Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 20)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 
cvl3a-1630718363.jpg
Lược đồ đường tiến quân của Hai Bà Trưng. Nguồn: baotanglichlichsu.vn


  Kỳ 20.

Chỉ một ngày, quân thủy, bộ của Hai Bà Trưng đã tiến tới gần Luy Lâu. Thủy quân dừng tạm ở cửa sông Đuống chờ lệnh, còn bộ binh hạ trại dàn trận cách sông Dâu nửa dặm phía Tây thành. Khi nghe tin quân Bà Trưng kéo tới, Thái thú Tô Định rất tàn bạo tham lam nhưng rất ham sống sợ chết. Thái thú bàn với các tướng:

-Nay ta có thành cao hào sâu, bọn nữ tặc Việt không dễ gì phá được, ta cứ cố thủ chờ viện binh, trong đánh ra, ngoài đánh vào thì chúng tự khắc bị tiêu diệt.

Hoàng Sùng Chính nói:

-Cố thủ một tháng mà hết lương thực thì ta nguy khốn. Triều đình Lạc Dương không thể chi viện được cho ta ngay vì tin cấp báo đưa về, đồng đảng của Trưng tặc đã nổi loạn chiếm hết miền Nam Trường Giang, Hợp Phố, Hồ Động Đình, cắt đứt đường giao lưu với Giao Chỉ. Triều đình có dẹp yên được cũng phải một năm. Mạt tướng cho rằng nhân lúc quân ta còn khí thế cứ kéo quân ra. Quân ta tinh nhuệ thế nào cũng chiến thắng lũ nông dân Việt ô hợp.

Mã Giang Long cũng nói:

-Tướng quân Hoàng Sùng Chính nói chí phải. Vả lại, đại quân của Trưng Trắc là đầu mối của các cuộc nổi loạn. Ta phải bóp chết đại quân này thì mới dẹp được các cuộc nổi loạn ở các quận, khi đó ở các quận ta không đánh chúng cũng tự tan.

  Tô Định gật gù:

  -Vậy thì quyết chiến một trận xem sao. Mở cổng thành nghênh chiến nữ tặc!

  Cổng thành phía Tây Luy Lâu hạ xuống vắt ngang sông Dâu tạo nên cái cầu gỗ lim rộng, dày chắc chắn. Tô Định mặc áo xanh, giáp sắt, mũ đâu mâu sắt nhọn từ trong thành cùng các tướng trên mình những chiến mã lao ra như gió. Theo sau là 3 vạn quân Đông Hán quân phục màu đen, gươm, giáo, mác, búa, lưng đeo cung tên tràn ra như thác. Trên đầu những lá cờ vàng có chữ Hán màu đen bay theo gió.Tô Định dàn thế trận chữ nhất, quát to:

-Tướng Mã Giang Long ra bắt nữ tặc cho ta.

  Mã Giang Long cưỡi ngựa đen, múa họa kích xông ra. Bên quân Việt Đại tướng tiền quân Hàn Hãn thúc ngựa màu nâu múa gươm xông ra. Hai ngựa xáp vào nhau, hai đại tướng cách nhau một cánh tay, họa kích chạm gươm tóe lửa. Hai ngựa bị ghì cương chồm hai vó trước lên. Khi vó ngựa chạm đất, hai tướng lại đánh nhau. Tiếng chiêng, tiếng trống da bò của quân Hán, tiếng thanh la, tiếng tù và, tiếng trống đồng bên quân Việt hòa với tiếng reo hò của hạng vạn người làm rung chuyển không gian vùng Luy Lâu,Vũ Ninh. Đang khi đó Trưng Trắc trên mình voi ra lệnh:

-Bắn tên lửa!

  Một phát tên có chứa chất cháy được châm lửa bắn lên tạo nên một bó đuốc trên không trung.

  Tô Định và quân Hán còn đang ngơ ngác thì từ hai bên tả hữu quân Hán, từ các bãi dâu không xa, quân Việt mai phục xuất hiện và tràn như vũ bão đánh vào tả hữu quân Hán. Trưng Trắc trên mình voi phất cờ, toàn quân Việt phía đối diện quân Hán nhất tề xông lên cùng hai cánh quân tả hữu chém giết quân Hán như gió lốc. Quân Hán bị đánh cả ba bên, thế trận tan vỡ quay đầu tháo chạy về Luy Lâu. Tô Định được các tướng hộ vệ cùng một vạn quân chạy được vào thành. Còn những tên chạy sau bị quân Việt chém như phạt chuối. Xác và máu giặc ngập đỏ suốt một dặm vuông, dọc bờ sông Dâu máu chảy đầm đìa như suối, xác giặc chết chồng lên nhau đủ kiểu. Bên quân Việt cũng mất 500 người. Trưng Trắc dàn quân bao vây bốn mặt thành Luy Lâu, bên ngoài lũy tre dày đặc.

  Quân Việt bao vây Luy Lâu nhưng cũng chỉ ngoài lũy tre gai dày đặc, bên trong là những hào nước rộng như sông bảo vệ thành. Trên mặt nước, dày đặc những chiến thuyền quân Hán canh giữ. Trên mặt thành là đá, tên cung nỏ, dầu chất cháy sẵn sàng châm lửa ném xuống. Suốt một đêm trong tổng hành dinh Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng các tướng suy nghĩ cách phá thành. Các nữ tướng ngồi đăm chiêu trên hai hàng ghế. Trưng Trắc lúc ngồi, lúc đứng, lúc chắp tay sau lưng đi lại, lúc cúi xuống nhìn chăm chăm vào bản vẽ của thành Luy Lâu. Chủ soái đã nhai không biết bao nhiêu miếng trầu cau, không rõ đã uống bao nhiêu bát nước lá vối do nữ binh hầu cận đưa lên. Đêm về khuya. Gió rét của tháng ba lạnh buốt xương. Những ánh lửa bập bùng của các trại quân bao vây Luy Lâu tạo những mảng vàng xé nát màn đêm. Trưng Trắc nhìn rất lâu vào các đóm lửa. Thốt nhiên Chủ soái reo lên:

-Có rồi. Hỏa công.

Trưng Nhị hỏi:

-Thưa chị, hỏa công nhưng đốt cái gì và đánh thế nào khi quân ta không thể lọt qua lũy tre này ạ?

  Trưng Trắc đáp;

-Dùng rơm rạ chất cao lên đốt cháy toàn bộ lũy tre, phá tan chiến lũy thứ nhất để quân ta tiếp cận đốt cháy thủy quân địch, tiêu diệt thủy quân, sau đó thuỷ quân ta tiến vào đốt cổng thành địch, trèo tường vượt thành vào bên trong mà đánh. Tất cả đều dùng hỏa công.

   Trưng Trắc ra lệnh:

-Trong ngày mai, các tướng đem một ít quân vào các xóm làng vận động nhân dân đóng góp rơm rạ và chất cao vào các lũy tre chờ lệnh. Còn tiểu muội Trưng Nhị đi chỉ huy thuỷ quân, ra lệnh cho đạo thủy binh của Đại Tướng  Hùng Bàn bịt phía Bắc sông Dâu, đạo thủy binh của Phật Nguyệt, Xà Nương bịt phía Nam sông Dâu, không cho tàn binh thủy quân địch tháo chạy ra sông Đuống, sông Hồng. Sau khi hỏa công tiêu diệt thủy binh xong, đạo quân của Hùng Bàn công phá cổng thành phía Tây trên sông Dâu, đạo quân của Phật Nguyệt công phá cổng thành phía Đông và dùng thuyền chở bộ binh tiến vào thành.

  Trưng Trắc nói thêm:                                                                  

-Hai đạo thủy binh cho người lên bờ nhờ dân làng giúp rơm rạ, ván, lạt tre, buộc rơm vào các tấm ván bện rơm tẩm nước, Khi tiến vào phá cổng thành phải cử quân khoẻ mạnh, ghép các tấm ván thành áo giáp che chắn tên đạn địch để hạn chế thiệt hại, để vô hiệu hóa hỏa lực của đối phương trên mặt thành ném xuống.

Trưng Trắc truyền quyết tâm cho các tướng:

-Trong thành còn một vạn tên và những tướng lĩnh nhưng đã bị trận thất bại vừa rồi làm mất tinh thần. Thành Luy Lâu kiên cố chỉ còn tồn tại đêm nay thôi. Ngày đền tội của bọn Tô Định đã đến rồi.

Các tướng dạ ran và tản về các trại quân chuẩn bị. Trống ở tổng hành dinh đã điểm canh ba. Xa xa, trong các làng có tiếng chó sủa và tiếng gà gáy eo óc, rồi làng xóm mênh mông lại im lìm chìm trong một màn đen thẫm. Những ruộng dâu bát ngát mênh mông uốn mình xạc xào theo gió.

  Lại một ngày mùa xuân qua đi nhanh chóng. Đêm xuống. Bóng đêm tràn ngập khắp nơi. Nhưng Luy Lâu và vùng ngoại vi không yên tĩnh. Quân Việt bao vây thành Luy Lâu bên ngoài các lũy tre đã sẵn sàng chiến đấu. Dưới gốc các lũy tre bao quanh hào sông đã chất đầy rơm rạ cao như núi, bao bọc đến 1/3 chiều cao của tre.

Trưng Trắc hạ lệnh:

-Lệnh cho hai đạo thủy quân bịt hai đầu sông Dâu không cho địch chạy thoát.Tất cả đồng loạt châm lửa đốt.

