Tuyên Quang: Huyện Lâm Bình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững

Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương nằm trong lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang phong phú, nguồn nước ổn định, khí hậu phù hợp với điều kiện phát triển Thủy Sản với 3.500 ha mặt nước, huyện Lâm Bình khuyến khích bà con sử dụng diện tích nước mặt hồ sang phát triển thủy sản.

Ông Trần Văn Chung – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cho biết: Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự đầu tư hoặc mạnh dạn vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, chương trình hỗ trợ sản xuất của các tổ chức Hội, đoàn thể đầu tư xây dựng lòng nuôi, thức ăn đối với những hộ có hướng nuôi cá. Huyện khuyến khích và có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nuôi cá. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân, hướng tới cung cấp sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

ong-nguyen-van-tung-o-thon-na-1624680316.JPG
Gia đình ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm có thâm niên 14 năm nuôi cá

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 280 lồng cá diện tích nuôi cá tại các xã Khuôn Hà, Phúc Yên tiêu thụ rất chậm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho tổ chức, cá nhân và giảm năng suất, sản lượng cá hàng năm của huyện. Khắc phục khó khăn, Phòng tích cực vận động hộ nuôi thủy sản chọn giống cá phù hợp khí hậu địa phương như: Trắm, Chép, Lăng, Chiên, Bống. Vận động, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh và chủ động thuốc phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn huyện có trên 3.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích ao và hồ nhỏ trong dân nuôi trên 56 ha. Những hộ gia đình nuôi thủy sản truyền thống nói chung đã khôi phục lại diện tích nuôi trồng và bắt đầu xuất bán cá thương phẩm ra thị trường.

Là một trong những hộ có diện tích nuôi cá lớn trên địa bàn, được thương lái đến đặt mua với số lượng lớn và ổn định, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm có thâm niên 14 năm nuôi cá taị khu Bản Phát có động lực, điều kiện đầu tư chăm sóc tốt hơn. Ông Tùng cho biết cho biết: Năm 2008, vợ chồng mua cá giống Nheo và Trê phi, Chép về thả. Những năm đầu thiếu kinh nghiệm, cá hay bị dịch bệnh, gia đình từng mất trắng cả lứa cá. Tích cực học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó áp dụng vào thực tế. Đồng thời, chủ động đăng ký tham gia lớp tập huấn, dạy nghề nuôi cá nước ngọt do cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức. Đến nay gia đình anh nuôi trên 40 lồng cá các loại như Chiên, Lăng, Trắm cỏ, Bỗng mỗi lồng đạt từ 2,5 tấn đến 2,7 tấn cá thương phẩm, cá ít dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân cho thu nhập gần 700 triệu đồng/năm.

Xác định nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản suất nông nghiệp. Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, nuôi trồng thủy sản theo các hình thức an toàn. Mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con có thêm kiến thức chăm sóc, phòng dịch bệnh cho cá, lựa chọn cá giống chất lượng tốt nhất . Tuy nhiên, huyện khuyến cáo người dân đầu tư nuôi cá trên địa bàn gắn nuôi trồng, khai thác với bảo vệ môi trường, chú ý nguồn nước, hệ sinh thái. Với những nỗ lực các cấp, ngành huyện Lâm Bình, nhất là người dân, hợp tác xã, ngành thủy sản của huyện từng bước phát triển ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.