Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.
chuy-qu1q-1636940117.jpg

Tranh minh họa: Đinh Bộ Lĩnh phất cờ dẹp loạn 12 sứ quân. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 21.

Trong khi quân Đỗ Động Giang còn ngơ ngác thì đã bị 5 vạn quân Hoa Lư do Lê Hoàn, Đinh Liễn, Trịnh Tú chỉ huy đánh phía sau, trước mặt thì 5 vạn quân Hoa Lư trong thành Quèn xông ra chém giết. Quân Đỗ Cảnh Thạc bị kẹt vào giữa vòng vây 10 vạn quân Hoa Lư, ra sức chống đỡ nhưng thế trận đã vỡ. Tiếng chiêng trống cùng tiếng reo hò của quân Hoa Lư làm rung chuyển trời đất vùng Đỗ Động Giang. Quân Đỗ Động Giang gục đổ, máu tuôn như suối nhuộm đỏ cả dòng sông Tích, thây chất thành núi, gươm giáo chạm nhau như chớp giật. Đây là cuộc hỗn chiến, trận giáp lá cà của 15 vạn quân, trận chém giết lớn nhất trong lịch sử của cuộc nội chiến 12 sứ quân. Phần lớn 5 vạn quân của Đỗ Cảnh Thạc tử trận, còn lại đầu hàng. Đỗ Cảnh Thạc cùng tàn quân mở đường máu chạy thoát ra ngoài vòng vây nhưng quân Hoa Lư truy kích rất gắt gao. Đỗ Cảnh Thạc chạy về thành Bảo Đà nhưng thành đã bị tướng Hoa Lư Phạm Công Đình lấy mất. Đỗ Cảnh Thạc chạy về miền Sài Sơn, Phong Châu. Quân Hoa Lư vẫn truy sát. Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên độc của quân Hoa Lư ngã xuống ngựa mà chết. Con ngựa cao to khỏe mạnh của Đỗ Cảnh Công cưỡi suốt cuộc đời chinh chiến bây giờ nhìn chủ tướng tắt thở, nó chảy ra hai dòng nước mắt và cũng gục xuống chết theo. Đó là tháng 7 năm 966. Đỗ Cảnh Công thọ 55 tuổi.

Sau chiến trận, Lê Hoàn đưa hào trưởng Hà Khôi, nói về tình cố tri ở Hoa Lư, nói về việc Hà đại nhân cho mượn ba con ngựa để nhanh chóng về Cổ Loa, Tây Phù Liệt huy động quân cứu viện. Hà đại nhân còn hợp tác vơi ba anh em hào trưởng họ Cao, huy động được một vạn quân, góp vào thành 5 vạn quân của Cổ Loa-Tây Phù Liệt để đánh tập hậu Đỗ Cảnh Thạc và giải vây cho Đinh chúa công. Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Đa tạ Hà đại nhân và Cao đại nhân đã giúp đỡ.

Bốn người chắp tay đáp lễ:

- Không dám, không dám. Đó là công việc chúng tôi nên làm.

Đinh Bộ Lĩnh bảo Lưu Cơ:

- Tướng quân đem ấn tín binh phù ra đây. Nay phong thưởng cho Hà Đại nhân làm Huyện lệnh Đỗ Động Giang. Phong cho ba đại nhân họ Cao: Anh cả Cao Trí làm Chỉ huy sứ, đệ thứ hai Cao Minh làm Cao Đô úy, đệ thứ ba Cao Sáng làm Cao hiệu úy.

Bốn người quỳ gối chắp tay:

- Đa tạ Đinh chúa công, đa tạ…

Đinh Bộ Lĩnh cử tướng Phạm Công Đình lĩnh 1 vạn quân chấn giữ Đỗ Động Giang, cho Trịnh Tú 1 vạn quân về trấn giữ Tây Phù Liệt, Đinh Liễn đem 1vạn quân về làm Tổng Trấn Cổ Loa. Còn Đinh Bộ Lĩnh lưu lại Đỗ Động Giang vài ngày cho quân đội nghĩ ngơi, trù liệu cuộc tấn công tiêu diệt Nguyễn Khoan ở Tam Đái, Phong Châu.

Việc Đinh Bộ Lĩnh đơn đao đến Đằng Giang thu phục Phạm Bạch Hổ, một lão thần phò ba đời vua Ngô, ông ngoại của Vua Ngô Xương Xí, nhạc phụ của vua Ngô Nam Sách Vương, thân phụ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Dung đã làm cho các sứ quân trong thiên hạ kính phục. Tiếp đến, Đinh Bộ Lĩnh đánh bại Đỗ Cảnh Thạc, một lão thần cũng phò ba đời vua Ngô, có một lực lượng hùng mạnh, một lão tướng dày dạn kinh nghiệm chính trị và quân sự đã làm chấn động các sứ quân còn lại. Họ khiếp sợ uy danh lững lẫy trùm thiên hạ của Đinh Bộ Lĩnh.

Trong cuộc họp các tướng lĩnh bàn về việc đánh sứ quân Nguyễn Khoan ở Tam Đái, Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Muốn giải phóng Phong Châu, phải tiêu diệt sứ quân Nguyễn Khoan ở vùng Tam Đái. Ta đã viết thư chiêu hàng nhưng Nguyễn Khoan nói ngạo mạn thách ta nếu muốn bỏ xác như Ngô Xương Văn thì cứ tiến vào Tam Đái để ông ta báo thù cho anh ông ta là Nguyễn Siêu vừa bị ta tiêu diệt ở Tây Phù Liệt. Quân sư Lưu Cơ có biết thêm về Nguyễn Khoan không?

Lưu Cơ nói:

- Bẩm chúa công, Nguyễn Khoan là em của Nguyễn Siêu, anh của Nguyễn Thủ Tiệp, người Việt gốc Hoa. Lớn lên, khoảng năm 945, Nguyễn Khoan trở thành hào trưởng vùng Tam Đái. Tam Đái ở Tây Bắc Cổ Loa, là tên gọi vùng có ba giải đất bao quanh Bạch Hạc. Đó là vùng đất Loan Giang, Bạch Hạc Giang và Phó Đáy Giang, thuộc Yên Lạc, Phong Châu. Nơi đây, một bên có núi Một Tai, một bên là Núi Biện. Giữa thung lũng có một dải đất nhô lên như voi quỳ phủ phục, dưới có đầm sâu. Nguyễn Khoan cho xây thủ phủ trên núi Biện Sơn, còn một công trình mang tính quân sự là đồn gò Đồng Đậu. Nguyễn Khoan ngạo mạn xưng là Quảng Trí Quân (Vua vĩ đại), còn có tên là Nguyễn Thái Bình. Nguyễn Khoan đã chống lại nhà Ngô ngay thời vua Nam Tấn Vương và chính Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn đã tử trận khi đi dẹp loạn ở đây. Như vậy, có mấy lý do để Nguyễn Khoan không đầu hàng chúa công, một là mộng bá vương của ông ta rất lớn, muốn làm “Vua vĩ đại”, thứ hai, anh ruột ông ta là Nguyễn Siêu vừa bị chúa công tiêu diệt. Cho nên mạt tướng nghĩ rằng với Nguyễn Khoan chỉ có dùng quân sự tiêu diệt.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Quân sư nói chí phải.

Rồi lập tức Đinh Bộ Lĩnh đem 4 vạn quân từ đất Cổ Loa, vượt qua sông Cà Lồ tiến vào vùng Tam Đái. Đi Tiên phong là tướng Phạm Hạp và Lê Hoàn, đi trung quân là Lưu Cơ, Lý Công Uẩn, Nguyễn Bặc, đi hậu quân là Phạm Cự Lượng, Đinh Đức Thông. Trời mùa đông u ám, gió lạnh thổi như cắt da, cờ bay phấp phới, quân đi chuyển đất. Còn cách Tam Đái ba dặm, Đinh Bộ Lĩnh thấy Nguyễn Khoan với khoảng 3 vạn quân đã dàn trận. Trống chiêng vang động, những lá cờ vàng thêu chữ “Quảng Trí Quân” bay phấp phới. Đinh Bộ Lĩnh cho quân Hoa Lư dàn trận. Một tướng từ hàng quân Nguyễn Khoan cưỡi ngựa nâu múa đại đao xông ra. Quân Tam Đái nhìn thì ra đó là tướng Nguyễn Duy. Bên quân Hoa Lư, tướng Phạm Hạp cưỡi ngựa đen cũng múa đại đao xông ra tiếp chiến. Chiêng trống vang lừng, bụi bay mù mịt, hai đại đao chạm nhau tóe lửa. Chưa được 10 hiệp, Phạm Hạp đưa một đao, đầu tướng Nguyễn Duy rơi xuống đất. Trong tích tắc, khi quân Nguyễn Khoan còn bàng hoàng thì Phạm Hạp như một tia chớp lao ngay vào nơi lá cờ vàng có đề chữ “Quảng Trí Quân” và lia đại đao vào người đứng dưới cờ. Người đó chính là Nguyễn Khoan chết ngay và rơi xuống ngựa, con ngựa rú lên chạy ngay vào đám loạn quân của Nguyễn Khoan đang vỡ trận tháo chạy, quân Hoa Lư như sóng vỡ bờ xông lên chém giết. 3 vạn quân Tam Đái phần lớn bị tiêu diệt, phần còn lại thì đầu hàng. Hai phu nhân của Nguyễn Khoan tự vẫn ở ao Nâu, cạnh gò Đồng Đậu. Quân Hoa Lư hoàn toàn làm chủ Tam Đái và đã làm chủ Cổ Loa, Đại La, Tây Phù Liệt, Đỗ Động Giang, nối liền với Đằng Châu, Bố Hải Khẩu, Câu Lậu, Vô Công và Hoa Lư, tạo thành một vùng liên hoàn rộng lớn hầu khắp trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đinh Bộ Lĩnh quyết định thừa thắng sẽ tiến quân tiêu diệt sứ quân Kiều Công Hãn.

Lại nói Giám quốc Kiều Công Hãn sau khi Ngô Xương Xí về Bình Kiều thì cũng về Phong Châu, trở thành một trong 12 sứ quân, xưng là Kiều Tam Chế. Kiều Công Hãn chiếm ba châu: Thái Châu, Hào Châu và Phong Châu, xây dựng nhiều thành quách, trong đó có thành Tam Giang ở ngã ba sông Bạch Hạc, thành Phú Lập. Tổng hành dinh là thành Tam Giang, nơi ở của Kiều Công Hãn, còn thành Phú Lập là do bộ tướng Hoàng Định thống lĩnh 2 vạn quân trông coi. Kiều Công Hãn còn cho tu sửa đền, chùa ở Đại Bi. Kiều Công Hãn còn cố gắng mở rộng địa bàn sang tả ngạn sông Lô, thường xung đột với sứ quân Nguyễn Khoan ở vùng Lập Thạch, Phong Châu.

Trước khi tiến quân, Đinh Bộ Lĩnh có viết thư thuyết phục Kiều Công Hãn đầu hàng vì Đinh Bộ Lĩnh biết Kiều Công Hãn là một công thần của nhà Ngô, từng phản đối việc làm bất trung bất nghĩa của ông nội Kiều Công Tiễn giết Tiết Độ sứ Dương Đình Nghệ, từng có công lớn trong chiến dịch Bạch Đằng năm 938, có người nói ông là người tham mưu cho Tiền Ngô Vương đóng cọc nhọn trên cửa sông Bạch Đằng. Sau đó, Kiều Công Hãn phò ba triều vua Ngô và rất trung thành. Kiều Công Hãn đã từ chối lời đề nghị hợp tác của Đinh Bộ Lĩnh. Có thể trong con mắt của Kiều Công Hãn, Đinh Bộ Lĩnh chỉ là kẻ phản bội nhà Ngô, không thể hợp tác, cũng có thể trong Kiều Công Hãn cũng chứa đựng mộng bá vương quá lớn, hoặc là trung thành với nhà Ngô một cách không thức thời, không biết thời thế đang thay đổi, đặc biệt sau khi Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt Lã Tử Bình, Đỗ Cảnh Thạc, thu phục Phạm Bạch Hổ thì cục diện đang nghiêng về thế có lợi cho Đinh Bộ Lĩnh.

(Còn nữa)

CVL

Chu linh ngoại

Chu linh ngoại

14:02 15/11/2021

Giá như có bản đồ minh hoạ các vùng do các xứ quân cát cứ với tên gọi của thế kỷ X tương ứng với tên địa danh ngày nay thì dễ hình dung hơn.