Quân Việt bốn phía dạ ran, châm lửa và ném những bó đuốc vào núi rơm rạ quanh lũy tre. Rơm rạ cháy làm cho tre cũng bốc cháy, phút chốc tạo nên một vòng núi lửa cáo ngút trời cháy rần rật soi sáng suốt hàng dặm của đất Luy Lâu, Vũ Ninh, khói và tàn lá tre bay mù mịt đất trời. Tre già bị cháy liên tục nổ vang như pháo lớn. Đất trời vàng rực trong cơn hỏa công dữ dội và vang động trong tiếng nổ của tre cháy, của tiếng thanh la, tù và tiếng trống đồng của quân Việt nghe như trời long đất lở. Thủy binh Hán không chịu nổi sức nóng của vành đai lửa táp xuống, từ thuyền cho đến vũ khí, trang phục trên thuyền đều nóng như rang, nhiều tên đã chết ngất, nhiều tên đã lao xuống nước. Thuỷ binh Hán cố thoát ra sông Hồng, sông Đuống nhưng hai đầu sông Dâu đã bị thủy quân Việt khóa chặt không tài nào ra nổi. Đến giữa trưa, chiến lũy tre bốn mặt hào thành chỉ còn là những đống tro tàn, những thân tre cháy  đen sì gục xuống ngổn ngang, tạo khoảng trống cho quân Việt trên bờ bắn tên lửa xuống chiến thuyền quân Hán. Bị rang nóng suốt nửa ngày, dễ bén lửa, chiến thuyền quân Hán bốc cháy ngùn ngụt trên sông hào, lại thêm tên đạn của quân Việt bốn phía trên bờ bắn xuống như mưa, nước như sôi lên, chiến thuyền đen thui chìm xuống, xác quân Hán  dày đặc dập dềnh chìm nổi lấp kín bốn dòng sông hào ngay dưới chân thành, máu nhuộm đỏ nước. Quân Hán trên thành đứng nhìn đồng đội chết mà không thể nào cứu được, lại không dám mở cổng thành cho thủy quân thoát vào sợ bị quân Việt vào thành. Nhìn thủy quân chết thảm, quân trong thành cũng hoảng loạn. Thành Luy Lâu chưa thất thủ nhưng quân Hán đã hoàn toàn sụp đổ về tinh thần. Những tên sống sót cố bơi vào bờ thì bị quân Việt bắt sống, chúng lạy như tế sao để mong quân Việt ban cho sự sống.

  Thế lực công thành của quân Việt càng mạnh thêm do được thêm các đạo quân của nữ tướng Lê Chân ở An Biên, tướng Hồ Đề ở Long Uyên, Hàn Quỳnh Nương ở Chu Diên, Lê Thị Hoa, Đào Kỳ, Phương Dung ở Cửu Chân  kéo về tiếp sức. Lê Chân sau khi lãnh đạo nhân dân lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán ở An Biên, đã theo sông Bạch Đằng vào Lục Đầu Giang, tiến về Vũ Ninh, góp sức cùng Chủ soái hạ thành Luy Lâu. Khâu Ni công chúa cũng đem quân về trợ chiến. Ngày hôm sau, Trưng Trắc hạ lệnh cho thủy binh tấn công với nhiệm vụ là đốt phá cổng thành để đưa bộ binh, thủy binh đánh thành. Nhận được lệnh, Hùng Bàn và Phật Nguyệt đã cho nhiều thuyền kết lại với nhau thành nhóm cho vững chắc, cử những thủy binh khỏe mạnh nâng những tấm ván bện rơm tẩm nước ghép lại thành những bức tường che chắn tên đạn quân Hán trên thành bắn xuống để hạn chế thương vong. Những nhóm thuyền của đạo thủy binh Hùng Bàn được che chắn chèo  như bay tiến vào sông Dâu, cổng thành phía Tây, nhóm thuyền của thuỷ quân Phật Nguyệt tiến vào hào thành cửa phía Đông. Quân Hán trên mặt thành bắn tên, ném đá, đổ chất cháy xuống như mưa quyết liệt chống cự nhưng đã bị những mánh giáp ván bện rơm dầy tẩm nước vô hiệu hóa.Thủy quân Việt tiếp cận được cổng thành, tưới chất cháy và đốt. Cổng thành phía Đông và phía Tây cháy ngùn ngụt và được mở toang. Thủy quân Việt dùng thuyền làm cầu cho bộ binh và thủy binh xông vào thành. Trong thành vô cùng hỗn loạn, chiêng, trống đồng, thanh la, tù và vang dội cùng với tiếng reo giết giết của quân Việt, khói lửa mù mịt, đất trời rung chuyển. Quân Hán tan vỡ, bị quân Việt chém như chuối đổ. Các nữ tướng quân Việt xông pha, tả xung hữu đột, phi ngựa trong đám loạn quân cùng bộ binh, thủy binh Việt chém giết quân Hán, người và ngựa như tắm máu quân Hán, thả sức phanh thây xé xác quân thù, rửa mối hận nước thù nhà suốt 200 năm trời mất nước.

(Còn nữa)

CVL