Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)

PGS TS Cao Văn Liên

10/04/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 38.

Ánh khoan khoái lại rót một ly nữa và suy nghĩ tiếp. Cái may mắn lớn nhất nữa là Nguyễn Huệ bây giờ đã biết Ánh là kẻ thù nguy hiểm nhất của Tây Sơn, đang chuẩn bị tiến quân vào Gia Định với một kế hoạch chu đáo đánh Nguyễn Phúc Ánh thì vua Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc cầu viện nhà Mãn Thanh can thiệp vào Đại Việt. Vua Càn Long nhà Thanh cử 30 vạn quân do tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) là Tôn Sĩ Nghị làm Nam chinh Đại tướng quân tiến vào chiếm Thăng Long và một số vùng Bắc Hà cuối năm 1788. Tình thế buộc Nguyễn Huệ phải lên ngôi hoàng đế để hiệu lệnh cả nước đánh giặc.

chnguyenhue2a-1649514816.jpg
Lễ lên ngôi của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ được tái hiện tại tượng đài Quang Trung, nằm dưới chân núi Bân (TP Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế). Nguồn: Internet.

 

Cuối 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở núi Bân, Phú Xuân, đế hiệu là Quang Trung và kéo 10 vạn quân ra Bắc. Chỉ 5 ngày quyết chiến, Quang Trung đã tiêu diệt 30 vạn quân Thanh ở Thăng Long và các nơi khác, buộc Tôn Sĩ Nghị vứt cả ấn tín, sắc thư của Càn Long ban mà chạy về nước. Chiến thắng của Quang Trung đã làm chấn động Trung Quốc và Đại Việt. Vua Càn Long khiếp sợ đến mức không dám huy động quân đội sang đánh báo thù, đành phải bang giao hữu hảo và tôn trọng Đại Việt, tôn trọng triều đại Tây Sơn của vua Quang Trung, mời phái đoàn nhà Tây Sơn sang dự lễ bát tuần thượng thọ của Càn Long, nghe nói cầm đầu phái đoàn đó là Quang Trung  giả, Càn Long biết mà phải làm ngơ. Càn Long bỏ lệ cống người vàng của Đại Việt cho triều đình Trung Hoa có từ thời Minh theo yêu cầu của vua Quang Trung. Nghe nói Quang Trung còn sai Đại đô đốc Võ Văn Dũng cầm thư sang yêu cầu Càn Long cho lại đất Quảng Đông và Quảng Tây để đóng đô, cho một cô công chúa nhà Thanh về làm cung phi cho Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Vậy mà Càn Long cũng phải đồng ý, chuẩn bị cử hành long trọng lễ bàn giao đất Quảng Tây cho Đại Việt và lễ đưa rước công chúa Mãn Thanh sang Phú Xuân. Nghĩ tới đây, bỗng nhiên Nguyễn Phúc Ánh bàng hoàng lo sợ, chân tay bủn rủn. Quang Trung quả là một thiên tài quân sự, bách chiến bách thắng, một tướng lĩnh ghê gớm như vậy thì làm sao Ánh đương đầu nổi khi Nguyễn Huệ đánh Gia Định nay mai. Ánh lại uống thêm vài ly nữa để lấy lại khí phách. Ánh tự nhủ: Không sợ, không sợ, ta đã có tàu đồng súng lớn chuẩn bị mấy năm nay. Không sợ Nguyễn Huệ, không sợ…Đêm đó Ánh ngủ không say, chỉ mơ màng, đầu óc rất căng thẳng, một con người tự ví mình với Việt Vương Câu Tiễn, đủ tàn bạo, đủ sức nằm gai nếm mật để phục thù mà đêm nay bàng hoàng, thảng thốt…Nguyễn Phúc Ánh còn nhớ lại để đối phó với Nguyễn Huệ, từ năm 1788 khi về Gia Định, Ánh đã chuẩn bị được gì và đã làm được gì. Ánh đã mượn kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng thành Gia Định kiến trúc kiểu vô băng của Pháp. Đã xây dựng củng cố hành chính cai trị trên toàn cõi Gia Định từ Trấn Biên đến Cà Mau, từ Trấn Biên đến Kiên Giang, đánh thuế má sưu dịch cực kỳ nặng nề lên đầu bách tính để có tiền xây dựng quân đội. Ánh ra sức đưa kỹ thuật, vũ khí chiến đấu của phương Tây vào xây dựng quân đội, đặc biệt xây dựng thủy quân. Trên các chiến thuyền đặt đại bác của Pháp có sức công phá mạnh hơn nhiều so với thủy binh Tây Sơn. Trong tổng hành dinh của Ánh có các sĩ quan người Pháp làm cố vấn, đặc biệt là cố đạo Bá Đa Lộc, người môi giới cho Ánh tiếp xúc mọi mặt với Phương Tây và Pháp.

Sáng hôm sau, Nguyễn Phúc Ánh dậy sớm, ăn sáng xong đang ngồi uống trà thì có tùy tướng vào báo:

-Dạ, bẩm chúa công có Giám mục Bá Đa Lộc muốn vào gặp.

-Mời vào.

-Dạ.

Bá Đa Lộc bước vào, đó là một cố đạo người Pháp cao lớn, mắt xanh, mũi dài, tóc xoăn màu vàng, nước da nâu xạm do sương gió nhiều ở châu Á. Nguyễn Phúc Ánh đứng dậy:

-Kính chào cha. Mời cha ngồi.

-Người đâu rót nước mời cha.

Sau một lượt trà, Nguyễn Phúc Ánh hỏi:

-Mới sáng sớm cha đã vào, chắc có việc quan trọng?

Bá Đa Lộc đáp:

-Quả là có việc gấp, cha vừa nhận được tin tức tình báo ở Phú Xuân đưa về. Quang Trung Nguyễn Huệ đã chuẩn bị xong lực lượng, sẽ tiến đánh Gia Định trong nay mai. Chúa công đã biết chưa?

-Thám mã của tại hạ từ Phú Xuân chưa thấy đưa tin tức về.

Bá Đa Lộc đưa ra một tờ giấy:

-Đây là bài hịch của Nguyễn Huệ gửi bách tính Quy Nhơn-Phú Yên trước khi tấn công.

Nguyễn Phúc Ánh cầm bài hịch và đọc. Bài Hịch viết: “Các ngươi lớn nhỏ từ hơn 20 năm nay sống nhờ vào ơn huệ của anh em ta. Đành rằng chúng ta đã gặt hái được những chiến thắng trong Nam ngoài Bắc trong thời kỳ này, quả đúng là nhờ vào lòng gắn bó của nhân dân hai xứ. Tại vùng đất này, ta đã tìm thấy được những người can đảm, những quan lại có khả năng xây dựng triều đình.

Quân ta đi đến đâu giặc tơi bời tan tác buộc phải chịu ách cúi đầu. Còn lũ nhơ bẩn của triều đình cũ, từ hơn 30 năm nay, ta chưa thấy chúng làm được việc gì ra hồn. Trăm trận ta đánh với chúng, quân chúng tan rã, tướng chúng bị tiêu diệt, vùng Gia Định tràn đầy xương cốt. Các ngươi đã từng chứng kiến hoặc giả thử chưa từng tận mắt thấy thì đã từng tai nghe những điều anh em trẫm đã làm. Còn tên Chủng (Nguyễn PhúcÁnh) tội nghiệp kia đã làm gì? Đã chạy trốn bên trời Tây.

Nay đức hoàng đế bào huynh của trẫm ra lệnh chuẩn bị một đạo quân thủy bộ uy dũng đánh tan chúng một cách dễ dàng như bẻ gẫy một khúc củi mục. Phần các ngươi đừng sợ bất cứ điều gì, hãy lắng tai mở mắt để tận tai nghe mắt thấy những điều anh em trẫm sắp làm. Các ngươi sẽ thấy từ Bình Cang đến tận Nha Trang sẽ thành bình địa, Phú Yên là bãi chiến trường và cuối cùng từ Bình Thuận đến Cam Bốt chỉ trong một trận đánh đất đai đó sẽ  lại vào tay trẫm.

Các ngươi đừng vội tin vào những điều người ta nói về người Tây phương rằng chúng là giống người rất thần kỳ, mà hãy xem chúng như những xác chết trôi lềnh bềnh trên biển Bắc, cái giống người mắt xanh như đồ rắn lục, chẳng ghê gớm gì khi chúng nói về tàu đồng, trái phá đại bác.

10 tháng 7 năm Quang Trung thứ 5 (1792)”.

Nguyễn Phúc Ánh đọc xong, nét mặt tím tái không rõ do tức giận hay sợ hãi. Bá Đa Lộc nói:

-Trong cuộc tấn công này Quang Trung dùng tới 30 vạn quân. Chiến thuật là dùng thủy binh thuyền chiến bịt tất cả các cửa biển ở miền Nam mà chúa công có thể chạy thoát, một phần bộ binh bịt chặt biên giới giữa Gia Định và Chân Lạp không cho chúa công thoát sang Chân Lạp và Xiêm La, còn toàn bộ bộ binh tấn công Gia Định, truy kích kiên quyết không cho chúa công chạy thoát.

Nguyễn Phúc Ánh cả sợ:

-Vậy thì làm thế nào thưa cha?

-Cha và mấy sĩ quan người Pháp cũng chưa biết đối phó thế nào? Nguyễn Huệ quả là một tướng ghê gớm dễ sợ, bách chiến bách thằng. Chỉ 5 ngày mà ông ta tiêu diệt 30 vạn quân Thanh khiến vua Càn Long còn khiếp đảm. Chúng ta không phải là đối thủ của ông ta. Hay là trước khi quân Tây Sơn đến, chúa công đem toàn bộ lực lượng rút ra hải đảo, chờ thời cơ khi quân Tây Sơn rút thì quay về cũng chưa muộn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn