Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 48

PGS TS Cao Văn Liên

21/09/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

 Kỳ 48

-Đô vệ úy Trần Lăng và Hữu vệ úy Ngô Trang.

-Dạ bẩm hoàng thượng có thần.

-Đêm này hai tướng quân đem 100 quân cấm vệ đến  tư dinh Lê Thụ, Lê Ê bắt và giết đi.

-Dạ, tuân lệnh Hoàng thượng.

Sáng hôm sau kinh thành náo loạn về tin các đại thần Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê  bị quân cấm vệ giết. Họ đều là những khai quốc công thần. Trong quán trà hai ông cụ ngồi uống rượu, cụ chít khăn nâu hỏi cụ chít khăn đen:

-Năm đại thần bị giết, cả nhà họ có bị giết không thưa cụ?

-Không, họ chỉ giết năm đại thần thôi, nghe nói năm người này có âm mưu phản loạn định lật đổ Thiên Hưng đế.

-Thiên Hưng đế trị vì cũng tốt sao phải thay đổi?

-Nghe nói Hoàng thượng không tin các đại thần, chỉ tin dùng bọn hoạn quan, gian thần và bọn kiếm khách.

-Ôi dào, vua nào mà chả a dua theo hoạn quan và bọn gian thần.

Hai cụ thở dài:

-Chưa có thời nào mà các khai quốc công thần bị giết nhiều như thời nay, mới chỉ có gần 30 năm, tất cả 11 đại công thần bị giết. Tính ra Thiên Hưng Đế còn nhân đức, không giết cả nhà và ba họ của của năm vị đó.

-Vì ngai vàng anh em từ bỏ nhau, giết lẫn nhau, vạ lây đến các vị đại công thần.

-Ai bảo các vua cha cứ lập con này thì lại phế bỏ lập con khác.

-Ôi dào, phế và lập thời nào chả có. Lịch sử các triều đại không bao giờ hết chuyện đau lòng. Trước kia cũng thế, bây giờ vẫn thế và sau này vẫn thế…

Hai cụ im lặng, lại uống và lại im lặng buồn rầu suy nghĩ về thời cuộc.

Trong khi đó trong Quốc sử quán, Hàn lâm viện học sĩ Phan Phu Tiên đang ngồi bổ sung tiểu sử của 4 vị đại công thần vừa bị Thiên Hưng đế giết để làm sử liệu cho Quốc sử quán. Phan Phu Tiên đọc và ghi chép về Đại Công thần Đỗ Bí.

“ Quê quán Đỗ Bí ở thôn Hắc Lương, huyện Nông Cống, trấn Thanh Hóa, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, trải qua nhiều gian khổ và hiểm nguy ở thượng du Thanh Hóa.

Khi quân Minh đào mộ Lê Khoáng, bố Lê Lợi, ông cùng Trịnh Khả đội cỏ lên đầu ngụy trang, bơi theo thuyền quân Minh, lấy được hài cốt của Lê Khoáng đem về cho Lê Lợi. Tháng 12 năm 1424, Đỗ Bí tham gia đánh trận Khả Lưu cùng các tướng Lê Sát, Phạm Vấn, Đinh Lễ, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Lê Chiến, Lê Tông Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An. Trong trận này quân Minh bị giết hàng vạn. Đô đốc Chu Kiệt bị bắt sống, Đô ty Hoàng Thành bị chém chết. Giặc Minh tháo chạy vào thành Nghệ An cố thủ. Tháng 8 năm 1426, Đỗ Bí cùng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Lê Như Huân đem 2 vạn quân, một thớt voi tiến quân ra các xứ Thiên Quân, Quảng Oai, Gia Hương, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đái, Tuyên Quang để chống viện binh của giặc từ Vân Nam tiến sang. Ngày 12 tháng 8 cùng năm, Đỗ Bí cùng các tướng Trịnh Khả đánh quân Minh ở Ninh Kiều thuộc Ứng Thiên, chém 2.000 đầu giặc rồi đóng quân ở sông Ninh Giang. Sau đó Đỗ Bí cùng Lý Triện bao vây Đông Quan. Ngày 21 tháng 9 năm 1426 Đỗ Bí cùng Lý Triện đánh quân Minh ở cầu Nhân Mục, chém 1.000 quân giặc, bắt sống Đô ty Vi Lượng. Ngày 6 tháng 10 năm 1426, Vương Thông đem 5 vạn quân sang thay chức Tổng Binh của Trần Trí và hợp với quân Đông Quan lên 10 vạn. Vương Thông đem 10 vạn quân phản công quân Lam Sơn ở Tây nam Đông Quan. Lý Triện, Đỗ Bí mai phục ở Đồng Cổ Lãm, đánh quân của Mã Kỳ, Sơn Thọ ở Cầu Tam La, giết 1.000 quân giặc, bắt sống 500 tên. Ngày 17 tháng 10 năm 1426, Đỗ Bí cùng Lý Triện bị quân Minh mai phục ở Cổ Sở, bị thiệt hại nặng, phải cầu cứu cánh quân của Đinh Lễ, Lê Chiến, Nguyễn Xí. Hai cánh quân này hợp nhau ở Cao Bộ và chia nhau mai phục ở Tốt Động-Chúc Động (Chương Mỹ-trấn Hà Đông). 10 vạn quân do Tổng Binh Vương Thông chỉ huy lọt vào trận địa, bị quân ta tiêu diệt 6 vạn và nhiều võ quan cao cấp của nhà Minh. Vương Thông bị thương phải chạy về thành Đông Quan cố thủ và cầu viện binh. Đó là tháng 1 năm 1427.

Ngày 7 tháng 2 năm 1427, Phương Chính đem quân đánh úp Cao Đông, huyện Từ Liêm, Lý Triện, Đinh Lễ hy sinh, Đỗ Bí bị bắt. Tháng 12 năm 1427 khi đầu hàng rút quân về nước, Vương Thông trao trả Đỗ Bí cho Lê Lợi.

  Sau chiến thắng, Lê Lợi ban biển ngạch chiến thắng cho 93 công thần, Đỗ Bí được phong tước Huyện hầu, mang quốc tính họ Lê.

  Năm 1448 khi Lê Nhân Tông đi Lam Kinh, Đỗ Bí khi đó là Đô áp nha cùng Đại tư đồ Lê Thận trông giữ Đông Kinh. Năm 1459 định làm binh biến lật đổ Thiên Hưng Đế nhưng bị lộ, bị giết, bị Lê Nghi Dân phơi xác ngoài đường.

 Phan Phu Tiên ngừng lại, gia nhân rót một bát trà nóng, ông vừa uống trà vừa suy ngẫm, sau đó lại viết tiếp: “Người thứ hai bị giết trong vụ án Lê Thiên Hưng là Lê Thụ, không rõ ngày sinh, làm quan đến chức Thái úy. Tháng 9 năm 1427, hai đạo viện binh của quân Minh tiến sang, theo kế của Nguyễn Trãi, Lê Lợi chủ trương hạ các thành trên đường tiến xuống của quân Minh như thành Tam Giang (Phú Thọ), thành Xương Giang (Bắc Giang). Lê Lợi sai Lê Thụ cùng các tướng Lê Sát, Lê Lý, Lê Lãnh do Nguyễn Trãi chỉ huy đánh thành Xương Giang, Thành này đã cố thủ trong sáu tháng nhưng bị thất thủ 10 ngày trước khi quân Minh tràn xuống. 10 vạn quân Minh bị tiêu diệt 5 vạn trên đương tiến xuống, tơi tả khiếp sợ nhưng không có thành lũy, đóng dồn trên một cánh đồng trống trải bị ta tổng công kích tiêu diệt. Tướng giặc Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị bắt cùng 3 vạn quân. Đạo quân tiến vào Quy Hóa (Lào Cai) do Mộc Thạnh chỉ huy, nghe tin đạo quân Liễu Thăng bị tiêu diệt khiếp sợ bỏ chạy bị ta đuổi đánh giết chết 2 vạn. Vương Thông thế cùng đành cùng các thành mở cửa ra hàng, thề không bao giờ xâm lược Đại Việt nữa, Lê Lợi cho 10 vạn quân Minh rút về nước.

  Khởi nghĩa thắng lợi, đất nước được giải phóng, Lê Lợi lên ngôi năm 1428 lập một triều đại mới: Triều Hậu Lê. Ngày 3 tháng 5 năm 1429 Lê Lợi ban biển ngạch công thần cho 93 tướng lĩnh. Lê Thụ được ban tước Huyện hầu.

  Tháng 8 năm 1337, Lê Thụ là Nhập nội Thiếu úy Tổng quản tiến dực Thánh quân, Lê Thụ được làm Tham tri chính sự, Tri từ Tùng sự.

Năm 1442 là Đại thần cố mệnh khi vua Lê Thái Tông đột ngột mất ở hành cung Lệ Chi Viên, cùng Nguyễn Xí, Trịnh Khả đưa Lê bang cơ khi đó hơn một tuổi lên ngôi là Lê Nhân Tông.

22 tháng giêng năm 1446 giữ chức Nhập nội Đô đốc bình chương, cùng Nhập nội Đô Đốc bình chương Trịnh Khả, Nhập nội Thiếu phó tham dự triều chính Trịnh Khắc Phục đem 30 vạn quân đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Bí Cai, thắng lợi trở về.

  Năm 1452 Thái úy Lê Thụ bị bắt giam vì để con trai là Lê Thi làm bùa chú yểm đất cát. Tháng 6 năm1456 Lê Thụ được tha. Năm 1460 bị Lê Nghi Dân giết vì mưu chính biến lật đổ Thiên Hưng Đế.

  Trống Hoàng thành đã điểm canh ba, còn hai vị công thần là Lê Ngang, Lê Ê bị Thiên Hưng Đế giết, nhưng tư liệu còn ít, Phan Phu Tiên cũng đã mỏi mệt, ông tắt nến đi ngủ và dự tính tìm tư liệu viết sau. Công việc viết Đại Việt Sử ký của ông cũng thật mệt nhọc, cũng lắm công phu. Trong giấc ngủ ông mơ màng thấy tiếng ngựa hí quân reo, gươm khua máu đổ. Ngay giữa thời bình, máu của các khai quốc công thần vẫn đổ. Thật là những giấc mơ kinh hoàng của những người viết sử.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 48" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn