Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dinh-bl1-1637375737.jpg

Tranh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 26.

Rồi Ngô Nhật Khánh viết thư, sai thám mã chạy về Cổ Loa đưa cho Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh nhận được thư, mở ra đọc. Thư viết: “Kính gửi Vạn Thắng Vương. Mạt tướng ở Đường Lâm vẫn theo dõi và chúc mừng thắng lợi của Đinh chúa công trên mọi mặt trận. Mạt tướng từ lâu đã muốn về với chúa công. Nay có thư của chúa công mạt tướng mới có cơ hội. Hai ngày nữa thu xếp xong mạt tướng sẽ đem quân đội, tùy tướng về Cổ Loa nhập với quân đội Hoa Lư và làm tùy tướng của chúa công. Nay kính thư- Mạt tướng Ngô Nhật Khánh”.

Đúng hai hôm sau, Ngô Nhật Khánh đem 1 vạn quân và các tùy tướng về Cổ Loa đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng lĩnh Hoa Lư ra đón tiếp Ngô Nhật Khánh và các tùy tướng. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng Hoa Lư ngạc nhiên thấy có một chiếc kiệu che mành đỏ cùng đi với quân Đường Lâm. Đinh Bộ Lĩnh hỏi Ngô Nhật Khánh:

- Kiệu của ai vậy?

- Dạ, đó là thân mẫu của mạt tướng. Bà cứ đòi đi tiễn mạt tướng và nuốn gặp mặt vị tướng lừng danh Vạn Thắng Vương.

- Vậy tướng quân mời Phu Nhân xuống kiệu để gặp ta.

- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Ngô Nhật Khánh mở rèm. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng lĩnh trông thấy một mệnh phụ khoảng 50 tuổi đẹp như tiên giáng thế từ trên kiệu bước xuống. Hai thị nữ đỡ phu nhân đi lại gần Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng thi lễ:

- Xin chào Phu nhân.

Ngô phu nhân chắp tay thi lễ, dáng điệu thật dịu dàng quý phái:

- Xin kính chào Vạn Thắng Vương Đinh chúa công, thiếp nghe đại danh của chúa công như sấm bên tai, nay may mắn mới được gặp.

- Xin kính chào các tướng quân.

Đinh Bộ Lĩnh và các tướng quân đáp lễ. Đinh Bộ Lĩnh mời phu nhân, Ngô Nhật Khánh, các tướng Hoa Lư và Đường Lâm vào Cổ Loa và mở tiệc mừng Ngô Nhật Khánh về với quân Hoa Lư. Tiệc rượu suốt đêm. Hôm sau, Đinh Bộ Lĩnh cử tướng Phạm Hán cùng gia nhân của Ngô Nhật Khánh dùng kiệu có ngựa kéo cùng 2000 quân hộ tống phu nhân về Đường Lâm. Trong giờ phút đưa tiễn, Phu nhân dạy Ngô Nhật Khánh:

- Con nhớ nghe lời và trung thành với Đinh chúa công, nghe chưa?

- Dạ, Con xin nghe lời mẫu thân, mẫu thân nhớ bảo trọng.

Ngô Phu nhân cáo biệt Đinh Bộ Lĩnh:

- Xin chúa công dạy bảo, giúp đỡ con thần thiếp, thần thiếp đội ơn, hẹn ngày tái ngộ.

Đinh Bộ Lĩnh dịu giọng đáp:

- Xin Phu nhân yên tâm. Phu nhân nhớ bảo trọng.

Hai người cảm thấy trong cuộc chia ly có sự lưu luyến khó quên.

Đinh Bộ Lĩnh ở Cổ Loa để cắt cử các tướng, mỗi tướng một vạn quân trấn giữ các vùng đất vừa mới lấy được từ tay các sứ quân với phương châm giúp bách tính phát triển kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiễu trừ giặc dã, cướp bóc để yên lòng dân. Khoảng tháng 8 năm 968, Đinh Bộ Lĩnh kéo quân về Bố Hải Khẩu, ở với phu nhân Trần Nương, thăm Trần Minh Công. Tháng 9 năm đó, Đinh Bộ Lĩnh đem 4 vạn quân do Lê Hoàn làm tiên phong tiến về Ái Châu, đánh sứ quân cuối cùng là Ngô Xương Xí. Ngô Xương Xí là con trưởng của Nam Sách Vương Ngô Xương Ngập và hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Dung, cháu nội của Tiền Ngô Vương, cháu ngoại của Phạm Bạch Hổ.

Năm 965, Vua Ngô là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận khi đi đánh Nguyễn Khoan. Ngô Xương Xí là cháu lên kế vị nhưng bị quyền thần Lã Tử Bình lấn quyền và có nguy cơ bị giết hại nên đã chạy về thành Bình Kiều của nhà Ngô ở miền trung du Ái Châu. Thành Bình Kiều cách Tư Phố, Ái Châu 13 dặm về phía Tây, dãy núi Cửu Noãn là chiến lũy phía Đông, phía Bắc là núi Nưa thuộc Hợp Thành, Triệu Sơn, Ái Châu. Cạnh thành là con sông Mau Giêng, một nhánh của sông Nhơm, thượng nguồn sông Cầu Quan chảy vào sông Yên đổ ra cửa Ghép.

Trên đường hành quân vào Ái Châu, Đinh Bộ Lĩnh cho dừng quân tại Tam Lỗ, trước khi đến Bình Kiều. Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và các tướng vào thăm Dương Tam Kha. Đinh Bộ Lĩnh lần đầu đến quê hương của Dương Đình Nghệ, của Dương Tam Kha, của cả Lê Hoàn. Nhưng đối với Lê Hoàn, Tam Lỗ là nơi vô cùng thân thuộc và đầy kỷ niệm của tuổi thanh thiếu niên. Lê Hoàn từ quê hương Thọ Xuân đã về ở nhà Dương Tam Kha để học tập võ nghệ và văn chương. Nơi đây Lê Hoàn đã luyện võ, học tập, vui chơi với những công tử của Dương Tam Kha. Lê Hoàn còn được làm bạn với tiểu thư của Dương Tam Kha là Dương Vân Nga, một thiếu nữ sắc nước hương trời, đoan trang, hiền thục. Hai người có thể nói là tri âm, tri kỷ với nhau. Lê Hoàn nhớ mãi ngày chàng từ biệt ra Hoa Lư theo Đinh Bộ Lĩnh, đôi mắt đẹp của Dương Vân Nga bao phủ một nét u buồn khiến trái tim Lê Hoàn xao xuyến. Rồi thời gian chinh chiến bận rộn, Lê Hoàn cũng đã quên đi thời lãng mạn thoảng qua đó. Bây giờ về lại nơi xưa, kỷ niệm xưa sống lại mới bồi hồi xao xuyến.

Dương Tam Kha vui mừng ra đón khách. Thời gian đã làm mái tóc Dương Tam Kha nhuộm trắng như sương. Khi Đinh Bộ Lĩnh và các tướng lĩnh thi lễ thì Lê Hoàn quỳ xuống chắp tay và nói:

- Con kính chào sư phụ.

Dương Tam Kha đáp lễ các tướng Hoa Lư và đỡ Lê Hoàn đứng dậy:

- Lê tướng quân đứng dậy đi.

Sau một tuần nước, Dương Tam Kha gọi:

- Bay đâu!

- Dạ.

- Làm tiệc rượu thết đãi Vạn Thắng Vương và các tướng quân Hoa Lư. Bảo gia nhân mở kho rượu, gạo, giết bò, gà và lợn khao 4 vạn quân Hoa Lư. Rõ chưa?

- Dạ, bẩm chúa công rõ ạ.

Với Đinh Bộ Lĩnh, chuyến dừng lại ở Tam Lỗ không chỉ là thăm Dương Tam Kha, một nhân vật lừng danh trong thế cuộc hiện nay mà còn là kết thân với dòng họ nổi tiếng và thế lực, qua đó nắm bắt các hào trưởng, anh hùng hào kiệt ở Ái Châu, một châu ảnh hưởng rất lớn đến các triều đại, đến các thế lực chính trị và quân sự của thiên hạ. Sau quân sự thì Đinh Bộ Lĩnh đã và đang chuẩn bị chính trị và xã hội cho sự ra đời của triều nhà Đinh. Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục được một thế lực lớn ở Đằng Châu là Phạm Bạch Hổ, thu phục dòng họ đế vương là Ngô Nhật Khánh. Đinh Bộ Lĩnh dự kiến sẽ kết hôn với mẫu thân của Ngô Nhật Khánh là Ngô Phu Nhân, dù đã gần 50 tuổi nhưng còn sắc nước hương trời, sẽ gả công chúa Phất Ngân cho Ngô Nhật Khánh, sẽ cưới em gái Ngô Nhật Khánh cho Đinh Liễn. Với thế lực họ Ngô, Đinh Bộ Lĩnh lần này về Bình Kiều sẽ không đánh mà chiêu dụ Ngô Xương Xí đầu hàng là giải giáp chính trị hay nhất, vì Ngô Xương Vương không chỉ đã là vua Nước Việt, còn là cháu của Phạm Hạch Hổ, Dương Tam Kha, của Dương Vân Nga, cháu nội Dương Thái Hậu. Dương Vân Nga, người tuyệt thế giai nhân mà Đinh Bộ Lĩnh dự định sẽ hỏi làm phu nhân ngay trong cuộc hội ngộ lần này.

Sau tiệc rượu, Đinh Bộ Lĩnh nói với Dương Tam Kha:

- Mạt tướng từ lâu đã ngưỡng mộ họ Dương, đặc biêt là chúa công ở Ái Châu. Mạt tướng nghe nói Dương chúa công có ái nữ DươngVân Nga là quốc sắc thiên hương và đức hạnh. Mạt tướng muốn làm con rể và được gọi chúa công là nhạc phụ, chẳng hay chúa công nghĩ thế nào?

Dương Tam Kha đáp:

- Gái lớn gả chồng. Lão phu cũng đang định tìm cho Nga nhi một đấng phu quân. Đa tạ Đinh Chúa công đã chiếu cố, như vậy còn gì bằng.

Đinh Bộ Lĩnh đứng dậy, quỳ xuống và nói:

- Đa tạ nhạc phụ.

Dương Tam Kha đỡ Đinh Bộ Lĩnh:

- Chúa công đứng dậy đi.

- Bay đâu.

- Dạ.

- Gọi tiểu thư Dương Vân Nga ra đây.

- Dạ.

Mọi người im lặng chờ đợi, một lát sau hai thị nữ cùng Dương Vân Nga bước ra. Các tướng Hoa Lư và Đinh Bộ Lĩnh sửng sốt bàng hoàng trước sắc đẹp như tiên nữ dáng trần của Dương Vân Nga. Mái tóc đen óng ả búi cao, mặt trái xoan bầu bầu trắng nõn, da như trứng gà bóc, mắt phượng mày ngài, môi son má phấn, thanh thoát dịu dàng như mây liễu. Dương Vân Nga và hai thị nữ quỳ xuống, tiếng của nàng hay như nhạc du dương:

- Nga nhi xin lạy phụ thân. Thần thiếp xin chào Đinh chúa công, xin chào các vị tướng quân.

(Còn nữa)

CVL