay mãi mới chui ra được và tháo buồm gập lại. Con tàu không có buồm không chạy nữa nên chao đảo trôi tự do theo sóng.

            Mất buồm không chỉ mất động lực của con tàu mà còn giảm một phần lái tàu theo đúng hướng. Tất cả bây giờ chỉ trông vào bánh lái bằng gỗ kéo bằng tay chuyền lực qua dây xích sắt. Đi khoảng năm hải lí nữa bỗng nghe thấy tiếng răng rắc dưới đáy tàu. Một thủy thủ báo cáo:

- Báo cáo thuyền trưởng bánh lái bị gãy.

            Thuyền trưởng Nguyễn Bất và mọi người tái mặt:

            - Chết rồi, thật là họa vô đơn chí!

            Cột buồm gãy triệt tiêu động lực, bánh lái gãy triệt tiêu điều khiển hướng đi của con tàu. Trước sóng gió vô địch khổng lồ của đại dương, con tàu như chiếc lá giữa dòng thác xoáy. Ý chí của con người là sắt đá kiên nghị nhưng ý chí chỉ là khả năng, phải có phương tiện để con người thực hiện ý chí. Bây giờ dù có ý chí của cảm tử quân nhưng  sáu con người đành bất lực để con tàu trôi vô định, dù sáu mái chèo đã ra sức cố xoay hướng cho con tàu tiến vào bờ. Có lúc mệt quá không chèo được nữa thì con tàu trôi vô định.

            Vừa chèo vừa trôi vô định như vậy qua ba ngày ba đêm, cuối cùng một hòn đảo  hiện ra trước mắt mọi người. Trên đảo những ngôi nhà mái tôn núp dưới những bóng phi lao mờ ảo u ám của bầu trời mùa đông trên biển. Lại gần trông thấy trên đảo những vườn tỏi mênh mông bát ngát. Hỏi dân chài mới biết tàu đang ở vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi). Như vậy tàu đã đi lạc quá xa địa điểm phải đến là Hải Vân (Thừa Thiên - Huế). Bây giờ không buồm không lái, tàu đã bị nứt, nước tràn vào đầy khoang hư hỏng nặng không thể nào ngược gió trở ra Huế được nữa. Nguy cơ con tàu bị đắm chỉ còn tính từng giờ.

            Trong khi đó trên biển phía Nam đảo Lý Sơn đã xuất hiện một bóng đen như con cá mập di động. Chấm đen rõ dần hiện nguyên hình là một tàu chiến HQ của hải quân ngụy Sài Gòn. Con tàu có thể bị bắt, năm tấn đạn dược thuốc men có thể bị thu giữ, con đường Hồ Chí Minh trên biển chưa hình thành đã bị lộ. Bằng mọi giá phải giữ bí mật cho con đường. Thuyền Trưởng Nguyễn Bất ra lệnh:

            - Ném hết “hàng” xuống biển! Nhanh!

Năm người ra sức ném ném hết súng đạn thuốc men xuống biển mà lòng xót xa, tiếc đứt ruột gan.

Khi ném “hàng” xong thì thuyền trưởng Nguyễn Bất ra lệnh tung lưới ra như tàu đang đánh bắt cá. Công việc vừa xong thì tàu chiến của ngụy cũng vừa ập tới. Con tàu to lớn làm cho tàu gỗ của ta chao đảo. Trên boong con tàu đủ  loại ra đa và pháo lớn chĩa nòng vào con tàu gỗ. Trên cột tàu cao ngất ngưởng, một lá cờ ba sọc tung bay. Trên đài chỉ huy một gã thuyền trưởng trên ve áo có phù hiệu bốn bông mai bạc và một gạch (đại úy) đang cất giọng the thé chỉ huy tàu áp sát vào tàu gỗ. Con tàu gỗ chao đảo như sắp chìm. Khi đã vừa tầm, chúng dòng thang xuống tàu gỗ và sáu tên lính nhảy xuống, súng lăm lăm trong tay. Chúng bắt đầu cuộc khám xét, lục tung các lưới đánh cá, lục tung cả ván lát hầm tàu. Chúng không tìm thấy gì khả nghi nhưng viên thuyền trưởng vẫn ra lệnh:

            - Trình thẻ căn cước!

            Sáu chiến sĩ đưa thẻ căn cước. Tên lính xem rất kĩ và nói:

            - Báo cáo căn cước hợp lệ.

Viên thuyền trưởng vẫn hách dịch nghi ngờ:

- Các anh đi đâu? Chở gì? Hay vượt biển trái phép?

Thuyền trưởng Nguyễn Bất nói nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi bằng tiếng Miền Nam:

- Ông không thấy lưới à? Chúng tôi đi đánh cá?

Gã thuyền trưởng sau mấy phút đắn đo giọng đanh lại:

- Tất cả lên tàu.

Để bảo đảm cho con đường bí mật không bị lộ, sáu người cố nén không đánh trả. Sáu tên lính dí tiểu liên vào lưng họ buộc leo theo thang lên tàu của chúng. Chiếc tàu gỗ ngập nước sắp đắm bị chúng cột vào sau tàu và kéo đi. Gió mùa đông bắc càng dữ dội. Biển xanh lè những đợt sóng cuồn cuộn. Sáu chiến sĩ của Hải đoàn cảm tử nhìn biển đau xót không phải là lo cho số phận của họ mà họ mà băn khoăn không hoàn thành được nhiệm vụ như lời hứa trước khi ra đi. Họ cũng không được cho tàu nổ tung nhấn chìm tàu địch hoặc xả súng chiến đấu, họ đành chịu làm tù binh vì nghĩ đến phải giữ bí mật cho con đường trên biển, nghĩ tới đại cục. Lịch sử đã chứng minh trong giờ phút hiểm nghèo quyết định của họ là chính xác và đúng đắn.

            Từ đó cho đến mười ba năm sau con tàu gỗ chở vũ khí đầu tiên không thành và sáu chiến sĩ bị bắt không một tin tức gì. Mãi tới năm 1974, một trong sáu chiến sĩ của con tàu gỗ đó là anh Huỳnh Ba sau mười ba năm bị tù đày đã trở về. Năm chiến sĩ còn lại đã hi sinh trong các nhà tù của Mĩ - ngụy. Từ dòng Nhật Lệ đến biển đảo Lý Sơn như còn thấp thoáng bóng con tàu gỗ và sáu người con hiên ngang của Hải đoàn cảm tử.

(Còn nữa)

CVL