Kỳ 24.
Trận Cẩm Sa cả hai bên mất 5000 quân, hàng chục tùy tướng tử trận. Nha hiệu của Hoàng Ngũ Phúc là Quế Vũ Bát bị quân Tây Sơn giết tại trận ngay cạnh Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc.
Trong tổng hành dinh ở Bàn Tân, Nguyễn Nhạc nói:
-Từ khi quân Trịnh Nam tiến, quân ta lâm vào tình thế khó khăn. Sau trận Cẩm Sa, thế của chúng ta ngày càng nguy hiểm, hai đầu thọ địch. Quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy đã đánh đến Phú Yên, Quy Nhơn bị đe dọa. Phía Bắc, quân Trịnh đã đến đầu Quảng Ngãi, quân lực của ta bị chia sẻ hai nơi nên lâm vào thế yếu. Các huynh đệ có kế sách gì hay để cứu vãn tình hình không?
Nguyễn Huệ nói:
-Qua các trận, quân Trịnh đánh quân Nguyễn tiến vào Phú Xuân, qua trận Cẩm Sa, quân Trịnh tỏ ra là một quân đội thiện chiến, mạnh mẽ, lại có lão tướng Hoàng Ngũ Phúc dày dạn kinh nghiệm chinh chiến. Chi cho bằng chúng ta thi hành kế sách tạm thời hòa hoãn với quân Trịnh ở phía Bắc, dồn lực lượng chống quân Nguyễn ở phía Nam. Tạm thời hòa với Trịnh, chúng ta mới bảo vệ được Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Nếu không lưỡng đầu thọ địch chúng ta có thể mất hết.
Trần Quang Diệu nói:
-Mạt tướng tán thành cao kiến của tướng quân Nguyễn Huệ. Ta hòa với Trịnh để chờ thời cơ diệt Nguyễn, diệt Trịnh. Vả lại quân Trịnh từ xa tới đây sẽ nhiều khó khăn, không lâu sẽ có biến do lương thực, vũ khí thiếu thốn, ốm đau bệnh tật, không chịu nổi cái nóng khắc nghiệt của miền Trung. Thân già như Hoàng Ngũ Phúc trụ được bao lâu nữa. Xin chúa công quyết đi.
Võ Văn Dũng nói:
-Mạt tướng cho rằng kế sách ấy là hay để cứu vãn tình hình của ta hiện nay. Binh pháp đã nói trong chiến tranh lừa nhau là chuyện thường tình. Chúa công hãy quyết đi.
Nguyễn Nhạc nói:
-Các đệ nói phải lắm.
Nguyễn Nhạc gọi:
-Người đâu.
-Dạ, chúa công.
-Cho gọi tướng Phan Văn Thế vào đây.
-Dạ.
Tướng Phan Văn Thế bước vào:
-Dạ, chúa công cho gọi.
Nguyễn Nhạc nói:
-Tướng quân có tài ăn nói, nay giao cho tướng quân một trọng trách liên quan đến vận mệnh còn mất của Tây Sơn. Tướng quân thay ta đến doanh trại của Hoàng Ngũ Phúc xin hàng, xin làm quân tiên phong đánh quân Nguyễn, đem toàn bộ Đàng Trong về cho chúa Trịnh. Quà cáp nhớ đem theo voi, ngựa đẹp, vàng bạc châu báu, sổ sách quân dân, quan lại, đất đai Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Yên. Rõ chưa?
-Dạ, mạt tương sẽ không phụ lòng tin cậy ủy thác của chúa công, của các anh hùng hào kiệt Tây Sơn.
Một sáng, Hoàng Ngũ Phúc đang ngồi trong tổng hành dinh ở Chu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Hoàng Ngũ Phúc thấy trong người mệt mỏi, các khớp xương đau nhừ. Từ khi Nam tiến đến nay, công việc nặng nhọc làm Việp Quận Công ăn không ngon, ngủ không yên. Cái nóng mùa hè ở xứ này thật là khủng khiếp. Hai tùy tướng đua nhau quạt mà mồ hôi ngài vẫn vả ra như tắm. Hoàng Ngũ Phúc vừa uống xong ly trà thì có tùy tướng vào báo:
-Dạ, bẩm Việp Quân Công, có tùy tướng Tây Sơn muốn vào gặp.
-Cho vào.
-Dạ, tuân lệnh.
Phan Văn Thế và đoàn tùy tùng mạng theo lễ vật bước vào, cúi đầu hành lễ:
-Mạt tướng kính chào Việp Quận công.
-Miễn lễ.
-Dạ, đa tạ Việp Quận Công.
-Ngồi đi. Người đâu lấy nước.
Phan Văn Thế và các tùy thuộc ngồi. Sau một tuần nước, Hoàng Ngũ Phúc nói:
-Ta hiểu các tướng quân tới đây làm gì rồi, có gì thì nói đi.
Phan Văn Thế nói:
-Dạ bẩm Việp Quận công, dưới ách thống trị tàn bạo, hà khắc của quyền thần Trương Phúc Loan, bá tính Đàng Trong hết đường sống cho nên chúa công tôi đã nổi dậy mong tiêu trừ Trương Phúc Loan, mong chúa Nguyễn có những đối sách thương bách tính. Chúa công tôi cũng đã nhiều lần muốn theo về Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, làm vai trò đi tiên phong đánh quân Nguyễn, mang lại cơ đồ Đàng Trong về một mối thống nhất cho Lê-Trịnh. May nay có lão tướng quân khó nhọc vào đây, chúa công tôi có chút lễ mọn tỏ tấm lòng thành, xin hàng Việp Quận Công, về với Lê- Trịnh và nguyện làm tiên phong diệt nhà Nguyễn, đem lại Đàng Trong về cho Lê Trịnh. Mong Lão tướng quân chấp nhận thì phúc cho bá tính.
Phan Văn Thế dứt lời, bảo tùy tùng đưa ra một hộp gỗ màu gụ. Phan Văn Thể mở nắp hộp, lấy ra những cuốn sổ sách và nói:
-Chúa công tôi xin dâng sổ sách quân, dân, quan chức, đất đai của ba phủ Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Ngãi cho lão tướng quân, cho triều đình Lê-Trịnh.
Hoàng Ngũ Phúc là lão tướng lão luyện, nửa tin nửa ngờ thành ý của Tây Sơn, nhưng tình hình trước mắt của quân Trịnh rất nhiều khó khăn đang xuất hiện như thiếu lương thực, vũ khí, thuốc men, quân sĩ đã bắt đầu đau ốm hàng loạt do khí hậu khắc nghiệt. Ngay Hoàng Ngũ Phúc cũng đã cảm thấy rất mỏi mệt do tuổi già, do công việc chinh chiến nặng nhọc. Đánh một lúc cả Tây Sơn và chúa Nguyễn là không thể được. Chi cho bằng mượn tay Tây Sơn tiêu diệt nhà Nguyễn, sau đó sẽ tính với Tây Sơn sau. Nghĩ như vậy Hoàng Ngũ phúc nói:
-Tây Sơn là những anh hùng hào kiệt của Đàng Trong, yêu lẽ phải và công bằng, chúa công và các tướng Tây Sơn về với Lê-Trịnh là hợp lẽ trời, thuận lòng người. Ta đồng ý mở rộng cửa đón Nguyễn Nhạc và các anh hùng Tây Sơn về với Lê-Trịnh.
Phan Văn Thế và các tùy tướng đứng dậy hành lễ:
-Đa tạ Việp Quận Công. Chúa công Tây Sơn và các mạt tướng nguyện hết lòng vì Lê-Trịnh.
Phan Văn Thế nâng sổ sách dâng cho Hoàng Ngũ Phúc:
-Nhờ Việp Quận công trình lên triều đình Lê-Trịnh.
Hoàng Ngũ Phúc nhận và gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Tổ chức đưa lễ vật và sổ sách quan trọng này về Thăng Long, trình hoàng thượng phong cho Nguyễn Nhạc làm “Tây Sơn trại trưởng Tráng tiết tướng quân”, đi tiên phong trong việc tiêu diệt nhà Nguyễn cho triều đình Lê-Trịnh. Còn đây là biểu của ta dâng Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm và hoàng thượng Lê Hiển Tông xin sắc phong cho Nguyễn Nhạc.
-Dạ, tuân lệnh Việp Quận Công, chúng mạt tướng sẽ khởi hành về Thăng Long ngay.
Phan Văn Thế và các tùy tùng lại cúi đầu làm lễ:
-Đa tạ Việp Quận Công.
Hoàng Ngũ Phúc nói thêm:
-Tùy tướng của ta về Thăng Long trình tấu, vừa đi vừa về mất khoảng nửa tháng. Nửa tháng nữa chúa công của các tướng quân mới nhận được sắc chỉ của triều đình. Nhưng không sao, ta đã tấu trình thì hoàng thượng và Tĩnh Đô Vương sẽ phê chuẩn. Tướng quân về nói với Nguyễn Nhạc cứ thi hành phận sự, đi tiên phong đánh quân Nguyễn đi.
-Dạ, đa tạ Việp Quận Công, xin cáo biệt.
-Cáo biệt.
(Còn nữa)
CVL