Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.
dthoang1-1637544712.jpg
Tranh minh họa; Đinh Tiên Hoàng (chữ Hán: 丁先皇; 22 tháng 3 năm 924 - tháng 10 năm 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh (丁部領)), là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 28.

Sau đó Đinh Bộ Lĩnh cắt một tùy tướng với 5000 quân coi giữ thành Bình Kiều rồi cùng Ngô Xương Xí và các tướng lĩnh trở lại Tam Lỗ. Đinh Bộ Lĩnh cử Ngô Xương Xí làm Thứ sử Ái Châu, để lại cho 1 vạn quân. Ngô Xương Xí nhận binh phù ấn tín và quân đội xong đa tạ và dẫn quân về thành Tư Phố, trị sở của Ái Châu. Đinh Bộ Lĩnh ở lại Tam Lỗ một ngày rồi cáo biệt Dương Tam Kha, đón Dương Vân Nga và kéo đại quân về Bố Hải Khẩu. Thiên hạ Nước Việt đang đón một mùa xuân non sông thống nhất, đó là năm 968.

III

Tại Bố Hải khẩu, buổi sáng ngày hôm sau của yến tiệc lễ thành hôn của Đinh Bộ Lĩnh với Dương Vân Nga, Đinh Bộ Lĩnh triệu tập một cuộc họp các tướng lĩnh, đặc biệt là các vị lão tướng như Trần Minh Công và Phạm Bạch Hổ. Đinh Bộ Lĩnh ngồi ghế chủ tọa, hai lão tướng quân ngồi hai bên. Các tướng lĩnh ngồi hai bên dãy bàn ghế kê dọc và hướng mặt vào nhau. Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Kính thưa nhạc phụ.

- Kính thưa Phạm Phòng Át chúa công.

- Thưa các tướng quân.

- Cho đến cuối năm nay, 968, qua hai năm mạt tướng đánh dẹp, thiên hạ về cơ bản đã thống nhất. Vấn đề hôm nay ta bàn với nhạc phụ Trần Minh Công, lão tướng Phạm Phòng Át và với các tướng quân là thiết lập một triều đại mới. Triều đại mới này nên xưng vương hay xưng hoàng đế. Vấn đề thứ hai là chọn nơi đóng đô, có nên về Cổ Loa hay về Hoa Lư. Vấn đề thứ ba là định quốc hiệu, Nước Việt bây giờ phải gọi là gì?

Trần Minh Công nói:

- Thưa các chư vị tướng quân, hôm qua lão phu và Đinh chủ soái sau yến tiệc có ngồi uống trà đàm đạo với nhau. Vạn Thắng Vương có mời lão phu đứng ra thành lập một triều đại mới, triều đại nhà Trần. Lão phu đã già rồi không còn sức và không có tài cáng đáng được công việc to lớn đó. Hai đệ là Trần Thăng và Trần Nguyên Thái cũng từ chối vì biết là không có tài đế vương trị quốc. Đinh tướng quân là con trong nhà, có tài về quân sự, chính trị chấn động thiên hạ, đánh Nam dẹp Bắc, anh hùng hào kiệt trong thiên hạ đều khâm phục, bách tính chờ mong tài trị quốc, đem lại thanh bình no ấm cho nhân dân. Lão phu nghĩ nếu không phải là Đinh chúa công mà trong tình hình hiện nay, một ai đó lên ngôi thì thiên hạ lại đại loạn vì không có tài kinh bang tế thế, thứ hai là các anh hùng hào kiệt không thần phục. Cho nên, ngôi thiên tử ai cũng thích nhưng không phải ai ngồi vào cũng được. Hơn nữa, cục diện Ngũ đại thập quốc bên Trung Nguyên sắp kết thúc, một triều đại thống nhất sẽ ra đời và khi đó ngựa theo đường cũ, họ lại xua binh sang xâm lược nước ta. Khi đó, nước ta phải hùng mạnh, một vị vua phải tài năng về quân sự để chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Cho nên, lão phu mong Đinh Chúa công lên ngôi. Còn về xưng đế hay xưng vương thì xưa nước ta có Lý Bí đã xưng là Lý Nam Đế, Mai Thúc Loan đã xưng Mai Hắc Đế. Xưng đế là tỏ rõ quyền độc lập mạnh mẽ, sánh ngang với phương Bắc. Theo Lão phu, Đinh chúa công nên xưng đế.

Trần Minh Công uống một ngụm trà rồi nói tiếp:

- Còn kinh đô thì lão Phu cho rằng nên đóng đô ở Hoa Lư. Không rõ ngày xưa các cụ tính toán thế nào mà dời đô về Cổ Loa. An Dương Vương Thục Phán chỉ được 29 năm, Tiền Ngô Vương và Hậu Ngô Vương cũng chỉ được 26 năm. Hơn nữa, Cổ Loa gần biên giới, từ Quỷ Môn Quan-Chi Lăng đến Cổ Loa chỉ có 300 dặm, Cổ Loa lại gần những con sông, giặc Phương Bắc từ sông Bạch Đằng đi vào sông Kinh Thầy, đến Lục Đầu Giang là có thể vào được Cổ Loa dễ dàng. Vạn Thắng Vương nên đóng đô ở Hoa Lư. Hoa Lư địa thế hiểm yếu, núi đá vôi cao bao bọc là thành lũy chắc chắn, lại xa biên giới Việt-Trung, lại xa Lục Đầu Giang, giặc rất khó tấn công. Tóm lại, đất Hoa Lư là nơi ngọa hổ tàng long, công thủ đều có lợi.

Lão tướng Phạm Bạch Hổ nói:

- Trần Minh Công nói chí lý. Hoa Lư là kinh đô dễ thủ khó công, lại là trung tâm của cả nước, có thể vươn quyền lực ra cả nước, ra toàn miền Bắc và cả miền Châu Ái, Châu Hoan xa xôi. Vả lại, kinh đô Hoa Lư là quê hương của Đinh chúa công, gần Bố Hải Khẩu, Câu Lậu rộng lớn, là hậu phương, là quê ngoại của Đinh chúa công, sẽ hỗ trợ đắc lực khi cần thiết. Thật là một nơi thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Đinh Bộ Lĩnh hỏi các tướng:

- Các tướng quân có cao kiến gì khác không?

Lưu Cơ nói:

- Nếu đã xưng đế thì quốc hiệu nên lấy là Đại Cồ Việt cho tương xứng.

Các tướng đáp:

- Chúng mạt tướng tán thành cao kiến của hai vị lão tướng và quân sư. Mong chủ soái lên ngôi hoàng đế, kinh đô ở Hoa Lư, quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Đinh Bộ Lĩnh nói:

- Vậy thì ngày mai kính mời nhạc phụ, toàn gia họ Trần, lão tướng Phạm Công và tất cả các tướng quân, quân đội về Hoa Lư dự lễ đăng quang của ta. Tướng Lê Hoàn đâu:

- Dạ, có mạt tướng.

- Tướng quân điểm ba vạn quân ngày mai hộ giá về Hoa Lư.

- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

- Tướng quân Nguyễn Bặc đâu?

- Dạ, có mạt tướng.

- Tướng quân điểm 3 vạn quân và bố trí bảo vệ Bố Hải Khẩu.

- Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Ngày chiều đó, tiếng chiêng, trống, tù và nổi lên vang trời chuyển đất. Bố Hải Khẩu nhộn nhịp tưng bừng chuẩn bị cuộc hành quân về Hoa Lư cho quân đội, gia đình Đinh Chúa công, gia đình và dòng họ Trần Minh Công về Hoa Lư dự lễ đăng quang của Đinh Bộ Lĩnh lập triều đại mới: Nhà Đinh. Lịch sử Nước Việt lật sang một trang mới. Vài ngày sau lễ đăng quang, kinh đô Hoa Lư và các châu, huyện trong toàn quốc đọc được bản cáo thị của triều đình. Cáo thị viết: “Hiện nay, đất nước đã được thống nhất nhờ sự hi sinh to lớn của bách tính, của các tướng lĩnh vả quân đội. Thiên hạ đã thống nhất rồi phải có chủ. Nay chiểu theo nguyện vọng của bách tính, của các tướng lĩnh quân đội, tuân theo mệnh trời, trẫm là Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế, niên hiệu Thái Bình, lấy kinh đô là Hoa Lư, lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Nhân dịp này, trẫm tuyên bố đại xá thiên hạ, miễn sưu thuế cho bách tính trong một năm. Nay kính báo. Hoa Lư, niên hiệu Thái Bình năm thứ nhất 968”.

Vào một ngày cuối mùa đông năm 968, nắng vàng rực rỡ như mùa xuân, những dãy núi đá xám cao ngất nhô lên bầu trời xanh xám khoe đủ hình thù kỳ quái, lại như những hình thù thần thánh thiêng liêng. Núi đá vây quanh tạo nên vẻ uy nghi cổ kính của kinh đô, lại là những bức trường thành che chở cho những cung điện tráng lệ bên trong. Nếu ở đoạn nào hai vách đá núi không liền với nhau, nhà Đinh đã cho đắp tường thành vững chắc. Trên nóc các thành cũng như trên nóc các lâu đài, cung điện, những lá cờ vàng mang chữ “Đại Cồ Việt” tung bay phấp phới.

(Còn nữa)

CVL