Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 10.

Sau khi phát triển thế lực ở đồng bằng Bắc Bộ, Trần Tự Khánh thấy phải đánh Thăng Long và miền Bắc, liền kéo quân về bến Đại Thông ra lệnh cho tướng Tô Khang Sơn:

-Tướng quân đem 2 vạn quân tiến vào Thăng Long, dò xem quân họ Đoàn bố phòng thế nào, nếu thấy mạnh thì dọa rồi rút về đây.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Tô Khang Sơn kéo quân về Thăng Long nhưng thấy quân Đoàn phòng thủ mạnh liền ra lệnh:

-Đốt cầu Ngoạn Thiềm và rút.

-Tuân lệnh chủ tướng.

chtran-tu-khanh-01-1650982766.jpg
Tranh minh hoai: Trần Tự Khánh là người có công rất lớn trong việc giúp Đại Việt tránh khỏi cuộc nội chiến hồi thế kỷ 13. Nguồn: Internet.

 

  Quân Trần đốt cầu Ngoạn Thiềm cháy thành than. Quân Trần lại rút về bến Đại Thông.

  Tháng 2 năm 1212, Trần Tự Khánh đang ngồi trong bản doanh thì tham mã về báo:

-Dạ bẩm Chương thành hầu, tướng quân Nguyễn Tự đã chết rồi ạ.

  Trần Tự Khánh ngạc nhiên:

-Sao mà chết?

-Dạ trong trận chiến với Ngô Thưởng Vu và Vũ Cao, tướng quân bị trúng tên độc, bệnh chưa khỏi thì 10 ngày sau đã quan hệ với đàn bà, khí độc phát tác mà chết ạ.

  Nguyễn Tự vốn là bộ tướng của Tô Trung Từ. Tháng 4 năm 1211, định làm phản và mưu giết con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Ma La nhưng việc bại lộ, bỏ Tô Trung Từ chạy sang Quốc Oai, phát triển thế lực mạnh. Sau khi Tô Trung Từ chết, Trần Tự Khánh liên kết với Nguyễn Tự. Hai người đã hội sư ở bến Đông Triều, thề hết lòng giúp nước, cùng chung sức dẹp loạn để yên dân. Hai bên còn chia nhau phạm vi thế lực theo địa giới, hẹn tháng 3 năm 1213 họp binh với nhau để đánh họ Đoàn ở Hồng Châu, không ngờ nay đã sớm qua đời.

  Trần Tự Khánh đang ngồi suy nghĩ thì có thám mã về báo:

-Dạ, có người của tướng Nguyễn Cuộc, Phó tướng của Nguyễn Tự ở Quốc Oai xin vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

  Sứ giả của Nguyễn Cuộc vào quỳ:

-Dạ, phó tướng Nguyễn Cuộc có thư cho Chương thành hầu ạ.

-Đứng dậy đi.

-Dạ.

-Tướng quân ngồi và uống nước đi.

-Đa tạ ơn Chương thành hầu.

 Trần Tự Khánh bóc thư của Nguyễn Cuộc ra đọc. Thư viết: “Chủ tướng Nguyễn Tự đã chết, nay mạt tướng nắm giữ binh quyền, nguyện đem binh quyền và đất đai Quốc Oai sáp nhập vào với cơ nghiệp của Chương thành hầu. Mong Chương thành hầu tiếp nhận. Kính thư.”

  Trần Tự Khánh gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Cơm rượu ngon cho tướng quân đây ăn. Cho cả ngựa ăn nữa, rõ chưa?

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

  Người lính ăn xong, Trần Tự Khánh đến trao cho một phong thư và nói:

-Tướng quân về trao bức thư này cho ngài Nguyễn Cuộc. Còn đây là tiền đi đường.

-Dạ, đa tạ chúa công.

  Nhận được thư, Nguyễn Cuộc bóc thư đọc. Trong thư Trần Tự Khánh đồng ý sáp nhập và phong Nguyễn Cuộc là Tả tướng quân. Nhà Trần được thêm miền Quốc Oai, thế lực càng hùng mạnh. Trần Tự Khánh ra lệnh cho quân tiến sát tới Thăng Long của Lý Huệ Tông ở phía Tây (Quốc Oai) và phía Nam (Thường Tín).Vua Lý Huệ Tông lo sợ gọi:

-Thái sư Đàm Dĩ Mông đâu?

-Dạ, có thần.

-Thái sư đem 1 vạn quân đánh quân Trần ở phía nam kinh thành.

-Thần tuân chỉ.

-Tướng quân Đoàn Văn Lôi đâu.

-Tướng quan đem một vạn quân đánh đuổi quân Trần ở miền Quốc Oai.

-Thần tuân chỉ.

-Còn ta sẽ cùng Phạm Bố đem một vạn quân đánh quân Trần ở  ở Mễ Sở.

-Thần tuân chỉ.

  Lý Huệ Tông lại nói với nội quan:

-Khanh xuống Hồng Châu truyền khẩu dụ của trẫm bảo Đoàn Thượng cho quân tiếp ứng.

-Thần tuân chỉ.

  Lý Huệ Tông đi thuyền rồng theo đường sông, quân lính đi bộ trên bờ, cờ bay rợp trời, nắng tháng 7 đổ xuống ngoại vi kinh thành như đổ lửa. Đến nơi nhà vua lên bờ hô quân dàn trận ở Hát Giang. Quân Trần do Nguyễn Cải và Vương Lê chỉ huy rút gươm giáo, khua chiêng gióng trống mãnh liệt tiến lên. Quân Triều đình và quân họ Đoàn nhìn thấy chưa giao chiến đã tháo chạy hết. Lý Huệ Tông phải bỏ thuyền lên bờ, lên ngựa tháo chạy về kinh sư, bỏ cả thuyền rồng cho Vương Lê và Nguyễn Cải bắt được.

  Về đến kinh sư, Lý Huệ Tông chưa hết cơn hoảng loạn thì có thám mã báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, đạo quân của Thái sư Đàm Dĩ Mông đã bị quân của Trần Thừa, anh của Trần Tự Khánh đánh tan ở An Diên (Thường Tín), phía nam kinh thành.

  Lại có tin báo:

-Dạ bẩm hoàng thượng, quân của Đoàn Văn Lôi và Vũ Hốt đã bị các tướng Trần Phan Lân, Nguyễn Nộn, Nguyễn Cuộc từ Quốc Oai tiến xuống đánh bại ở Chợ Dừa.

-Đoàn Thượng có cho quân đến cứu không?

-Dạ, quân Trần do Trần Tự Khánh chỉ huy đang tiến đánh vào Hồng Châu từ Nam Sách, Đoàn chúa công vì thế không thể cứu giá được.

  Lý Huệ Tông hốt hoảng:

-Giặc bốn phía sắp tiến vào kinh thành, nhanh hộ vệ xa giá của trẫm, của thái hậu, của ngự nữ Trần Thị Dung chạy lên Lạng Châu, nhanh lên.

-Dạ, tuân chỉ.

  Triều đình rút chạy hỗn loạn, kinh sư cũng trong rối bời, tan nát. Đó là tháng 7 năm 1213. Trần Tự Khánh lần thứ hai vào kinh thành, vào điện Càn Nguyên, gọi:

-Bay đâu.

-Dạ, chúa công.

-Gọi tướng Trần Hiến Sâm vào đây.

-Dạ.

  Trần Hiến Sâm vào, Trần Tự Khánh nói:

-Tướng quân cầm phong thư này trao cho hoàng thượng Lý Huệ Tông.

  Trần Hiến Sâm nói:

-Hoàng thượng không có chủ kiến, chỉ theo ý của Đàm Thái hậu và Đàm Dĩ Mông chống lại họ Trần, lúc thì theo sứ quân này, lúc thì theo sứ quân khác, nếu hoàng thượng lần này không về, chúa công cứ lập người nào đó họ nhà Lý lên làm vua là được.

  Trần Tự Khánh nói:

-Trong thế cục ngày nay, muốn thống nhất và chế ngự được thiên hạ phải có trong tay vua Lý Huệ Tông. Tướng quân đi đi.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

  Tại hành cung Lạng Châu, vua Lý Huệ Tông nhận được thư của Trần Tự Khánh, giở ra đọc. Thư viết: “Dân tình uất ức, không thấu được lên trên cho nên nhân lòng giận dữ của người trong nước, thần khởi binh dẹp lũ đó, cắt trừ gốc loạn để yên lòng dân mà thôi. Đến như thân phận vua tôi, thần không dám phạm đến một chút nào, ngờ đâu phải gánh lấy những chuyện chuyên quyền, đánh dẹp để cho xa giá phải long đong, tự xét tội của thần đáng vạn lần chết, xin bệ hạ nguôi giận dữ, quay xa giá về kinh sư để thỏa lòng người mong muốn. Nay kính thư”.

  Lý Huệ Tông đọc xong thư, lòng buồn rầu nói:

-Ta cũng chưa hiểu hết được lòng dạ của Trần Tự Khánh. Thôi thì cứ để cho thời gian với sự biến động về sau trả lời. Ta chưa về đâu. Nhà ngươi về đi.

  Trần Hiến Sâm nói:

-Thần xin cáo biệt.

  Trần Hiến Sâm về Thăng Long, Trần Tự Khánh hỏi:

-Tướng quân gặp hoàng thượng, ý hoàng thượng thế nào?

  Trần Hiến Sâm đáp:

-Bẩm chúa công, hoàng thượng đọc xong thư rất buồn rầu nhưng vẫn chưa quyết định quay về kinh sư.

  Trần Tự Khánh im lặng, lát sau nói:

-Chúng ta ép hoàng thượng phải về bằng cách lập một vua mới để tỏ ra không có người này thì có người khác. Tướng quân đi tìm Huệ Văn Vương báo ngày mai ông ta sẽ lên ngôi vua.

-Dạ, tuân lệnh chúa công.

  Người đâu.

-Dạ, chúa công.

-Cho gọi quan nội thị vào đây.

-Dạ.

  Quan nội thị vào.

-Dạ bẩm Chương thành hầu.

-Ngài chuẩn bị cho buổi thiết triều sáng ngày mai, Huệ Văn Vương sẽ đăng quang ngôi hoàng đế.

-Dạ, thần sẽ chuẩn bị.

  Sáng hôm sau, khi ánh nắng rải chan hòa xuống kinh thành thì trong điện Càn Nguyên, đại thần văn võ bá quan quan phục mũ mãng cân đai theo tước vị, chức vụ tề chỉnh vào triều. Ngai vàng bỏ trống, đất nước vô chủ. Khi văn võ bá quan đã an tọa, Trần Tự Khánh đứng dậy nói:

-Trong thời buổi đất nước loạn lạc, thiên hạ rối ren thì đất nước càng cần có chủ, hoàng thượng Lý Huệ Tông không biết điều quan trọng đó, chỉ một mình nghe theo lời xui giục của bọn gian thần, của Đàm Thái hậu, của Đàm Dĩ Mông, của Đoàn Thượng ở Hồng Châu, nhất quyết bỏ ngai vàng mà đi để xa giá long đong khắp nơi. Ta đã năm lần bảy lượt viết thư xin hoàng thượng quay về kinh sư để ta và các ngài phò tá, thỏa lòng mong mỏi đợi chờ của bá quan văn võ và muôn dân, để thiên hạ có chủ mà yên bình. Nay đất nước phải có chủ thì thiên hạ mới bình yên, cho nên ta quyết định đưa Huệ Văn Vương, dòng dõi Lý Anh Tông lên ngài vàng.

 -Quan nội thị đâu.

-Có thần.

-Mời Huệ Văn Vương ra đăng quang ngôi hoàng đế.

-Dạ.

  Quan nội thị đi vào, một lát sau từ cửa trái của đại điện, nơi giành cho các hoàng đế đi ra thiết triều, Huệ Văn Vương, con của Lý Anh Tông trong áo long bào, đội vương miện đi ra. Đó là một thanh niên tuấn tú hiền lành. Khi vua an tọa vào ngai vàng, các quan văn võ vội rời ghế, bước ra quỳ và cúi xuống nền cung điện Đại An hành lễ:

-Hoàng thượng vạn, vạn tuế.

  Huệ Văn Vương nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

(Còn nữa)

CVL