Từ không chiến đến hòa giải: Họ đã từng gặp nhau trên tầng không (Bài 3)

Nguyễn Việt Cường (QK7)/Thành Đô (tổng hợp)

14/12/2022 09:28

Theo dõi trên

Sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", báo chí trong và ngoài nước đều ghi nhận trong số 68 chiếc B52 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, có 2 chiếc bị Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi bởi chiến công lừng lẫy của 2 phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều, trong 2 đêm 27 và 28 tháng 12 năm 1972

Phải mấy chục năm sau, từ nhiều nguồn thông tin người ta mới biết có đến 3 chiếc B52 bị Không quân nhân dân Việt Nam hạ gục và phi công đầu tiên trên thế giới cho B52 đo ván vào đêm 20 tháng 11 năm 1971 là Vũ Đình Rạng khi đó mới 26 tuổi, quê Tiền Hải, Thái Bình.

Trong cuộc gặp gỡ và giao lưu giữa các cựu phi công Việt - Mỹ lần thứ 3 năm 2018 tại Việt Nam, lần đầu tiên có mặt phi công đã từng phục vụ tại Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC - Stregic Air Command) - David r. Volker, phi công máy bay B52.

dh1qa1-1670984580.jpg
Tổ bay B52 bị MiG21 tấn công ngày 20/11/1971 (ông Vollker đeo kính đen). Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Trước khi sang Việt Nam lần này, David r. Volker đã liên lạc vớí Trung tá phi công MiG21 - Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hàng không Việt Nam, một trong những thành viên Ban tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa cựu phi công Việt – Mỹ. Ông Volker rất tiếc khi xem danh sách ban đầu chưa có tên của phi công MiG21 Vũ Đình Rạng, ông nói: “Tôi chỉ sang nếu được gặp Vũ Đình Rạng, tôi sẽ có món quà đặc biệt cho ông ấy, xin đừng đăng vội vì tôi muốn ông ấy bất ngờ”, Tiến sĩ Hưng khẳng định: “Chắc chắn ông Rạng sẽ có mặt và ông sẽ được nghe nhiều tình tiết về trận 20/11/1971 từ người đã bắn phát tên lửa vào chiếc B52 của ông”.

Món quà mà phi công B52 Volker mang sang Việt Nam tặng phi công MiG21 Vũ Đình Rạng là bức tranh về khoảnh khắc khi tên lửa được bắn ra từ MiG21 phát nổ làm bị thương máy bay B52 mà ông Volker là lái phụ. Bức tranh do họa sĩ Peter Chilelli thực hiện. Ông Volker đặt vẽ 2 bức tranh này, một bức ông treo ở nhà, một bức ông mang sang Việt Nam làm quà.

dh2q2a-1670984640.jpg
Phi công Vũ Đình Rạng và Vollker. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngày 18/6/1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (phía Tây Bắc Sài Gòn). Sau đó một tháng, ngày 19/7/1965, Bác Hồ đến thăm Bộ đội Phòng không Hà Nội, Người căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay “B” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Ngày 12/4/1966, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 ném bom khu vực Đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), mở đầu việc đánh phá của B52 đối với miền Bắc Việt Nam. Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng PK - KQ: "B52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân".

Chấp hành chỉ thị của Bác, Quân chủng PK - KQ đã tổ chức sưu tầm các tài liệu về B52 và cử nhiều tổ công tác gồm các cán bộ giỏi, có kinh nghiệm, đem theo phương tiện trinh sát kỹ thuật hiện đại vào Khu 4, nơi có B52 đang hoạt động, để nghiên cứu thực tế và tìm hiểu qua màn hình của Radar, tìm hiểu những thủ đoạn hoạt động và cách gây nhiễu của máy bay B52. Sau những đợt khảo sát thực tế, Quân chủng PK – KQ đã cho ra đời tập tài liệu về cách đánh B52: cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” về cách đánh B52.

