Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 43

PGS TS Cao Văn Liên

16/09/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 43

Trịnh Khả sinh năm 1391 tại làng Giang Đông, xã Sóc Sơn, Vĩnh Hòa, nay là huyện Vĩnh Ninh, Thanh Hóa. Tổ tiên ông làm quan dưới triều đại nhà Trần, từng tham gia cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông xâm lược Đại Việt thế kỷ XIII. Cha Trịnh Khả là Trịnh Quyền làm Chánh tổng, sinh được 4 con trai, Trịnh Khả là con út. Một hôm ông đi chăn trâu bị một tướng nhà Minh bắt về làm nô lệ, sau đó thấy ông tướng mạo mình rồng, mắt hổ, đoán sau này ông sẽ đánh đuổi quân Minh nên tên tướng Minh định giết ông để trừ hậu họa. Trịnh Khả biết được, bỏ trốn qua sông Mã rồi trốn trong nhà bà cô thuộc xã Diễn Phúc. Quân Minh không bắt được Trịnh Khả, chúng bắt cha ông để cha ông khai ra. Trịnh Khả không ra, quân Minh giết cha ông rồi ném xác xuống sông. Trịnh Khả biết tin, đêm tối mò xác cha lên đem chôn cất. Căm thù giặc Minh, ông về Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc. Đó là năm 1416. Trịnh Khả là một trong 19 người tham gia hội thề Lũng Nhai. Những ngày đầu khởi nghĩa, Trịnh Khả cùng nhóm Lê Văn Linh (tướng văn) luôn mang gươm theo hầu bảo vệ Lê Lợi, được phong làm Thứ thủ đội Thiết đột. Năm 1418 giặc Minh đào mộ Lê Khoáng là thân sinh Lê Lợi. Lê Lợi sai ông và Bùi Dị đi lấy xác Lê Khoáng về. Ông cùng Bùi Dị đội cỏ lên đầu, áp sát thuyền quân Minh, lấy được hài cốt Lê Khoáng đem về.

Trịnh Khả giỏi tiếng Ai Lao, đã mang thư của Lê Lợi sang nhờ vua Ai Lao giúp vũ khí, lương thực, voi chiến. Trịnh Khả xung trận dũng mãnh ở các lộ Nghệ An-Diễn Châu, lập công to được phong chức thái giám.

Năm 1426, Trịnh Khả cùng các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bị đem 2 vạn quân đánh giặc Minh ở các lộ Tây Bắc Quảng Oai, Gia Hưng, Tam Đái, Lâm Thao, Tuyên Quang, đánh giặc Minh, thu hồi đất đai, đánh quân Minh từ Vân Nam tiến xuống. Sau đó ông đánh bại quân Minh ở Ninh Kiều, đánh bại Đô ty Vân Nam là Vương An Lão, đánh quân Minh ở cầu Xa Lộc cùng Phạm Văn Xảo. Trong khi đó Lý Triện, Đinh Lễ cùng các tướng mai phục phá được 10 vạn quân của Vương Thông ở Tốt Động-Chúc Động. Khi đạo quân của Mộc Thạnh từ Vân Nam kéo sang, Trịnh Khả từ Ninh Kiều lên đón giặc ở cầu Xa Lộc, ngăn chặn không cho tiến xuống hợp với đạo quân Liễu Thăng. Lê Lợi ra lệnh cho Trịnh Khả đánh thành Tam Giang, triệt hạ căn cứ của viện binh địch khi chúng tiến xuống, ông được phong làm Thiếu úy. Sau đó Trịnh Khả vây đánh thành Đông Quan ở phía Đông. Cuối năm 1427 ông cùng Phạm Văn Xảo đuổi theo Mộc Thạnh đang tháo chạy, chém 2 vạn tên, bắt sống 1.000 tù binh. Danh tiếng của Trịnh Khả vang dội cả nước.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi lập ra một triều đại mới, xưng là Lê Thái Tổ, lập ra nhà Hậu Lê. Trịnh Khả được phong là Kim Tử Vinh lộc đại phu, Tả lân hổ vệ tướng quân, được ban túi Kim Ngư, nhân phù, xe thượng khinh xa đô úy.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Trịnh Khả được phong là Liệt hầu kiêm An phủ sứ Tuyên Quang, sau đó được phong Hành quân tổng quản xa kỵ quân sự đồng Tổng Quản, quản lĩnh các đội thiết đột (quân cấm vệ).

 Năm 1429 theo yêu cầu của vua Ai Lao Cô Côn, Trịnh Khả sang giúp diệt Kha Lại làm phản. Năm 1433 Trịnh Khả được phong Bảo chính công thần gia Kim lộc đại phu Lưỡng Giang Trấn, Quan quân tướng quân, Nhập nội thiếu bảo, Tham tri quân Sự các vệ Trung đạo Hải Tây và chức Thái giám trông coi việc trong ngoài, được ban kim ngân phù. Năm 1434, vua Lê Thái Tông phong ông làm quan Tuyên úy Đại sứ trấn Lạng Sơn coi việc quân dân, lại làm Đồng Tổng quản vệ Nam Sách Hạ. Năm 1437, Lê Thái Tông bãi chức Lê Sát, gọi ông về kinh và giữ chức Tổng Quản hành quân, coi việc quân vệ xa kỵ thuộc Tây Đạo, quản lĩnh quân Thiết đột, Thánh dực hậu đội, chức Thái giám. Coi việc 6 quân ngự tiền, các đội thiết đột trung quân, được phong thêm chức Thiếu bảo, hàm tu chỉnh sự, rồi chức Thiếu úy.

Năm 1443 Lê Nhân Tông còn nhỏ, Thái hậu Nguyễn Thị Anh tự coi chính sự. Trịnh Khả được phong Nhập nội trung tá lý dương, Vũ công thần, kiêm Lỗi Giang Trấn phủ quân Thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ Tây Đạo, tước Quận thượng hầu.

Năm 1446, sau khi đánh bại Chiêm Thành bắt vua Chiêm Bí Cai, Trịnh Khả được phong Suy trung tán dị dương Vũ tĩnh nạn công thần, Thái Nguyên trấn, phiêu kỵ thượng tướng quân, đặc tiến làm Khai phủ Nghi đồng tam ty, Nhập nội thiếu úy, kiêm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, ban kim phù, tước Quốc thượng hầu.

Trịnh Khả và Lê Thụ đứng đầu quan lại trong triều đình. Ông là người thẳng thắn, giữ phép công và chức phận, lấy trách nhiệm sửa lỗi lầm cho vua nhỏ. Trịnh Khả dùng luật pháp rất nghiêm khắc, đã xử án thì không thể xin nới tay.

Vậy mà hôm nay… Trịnh Khả suy nghĩ không biết vì sao Thái hậu lại ra tay với minh, vu oan và khép cho tội chết. Trịnh Khả cho rằng bởi sự dèm pha xúi dục của bọn gian thần rằng ông đã biết cái gì đó về bí mật đời tư của Thái hậu như câu chuyện đồn đại Lê Nhân Tông không phải là con Lê Thái Tông, phần nữa có thể ngày xưa có lần ông đã giúp Ngô Thị Ngọc Giao. Có lẽ cái chết của ông cũng giống với cái chết của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ bị Nguyễn Thị Anh vu cáo tội giết vua Lê Thái Tông, bị tru di ba họ, chết tới hơn 400 người thật là thảm thương. Ông cũng có mặt ở hành cung Lệ Chi Viên, Lê Thái Tông đang xem múa thì ngã chết trong tay năm đại thần do bạo bệnh. Cái chết của 400 người nhà Nguyễn Trãi không chỉ do Nguyễn Trãi nhân từ cứu giúp mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao mà còn do sự hèn nhát của năm quan đại thần có mặt khi đó là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Thụ, trong đó có ông, sợ bị liên lụy, bỏ mặc cho Nguyễn Thị Lộ bị oan và Nguyễn Thị Anh mặc sức hoành hành ngang ngược, tự sắp xếp, vu cáo, bức cung, không điều tra, không chứng cớ, chà đạp luật pháp, đẩy ba họ Nguyễn Trãi đến chỗ chết oan khuất. Trịnh Khả thấy hổ thẹn cho ông, cho tất cả những khai quốc công thần, từng xông pha trận mạc mười năm trời diệt bao vạn quân giặc, lập bao chiến công, không hề run sợ trước hàng trăm nguy hiểm mà nay thời bình run sợ trước cường quyền, chỉ cầu an cho mình và cho gia đình, bỏ mặc cho các chiến hữu, đồng lưu Trần Nguyễn Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Sát, Lê Ngân, Nguyễn Trãi đã chết dưỡi lưỡi dao của cường quyền, của những tính toán chính trị, tranh giành quyền lực. Và nay đến lượt ta và con trai ta cũng không ai bênh vực ta giữa triều đình. Dù không một chứng cớ nào khi kết tội, khi đuối lý, kẻ vu cáo chỉ lấy cường quyền lấn át.

Năm nay, Trịnh Khả đã 60 tuổi, chết không sao nhưng ông lo cho 22 người con, 13 con trai và 9 con gái, con trai trưởng là Trịnh Bá Quát thì cũng bị hành hình cùng ông, còn lại là Đoàn Vũ hầu Trịnh Công Lộ, Đinh công hầu Trịnh Công Đán, Thuận mỹ hầu Đô chỉ huy sứ Trịnh Công Tá, Đoan quận công Tả đô đốc Trịnh Công Khản, Trịnh Lĩnh hầu Trịnh Công Phú, Dương đường hầu Thượng thư Bộ hộ Trịnh Quý Địch, Diên Phúc Bá Trịnh Công Ngô, Thái bảo quốc công Trịnh Công Diễn, Thái phó Thọ quận công Trịnh công Hữu và 9 tiểu thư. Các con ông đều vẻ vang phú quý nhưng trên con đường hoạn lộ đầy chông gai này đâu phải không đáng lo ngại. Trịnh Khả suy nghĩ hồi tưởng miên man thì trời đã sáng. Đó là ngày 26 tháng 7 âm lịch năm Tân Mùi niên hiệu Thái Hòa năm thứ 9, 1451. Gia nhân vào báo:

-Dạ bẩm chủ  nhân có người của triều đình tới.

Ông chưa nói gì thì quan nội thị bước vào nhà. Trịnh Khả quỳ tiếp chỉ. Quan nội thị nói:

-Thái hậu có khẩu dụ, cho Trịnh Khả chết toàn thây. Khâm thử.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 43" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn