Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 43 – Hết tập IV)

PGS TS Cao Văn Liên

03/03/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 43.

Nhờ có thám quan Ma Khánh, Nông Chuẩn  dẫn đường, đạo quân Đinh Văn Tả, Hoàng Triều Ninh vượt Hoàng Ngà, bí mật tiến đến Tương Cần. Quân Mạc ở Khau Xắm chỉ phòng bị mặt Nam và mặt Đông, không ngờ bị tập kích phía Bắc, chiến lũy phút chốc bị san bằng, 1 vạn quân bị giết, thây chồng như núi, máu chảy đỏ cả một vùng rừng núi. Chiến lũy phòng ngự mạnh nhất của Bản Phủ mở toang. Đến đây Đinh Văn Tả nói với Hoàng Triều Ninh:

-Chúng ta có thể bắc cầu phao, phối hợp với tướng quân Nguyễn Hữu Đăng, Hoàng Triều Hoa, phá tan phòng tuyến tả ngạn sông Mã Giang thì coi như cánh cửa vào Bản Phủ đã mở toang.

-Tướng quân nói phải lắm.

chuyimg-3159-1646234147.jpg
Dấu tích thành nhà Mạc ở thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa - Cao Bằng). Ảnh: baocaobang.vn

 

Nhận được pháo hiệu, bên tả ngạn sông, quân của Nguyễn Hữu Đăng, Hoàng Triều Hoa tấn công quân Mạc, bên hữu ngạn sông quân của Đinh Văn Tả theo cầu phao lao sang. Quân Mạc bị kẹp vào giữa, số lượng ít, chiến thuyền bị tiêu diệt, cổng đại đồn mở toang, quân Lê -Trịnh lao vào chém giết, 1 vạn quân Mạc bị tiêu diệt và đầu hàng. Phòng tuyến kiên cố tả ngạn sông Mã Giang, áo giáp của Bản Phủ bị đập nát. Bản Phủ Lâm nguy. Trên đường vào Bản Phủ, quân Lê -Trịnh còn đập nát Đại đồn Đồng Lâm, Đại đồn cuối cùng bảo vệ kinh đô. Quân Lê-Trịnh như cơn gió lốc của rừng núi ào ạt tiến vào Bản Phủ nhưng các cửa thành đã mở toang, trong cung điện, dinh thự không một bóng người. Đinh Văn Tả hỏi thám quan:

-Mạc Kính Vũ chạy lên căn cứ nào, tướng quân có biết không?

Thám quan Ma Khánh nói:

-Theo chỗ mạt tướng biết thì căn cứ hiểm trở nhất là cứ điểm  Đông Đắm, nằm trên núi đá Phúc Tăng, vùng Phúc Sơn. Mạc Kính Vũ chỉ có chạy tới đó mà thôi.

  Hoàng Triều Hoa hỏi:

-Hành quân đường nào tấn công lên đó ?

Thám quan Nông Chuẩn nói:

-Dọc đường có thể đi được thì có rất nhiều cứ điểm và cạm bẫy, đặc biệt là bẫy đá. Bẩy đá mà sập xuống chết một lúc hàng nghìn quân, thậm chí hàng vạn.

Hoàng Triều Ninh hỏi:

-Vậy tiến lên Phúc Tăng bằng cách nào?

Thám quan Ma Khánh nói:

-Mạt tướng cũng biết những đường khác tránh bẫy đá nhưng phải hỏi cụ già ở đây cho chắc chắn.

Đinh Văn Tả nói:

-Tướng quân biết tiếng Tày, phiền tướng quân tìm một cụ già về đây.

Mạt tướng tuân lệnh.

  Canh giờ sau Thám quan dẫn một cụ già khoảng 60 tuổi về. Các tướng chắp tay thi lễ:

-Kính chào lão trượng.

Cụ già chắp tay:

-Không dám, không dám, chào các tướng quân.

Đinh Văn Tả nói:

-Tại hạ muốn dẫn quân tiến lên núi Phúc Tăng, đi theo đường nào thì tránh được các cứ điểm và bẫy đá, xin nhờ lão trượng chỉ giúp, triều đình không dám quên công ơn.

  Cụ già đáp:

-Tướng quân có thể cho quân leo lên theo con đường dốc đứng lên ngọn Tểnh Dẻ, gọi là Nghiêu Sơn, sang Lũng Tôn, Lũng Nọi thì vào được Đông Đắm. Đó là con đường duy nhất không có bẫy đá. Đông Đắm cũng rất hiểm trở, Tướng quân có thể đem theo chất cháy ép Mạc Kính Vũ tháo chạy ra mà bắt.

-Đa tạ lão trượng. Bay đâu.

-Dạ.

-Đem biếu cụ già 20 lạng bạc.

Đinh Văn Tả trao bạc cho cụ già:

-Đây là quà của triều đình kính công lao của cụ.

Ông già nói:

-Đa tạ tướng quân, đa tạ triều đình, lão phu chỉ vì sự thống nhất giang sơn đất nước, chấm dứt can qua binh lửa cho bách tính thanh bình, đâu dám nhận thưởng. Xin cáo biệt. Chúc các tướng quân thành công.

 Trong cuộc đời chinh chiến, gan của các tướng đã thành thép mà bỗng nhiên bồi hồi xúc động. Tất cả vội chắp tay hành lễ:

-Đa tạ lão trượng, đa tạ.

 Đinh Văn Tả ra lệnh:

-Tướng quân Hoàng Triều Ninh, tướng quân Nguyễn Hữu Đăng.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân chuẩn bị chất cháy, chọn ra 5.000 binh sĩ khỏe mạnh nhất, chuẩn bị vài chục trượng dây thừng đề phòng phải leo núi theo tướng quân Ma Khánh dẫn đường theo lời cụ già chỉ tấn công vào núi Phúc Tăng, đánh sập căn cứ Đông Đắm, giết hoặc bắt Mạc Kính Vũ. Còn các tướng quân khác đem quân vây chân núi Phúc Tăng bịt đường chạy của Mạc Kĩnh Vũ.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

Một ngày trôi qua, Đinh Văn Tả nóng lòng chờ tin báo của 5.000 quân leo dốc đánh Đông Đắm, núi Phúc Tăng, bỗng có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, quân ta lên Phúc Tăng, dùng hỏa công đốt cháy thành Đông Đắm nhưng Mạc Kính Vũ đã chạy thoát về thành Bó Hoài ở Lũng Lai rồi ạ.

  Đinh Văn Tả ra lệnh:

-Tướng quân Hoàng Triều Hoa, tướng quân đem 1 vạn quân do tướng quân Nông Chuẩn dẫn đường tiến đánh thành Bó Hoài.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Một ngày sau lại có thám mã về báo cho Đinh Văn Tả:

-Dạ bẩm đô đốc, Mạc Kính Vũ từ thành Bó Hoài chạy ra thành Phục Hòa rồi ạ.

- Mạc Kính Vũ quả là tay khó chơi, chuẩn bị rất nhiều căn cứ để lẩn trốn. Bay đâu.

-Dạ.

-Truyền lệnh ta cho tướng Hoang Triều Hoa từ Bó Hoài theo đường Tốc Rú đi Kỳ Chỉ, hợp quân với ta ở Mưng Thiên cùng tiến đánh Phục Hòa.

-Mạt tướng tuân lệnh.

5 vạn quân Lê -Trịnh họp nhau ở Mưng Thiên ào ạt đánh thành Phục Hòa nhưng vào đến nơi chỉ là tòa thành trống rỗng, chỉ còn vài người lính bị thương nằm lại. Đinh Văn Tả hỏi:

-Mạc Kính Vũ chạy về đâu, nói ta tha mạng.

-Dạ tướng quân tha mạng, Mạc Kính Vũ đã chạy sang Long Châu Trung Quốc rồi ạ.

-Đem bao nhiêu quân sang Long Châu?

-Dạ chỉ đem theo gia đình và vài tướng tùy tùng thôi ạ.

-Quân đội đi đâu hết?

-Dạ, họ tử trận và số lớn chạy về quê nhà hết rồi ạ.

  Đinh Văn Tả cho thám mã đi do thám tung tích của Mạc Kính Vũ khắp Cao Bằng, kể cả Long Châu Trung Quốc. Sau khi thám mã từ Long Châu về báo chính xác Mạc Kính Vũ trốn sang Trung Quốc, sống ẩn dật vì sợ nhà Thanh truy bắt, Đinh Văn Tả mới tin rằng thế lực nhà Mạc hoàn toàn chấm dứt ở Cao Bằng năm 1677, mặc dù vai trò chính trị quốc gia đã chấm dứt từ năm 1592. Ở Cao Bằng, nhà Mạc được thêm ba đời vua kế tục nhau: Mạc Kính Cung (1592-1625), Mạc Kính Khoan (1625-1638), Mạc Kính Vũ (1638-1677), cát cứ được 85 năm. Năm 1677 chấm dứt cuộc nội chiến Nam Bắc Triều. Nhà Lê -Trịnh đưa Cao Bằng về với triều đình bao gồm 4 châu: Châu Thanh Lâm, Quảng Nguyên, Thượng Lang và châu Hạ Lang. Trong buổi thiết triều tại Đông Kinh, vua Lê Hy Tông nói:

-Công lao đưa Cao Bằng về với Triều đình Lê -Trịnh năm 1677 thuộc nhiều thế hệ, nhiều tướng lĩnh, sự hy sinh của nhiều quân sĩ. Nhưng công lao lớn nhất là các tướng trong cuộc tấn công cuối cùng năm 1677 như Đinh Văn Tả, Nguyễn Hữu Đăng, Hoàng Triều Hoa, Hoàng Triều Ninh. Bốn tướng nghe chỉ:

 Bốn tướng vội quỳ hành lễ. Quan Nội thị tuyên chỉ:

“Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: xét công lao các tướng trong chiến công dẹp nhà Mạc, thu hồi trấn Cao bằng cho Triều đình:

Nay phong Đinh Văn Tả làm Thượng tể, phong Nguyễn Hữu Đăng làm Thái phó, phong Hoàng Triều Hoa chức Tổng Trấn Cao Bằng, được cấp thái ấp vùng Phúc Tăng, phong Hoàng Triều Ninh tước Thắng Quốc Công, chức Tư mã, thống lĩnh toàn bộ quân cơ ở trấn Cao Bằng, được cấp thái ấp vùng Xuân Lĩnh, vùng vương phủ Cao Bình, đóng ở thành Na Lữ.

Niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ hai. Khâm thử”.

Bốn tướng đồng thanh:

Đa tạ hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

Cuộc nội chiến Nam-Bắc triều kéo dài 12 đời vua Lê Trung Hưng: Lê Trang Tông (1533-1548), Lê Trung Tông (1548-1556), Lê Anh Tông (1556-1573), Lê Thế Tông (1573-1599), Lê Kính Tông (1599-1619), Lê Thần Tông (1619-1643), Lê Chân Tông (1643-1649), Lê Thần Tông (1649-1662), Lê Huyền Tông (1663-1671), Lê Gia Tông (1672-1675) và Lê Hy Tông (1676-1704). Chiến tranh kéo dài 4 đời chúa: Thế Tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1545-1570), Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng (1570-1623), Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng (1623-1652), Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc (1653-1682). Chiến tranh qua 9 đời vua Mạc: Mạc Thái Tổ (1527-1529), Mạc Thái Tông (1529-1540), Mạc Hiến Tông (1540-1546), Mạc Tuyên Tông (1546-1561), Thuần Phúc Đế Mạc Mậu Hợp (1562-1592), Vũ An Đế Mạc Toàn, Mạc Kính Cung (1593-1621), Mạc Kính Khoan (1621-1638) và Mạc Kính Vũ (1638-1677).

  Chúa lật đổ vương triều Mạc, đưa triều Mạc rời khỏi vũ đài chính trị là Trịnh Tùng (1570-1623), chúa đánh bại nhà Mạc cát cứ là Trịnh Tạc (1653-1682). Trịnh Tạc mất ngày 24 tháng 9  năm 1682 thọ 76 tuổi được truy phong là Hoằng Tổ Dương Vương, mai táng ở cố đô Vạn Lại, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

  Nội chiến Nam-Bắc triều kết thúc nhưng cuộc đấu tranh quyền lực giữa các dòng họ của giai cấp quý tộc phong kiến vẫn chưa kết thúc. Một cuộc nội chiến mới: Trịnh- Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm lại bắt đầu. Đại Việt lại bước vào cuộc chia cắt, nội chiến tương tàn đầy biến động đau thương trong các thế kỷ XVII-XVIII.

(Hết tập IV)

(Đón xem tiếp Tập V)
CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 43 – Hết tập IV)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn