Kỳ19
Nhà Minh cho Sơn Thành hầu Vương Thông sang thay chức Tổng Binh của Trần Trí. Vương Thông đem 5 vạn quân vào Đông Quan hợp với 5 vạn quân có sẵn là 10 vạn quân. Vương Thông đem 10 vạn quân mở cuộc phản công ra hướng Cao Bộ nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Đinh Lễ, Nguyễn Xí đem quân mai phục ở Tốt Động-Chúc Động (Chương Mỹ, Hà Tây). Vương Thông cùng 10 vạn quân lọt vào trận địa mai phục, bị quân ta giết 6 vạn, nhiều võ quan cao cấp tử trận. Vương Thông bị trọng thương phải đem tàn quân chạy vào thành Đông Quan cố thủ. Quân Lam Sơn tiến vào bao vây Đông Quan. Tại mặt trận Tây Bắc, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đánh tạn viện binh của địch từ Vân Nam tiến xuống, quân Minh phải chạy vào thành Tam Giang (Phú Thọ) cố thủ. Tại thành Nghệ An, Lý An, Phương Chính để Thái Phúc giữ thành, còn hai tướng đem quân chạy ra Đông Quan, hợp binh với Vương Thông. Lê Lợi cho Lê Văn Linh, Lê Văn An ở lại Nghệ An vây thành, còn ông kéo đại quân ra miền Bắc. Trong khi bao vây Đông Quan do chủ quan lỏng lẻo quân Lam Sơn bị Vương Thông xông ra đánh úp, Lý Triện tử trận, Đinh Lễ bị bắt và bị giết, Nguyễn Xí bị bắt nhưng trốn thoát. Lúc này Bình Định Vương đã ra bến Bồ Đề Gia Lâm chỉ huy các trận đánh giải phóng miền Bắc.
Cuối năm 1427 quân Minh bị vây ở các thành vô cùng khốn đốn, nhất là Đông Quan, nhưng Vương Thông ngoan cố, phá tan giao ước đầu hàng và lại cầu viện binh. Vua Minh Tuyên Tông cử 15 vạn viện binh sang cứu. Đạo 10 vạn quân do An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy theo đường Quảng Tây vào ải Chi Lăng, theo đường Lạng Sơn tiến xuống, đạo 5 vạn quân do Kiềm quốc công Mộc Thạnh từ Vân Nam theo đường Lào Cai tiến xuống. Do viện binh của quân Minh tiến sang, quân Lam Sơn đứng trước 3 khối quân lớn: Đạo viện binh 10 vạn quân của Liễu Thăng, đạo viện binh của Mộc Thạnh gồm 5 vạn quân, khối quân thứ ba là 10 vạn quân Minh đang bị vây ở các thành Tân Bình, Nghệ An, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh, Xương Giang, Điêu Diêu, Tam Giang, Đông Quan. Nghe theo ý kiến của các mưu sĩ quân sư, Lê Thái Tổ tập trung quân đánh bại đạo quân của Liễu Thăng, đạo quân này bị tiêu diệt thì đạo quân Mộc Thạnh không đánh cũng tan rã tháo chạy, đạo quân ở các thành cũng sẽ đầu hàng. Riêng thành Xương Giang và Tam Giang nằm trên đường của viện binh đi qua nên phải tiêu diệt bằng được trước khi viện binh tới, triệt tiêu những căn cứ mà viện binh dựa vào để cố thủ. Cho nên 2 thành Xương Giang và Tam Giang đã được quân Lam Sơn triệt hạ trước khi viện binh tiến vào Đại Việt. Thành Xương Giang, quân Minh đã cố thủ được 6 tháng. Đánh thành Xương Giang do Nguyễn Trãi chỉ huy cùng các tướng Thái úy Trần Nguyên Hãn, Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Nguyễn Lý đã hạ thành chỉ trước 10 ngày Quân Minh tràn vào Đại Việt. Thành Điêu Diêu ở Thị Cầu- Bắc Ninh cũng bị tiêu diệt sau đó. Thành Tam Giang ở Việt Trì đã bị các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả chỉ huy quân Lam Sơn triệt hạ.
Lê Lợi điều các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lãnh, Đinh Liệt, Lê Thụ, Lê Văn An, Nguyễn Lý lên giết giặc ở mặt trận Lạng Sơn- Xương Giang. Ngày 18 tháng 9 âm lịch năm 1427, Liễu Thăng bỏ 9 vạn quân đi phía sau, tự đem 100 quân và 1 vạn quân đi trước đuổi theo quân của tướng Trần Lựu ra đánh giả thua chạy, Liễu Thăng bị dụ vào trận địa mai phục và bị chém chết ở gò Mã Yên, ải Chi Lăng Lạng Sơn. Lương Minh lên thay Tổng chỉ huy cố đem 9 vạn quân tiến xuống Xương Giang, bị quân Lam Sơn mai phục chặn đánh ở ở Cần Trạm- Kép, Lương Minh bị chém chết, Thượng thư Lý Khánh sợ hãi tự sát, 4 vạn quân Minh bị tiêu diệt. Hoàng Phúc, Thôi Tụ còn 5 vạn quan cố chạy về thành Xương Giang may ra còn thành để cố thủ. Nhưng đến nơi thì thành Xương Giang đã bị hạ. Quân Minh đành phải đóng ở cánh đồng mà không có thành trì, hào lũy. Lê Lợi sai Trần Nguyên Hãn chặn đường vận tải lương thực của giặc, sai các tướng Phạm Vấn, Lê Khôi, Lê Sát, Nguyễn Lý, Lưu Nhân Chú, Lê Văn An bao vây và tổng công kích, tiêu diệt 5 vạn quân Minh, 3 vạn quân bị bắt cùng tướng giặc Hoàng Phúc. 10 vạn quân của đạo quân Liễu Thăng chỉ còn 1 tên chạy thoát về Trung Quốc.
Đạo quân 5 vạn tên của Mộc Thạnh mới vượt qua biên giới vào Quy Hóa (Lào Cai) nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt hoảng hốt tháo chạy, bị các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đuổi theo chém hơn 2 vạn tên, bắt sống 1.000, thu được nhiều ngựa và lương thực khí giới.
Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427) Lê Lợi cùng các tướng bại trận nhà Minh: Sơn thành hầu Tổng binh Vương Thông, Tham mưu Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh Xương hầu Trần Trí, An Bình hầu Lý An, Đô ty Phương Chính, Chưởng Đô ty sự Trần Huyền, Trần Hựu, Giám sát Ngự sử Chu Kỳ Hậu, Cấp sự trung Viết Thanh, Hữu Bố Chính sứ Dặc Khiêm, Tả hữu tham chính Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Lục Quảng Bình, Án Sát sứ Dương Thời Tập, Thiêm sự Quách Đoan Hầu hội thề ở cửa Nam thành Đông Quan. Vương Thông thề không bao giờ sang xâm lược Đại Việt, thề ngày 12 tháng 12 năm 1427 sẽ rút hết quân về nước.
Lê Lợi ra lệnh cho quân Lam Sơn đang bao vây các thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cho phép quân Minh ra Đông Quan, hội quân với Vương Thông cùng về nước. Lê Lợi cho quân Minh rút làm hai cánh: cánh đường thủy gồm 500 chiến thuyền do Phương Chính, Mã Kỳ chỉ huy. Cánh đường bộ do Sơn Thọ, Hoàng Phúc chỉ huy, còn 2 vạn tù binh, 2 vạn ngựa do Mã Anh chỉ huy, tất cả được cấp lương thực nước uống đủ về tới nước Minh. Lê Lợi cử Chinh man tướng quân Trần Tuấn đem quân Việt đi theo áp tải. Tất cả quân Minh khi đi qua Bồ Đề biết Bình Định Vương còn ở đó đều quỳ xuống vái lạy công ơn Lê Thái Tổ không giết. Đất nước Đại Việt được giải phóng, sạch bóng quân thù. Lê Lợi sai Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại cáo” bố cáo cho thiên hạ biết cuộc kháng chiến chống giặc Minh đã thắng lợi, đất nước được thái bình, độc lập, Nam- Bắc thôi việc binh đao.
Trong dòng hồi ức về nhưng năm tháng lãnh đạo khởi nghĩa và chiến tranh giành độc lập dân tộc, Lê Thái Tổ sống lại những ngày hào hùng, oanh liệt. Trước mắt ông như sống lại những bức tranh quân reo ngựa hí, trống trận vang lừng, cờ xí tung bay rợp trời, quân đi như hùm như sói, những tướng sĩ với ông cùng một lòng phụ tử. Nghĩ tới đó Lê Thái Tổ nhớ tới những tướng lĩnh đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như Lý Triện, Đinh Lễ, Lê Lai, Lê Thạch (con trai Lê Học, anh cả của Lê Lợi, được tuy phong Trung Vũ Vương) và hàng vạn binh sĩ có danh, vô danh, làm sao mà đền ơn cho họ hết được. Những người còn sống đã được Lê Thái Tổ ban tước vị, chức vụ, ruộng đất, cho hưởng bổng lộc, phú quý. Lê Thái Tổ bỗng nhớ tới hai vị khai quốc công thần Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo đã bị bọn gian thần vu oan mà chết, trong đó có một phần trách nhiệm của ông. Cộng tác với nhau 15 năm trời mà ông chưa hiểu hết tính cương liệt của họ, sẵn sàng chết để minh oan cho mình, sẵn sàng chết vị danh dự, coi cái chết nhẹ như mây bay gió thổi. Nếu mai đây bình phục thiết triều được có lẽ ông sẽ xuống chiếu minh oan cho Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Còn một việc hệ trọng liên quan đến triều đại, đến quốc gia, ông phải làm trước khi xa rời trần thế, đó là việc chọn người kế vị ngai vàng.
(Còn nữa)
CVL