Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)

PGS TS Cao Văn Liên

08/04/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 36.

Nguyễn Huệ đi vào điện Vạn Thọ, trông thấy vua Lê Hiển Tông là một cụ già hiền lành, râu tóc bạc phơ. Vua ngồi ở ghế tràng kỷ, chung quanh có nội thị và thị nữ đứng hầu. Nguyễn Huệ hành lễ:

-Kính chào hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

Vua Lê Hiển Tông nói, giọng nhỏ nhẹ:

-Miễn lễ, Bắc Bình Vương đứng dậy đi.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Sau một lượt trà, vua Lê Hiển Tông nói:

-Tướng quân đã biết, Bắc Hà tồn tại vua Lê-chúa Trịnh từ 200 năm nay, trong đó phủ chúa nắm hết quyền, bên Long Phượng thành của nhà Lê chỉ là hư vị. Nay tướng quân ra chỉ một trận là lật đổ nhà Trịnh, đem lại thực quyền cho nhà Lê, trẫm thật là biết ơn và cảm kích.

chhue1-1649341019.jpg
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Nguồn: Internet.

 

Nguyễn Huệ khiêm tốn đáp:

-Thần là dân áo vải vốn không ham mộng đế vương, nhưng vì thời thế loạn lạc, bách tính lầm than, thần phải cầm gươm lên ngựa để mong cứu vớt lê dân, thống nhất thiên hạ. Nay ra Bắc Hà lật đổ nhà Trịnh nhanh chóng là nhờ hồng phúc của Nhà Lê, hồng phúc của hoàng thượng, hạ thần thật chẳng có công lao gì.

Lê Hiển Tông nói:

-Quả nhiên Bắc Bình Vương thật tài đức vẹn toàn. Nay ta gia phong tướng quân là Nguyên Soái Uy Quốc công.

Nguyễn Huệ vội hành lễ:

-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.

Hôm sau vẫn trong điện Càn Nguyên vua Lê Hiển Tông nói:

-Để cho tình nghĩa của Uy Quốc Công với triều đình nhà Lê thêm bền chặt, ta có một công chúa thứ chín tên là Ngọc Hân, năm nay tròn 16 tuổi, tài sắc vẹn toàn, chẳng hay tướng quân có rộng lượng cho nó về làm thê thiếp hay không?

Nguyễn Hụê đáp:

-Đa tạ hoàng thượng quan tâm, cho dân áo vải như hạ thần sánh duyên cùng lá ngọc cành vàng.

Thế rồi kinh đô Thăng Long diễn ra đám cưới của Nguyên Soái Uy Quốc Công với công chúa Ngọc Hân vô cùng tưng bừng vui vẻ. Đúng là trai anh hùng gái thuyền quyên, duyên trời đã định. Nhưng hết ngày vui thì đã tiếp ngay đến ngày buồn, ngày 17 tháng 7 năm 1787, vua Lê Hiển Tông băng hà ở điện Vạn Thọ do tuổi cao sức yếu. Nhà vua ở ngôi được 47 năm, thọ 70 tuổi, mai táng ở Bàn Thạch Lăng. Nguyễn Huệ được triều đình cử làm chủ Quốc tang cho nhạc phụ. Triều đình cũng ủy thác cho Nguyên Huệ chọn người kế vị ngai vàng. Nguyễn Huệ nói với công chúa Ngọc Hân:

-Theo nàng thì giữa Lê Duy Cận, huynh của nàng và Lê Duy Kỳ, ai xứng đáng tài đức lên ngôi?

Công chúa đáp:

-Công bằng mà nói thì huynh Lê Duy Cận đủ tài đức, có thể bách tính và đất nước trông cậy được.

Nhưng hôm sau công chúa về lại nói với Bắc Bình Vương:

-Triều đình lại muốn chọn Lê Duy Kỳ, một kẻ nhút nhát, kém tài kém đức. Nhưng thôi, tướng công cứ đưa Lê Duy Kỳ lên ngôi kẻo thiếp mang tiếng thiên vị huynh mình.

Và Bắc bình Vương đưa Lê Duy Kỳ lên ngôi, đế hiệu là Lê Chiêu Thống.

Có tùy tướng vào báo cho Nguyễn Huệ:

-Dạ bẩm Uy Quốc Công, chế độ Trịnh vừa sụp đổ, nhân cơ hội bọn cướp hoành hành ở Thăng Long và nhiều vùng của Bắc Hà. Mong chúa công định đoạt.

Nguyễn Hụê nói:

-Truyền lệnh cho Vũ Văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh diệt trừ bọn cướp ở Thăng Long và các nơi cho nghiêm khắc. Một tuần nữa không xong hai tướng đó chịu quân luật.

-Dạ.

Một tuần sau thám mã về báo:

-Dạ bẩm Uy Quốc Công, Thăng Long và các nơi đã được bình yên, nạn trộm cướp đã không còn nữa.

Một hôm thám mã lại vào báo:

-Dạ bẩm Bắc Bình Vương, không biêt đám quan quân nào khoảng 1000 người rất là nhếch nhác đói khát đang tràn vào kinh thành, dân Thăng Long đang hoang mang nhốn nháo.

Nguyễn Hụê vội điểm 5000 quân ra cửa Nam  xem, đám người hỗn độn mệt mỏi bụi bặm đói khát, khi lại gần nhìn kỹ thì ra đó là Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Nguyễn Hụệ vội đón Nguyễn Nhạc vào cung Tây Long, phủ chúa Trịnh nghỉ ngơi, ăn uống hai ngày sau lại sức, Nguyễn Huệ mới hỏi chuyện:

-Sao hoàng huynh lại vất vả xa giá ra đây có việc gì khẩn cấp chăng? Đường từ Quy Nhơn ra đây phải khoảng 1800 dặm.

-Ta đã nói với đệ là không nên tiến quân ra Bắc Hà, đó là công việc của người Đàng Ngoài, Tây Sơn chúng ta chỉ làm chủ đến Nam sông Linh Giang là được. Đệ không tuân chỉ nên ta phải xa giá ra đây. Đúng là quá vất vả khó nhọc.

-Hoàng huynh nói vậy là không đúng rồi. Nhà Trịnh suy yếu, xã hội loạn lạc, bách tính Đàng Ngoài cũng vô cùng cực khổ nghèo đói. Mục đích của chúng ta lúc khởi sự ở Tây Sơn chả là muốn cứu bách tính sao. Vả lại Đại Việt vốn là một nước thống nhất hàng nghìn năm nay. 200 năm nay vì quyền lợi của các dòng họ quý tộc, đất nước bị chia cắt một cách phi lý. Thống nhất thiên hạ không lẽ không phải là mục đích của Tây Sơn sao? Nay huynh đã ra đây, đệ sẽ trao lại binh quyền cho huynh để huynh quyết định.

-Ta sẽ quyết định rút quân Tây Sơn khỏi Bắc Hà và Thăng Long, đệ chuẩn bị đi.

-Tùy hoàng huynh, nhưng như vậy Bắc Hà sẽ rối loạn vì không có quân đội bảo vệ.

-Đó không phải là việc của ta. Binh quyền đã trong tay ta, ta quyết như vậy.

Khi về tư dinh Nguyễn Huệ cho gọi Nguyễn Hữu Chỉnh tới thông báo:

 -Thái Đức hoàng đế quyết định rút quân khỏi Thăng Long.

Nguyễn Hữu Chính nói:

-Như vậy e Thăng Long và Bắc Hà sẽ rối loạn. Bè đảng nhà Trịnh còn rất mạnh, chúng sẽ quay lại uy hiếp vua  Lê như trước 1786 .

Nguyễn Hụê nói:

-Vì thế nên Bằng Quận Công phải giữ Nghệ An, khi cần ra Thăng Long đánh dẹp và cứu nhà Lê.

-Tại hạ tuân lệnh Bắc Bình Vương.

Sáng hôm sau, bách tính kinh thành Thăng Long ngạc nhiên vì không một bóng người lính Tây Sơn nào trong kinh thành. Họ đã rút từ lúc nào trong đêm về phương Nam mà không ai biết.

(Còn nữa)

CVL

                            

 

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn