Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 17

PGS TS Cao Văn Liên

21/08/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 17

   Lê Lợi sinh ngày 10 tháng 9 năm 1385 trong một gia đình hào trưởng ở Lam Sơn, Lôi Dương (Thọ Xuân) Thanh Hóa, Cha là Lê Khoáng (truy tôn Trình Phúc Hoàng đế), thân mẫu là Trịnh Ngọc Thương (truy tôn Hiển phúc Hoàng hậu) sinh ra anh cả là Lê Học (truy tặng Chiêu Hiếu Đại Vương), thứ hai là Lê Trừ (truy tặng Lam Quốc công) và Lê Lợi. Ông bà còn sinh ba người con gái, sau này là Quốc trưởng công chúa Ngọc Vĩnh, công chúa Ngọc Tá và công chúa Ngọc Tiến. Lê Lợi sinh ra và lớn lên lúc vương triều Trần đến hồi tàn tạ suy vong, quyền hành triều đình vào tay quyền thần Hồ Quý Ly. Năm 1397 Hồ Quý Ly buộc triều đình dời kinh đô về Tây Đô Thanh Hóa. Năm 1400 Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, dựng ra một triều đại mới là triều Hồ. Vua cuối cùng nhà Trần là Trần Thiếu đế, Cháu Ngoại Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly làm vua một năm thì truyền ngôi cho con thứ hai là Hồ Hán Thương, về làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm quyền bính của triều đình, của đất nước. Hồ Quý Ly đã tiến hành một loạt cải cách về kinh tế, quân sự, văn hóa, quân sự để mong cứu vãn chế độ phong kiến dựa trên kinh tế điền trang thái ấp từ mấy trăm năm nay đã hết sức sống và đưa chế độ xã hội, kinh tế đến cuộc khủng hoảng trầm trọng, Nhưng những cải cách của Hồ Qúy Ly bị thế lực nhà Trần chống lại, quý tộc nhà Hồ cũng cướp đoạt hết ruộng đất lấy được từ tay quý tộc nhà Trần, cuối cùng nông dân vẫn không có ruộng đất càng nghèo khổ hơn xưa. Cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến vô phương cứu chữa. Năm 1406-1407, Giặc Minh đem 20 vạn quân sang xâm lược. Cậy có thành Đa Bang vững chắc, cậy có súng thần công mạnh gọi thần cơ sang pháo đặt trên thành, Hồ Quý Ly sai con cả là Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đem 10 vạn quân lên cố thủ ở thành Đa Bang. Kết quả thành Đa Bang nhanh chóng thất thủ và sau đó Đông Đô mất vào tay giặc Minh. Tại trận Hàm Tử, quân nhà Hồ giao chiến một trận lớn với giặc Minh, 10 vạn quân Hồ bị tiêu diệt và tan rã. Năm 1407 kinh đô An Tôn Tây Đô thất thủ. Vua tôi nhà Hồ chạy vào Hà Tĩnh thì bị bắt, vậy là tháng 6 năm 1407 nhà Hồ sụp đổ. Đại Ngu (Đại Việt) bị quân Minh thống trị bóc lột dã man tàn bạo theo chế độ diệt chủng và tiêu diệt nền văn hóa Đại Việt.

Nhân dân Đại Việt căm thù cực độ quân xâm lược tàn bạo đã liên tục nổi dậy chống lại chúng. Lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần do Giản Định Đế và Trùng Quang Đế lãnh đạo, nhưng cuộc quật khởi này đã bị quân Minh tiêu diệt năm 1413 (1407-1413).

Vốn có lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc, quyết tâm cứu dân, cứu nước cho nên lớn lên Lê Lợi đã trau dồi binh thư. Lê Lợi là người thiên tư, tuấn tú khác thường, lớn lên thần sắc minh anh kỳ vĩ, mắt sáng mũi cao, trên vai có nốt ruồi đỏ, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hổ. Khi nhỏ Lê Lợi được người anh là Lê Học nuôi nấng, dạy dỗ.

  Để thực hiện mục đích khôi phục quốc gia, đánh đuổi quân thù, Lê Lợi đã tôn người hiền tài, bỏ tiền giúp đỡ người nghèo, nuôi binh sĩ, sử dụng những người chống đối quân Minh. Anh hùng hào kiệt khắp nơi nghe tiếng đều về quy phục. Tướng Hoàng Phúc nhà Minh biết tiếng mời ông ra làm quan nhưng Lê Lợi không ra. Lê Lợi ẩn mình ở rừng núi làm nghề cày cấy, đọc kinh sử, chuyên tâm đọc sách binh thư, thao lược, hậu đãi các tân khách, chiêu nạp những kẻ căm thù nhà Minh, ngầm nuôi mưu trí, bỏ của phát thóc để nuôi kẻ côi cút nghèo khó, hậu lễ nhún thời để thu hút anh hùng hào kiệt. Lê Lợi quả nhiên đã cảm phục được họ. Các anh hùng hào kiệt đã lần lượt đến tụ nghĩa như Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, Trịnh Võ, Vũ Uy Lê Liễu, Xa Lợi.

  Năm 1416, Lê Lợi mở hội thề Lũng Nhai ở làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện miền núi cao Thường Xuân, Thanh Hóa. Hội thề diễn ra ngày Kỷ Mão, tháng 2 năm Canh Dần 1416. Tham gia gồm 19 anh hùng hào kiệt đến với Lê Lợi đầu tiên, bao gồm  Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến.

 Một buổi sáng mùa xuân năm Canh Dần, núi rừng Thường Xuân cao vót đậm một màu xanh như chạm trời. Sương giăng trắng xóa nom trời đất càng linh thiêng, gió se lạnh. Tại thung lũng Làn Mé, trong không khí thanh bình hoang vu, 19 vị anh hùng hào kiệt đứng đầu là Lê Lợi đứng trước bàn thờ có bài vị các vua Hùng, Cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, linh vị của các thần thánh, anh hùng nước Đại Việt đã có công chống xâm lăng, bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc. 19 vị anh hùng hào kiệt đốt hương cắm vào các bát hương. Trước bàn thờ, 19 người cúi đầu hành lễ. Một hồi trống vang lên khua vang rừng núi. Tiếng trống vừa dứt, Lê Lợi cất tiếng đọc lời thề: “Phụ đạo lộ Khả Lam nước Đại Việt là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo Nhiên Thượng đế, Hậu thổ hoàng địa và các tôn linh thần bậc Thượng, thần bậc Trung, thần bậc Hạ coi sông núi ở các xứ nước ta. Cúi xin chứng giám cho: Rằng có bạn ở phương xa đến kết giao vui vẻ cùng giữ lòng tín. Vì thế phải có lễ tấu cáo. Nay ở trong nước, tôi là Phụ đạo lộ Khả Lam nước Đại Việt là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lưu Nhân Chú, Lê Bôi, Nguyễn Lý, Đinh Lan, Trương Chiến, tuy họ hàng quê quán khác nhau nhưng kết nghĩa, thân nhau như một tổ liền cành, phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng một họ.

  Có kẻ bằng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến 19 người chung sức đồng lòng giữ gìn đất nước, làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề sắt son.

  Tôi cúi xin trời đất và các vị thần linh chứng giám, ban cho trăm phúc, đến thân mình, nhà mình, con cháu trong họ hàng đều được yên vui hưởng lộc trời. Nếu như Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến sinh lòng này khác, cầu ơn hiện tại, núp bóng quân thù, không cùng một lòng, quên lời thề ước, chúng tôi muốn trời đất và các thần linh giáng trăm tai ương, trị mình cho đến họ hàng, con cháu đều bị tru diệt, chịu hết hình phạt của trời,

  Kính xin có lời thề”.

  Lê Lợi đọc xong, cả 19 người đều cúi đầu vái lạy tổ tiên thánh thần Đại Việt, sau đó tất cả uống chung một bát rượu để tỏ lòng sống chết gian khổ có nhau, một lòng đồng tâm cứu nước.

  Đầu năm 1418 do tên Việt gian Lương Nhữ Hốt thông báo về hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa của Lê Lợi, quân Minh chuẩn bị tấn công lên Lam Sơn. Lê Lợi quyết định dấy binh khởi nghĩa. Lê Lợi nói: Ta cất quân đánh giặc không phải có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”.

  Mùa xuân ngày 2 tháng 2 năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng các hào kiệt Phạm Vấn, Lưu Nhân Chú, Lê Văn An, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Lý…tất cả 50 tướng văn và võ, trong đó có 19 người từng tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 chính thức phát động cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi xưng là Bình Định Vương. Tướng võ là Lê Thạch, Đinh Lễ, Lê Vấn, Nguyễn Lý, Lê Ngân...35 người.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 17" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn