Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 16

PGS TS Cao Văn Liên

20/08/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 16

Trưa hôm sau, giữa cảnh núi rừng hùng vĩ, Lê Thái Tổ cùng các tướng lĩnh và các thủy binh nhìn xem tấm bia sừng sững được khắc vào vách núi đá Pú Huồi Chõ, Thác Lai, sông Đà, bản Chang, phủ Sìn Hồ, châu Phục Lễ (phường Lê Lợi, T.p.Lai Châu). Bia cách mặt nước 50m . Một vạn quân quỳ xuống hô vang:

-Xin chúc mừng Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, đứng dậy đi.

-Tạ ơn Hoàng thượng.

Lê Lợi nói:

-Ta sẽ dịch và đọc cho các tướng và quân sĩ cùng nghe.

-Đa tạ hoàng thượng.

Lê Thái Tổ nói tên bài thơ là Hoàn Lai cơ bí, nội dung là răn dạy các thế lực không được phản loạn rồi ra lệnh cho đoàn chiến thuyền đi về kinh đô. Tháng 3 năm 1432, đoàn thủy binh đi đến đoạn sông Đà, qua địa phận Thác Bờ (chợ Bờ Hòa Bình). Lê Thái Tổ lại cho khắc bài thơ thứ hai lên vách núi đá một ngọn núi Hào Tráng (Xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Nội dung văn bia viết: “Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ để báo cho đời sau biết. Trên đường đi đánh dẹp bọn phản loạn ở Mường Lễ, như có ý chống lại giáo hóa của ta, thì lập tức tiêu diệt ngay, đừng sợ vì lam chướng hiểm trở, phải nên nghĩ đến những sinh linh trong thiên hạ làm trọng, thì cái kế lược đi đánh dẹp ở hai trận Thao-Đà này nên tiến quân đường thủy là hơn vậy. Thơ rằng:

Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan

Già vẫn còn nguyên sắt đá gan

Hào khí nghìn mù đều sạch quét

Tráng tâm muôn núi cũng bằng san

Biên phòng tắt khéo mưu phương lược

Xã tắc nên trù kế cừu an

Ghềnh thác ba trăm đừng nói nữa

Như nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn.

Ngày trong sáng hạ tuần tháng 1 Năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432).

 Sau cuộc tây chinh về, khoảng giữa năm 1433, sức khỏe Lê Lợi yếu dần đi, không ăn uống được, mệt mỏi và ngày càng ốm nặng đến mức không ngồi dậy, không thiết triều được nữa. Thiết triều để giải quyết những công việc của triều đình, của đất nước đã chỉ định cho Quốc vương Lê Tư Tề làm thay với sự giúp đỡ của các vị khai quốc công thần. Đại phu giỏi nhất nhì triều đình được gọi đến bắt mạch và chữa trị cho nhà vua. Các đại phu không tìm ra được căn bệnh gì. Nếu già mà sinh bệnh thì không phải. Lê Thái Tổ sinh ngày 10 tháng 9 năm 1385, vậy là năm 1433 này Hoàng thượng chỉ mới 48 tuổi. Có lẽ trong 10 năm chiến đấu gian khổ, trải qua sương gió và ăn uống đói khát, lại thêm lao lung suy nghĩ ngày đêm để lãnh đạo kháng chiến đánh quân Minh thắng lợi. Tất cả gộp lại đã làm cho sức lực Hoàng thượng vốn đã suy yếu. Vừa rồi lại lao tâm khổ tứ đề ra chính sách kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, quốc phòng để xây dựng phát triển đất nước sau chiến tranh. Lại thêm năm 1431, 1432 mở cuộc chinh phạt phía Bắc (Cao Bằng) và miền Tây Bắc dẹp trừ phản loạn càng làm cho sức khỏe Hoàng thượng suy yếu nghiêm trọng. Thời gian nằm trên giường Lê Thái Tổ thấy như dài vô tận. Ông nhớ lại những chặng đường đã qua suốt 15 năm gần đây.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 16" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn