Kỳ 19.
Tùy tướng nói:
-Xin chủ tướng chớ xem thường. Khi Thái thú Tô Định dùng Ngụy Húc là một võ lâm cao thủ dưới chiêu bài thi đấu võ để giết hết nhân tài đất Việt, Ngụy Húc đã giết chết được 10 võ lâm cao thủ người Việt. Nhưng khi gặp Trưng Trắc, chỉ 10 hiệp thì đầu Ngụy Húc đã bay khỏi cổ ở võ đài Luy Lâu.
-Ngụy Húc là thằng vô danh tiểu tốt, sao sánh được với võ quan triều đình Đông Hán. Nam tử Hán đại trượng phu lại không đánh nổi bọn đàn bà hay sao?
Rồi Chu Thiên Phú ra lệnh:
-Mở cổng thành, giao chiến để ta bắt bọn nữ tặc.
Cửa cổng thành kiêm cầu treo ghép bằng những tấm gỗ lim nặng và lớn được hai tên lính điều khiển bằng bánh xe hạ xuống bắc qua sông hào. Từ cổng thành, Chu Thiên Phú và năm tướng tùy tùng phi ngựa tung bờm xông ra như cơn lốc, theo sau là hai vạn quân Hán trang phục màu đen, tay cầm gươm giáo mác và đủ loại vũ khí giết người, lưng đeo cung tên chạy theo sau như thác lũ. Ra đến đâu, quân Hán dàn trận về hai bên tả hữu của chủ tướng tạo nên thể trận chữ nhất. Dàn trận xong, Chu Thiên Phú hét to:
-Có ai ra bắt nữ tặc cho ta?
Một tướng mặt đen, mắt lồi hung ác, người to lớn, huơ hai chiếc búa khổng lồ thúc con ngựa chiến cũng màu đen xông ra. Bên quân Việt, nữ tướng Thiều Hoa cũng múa hai thanh gươm lớn lấp lánh phóng ngựa màu nâu phi ra. Hai tướng gần nhau thì gươm và búa chạm nhau tóe lửa. Hai bên giao chiến 50 hiệp mà không phân thắng bại. Trưng Trắc ra lệnh:
-Bắn tên lửa lên trời!
Đội trung quân đi sát Chủ tướng châm lửa vào những mũi tên có chất cháy bắn tới tấp lên trời cao. Khói lửa sáng rực trên không trung. Quân Hán ngạc nhiên không biết quân Việt bắn tên lửa lên để làm gì. Vài khắc sau, từ trong thành Cổ Loa cũng có hàng trăm phát tên lửa bay lên trời. Những chiến thuyền của quân Hán đậu ở hào thành Cổ Loa thốt nhiên bốc cháy. Thì ra những người Việt mặc thường phục đang trên thành Cổ Loa ném đá và chất cháy xuống chiến thuyền quân Hán. Trận thế của quân Hán trên bờ hoang mang rối loạn. Trưng Trắc trên mình voi chỉ gươm về phía trước ra lệnh:
-Toàn quân xông lên giết giặc, trả thù nhà nợ nước!
Quân Hán ngoảnh nhìn phía sau thì thấy chiến thuyền bốc cháy, lính thủy bị chết do lửa, do tên, do đá ném từ mặt thành xuống. Phía trước quân Việt đang xông lên chém giết mãnh liệt. Thế trận quân Hán tan vỡ rối loạn. Tên tướng Hán mặt đen võ nghệ cao cường nhưng tình thế chiến trường làm hắn phân tâm, bấn loạn, thất thế một miếng võ và bị Thiều Hoa chọc một gươm xuyên qua họng ngã lăn xuống đất chết tươi. Quân Hán đại bại chạy trở lại Cổ Loa thành nhưng cầu treo đã bị rút lên, hào quanh thành chiến thuyền cháy ngùn ngụt với thây xác quân Hán chết cháy hoặc bị đá trên thành ném dập mặt vỡ đầu ngổn ngang trên thuyền hoặc vật vờ dưới nước. Đại quân Hán chạy về không có cầu vào thành lao nhau xuống sông, ngựa các tướng chồm vó bên vực sông và cũng lao xuống nước. Trên thành gỗ đá, tên, chất cháy vẫn tuôn xuống như mưa. Sau lưng quân Việt đuổi tới chém giết quân Hán như phạt chuối, xác quân Hán phơi đặc một dặm ngoài thành, máu lênh láng đỏ lòm như trải thảm. Hai vạn quân Hán và các tướng lĩnh tử trận, còn khoảng vài trăm tên nhằm phía Bắc mà chạy về hướng Luy Lâu. Phía quân Việt trong kịch chiến tổn thất khoảng gần 1000 nghĩa binh.
