Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 12)

PGS TS Cao Văn Liên

31/01/2022 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

chuchom3f-1643555855.jpg

Tranh minh họa: Sau khi Trịnh Kiểm tìm được Lê Duy Ninh là con của vua Lê Chiêu Tông, Nguyễn Kim đã tôn lên làm vua là Lê Trang Tông (1533-1548), niên hiệu Nguyên Hòa, hoàng đế thứ 12 của vương triều Hậu Lê, mở đầu cho giai đoạn Lê Trung Hưng.  Ông còn được dân gian ưu ái cho mỹ danh nghèo nàn chúa Chổm. Nguồn: Internet.

 

Nguyễn Kim nhớ lại ngày tháng 6 khủng khiếp năm 1527 trong điện Càn Nguyên, ngày thiết triều mà không có vua Lê Cung Hoàng. Cả vua Lê cung Hoàng và hoàng thái hậu cùng một lúc băng hà. Trong tình cảnh thế và lực ở triều đình tuyệt đối thuộc về Mạc Đăng Dung, Nguyễn Kim khâm phục ba đại thần đã dám đập bàn mắng Mạc Đăng Dung giữa triều đình dù biết rằng làm vậy có thể sẽ chết. Nguyễn Kim cũng khâm phục hơn chục vị đại thần đã bỏ thiết triều ra về và ngày Quốc tang vua Lê Cung Hoàng và hoàng thái hậu đã vái vọng theo linh cửu, vái vọng về Lam Sơn và tự vẫn. Tuy nhiên, Nguyễn Kim không tán thành các đại thần tìm cái chết để tỏ lòng trung. Nguyễn Kim cho rằng lòng trung phải thể hiện bằng thực tế là tìm cách xây dựng lực lượng, khôi phục lại nhà Lê, đánh đổ nhà Mạc. Cho nên Nguyễn Kim đã phải giấu mình. Sau sự biến năm 1527, ông đã cùng các đại thần Lại Thế Vinh tìm cách thực hiện di mệnh của Lê Cung Hoàng mà các ông đã nhận trong buổi tối gặp vua lần cuối cùng ở thâm cung. Nguyễn Kim đã đem cả nhà gồm phu nhân, trưởng nữ tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hai con trai trưởng nam Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng về quê nhà Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa, Nguyễn Kim cùng Lại Thế Vinh, Trịnh Kiểm… đi sang đất Ai Lao, thương lượng với vua Ai Lao Sạ Đẩu cho mượn vùng Sầm Châu làm căn cứ xây dựng lực lượng chống Mạc. Nguyễn Kim còn nhớ, tháng 12 năm 1530, ông đã đem vài nghìn quân, 30 thớt voi tiến về miền Lôi Dương (Thọ Xuân) Thanh Hóa nhưng bị phục binh của nhà Mạc do Mạc Trúc Hầu chỉ huy đánh bại. Lần thứ hai vào năm 1531, Nguyễn Kim cầm quân đánh tan quân Mạc do Nguyễn Kính chỉ huy ở Đông Sơn Thanh Hóa. Sau trận thắng này, Nguyễn Kim dẫn quân tiến ra Gia Viễn, Ninh Bình nhưng bị Nguyễn Kính phối hợp quân thủy bộ đánh bại. Nguyễn Kim lại phải rút quân về Sầm Châu. Sau nhiều lần thất bại, Nguyễn Kim cho rằng phải lập lại nhà Lê để lấy chính danh hiệu triệu thiên hạ mới huy động được đông đảo lực lượng để chiến thắng nhà Mạc. Nửa năm nay, Nguyễn Kim đã cho người đi khắp nơi tìm người thuộc con cháu nhà Lê để đưa lên ngôi. Đêm đã khuya, trống trong quân doanh đã điểm canh ba, Nguyễn Kim đang định đi nghỉ thì có lính canh vào báo:

-Dạ bẩm chúa công, có tướng quân Trịnh Kiểm từ Thanh Hóa sang muốn vào gặp.

-Cho vào.

-Dạ.

Một người cao lớn, khôi ngô tuấn tú, dáng con nhà võ bước vào. Đó là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm mới khoảng 30 tuổi, quê quán ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định, trấn Thanh Hóa, người có chí lớn diệt Mạc, đã theo về với Nguyễn Kim từ năm 1529. Thấy Trịnh Kiểm, Nguyễn Kim sốt ruột hỏi ngay:

-Công việc thế nào, có tìm được không, Trịnh tướng quân?

Trịnh Kiểm chắp tay:

-Dạ bẩm chúa công, mạt tướng đã tìm được hoàng tử Lê Duy Ninh, con của tiên hoàng đế Lê Chiêu Tông lưu lạc tha phương ở quê nhà Lam Sơn. Hoàng tử và tùy tướng đang đợi ngoài quân doanh chờ lệnh chúa công.

Nguyễn Kim mừng rỡ:

-Cho vào ngay.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Trịnh Kiểm đi ra, một lát sau dẫn vào một thiếu niên khoảng 10 tuổi, người gầy gò nhếch nhác đầy gió bụi phong trần nhưng có đôi mắt sáng, tai dài, dáng dấp đế vương. Thiếu niên bận áo dài màu nâu, đầu buộc khăn nâu. Nguyễn Kim vái chào:

-Kính chào điện hạ, mời điện hạ ngồi.

Chàng thiếu niên đáp:

-Không dám, kính chào chúa công.

-Người đâu.

-Dạ.

-Rót nước mời điện hạ và Trịnh tướng quân.

-Dạ.

-Chuẩn bị cơm rượu cho điện hạ và Trịnh tướng quân.

-Dạ.

Chàng thiếu niên nói:

-Đa tạ chúa công.

Nguyễn Kim nói:

-Mọi việc bi thảm của tiên hoàng đế Lê Chiêu Tông thần đã rõ. Bây giờ điện hạ nói qua sau khi tiên hoàng bị bắt và bị giết, điện hạ lưu lạc đến đâu?

Lê Duy Ninh đáp:

-Bẩm chúa công, sau khi Trịnh Tuy đem phụ hoàng về Tây Đô Thanh Hóa, thân mẫu tại hạ đã xin phụ hoàng cho về Lam Sơn để tránh binh đao khói lửa hiểm nguy. Từ đó cho đến nay tại hạ sống trong rừng Lam Sơn. Thân Mẫu khi nghe tin phụ hoàng mất đã đau buồn lâm bệnh mà qua đời.

Nguyễn Kim nói:

-Nay hạ thần đón điện hạ về để đưa ngài lên ngôi hoàng đế, nối lại vương triều nhà Lê, gọi là Lê Trung Hưng, lấy danh nghĩa chính thống để tập hợp lực lượng, tiêu diệt nhà Mạc. Việc vô cùng hệ trọng. Để danh chính ngôn thuận với anh hùng hào kiệt, với thần dân, với dòng dõi đức Lê Thái Tổ, điện hạ có mang theo ngọc bội hoặc vật gì đó minh chứng ngài đúng là hoàng tử của tiên đế Lê Chiêu Tông?

Lê Duy Ninh thò tay vào túi  trong áo trước ngực lôi ra một chiếc túi gấm, lại lôi từ túi gấm một miếng ngọc bội  và nói;

-Dạ bẩm chúa công, thân mẫu khi sắp qua đời đã trao cho tại hạ chiếc túi này và dặn trao lại cho ai là trung thần muốn khôi phục lại nhà Lê, chống nhà Mạc.

Nguyễn Kim cầm miếng ngọc bội sáng chói dưới ánh đèn, trên viết chữ màu vàng: Hoàng tử Lê Duy Ninh. Phụ Hoàng Lê Chiêu Tông, thân mẫu Phạm Thị Ngọc Quỳnh.

Nguyễn Kim vội đứng dậy hành lễ:

-Thần xin kính chào điện hạ, để cho điện hạ vất vả phong trần, chịu nhiều gian lao khổ cực là tội của hạ thần.

Lê Duy Ninh vội đỡ Nguyễn Kim và nói:

-Chúa công đứng dậy đi. Đó là tội của bọn quyền thần phản loạn. Được gặp lại chúa công là may mắn cho tại hạ rồi.

Nguyễn Kim nói:

-Đa tạ điện hạ. Tướng quân Trịnh Kiểm đưa điện hạ đi ăn cơm và nghỉ ngơi. Sáng mai có Lại Thế Vinh, Trung Đình Công và các đại thần, ta sẽ trù liệu công việc sau.

Trịnh Kiểm đáp:

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

Nguyễn Kim đáp:

-Đa tạ Trịnh tướng quân đã tìm được điện hạ Lê Duy Ninh.

Sau lễ đăng quang một ngày, sớm hôm sau trong một lán trại màu vàng rộng lớn có buổi thiết triều đầu tiên của vua Lê Trang Tông. Sớm mùa hạ trời quang mây tạnh, ánh bình minh chói đỏ phía đông, rừng núi Sầm Châu như thức dậy đầy tiếng gió ru cây lá xạc xào, chim chóc hót vang những bài ca muôn thuở. Trên cái lán trại lớn, lá cờ vàng tung bay phấp phới mang chữ “Nguyên Hòa”, niên hiệu của vua Lê Trang Tông. Lê Trang Tông ngồi ở chiếc ghế cao, trước mặt là chiếc bàn gỗ. Bức tường sau lưng nhà vua có hai con rồng lớn màu vàng được vẽ trên tấm vải đỏ. Phía dưới có chiếc bàn kê dọc dành cho các đại thần. Lê Trang Tông nói:

-Từ khi Mạc Đăng Dung phản loạn cướp ngôi nhà Lê, các bậc tiên hoàng đế Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, thái hậu Trịnh Thị Loan và các trung thần lần lượt qua đời, giang sơn nhà Lê chìm đắm, gặp biết bao biến cố đau thương, bản thân trẫm cũng gặp không ít gian khổ nơi quê hương. Nay may nhờ các khanh một lòng trung quân ái quốc, phò tá trẫm trung hưng lại cơ nghiệp của đức Lê Thái Tổ. Như đã nói trong lễ đăng quang, trẫm lấy đế hiệu là Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa, hoàng đế thứ 12 của vương triều Hậu Lê, mở đầu cho giai đoạn Lê Trung Hưng. Trẫm sẽ cùng các khanh nằm gai nếm mật, tiêu diệt nhà Mạc, khôi phục lại giang sơn nhà Hậu Lê. Các Khanh nghe chỉ dụ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 12)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn