Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 30

PGS TS Cao Văn Liên

03/09/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 30

V.

Đông Kinh tháng 11 năm 1441, gió mùa đông lạnh thốc thổi, mái cung điện của hoàng thành Thăng Long lá vàng rụng đầy, tạo nên một màu vàng úa trên mái ngói rêu phong. Tại cung Thị Triều, đông đủ văn võ bá quan đang tề tựu chuẩn bị vào điện Kính Thiên thiết triều. Một hồi trống vang lên, các quan văn võ lên bậc bước vào điện. Trước cửa điện, hai con rồng đá màu xám vươn cổ lên, oai phong như chào đón các quan. Các quan đứng lặng chờ đợi giữa cung điện rộng lớn đầy rồng đang leo lên những cây cột sơn đỏ. Rồng từ hai tay ngai của ngai vàng lấp lánh uy nghi. Quạn nội thị trên điện hô to:

  -Hoàng thượng giá đáo.

 Từ cửa trái của điện, hoàng đế Lê Thái Tông trong trang phục long bào vàng, đội vương miện bước ra. Lên ngôi từ năm 11 tuổi, vua nay đã 19 tuổi. Ba năm nay sau khi giết Nhiếp chính vương Lê Sát và Lê Ngân, vua tự mình trông coi việc triều chính, việc nước, tiếp tục thi hành những chính sách kinh tế văn hóa, chính trị quốc phòng của Tiên Đế Lê Thái Tổ. Về kinh tế, tiếp tục chính sách quân điền, phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán trong nước. Các phường trong kinh đô phát triển mạnh, hai bên bờ sông Tô Lịch buôn bán tấp nập, suốt ngày đêm thuyền bè xe ngựa chở hàng hóa, mua bán tấp nập, nhộn nhịp, khắp Đại Việt được mùa do nông dân có ruộng tư của mình, tự mình chăm sóc, còn nhận thêm ruộng của công xã cày cấy nên một năm hai vụ chiêm mùa bội thu no ấm. Nhà vua cũng đã cho xây dựng quân đội hùng mạnh với nhiều binh chủng tinh nhuệ, gia tăng bảo vệ các vùng biên giới và Tây Bắc xa xôi, đã dẹp tan được các cuộc phản loạn của các tù trưởng. Có nhiều lần vua trẻ thân chinh đi dẹp loạn và thắng lợi trở về. Trông thấy Lê Thái Tông ra, các quan vội quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ Hoàng thượng.

Lê Thái Tông nói tiếp:

-Nay giáng Lê Nghi Dân từ Hoàng thái tử xuống làm Lạng Sơn vương vì mẹ là Quý phi Dương Thị Bí do thấy con làm thái tử nên kiêu ngạo đã bị giáng làm Chiêu nghi nhưng vẫn chứng nào tật ấy, không coi ai ra gì, nay giáng Dương Thị Bí làm thứ dân và bị đày vào lãnh cung.

-Nay phong Hoàng tử Lê Khắc Xương, con của Bùi Quý nhân làm Gia Tân Bình vương.

-Nay phong Nguyễn Thị Anh làm Thần phi, phong con của Nguyễn Thị Anh là Hoàng tử Lê Bang Cơ mới 6 tháng tuổi làm Hoàng Thái tử. Quan nội thị đọc chiếu chỉ.

-Thần tuân chỉ.

 Quan nội thị đọc: “ Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vang của bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Nay sai Nhập nội Đại đô đốc Lê Liệt (Đinh Liệt) mang sắc mệnh lập làm hoàng Thái tử. Giúp Thái tử có Thái phó Hiển khánh vương Lê Khả (Trịnh Khả), Lê Thụ, Lê Liệt. Niên hiệu Thiệu bình năm thứ 8, 1441. Khâm thử”.

  Bá quan văn võ hô to:

-Hoàng thượng anh minh.

 Tháng 12 năm 1441, những làn gió lạnh thổi khắp kinh đô Thăng Long và hoàng thành. Hậu cung của các phi tần cung nữ cũng chìm trong giá rét. Cung Trường Lạc đứng trung tâm giữa các cung Vĩnh Ninh, Thiên Đức, Thọ Am Cung, cung Khánh  Phương thì đỡ gió lạnh hơn. Trong cung cửa sổ đóng kín mít, các cửa còn che những tấm lụa màu hồng. Có hai lò sưởi bằng đồng to như hai cái chậu đốt than cháy hồng rực, tỏa ra khắp gian phòng lộng lẫy sang trọng, những ngọn nến cắm trên những giá đỡ tròn to bằng cái bát ở các tường tỏa ánh sáng vàng rực rỡ. Ánh sáng làm căn phòng sáng lung linh, hắt bóng những bàn ghế khảm trai sang trọng.

  Thần phi Nguyễn Thị Anh bận nhung lụa bên trong, bên ngoài mặc chiếc áo bông bọc nhung. Nom Thần phi thật kiều diễm, đúng là hương trời sắc nước. Bộ tóc dầy đen nhánh búi cao ôm lấy khuôn mặt bầu  trái xoan xinh đẹp, nước da trắng như trứng gà bóc, lông mày ôm lấy đôi mắt to trong sáng lúng liếng khôn ngoan. Đôi môi đỏ mọng làn môi như một cánh hoa sắp nở. Chiếc áo lụa bông ôm lấy thân hình lưng ong thắt đáy của Thần phi càng thêm mềm mại tạo dáng sang trọng quý phái và huyền diệu. Sớm nay, Thần phi đang ngồi uống trà sâm sau bữa ăn sáng, hai thị nữ đứng hầu hai bên rót ra chén trà nóng dâng lên và lùi ra xa đứng cúi đầu chờ sai bảo. Một thị nữ bước vào báo:

-Dạ, chúc Thần phi có niềm vui lớn ạ.

-Tin vui gì vậy.

-Dạ, thị nữ nghe sáng nay trong buổi thiết triều, Hoàng thượng đã xuống chiếu phế truất Chiêu nghi Dương Thị Bí làm thường dân và đày vào lãnh cung, phế truất ngôi vị Thái tử của con bà ta là Lê Nghi Dân làm Lạng Sơn vương.

-Thật vậy sao?

-Dạ thật, nhưng tin đáng mừng hơn là Hoàng thượng xuống chiếu phong Bang Cơ nhà ta làm Thái tử, kế vị ngai vàng và do đó quý phi được phong là Thần phi ạ.

 Thần phi Nguyễn Thị Anh đặt chén nước xuống vui mừng:

-Thật vậy sao. Thật là tin vui lớn, con ta mới 6 tháng tuổi đã được làm hoàng thái tử. Còn ta mới được đón vào cung chưa đầy năm đã được nhanh chóng làm Thần phi. Đa tạ hoàng thượng, đa tạ trời đất, bõ công ta ngày đêm lo lắng tính toán để làm sao giành được ngôi thái tử cho Bang nhi của ta.

 - Nhưng người tính không bằng trời tính, may mắn này của Bang nhi và của ta phần lớn cũng do khách quan. Cuộc đấu tranh trong hậu cung để được Hoàng thượng sủng ái, để hoàng tử được làm thái tử quả là một trận chiến quyết liệt đòi hỏi không chỉ độc ác tàn bạo mà còn cả mưu trí, còn dựa vào sự chuyển biến thuận lợi trong hậu cung. Nguyễn Thị Anh suy nghĩ: Hoàng thượng Lê Thái Tông có 5 vợ chính thức sắc phong và 3 hoàng tử. Thứ nhất là Dương Thị Bí xinh đẹp, được phong Hoàng quý phi và con là Lê Nghi Dân được phong là Hoàng Thái tử. Người vợ thứ hai là Ngô Thị Ngọc Giao, cũng rất kiều diễm nhưng mới về nên được phong là Tiệp dư, người vợ ba là Lê Ngọc Dao, con Lê Sát nhưng sau khi Lê Sát bị giết chết thì Lê Ngọc Dao từ hàng quý phi bị giáng làm thường dân, người vợ thứ tư là Lê Nhật Lệ, con gái đại thần Lê Ngân nhưng sau khi Lê Ngân bị giết thì con gái bị phế xuống làm Tu dung. Còn người vợ thứ 5 là ta...Nguyễn Thị Anh cho đời mình thật là quá may mắn. Trong một lần du xuân ở Lam Kinh để xem phong cảnh với tình nhân Lê Nguyên Sơn, ngẫu nhiên nàng gặp vua Lê Thái Tông. Có lẽ Lê Thái Tông bị sắc đẹp của nàng thôi miên, nhà vua đứng lại hỏi chuyện nàng. Nàng cũng nhìn nhà vua như bị hớp hồn, không ngờ nhà vua quá trẻ, đẹp một cách oai phong dũng lược, còn phú quý vinh hoa thì khỏi phải bàn, nàng còn choáng lộn bởi nét vàng son quyền qúy của triều đình. Nhà vua hỏi:

-Ta định đón nàng vào cung, nàng có thuận không?

 Nguyễn Thị Anh vội quỳ:

-Hoàng thượng đã thương thần thiếp xin vâng mệnh.

-Nhà nàng ở đâu, dẫn ta về thưa  chuyện với cha mẹ nàng.

-Dạ bẩm Hoàng thượng nhà thần thiếp ở phường Đông Vệ, trấn trị Thanh Hóa.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 30" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn