Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)

PGS TS Cao Văn Liên

30/01/2022 06:11

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 11.

Quan Lễ bộ Thượng thư Lê Tuấn Mậu cũng đứng dậy nói:

- Ta cho rằng cứ cử hành quốc tang cho hoàng thượng và thái hậu trước đi, sau đó tìm người dòng giống nhà Lê Thái Tổ đưa lên ngai vàng cũng chưa muộn.

Mạc Đăng Dùng nói:

- Ta không chỉ tuân chỉ của hoàng thượng Lê Cung Hoàng mà con tuân theo ý chỉ của triều đình. Bá quan văn võ quyết thế nào?

cgunguyen-kim-1643476138.jpg
Tranh minh họa: Nguyễn Kim, một công thần thời Lê Trung Hưng, là người đặt nền móng gây dựng lại nhà Lê, một lão tướng dày dặn kinh nghiệm. Nguồn: https://ngotoc.vn

Sau câu nói của Mạc Đăng Dung, hầu hết bá quan văn võ rời khỏi ghế, quỳ xuống và tung hô:

-Chúc mừng hoàng thường, hoàng thượng Mạc Thái Tổ vạn tuế, vạn vạn tuế.

 Trong sự hỗn loạn của triều đình, các đại thần như Lại bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Vũ Duệ, Công bộ thượng thư Ngô Hoán, Lễ Bộ thượng thư Ngô Tuấn Mậu, Thị Thư Hàn Lâm Nguyễn Mẫn, Đốc quân đô ngự sử Nguyễn Văn Vãn, Hàn lâm hiệu úy Nguyễn Thân Bạt, Lại bộ thượng thư Đàm Thận Hùng, Tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Quan sát sứ Nguyễn Trí Cường, Bình Hồ Bá Nghiêm Bá Ký, Đàm Thận Huy, Đô Ngự Sử Lại Kim Bảng, Phúc Lương Hầu Hà Phi Chuẩn, Hộ bộ thượng thư Nguyễn Thiệu Tri, Phó đô ngự sử Nguyễn Hữu Nghiêm, Lễ bộ tả thị lang Lê Võ Cương đều đứng dậy bỏ thiết triều ra về. Sau này, ngày cử hành Quốc tang vua Lê Cung Hoàng và thái hậu Trịnh Thị Loan, hơn chục vị trung thần trên, có người nhảy xuống sông tự vẫn, có người quỳ hướng về Lam Sơn vái lạy rồi tự treo cổ, có người khởi binh đánh Mạc Đăng Dung nhưng thất bại và hy sinh. Sau này thời Lê Trung Hưng xếp các vị trung thần hy sinh vì nước, trong đó Lại bộ thượng thư, Đông các đại học sĩ Vũ Duệ xếp đầu tiên.

Sau khi hơn chục đại thần bỏ ra về, bá quan văn võ còn lại cùng Mạc Đăng Dung  tiếp tục thiết triều. Mạc Đăng Dung nói:

- Ta nay được Lê Cung Hoàng nhường ngôi, thân mang trọng trách. Ta tuyên bố lập triều đại mới, triều đại nhà Mạc. Nay ta lấy đế hiệu là Mạc Thái Tổ, niên hiệu Minh Đức. Năm nay 1527 được coi là năm Minh Đức thứ nhất. Kinh đô Đông Kinh, quốc hiệu Đại Việt, lấy phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương là đất thang mộc làm Dương Kinh.

Bá quan văn võ quỳ xuống chúc mừng:

- Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

- Miễn lễ, bình thân.

- Đa tạ hoàng thượng.

Mạc Đăng Dung nói tiếp:

- Nay ta phong Mạc Đăng Doanh làm thái tử, Mạc Chính Trung làm hoàng tử, tước Hoằng Vương, Mạc Quyết làm Tín Vương, Mạc Đốc làm Từ Vương, Mạc Bang Hộ làm Đô đốc Tĩnh Quốc Công, phong bốn tiểu nữ của trẫm làm công chúa: Công chúa Mạc Ngọc Thọ, Mạc Ngọc Châu, Mạc Ngọc Quang và Mạc Ngọc Tư, lấy ngày sinh của trẫm: 23 tháng 11 làm ngày Càn Ninh khánh tiết.

Bá quan văn võ lại quỳ xuống chúc mừng:

- Hoàng thượng vạn vạn tuế, chúc mừng thái tử điện hạ, chúc mừng Tín Vương, Từ Vương, chúc mừng Thái tử, Hoàng tử, chúc mừng các công chúa nương nương.

Mạc Đăng Dung nói:

- Miễn lễ, các khanh bình thân.

- Đa tạ hoàng thượng.

- Tín Vương Mạc Quyết nghe chỉ:

- Dạ, có thần.

- Khanh đem 1 vạn quân về Cổ Trai, Dương Kinh xây dựng thêm một cung thật nguy nga ở phía Tây điện Hưng Quốc, thứ hai, xây dựng phần mộ tổ tiên họ Mạc ở Dương Kinh thật tráng lệ cho xứng với lăng tẩm tổ tiên của bậc đế vương.

Mạc Quyết quỳ và nói:

- Thần tuân chỉ.

- Thái tử Mạc Đăng Doanh nghe chỉ.

- Dạ, thần nghe chỉ.

- Thái tử trang trí lại đàn Nam Giao ở Đông Kinh để ta làm lễ tạ ơn đức Ngọc Hoàng thượng đế đã ban cho ta ngôi báu.

- Dạ, thần tuân chỉ.

Mạc Đăng Dung nói tiếp:

- Bá quan văn võ nghe chỉ.

Bá quan văn võ vội quỳ xuống chắp tay:

- Nay phong Trung quan Nguyễn Thế Ân làm Ly Quốc Công, giúp rập cho trẫm.

Nguyễn Thế Ân bước ra rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

- Nay phong Nguyễn Quốc Hiến làm phò mã đô úy, Thái bảo Lâm Quốc công.

Nguyễn Quốc Hiến rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

- Nay phong Mạc Quốc Minh làm thái sư Lâm Quốc Công.

Mạc Quốc Minh rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng.

- Nay phong Mạc Đình Khoa làm tả Đô đốc Khiêm Quận Công.

Mạc Đình Khoa rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng.

- Nay phong Nguyễn Thì Ung làm Thiếu bảo Thông Quận Công.

Nguyễn Thì Ung rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng.

- Nay phong Trần Phỉ làm Lại Quận Công.

Trần Phỉ rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng.

- Nay phong Khuất Quỳnh Cửu làm Thuần Khê Hầu.

Khuất Quỳnh Cửu rập đầu:

- Đa tạ hoàng thượng.

Cứ như vậy tổng cộng 56 anh em, đại thần, quan lại triều đình nhà Mạc được phong chức tước thứ bậc lớn nhỏ khác nhau.

Ngày hôm sau Nguyễn Thế Ân nói với Mạc Đăng Dung:

- Dạ bẩm hoàng thượng, Lê Cung Hoàng và hoàng thái hậu nhà Lê Trịnh Thị Loan hoàng thượng phải cho mai táng sớm, để lâu lòng người tưởng nhớ nhà Lê sẽ sinh biến loạn.

Mạc Đăng Dung nói:

Lê Cung Hoàng là vua  của một nước và hoàng thái hậu là thái hậu của Đại Việt. Ta và Khanh đi lo liệu đi để làm vừa lòng bách tính.

- Thần tuân chỉ.

Mạc Đăng Dung cho đem thi hài hoàng thái hậu và vua Lê Cung Hoàng về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên, Hưng Hà, Thái Bình theo nghi lễ thiên tử. Năm đó Lê Cung Hoàng mới 20 tuổi, ở ngôi 5 năm. Trời hôm đó tối xầm, mưa như trút nước, lá cờ vàng trên điện Càn Nguyên gục đổ. Hơn chục trung thần nhà Lê nghe tin Lê Cung Hoàng và hoàng thái hậu qua đời đều quỳ vái vọng theo linh cữu, vái vọng về Lam Sơn và tự vẫn. Triều Hậu Lê do Lê Thái Tổ sáng lập năm 1428 mà giai đoạn đầu là Lê Sơ, truyền qua 10 đời hoàng đế và kết thúc năm 1527. Nhà Mạc thay thế mà vua đầu là Mạc Thái Tổ. Hai năm sau, năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, đế hiệu Mạc Thái Tông. Mạc Đăng Dung lui về làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm giữ triều chính. Một số trung thần nhà Hậu Lê đứng đầu là Nguyễn Kim đã chạy về miền Tây Thanh Hóa, sang Lào, đưa con của Lê Chiêu Tông lên ngôi là Lê Trang Tông, lập ra Nam triều. Một thời kỳ nội chiến tương tàn của Đại Việt 60 năm bắt đầu.

III

Sầm Châu nước Ai Lao một đêm mùa hè năm 1543, núi đồi cao thấp phủ dày đặc rừng cây cổ thụ, tre, nứa và cây không tên uốn lượn cao thấp khác nhau làm không gian càng thêm huyền bí. Sương mờ bàng bạc dưới ánh trăng mờ mờ huyền ảo. Gió đưa những rặng tre nứa như tóc xõa trong đêm phát ra những âm thanh xào xạc. Trong mờ ảo mênh mông của rừng núi Sầm Châu rất khó thấy những mái nhà và những ánh đèn le lói của người Ai Lao. Duy cả một thung lũng bát ngát những lán trại của quân đội Việt trải mênh mông chìm trong ánh trăng, chìm trong rừng tre nứa. Trong những lán trại le lói ánh đèn. Bên ngoài có những tốp lính thay nhau đi tuần, canh gác bảo vệ doanh trại là thức với đêm. Vài con gõ kiến gõ túc tắc, vài con bìm bịp kêu thảng thốt trong đêm.

Có một doanh trại màu xanh lớn nằm giữa nghìn trại vừa và nhỏ. Trong trại bốn ngọn đèn dầu trên bốn chiếc đĩa sành tỏa ánh sáng vàng vọt soi rõ một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ. Trên bàn đặt một bộ ấm và bát uống nước. Ngoài cửa trại, hai người lính lực lưỡng cầm gươm đứng canh. Một người mặc áo thụng màu đen, đầu buộc khăn đen đang ngồi tựa ghế uống nước. Người đó tầm thước cao lớn, mặt vuông, tai dài, mắt sáng lấp lánh. Đó chính là Nguyễn Kim, chức Hữu vệ điện tiền tướng quân nhà Lê Sơ, tước An thành Hầu, quê quán ở Bái Trang, Tống Sơn, Thanh Hóa. Nguyễn Kim nâng bát nước chè xanh nóng và uống chậm rải từng ngụm rồi lại đặt bát xuống và nhớ lại chặng đường đã qua. Mới đó mà đã 5 năm trôi qua. Những sự biến đau thương cuối thời Lê Sơ như mới hôm qua còn rõ ràng trong trí nhớ của Nguyễn Kim.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 11)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn