Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 15

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 15

     Lê Thái Tổ nói:

-Miễn lễ, bách tính đứng dậy cả đi.

-Tạ ơn Hoàng thượng.

Khi bách tính đã đứng dậy, Lê Thái Tổ nói tiếp:

-Đèo Cát Hãn nghe chỉ.

Đèo Cát Hãn quỳ xuống:

Tiểu nhân nghe chỉ.

Nay tha tội chết cho Đèo Cát Hãn, phong làm Tư mã, khanh phải có nhiệm vụ trung thành với triều đình, tổ chức phòng thủ, coi sóc biên cương, tiêu trừ giặc dã, trộm cướp, ngăn chặn giặc ngoại xâm, bảo đảm đời sống bình an cho bách tính. Trẫm đã ban bố chính sách ruộng đất quân điền, chia ruộng đất cho các gia đình nông dân để họ tự sản xuất, làm ăn. Nay tại đây ta cũng chia ruộng đất cho mọi nhà, của quan chức thổ ty thì nhiều hơn của dân thường để bách tính có ruộng đất làm ăn thì đời sống sẽ no ấm. Ruộng đất ở đây ít thì chia cả đồi và rừng để họ chăm sóc bảo vệ và thu nhập. Phải mở trường lớp dạy chữ cho con em để lớn lên họ làm việc, phải duy trì phong tục tập quan tốt đẹp, còn hủ tục thì bỏ bớt đi. Còn bách tính cũng phải siêng năng đẩy mạnh sản xuất, giúp cho quan lại địa phương thi hành nhiệm vụ, giữ gìn kỷ cương phép nước và kỷ cương của địa phương. Ái Khanh Đèo Cát Hãn phải thực thi ngay những chỉ dụ của trẫm. Ta sẽ thường xuyên cử Khâm sai đại thần về kiểm tra và úy lạo bách tính, có công được thưởng, có tội sẽ nghiêm trị.

Ba vạn bách tính lại quỳ xuống:

-Đa tạ Hoàng thượng, cảm ơn công đức của Hoàng thượng. Ơn đức của Hoàng thượng đã thấm sâu xuống vùng Tây Bắc xa xôi này. Chúng thảo dân không bao giờ quên.

Đèo Cát Hãn nói:

-Đa tạ Hoàng thượng đã tái sinh ra thần lần thứ tư, thần sẽ đem hết sức lực già còn lại thực hiện lời căn dặn của Hoàng thượng, thương yêu chăm sóc bách tính, coi họ như con.

Lê Thái Tổ hỏi:

-Ái khanh có đứa con nào lớn nhất?

-Dạ bẩm Hoàng thượng, thần có đứa lớn nhất là Đèo Cát Vượng.

-Công tử đâu?

-Đèo Cát Vượng, con hãy  lạy tạ Hoàng thượng đi.

Một thanh niên khoảng 16 tuổi quỳ và rập đầu nói:

-Thảo dân xin kính chào Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn vạn tuế.

Lê Thái Tổ nói:

-Miễn lễ, đứng dậy đi, Vượng nhi có vẻ thông minh đấy. Nếu khanh đồng ý ta sẽ đem nó về kinh thành dạy dỗ cho nó biết chữ và học tập nên người để sau trở về cai quản quê hương Tây Bắc, kẻo sau khanh già không có ai thay thế.

Đèo Cát Hãn cảm động gần nhứ khóc, cả nhà lại rập đầu:

-Đa tạ Hoàng thượng, đa tạ công ơn như rừng như núi của Hoàng thượng. Xứ Tây Bắc xa xôi đội ơn Hoàng thượng muôn đời.

Canh giờ sau Lê Tư Tề và các tướng đón Lê Thái Tổ vào trại quân cơm nước. Xế chiều Lê Thái Tổ trao quyền chỉ huy kỵ binh cho Lê Tư Tề, còn nhà vua cùng Lê Sát đi thuyền của thủy quân về kinh đô vì quá trình hành quân theo Kỵ binh, sức lực Lê Thái Tổ đã giảm sút và mệt mỏi. Bộ binh và kỵ binh lại rầm rộ tiến về xuôi. Lê Lợi lên xe đi ra hướng sông Đà. Ba vạn bách tính Phủ Lễ tiễn đưa nhà vua ra tận bờ sông. Khi nhà vua đã lên thuyền, bách tính quỳ xuống bờ sông hô vang:                                       -

-Đa tạ Hoàng thượng đã đem lại thái bình, ruộng đất, rừng nương cho bách tính Phục Lễ. Đa tạ. Đa tạ. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế…

Lê Thái Tổ trên chiến thuyền vẫy tay chào bách tính.

Đoàn thuyền chiến đi đã xa mà tiếng hô của dân chúng còn vang theo. Bóng họ mờ dần trong buổi chiều sương khói. Đoàn thuyền theo dòng sông Đà về Thuận Châu. Bóng chiều xuống dần, sương buông trắng xóa, dòng sông quanh co nước chảy cuồn cuộn. Rừng núi nhấp nhô chìm dần vào màn đêm. Ánh đèn trên các chiến thuyền như sao sa lướt trên sông như dãy ngân hà ở hạ giới đang trôi về xuôi. Sớm hôm sau đoàn chiến thuyền đi trên đoạn sông có vẻ bằng phẳng, đỡ quanh co. Lê Thái Tổ hỏi Lê Sát:

-Ái khanh có biết đây là địa phận phủ nào không?

Lê Sát đáp:

-Dạ bẩm Hoàng thượng, đây vẫn là địa phận châu Phục Lễ, phủ Sìn Hồ ạ.

Lê Lợi nói:

-Tướng quân hãy cho dừng thuyền.

-Thần tuân chỉ.

-Dừng thuyền lại, tất cả các thuyền bỏ neo.

Mệnh lệnh được các thuyền truyền đi, đoàn thuyền dừng lại dằng dặc hùng dũng trên dòng sông nước tuôn cuồn cuộn. Lê Thái Tổ ngắm phong cảnh bên hữu dòng sông thấy rừng rậm cây cao ngất chạm trời xanh, có tiếng hươu nai gầm tác. Một trái núi cao nhất đứng soi mình ngay sát bờ sông, vách núi dựng đứng, bằng phẳng như một cái bảng đá khổng lồ nhưng không có chữ. Lê Thái Tổ nhìn ngắm giang sơn gấm vóc và nói với Lê Sát cùng tùy tùng:

Có một tấm bia mà trời chờ ta đến viết cái gì lên đó để ghi dấu tích võ công lưu lại muôn đời cũng là nhắc nhở hiện tại và mai sau, phải giữ gìn biên cương Tây Bắc và chăm lo cho bách tính ở đây.

Lê Sát nói:

-Hoàng thượng nói phải lắm. Trong binh thuyền ta có một đội công binh thủy chiến, họ có thể trèo lên bằng thang dây, dùng búa và đục chữ vào đá. Hoàng thượng viết gì đi, thần ra lệnh họ làm ngay. Nhưng thần e ngại…

-Khanh e ngại điều gì?

-Dạ bẩm thần sợ Hoàng thượng chờ đợi lâu, công trình này ít nhất phải một ngày một đêm mới xong.

-Không sao, ta có thể ở lại.

-Nhưng Hoàng thượng viết có dài không?

-Khoảng hơn 100 chữ Hán.

-Dạ, vậy thần cho tổ chức thực hiện.

Lê Thái Tổ nói:

-Cho thủy binh ăn uổng nghỉ ngơi, tuy nhiên phải bố trí canh phòng quanh sông nơi chiến thuyền ta neo đậu rồi mới cho công binh làm việc.

-Thần tuân chỉ.

-Trong khi Lê Sát cho đội công binh leo lên núi, buộc thang dây dòng xuống vừa mặt đá phẳng thì Lê Thái Tổ gọi:

-Kê chiếc bàn và đem giấy mực ra đây.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Và Lê Thái Tổ chăm chú ngồi viết, canh giờ sau văn bản được viết xong. Lê Thái Tổ đưa cho Lê Sát:

-Ái khanh đọc đi.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Lê Sát đọc thì tờ văn bia được chia làm hai phần, phần văn khoảng 123 chữ Hán, một bài thơ ngũ ngôn bát cú. Văn bia được dịch ra như sau: “Kẻ phản nghịch là mối họa ở vùng biên giới, từ cổ đã có như Hung Nô đời Hán, đột Quyết đời Đường và các tộc người Man ở miền tây nước Việt ta. Ít lâu do chính sự cuối đời Trần, Hồ suy yếu, bọn phiên thần hung hăng táo tợn, Cát Hãn khư khư giữ tật cũ, ngoan cố không sửa đổi. Nay ta đem quân tiến đánh, hai quân thủy bộ cùng tiến. Đánh một trận là dẹp yên ngay. Nhân làm một bài thơ luật, khắc vào đá núi để răn các tù trưởng đời sau ngang ngạnh phải tuân theo đức hóa.

Thơ rằng:

Bọn giặc dữ tránh sao trừng phạt

Dân biên thùy khao khát chờ ta

Lạ chi thói kẻ gian tà

Từ nay đất hiểm hóa ra yên lành

Tiếng gió hạc đủ kinh hồn giặc

Núi sông ta vào một bản đồ

Khắc trên đá núi bài thơ

Miền Tây nước Việt muôn thu vững vàng.

   Ngày lành thượng tuần tháng 1 năm Nhâm Tý 1432 Ngọc Hoa Động chủ đề.

(Còn nữa)

CVL