Thì ra, trước đó Trưng trắc đã cho một nữ tướng và một trăm cao thủ võ lâm bí mật trà trộn vào thành vận động được thêm vài trăm dân Việt ủng hộ tham gia khởi nghĩa. Khi đại quân Hán ra ngoài thành tác chiến và nhận được tên lửa bên ngoài báo tin đến giờ hành động, lực lượng bí mật này đã giết chết lính gác cổng thành, kéo cầu treo lên, cắt đứt đường về thành của quân Hán, giết chết những tên lính trực cung nỏ ở thành ngoài, bắn tên, ném gạch đá chất cháy tiêu diệt thủy binh Hán ở trên sông hào dưới thành ngoài. Hành động chiếm thành, tiêu diệt thủy binh đã làm đại quân Hán trên bộ mất tinh thần rối loạn, tan vỡ thế trận khi đang giáo chiến với quân của Trưng Trắc, tạo điều kiện cho quân Việt xông lên tiêu diệt quân Hán.
Chiến thắng Mê Linh, Cổ Loa làm thanh thế quân Trưng Trắc lừng lẫy, làm chấn động Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Mê Linh thành Trung tâm của cơn bão táp từ Nam Trường Giang đến Hoành Sơn lật đổ chế độ thống trị của nhà Đông Hán. Sau trận Cổ Loa, Tô Định vô cùng khiếp đảm, không thực hiện kế hoạch tấn công Mê Linh như dự định mà lui về ra sức phòng thủ Luy Lâu, sào huyệt của nền cai trị Đông Hán.
*Sau chiến thắng Cổ Loa, Trưng Trắc cho thu dọn chiến trường, chôn cất xác quân Hán và những tử sĩ người Việt cho họ mồ yên mã đẹp, hương khói, vàng mã được đốt lên, lập đàn chay cúng tế cho vong linh tử sĩ được siêu thoát. Nữ tướng Hàn Quỳnh Nương nói với Trưng Trắc:
-Để động viên người dân khắp nơi nổi dậy, Chủ tướng nên tuyên bố thủ tiêu tất cả những luật lệ hà khắc, thuế má nặng nề của quân Hán ở Mê Linh, Cổ Loa và tất cả các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.
Trưng Trắc đáp:
-Phải lắm.
Rồi từ Trung tâm Mê Linh liền công bố, ra lệnh trong toàn quốc bãi bỏ thuế má và các luật lệ phong tục Hán mà dân Việt phải chịu đựng hàng trăm năm nay.
Bài hịch kêu gọi khởi nghĩa ngày 6 tháng giêng năm 40 cùng với những chiến thắng của nghĩa quân ở Mê Linh, Cổ Loa, cùng lời công bố xóa bỏ ách thống trị của quân Hán đã làm cho dân Việt suốt từ Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam vui mừng, nô nức nổi dậy, theo các thủ lĩnh của Hai Bà Trưng ở các địa phương đập tan chính quyền của nhà Đông Hán. Phong trào trở nên đồng khởi như một cơn bão táp đồng loạt quét sạch bọn thống trị người Hán tham tàn bạo ngược. Nhận được tin cấp báo thắng trận từ các nơi, Trưng Trắc nói:
-Nền cai trị của giặc sụp đổ khắp nơi nhưng trận đánh Luy Lâu là quyết định cho toàn thắng cuối cùng vì Luy lâu là trung tâm của chính quyền cai trị của nhà Đông Hán từ Nam Trường Giang đến Hoành Sơn. Cho nên, các tướng lĩnh phải chấn chính đội ngũ để ngày hôm sau tiến đánh Luy Lâu.
Sớm đó thời tiết đã chuyển sang xuân nhưng khí trời vẫn giá rét, mưa phùn và sương mù dày đặc bao phủ miền quê xanh cây lá. Trưng Trắc, Trưng Nhị đi Trung quân. Quân Việt quân phục màu nâu. Gươm giáo tua tủa, cờ bay rợp trời tiến về bộ Vũ Ninh, nơi có thành Luy Lâu, trụ sở và trung tâm đầu não của chính quyền Đông Hán ở Giao Châu và cũng là trụ sở của quận Giao Chỉ. Thủy binh khua mái chèo thuyền làm náo động nước của các con sông Hồng, sông Đuống và tiến vào sông Dâu, con sông chảy ngang phía Tây của thành Luy Lâu. Tham gia trận đánh này, Các nữ tướng Phùng Thị Chính, Hàn Hãn đi hữu quân tiên phong. Đi tả quân tiên phong gồm các tướng Ả Lã, Rồng Nhị, hai tướng nam nhi là Bạc và Bỉnh. Nữ tướng Quý Lan đóng vai quân sư của Trưng Trắc. Ba chị em bà Dưỡng, Nguyệt Nga công chúa đi Trung quân, phụ tá cho Trưng Trắc, Trưng Nhị. Các trướng Trần Nang, Thiên Bảo cầm cờ “Soái”. Đi hậu quân có nữ tướng Thiều Hoa, Tề Vĩnh Gia, Thiện Nhân, Thiện Khánh.
Đạo Thủy quân gồm Tiền quân Đại tướng thủy quân Hùng Bàn đánh vào phía Đông thành, tả tướng thủy quân Phật Nguyệt và hai tướng Đậu Nương, Xà Nương tiến theo sông Hồng, sông Đuống vào sông Dâu đánh phá ở phía Tây thành. Hai đạo thủy quân có nhiệm vụ tiêu diệt thủy quân Hán ở bốn hào sông của thành, mở cổng thành cho đại quân tràn vào thành diệt địch.
Thành Luy Lâu thuộc huyện Luy Lâu, quận Giao Chỉ là trung tâm quyền lực của nhà Đông Hán không chỉ đối với quận Giao Chỉ mà còn là của toàn bộ Giao Châu: Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Tòa thành này nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, trung tâm bộ Vũ Ninh, chắn giữ tất cả các ngã đường giao thông thủy bộ vùng Bắc Giao Chỉ. Thành nằm trên vùng đất cao, bao quát được một vùng rộng lớn của đồng bằng châu thổ, gắn với vùng sông nước nhưng vẫn cao và thoáng. Thành được xây trên bờ Đông của sông Dâu. Sông Dâu tạo nên một trong bốn sông hào bao quanh Luy Lâu. Từ sông Dâu có thể đi ra sông Đuống, sông Hồng về phía Nam đến Cổ Loa hoặc Mê Linh, hoặc có thể đi về phía Đông qua Lục Đầu Giang vào sông Bạch Đằng ra biển Đông. Trước khi bị xâm lược, bộ Vũ Ninh nói chung và thành Luy Lâu nói riêng là một trong những trung tâm của người Việt. Từ đây, người Việt đã tiến xuống chinh phục châu thổ ở phía Đông và phía Nam do sông Hồng tạo nên và vươn ra biển.Từ địa hình sẵn có đó, bọn phong kiến Hán đã nhìn thấy vị trí quan trọng nhiều mặt của Luy Lâu trong việc đóng vai trò trung tâm cai trị, khống chế toàn bộ Giao Chỉ, khống chế con đường hàng hải quốc tế, tiến xuống chinh phục các nước phương Nam.
Luy Lâu nằm gọn trong làng Lũng Khê. Quy mô của thành rất to lớn. Lũy thành phía Tây gắn với sông Dâu dài gần 2 dặm, lũy thành phía Đông cũng dài gần 2 dặm. Thành phía Bắc dài 1 dặm, thành phía Nam cũng dài hơn 1 dặm. Chiều cao của các lũy thành khoảng 5 trượng, mặt thành rộng 2 trượng, chân thành rộng 4 trượng. Thành Luy Lâu mở cửa chính phía Tây. Hai bên đầu thành có Vọng Giang Lâu (vọng gác), cửa sau của thành mở ở phía Đông. Trên bốn góc thành có Đồn Quan Trấn (Tử Trấn Thành Quan). Phía ngoài thành phía Tây, dòng sông Dâu trở thành hào nước rộng lớn bao che cho thành. Còn ba mặt thành đều có hào nước rộng 12 đến 15 trượng như sông bao quanh. Các hào thành thông nhau và nhận nước từ sông Dâu chảy vào tạo nên chướng ngại vật phòng thủ, giúp cho giao thông thuận tiện trong ngoài thành và giữa thành Luy Lâu với khắp các vùng của các quận. Về phía Đông theo hệ thống sông ngòi này, Luy Lâu còn có đường thông ra biển. Trên bốn con sông hào rộng lớn đó, thủy binh Đông Hán với chiến thuyền dày đặc bảo vệ thành ở bốn mặt Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên mặt thành, quân Đông Hán thay nhau canh phòng suốt ngày đêm với hàng trăm bệ đặt tên mạnh nỏ cứng sẵn sàng nhả tên, còn những đống đá với những hòn to bằng cái thúng sẵn sàng ném xuống, còn những thùng dầu sẵn sàng châm lửa ném xuống quân tấn công thành. Phía ngoài sông hào của thành là những lũy tre gai dày đặc có tuổi đời hàng trăm năm tạo nên một chiến lũy thiên nhiên thứ ba bảo vệ cho thành. Trong thành có 3 vạn tinh binh và những dũng tướng võ nghệ cao cường thuộc loại cao thủ võ lâm của Trung Nguyên như Đô úy Lưu Đại Hải, Hoàng Sùng Chính, Mã Giang Long, Tổ Hoài Đức…
(Còn nữa)
CVL