Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ1)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.          

Kỳ 1.

CHƯƠNG I: TRỊNH- NGUYỄN PHÂN TRANH

                                            I    

Bấy giờ là mùa hạ năm 1625, miền Thuận Hóa miền Trung Đại Việt chìm trong ánh nắng chói chang. Núi Ngự Bình, núi Bân xanh ngát soi bóng xuống dòng Hương Giang. Dòng Hương Giang như dải lụa mỏng lung linh êm đềm lặng lẽ đưa nước về xuôi. Hai bên bờ sông các làng Phú Xuân, Kim Long xanh ngát uốn quanh theo bờ sông như bức tranh thủy mạc. Vài con đò xuôi ngược không rõ đi về nơi đâu vô định.

chuanpnguyeen-1646320406.jpg
Tranh minh họa về Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Nguồn: Bìa sách NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.

 

Trong làn nắng mênh mang, từ bờ sông Hương đi lên phía Bắc khoảng 6 dặm thì gặp làng Phước Yên, huyện Quảng Điền. Phước Yên bây giờ không còn là làng quê xanh ngát bình yên như xưa. Năm 1613, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sau khi kế vị Nguyễn Hoàng thì năm 1626 đã dời thủ phủ từ Dinh Cát vào Phước Yên để chuẩn bị lâu dài cho cuộc chiến tranh chống chúa Trịnh ngoài Bắc. Bấy giờ những cuộc tấn công của quan Trịnh vào Thuận Hóa để tiêu diệt nhà Nguyễn là không thể tránh khỏi. Ái Tử là thủ phủ từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ 1558-1570. Từ 1570 Nguyễn Hoàng dời thủ phủ về Trà Bát rồi 1600, Người lại dời thủ phủ đến Dinh Cát nhưng vẫn chỉ nằm loanh quanh ở phủ Triệu Phong, Quảng Trị, rất gần với mặt trận giao tranh khi quân Trịnh tấn công. Do đó năm 1626, Nguyễn Phúc Nguyên quyết tâm dời thủ phủ về Phước Yên, Thuận Hóa cho xa hẳn về phía Nam. Dù thủ phủ đã xa mặt trận nhưng khi xây dựng, thủ phủ mới vẫn nặng tính chất phòng thủ. Con sông Bồ rộng lớn bao quanh ba mặt Tây, Đông và Nam của thủ phủ, chỉ còn mặt Nam là nối với đất liền. Giữa một khu bán đảo, một bức tường dầy xây bằng gạch bao quanh một khu vực rộng lớn. Trong thành nổi lên lâu đài, cung điện lầu son gác tía sơn son thếp vàng lung linh tỏa sáng. Những lâu đài, cung điện chìm trong những rặng cây xanh mơ màng. Qua chính điện ở phía Bắc là phủ Tiết chế. Sau phủ Tiết chế là tòa Trung đường, Nghị đường, Hậu đường, Tĩnh đường. Nội cung còn có lầu Ngũ phượng là nơi ở của các cung phi. Sau phủ chúa là vườn Ngự uyển.

Trên sông Bồ những chiếc thuyền sang trọng của các quan phủ chúa đậu san sát phía Nam màu sắc rực rỡ. Các quan viên đậu thuyền ở đó rồi đi thẳng lên cửa phía Nam rộng trông ra bờ sông. Bên ngoài tường thành là trại lính, trại nuôi voi, ngựa phục vụ cho đi lại và chiến đấu.

Trong dinh thự lộng lẫy của mình, chúa Nguyễn Phúc Nguyên ăn sáng xong vội bước vào thư phòng làm việc. Hôm nay là một ngày bận rộn vì đón khách đặc biệt. Số là hai hôm trước, quan Khám Lý Hoài Nhân là Trần Đức Hòa có tiến cử một người mà đại nhân Trần cam đoan là một nhân tài có tài kinh bang tế thế hiếm có, đó là Đào Duy Từ, quê ở phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa. Theo Trần Đức Hòa thì Đào Duy Từ uyên thâm kinh sử, là nhà chính trị, nhà quân sự, một chiến lược gia, đặc biệt là tài thiết kế các công trình quân sự phòng thủ. Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-Nhân tài thì thời nào cũng cần, đặc biệt chúng ta đang cần nhân tài tổ chức hành chính, quân sự để xây dựng bảo vệ Đàng Trong. Đại nhân hãy dẫn Đào Duy Từ tới gặp ta.

-Xin vâng lệnh chúa công.

Nguyễn Phúc Nguyên ngồi vào ghế, bộ bàn ghế tràng kỷ gỗ lim khắc hoa lá cầu kỳ, khảm ngọc trai sáng bóng. Sau một chén trà Nguyễn Phúc Nguyên giở bản tường trình về Đào Duy Từ do Trần Đức Hòa dâng lên hôm trước. Chúa phải đọc xong sáng nay vì chiều nay theo hẹn đã phải đón Đào Duy Từ có Trần Đức Hòa cùng tới. Chúa ngồi đọc chăm chú, hai bên có hai vệ sĩ đứng quạt. Cách không xa ngoài cửa hai thị nữ khoanh tay đứng chờ sai bảo.

Theo bản đệ trình của Trần Đức Hòa thì Đào Duy Từ hiệu là Lộc Khê, người xã Hòa Trai, Huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa. Cha Đào Duy Từ là Đào Tá Hán làm nghề hát chèo, mẹ là Vũ Kim Chi. Thuở thanh thiếu niên Đào Duy Từ học rộng biết nhiều nhưng luật nhà Lê cấm con nhà đào hát không được đi thi. Ông buồn bực và căm giận chế độ vô lý của nhà Lê -Trịnh. Không muốn uổng phí tài năng, năm Ất Dậu 1625, Đào Duy Từ trốn vào Đàng Trong để mong theo chúa Nguyễn. Đào Duy Từ vào Vũ Xương và sau đó vào Hoài Nhân đi làm thuê cho một phú ông ở Tùng Châu. Phú ông thấy Đào Duy Từ học rộng tài cao hơn người liền nói với Trần Đức Hòa. Trần Đức Hòa cho gọi đến hỏi mọi chuyện, Đào Duy Từ đều thông hiểu cao xa sâu rộng, liền cho ở nhà và gả con gái cho. Đào Duy Từ có bài thơ “Ngọa Long Cương” thường ví mình là Ngọa Long tiên sinh đời nay. Nguyễn Phúc Nguyên đọc bài thơ “Ngọa Long cương”, lại đọc đến cuốn binh pháp “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ thì gật đầu tâm đắc:

-Quả là một nhân tài mà ta đang cần.

Chiều hôm đó khi Nguyễn Phúc Nguyên đang ngồi ở phòng khách thì có nội thị vào báo:

-Dạ, Bẩm chúa công, có quan Khám lý Trần Đức Hòa và một đại nhân đi cùng muốn vào yết kiến.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Khi nội thị đi rồi, Nguyễn Phúc Nguyên mở cửa ngách đi ra. Đào Duy Từ thấy chúa Nguyễn Phúc Nguyên mặc áo trắng sơ sài, lại không mở cửa chính đã không hài lòng. Trần Đức Hòa vội chắp tay:

-      Kính chào chúa công.

Nguyễn Phúc Nguyên đáp:

-      Miễn lễ, mời vào.

Trần Đức Hòa đáp:

-Đa tạ chúa công.

Nhưng Đào Duy Từ không chào chúa Nguyễn Phúc Nguyên, không đáp lễ, còn kéo áo Trần Đức Hòa định đi ra. Cả Nguyễn Phúc Nguyên và Trần Đức Hòa đều ngạc nhiên. Nguyễn Phúc Nguyên chợt thấy bộ quần áo sơ sài của mình thường mặc cho thoái mái ở cư gia chứ không phải để tiếp khách, cửa chính chưa mở liền nói:

-Ta xin lỗi, hai đại nhân chờ chút.

Nguyễn Phúc Nguyên vội đi vào mặc triều phục, mở cửa chính bước ra:

-Chào hai đại nhân, thất lễ, thất lễ, xin mời vào.

Khi đó Đào Duy Từ mới chắp tay đáp lễ:

-       Không dám, kính chào chúa công, đa tạ, đa tạ.

Chủ khách chia nhau ngồi. Gia nhân rót trà. Sau một lượt trà, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói:

-        Hai đại nhân đều biết, ta đã cắt đứt đi lại với Lê-Trịnh, không nộp thuế theo quy định hàng năm, không vào chầu nữa, chiến tranh sẽ nổ ra. Trịnh mạnh ta yếu. Xin tiên sinh cho biết làm thế nào để ta thắng quân Trịnh, giữ vững cơ nghiệp Đàng Trong này của ta?

(Còn nữa)

CVL