Trong cuốn “Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965 – 1975) nhìn từ hai phía” mà Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng là đồng tác giả có viết:“Để triển khai thực hiện quyết tâm bắn rơi B52, tháng 7/1971 Bộ Tư lệnh Không quân đã tổ chức hai Sở Chỉ huy phía trước, đó là Sở chỉ huy Tiền phương 1 (mật danh B-3), đóng tại Vinh – Nghệ An, do Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện trực tiếp chỉ huy; các sĩ quan dẫn đường Lê Thành Chơn, Hoàng Kế Thiện, có Đại đội Radar 45 đóng tại Đồi Si, Đô Lương, Nghệ An (đây chính là Đại đội sau này vào tháng 12/1972 đã phát hiện sớm nhất đội hình B52 bay vào đánh phá Hà Nội). Sở chỉ huy Tiền phương 2 (mật danh B-8) đóng tại Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình, do Phó Tư lệnh Trần Mạnh và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 Trần Hanh chỉ huy; các sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên, Tạ Quốc Hưng, Trần Hồng Hà, sĩ quan dẫn đường hiện sóng Lê Thiết Hùng và các sĩ quan tác chiến, quân báo, thông tin có nhiều kinh nghiệm. Đầu tháng 8/1971, Sở chỉ huy B-8 bắt đầu triển khai hoạt động của 3 trạm Radar để theo dõi hoạt động của B52 trong điều kiện nhiễu rất mạnh”.

Đây là những kíp trực ban Sở chỉ huy (SCH) dày dạn kinh nghiệm, mạnh nhất của KQNDVN, cùng với các phi công giỏi của Phi đội đánh đêm: Đinh Tôn, Hoàng Biểu, Trần Cung, Vũ Đình Rạng, Đặng Xây, Vũ Xuân Thiều…

Tối ngày 04/10/1971, phi công Đinh Tôn cất cánh từ sân bay Đồng Hới, SCH dẫn anh vào khu vực dự kiến B52 sẽ đánh. Do nhiễu dày đặc và Radar mặt đất không bắt được mục tiêu, phi công Đinh Tôn phán đoán và tự tìm mục tiêu bằng mắt và Radar của máy bay. Sau khi phát hiện vệt đèn nhấp nháy, anh vòng lại để tiếp cận mục tiêu nhưng đèn trên B52 tắt, cùng lúc đấy xuất hiện nhiều máy bay tiêm kích bảo vệ. Do lượng dầu không còn nhiều, Radar bị nhiễu, máy bay tiêm kích của địch nhiều vì vậy SCH dẫn anh về sân bay Thọ Xuân hạ cánh. Tuy không tiêu diệt được B52 nhưng đây là lần đầu tiên MiG21 tiếp cận máy bay B52. Không quân Mỹ cũng tăng cường lực lượng tiêm kích bảo vệ và sử dụng các loại nhiễu nhiều hơn. Một thời gian dài, B52 không vào đánh phá khu vực trên nữa.

Qua trận đánh, chúng ta đã tổ chức rút kinh nghiệm và hoàn thiện thêm về cách đánh B52. Tất cả cho trận đánh B52 tiếp theo đã được chuẩn bị hoàn hảo và bí mật tuyệt đối. Phi công sẽ bay theo phương án đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, không liên lạc với SCH trên quãng đường bay dài

Ngày 20/11/1971 hai chiếc MiG21 bí mật chuyển sân vào sân bay Vinh và sân bay Anh Sơn. Sân bay Anh Sơn có chiều dài 1.800m, rộng 27m, lát bằng ghi sắt, địa hình hiểm trở.

19h30 ngày 20/11/1971, SCH tiền phương của Quân chủng bắt được tín hiệu nhiễu của B52 từ Thái Lan bay qua, phi công Hoàng Biểu được lệnh cất cánh bay lên nghi binh; khi lên cao thì Radar địch phát hiện, chúng cho B52 quay về, SCH dẫn anh về Nội Bài hạ cánh.

Cho rằng KQNDVN chỉ có một MiG21 trực ở Khu 4 nên khoảng 1 giờ sau Mỹ lại cho B52 bay vào. Từ sân bay Anh Sơn, phi công Vũ Đình Rạng được lệnh cất cánh theo đúng như phương án: bay thấp để bảo đảm bí mật, hạn chế liên lạc qua máy đối không. Khi cách mục tiêu khoảng 15km anh được lệnh của SCH vứt dầu phụ, bật Radar và bắt được tín hiệu của 3 chiếc máy bay B52. Khoảng cách lúc này từ MiG21 đến chiếc B52 số 3 trong đội hình khoảng 6km, máy bay MiG21 bay thấp hơn đội hình B52, Vũ Đình Rạng kéo máy bay lên cao và bám chiếc B52 khác, anh xin phép công kích. Trung tá Trần Hanh ở SCH tiền phương B-8 cho phép và động viên anh bình tĩnh công kích.

Sau khi bắn một quả tên lửa, Vũ Đình Rạng tăng lực thoát ly. Lúc này phát hiện một B52 khác vẫn còn nhấp nháy đèn, anh cho máy bay lao xuống bám sát mục tiêu, phóng tên lửa sau đó bay về sân bay Anh Sơn hạ cánh an toàn.

Lái phụ chiếc B52 bị tên lửa MiG21 bắn bị thương, phi công Vollker kể lại: Ba chiếc B52 cất cánh từ Utapao, máy bay của ông ta bay số 1 của đội hình, vì Radar của xạ thủ ở đuôi máy bay bị hỏng, nên máy bay lui về bay ở vị trí số 2, nhưng vẫn chỉ huy tốp bay. Khi đã ổn định đường bay để vào ném bom, thì Radar của Mỹ cảnh báo có MiG21 đang hoạt động, tốp B52 chuyển hướng bay, đúng lúc đang vòng thì máy bay của ông ta bị MiG21 tấn công, phi công Vollker cảm thấy máy bay bị rung và lắc mạnh, quay sang cửa sổ nhìn ra thấy chiếc MiG-21 đang vòng để thoát ly. Ngày 20/11/1972 Vollker và các phi công B52 cảm thấy như gặp cơn địa chấn vì lần đầu tiên trên thế giới, máy bay B52 bị thương do MiG21 tấn công. Ông nói từ cái đêm đáng nhớ ấy, ông luôn mang theo hai kỷ vật (chiếc mũ callo và chiếc kính râm mà ông đã dùng khi chụp ảnh tổ bay B52 ở Utapao) như bùa hộ mệnh. Khi Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hưng hỏi: Ông có tham gia Chiến dịch Linebacker 2 (12/1972) không? Thì ông Vollker trả lời: Rất may là tôi không được gọi, B52 tổn thất nhiều quá.

Ông Bob Laymon – phi công lái các chuyến bay chuyên cơ cho các chỉ huy cấp cao nhất của Không lực Hoa Kỳ lúc đó, người được chứng kiến hệ quả của “cơn địa chấn” do MiG-21 của Bắc Việt Nam lần đầu tiên tấn công và suýt bắn rơi B-52 của Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược Mỹ (SAC), kể lại: “Lần đầu tiên MIG-21 Bắc Việt Nam xuất kích bất ngờ, tiếp cận không bị phát hiện và công kích trực tiếp vào đội hình B52 thực sự gây sốc cho toàn bộ Không quân chiến lược Hoa Kỳ. Phía Mỹ buộc phải tạm dừng sử dụng B52 đánh vào Khu 4 của Bắc Việt Nam trong một thời gian dài”.

Chiếc máy bay B52 may mắn không bị nổ tung, nhưng nó đã vĩnh viễn bị loại khỏi vòng chiến đấu, không còn có thể tiếp tục gây thêm tội ác được nữa.

Sau đêm 20/11/1971, một thời gian rất dài, máy bay B52 đã không còn hoạt động ở các trọng điểm Khu 4. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển chi viện cho tiền tuyến trên đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến công của phi công Vũ Đình Rạng là kinh nghiệm quí báu để KQNDVN hoàn chỉnh cách đánh B52, góp phần đáng kể vào chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

( còn nữa )

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Từ không chiến đến hòa giải: Họ đã từng gặp nhau trên tầng không (Bài 3)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn