Kỳ 12.
Lại có tin tình báo:
-Dạ, ngày 9 tháng 9, quân Đề Thám đã chặn đánh một đoàn xe lửa từ Phủ Lạng Thương đi Lạng Sơn ạ. Cùng ngày đó Đại úy Gờ ri cô đi thám thính bị Bang Kinh đánh úp, thiệt hại nặng.
Ngày 17 tháng 9 lại có tin tình báo:
-Dạ bẩm Công sứ, ngài điền chủ Pháp Sét nây, Chủ nhiệm tờ báo “Tương lai Bắc Kỳ” kiêm thầu khoán đường xe lửa Hà Nội-Lạng Sơn bị Bang Kinh bắt ở giữa suối Ghềnh và Bắc Lệ, Hữu Lũng Lạng Sơn ạ.
Ma hê hốt hoảng:
-Ngài Sét nây bị bắt, tin đúng như vậy không?
-Dạ, tin tình báo chính xác ạ.
Ma hê thở dài:
-Ông này bị bắt là lớn chuyện rồi, thưa ngài Khâm sai, việc này sẽ kinh động tới giới tài phiệt giàu có ở nước Pháp, chấn động phủ Toàn quyền Đông Dương, phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Chúng ta không được yên thân rồi.
Ma hê nâng cốc rượu vang lên uống và bực tức đặt chiếc cốc xuống bàn.
Lê Hoan khuyên:
-Ngài Công sứ đừng lo, chờ xem phủ Thống sứ phản ứng thế nào đã. Có lẽ sẽ có một giải pháp để cứu Sét nây.
Không phải đợi lâu, chiều hôm đó, một sĩ quan cộng sự của Công sứ vào báo:
-Dạ bẩm Công sứ, có thư của phủ Thống sứ.
-Đưa ta xem.
Ma hê bóc thư đọc. Thư viết: “8 giờ sáng mai, ngài và ngài Khâm sai đại thần Lê Hoan phải có mặt ở phủ Thống sứ Bắc Kỳ bàn về một việc tối quan trọng”.
Đúng giờ Lê Hoan cùng Ma hê đã có mặt. Bầu trời mùa thu Hà Nội chỉ có nắng vàng nhạt rải xuống các phố phường, gió se lạnh, những tán lá cây đung đưa rồi rớt những lá vàng tung bay trên đường theo gió. Phủ Thống sứ kiến trúc kiểu Pháp nhiều tầng nhô lên tráng lệ. Ma hê cùng Lê Hoan bước vào đại sảnh sang trọng, bàn ghế màu gụ khảm trai, hoa văn kiểu cổ của Đại Nam nhưng nội thất trang trí kiểu châu Âu. Nền nhà trải thảm đỏ. Trên trần những chùm đèn hoa lá bằng pha lê tỏa ánh đèn điện sáng chói.
Thống sứ Bắc Kỳ F. Rô đi ê ngồi ghế chủ tọa. Trước mặt là chiếc bàn gỗ màu gụ sáng bóng. Bốn chiếc bàn cũng màu gụ sáng lung linh kê phía dưới vuông góc ở giữa với bàn của Thống sứ. Hai bên cũng kê những tràng kỷ màu gụ khảm trai. Bàn ghế rộng nhưng chỉ có 4 người: Thống sứ, Thống tướng Pi en, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, Công sứ Bắc Ninh Ma hê, Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan. Trên bàn đã rót đầy 4 cốc rượu săm pha nhơ. Thống sứ Bắc Kỳ nâng cốc và nói:
-Xin mời ngài tư lệnh quân đội Pháp, ngài Khâm sai đại thần Bắc Kỳ, ngài Công sứ Bắc Ninh.
Ba người đứng lên nâng cốc:
-Đa tạ ngài Thống sứ, xin mời.
Sau khi đã cạn, đặt cốc xuống bàn. Thống sứ Bắc Kỳ nói:
-Thưa các ngài, hôm nay phủ Thống sứ triệu tập các ngài về đây vì vấn đề Yên Thế. Đã 9 năm nay, chúng ta tốn bao nhiêu sinh mạng của lính Pháp và lính Việt. Từ năm 1892 đến nay Đề Nắm bị tiêu diệt, sau đó Thân Bá Phức đã ra hàng, tưởng phong trào đó sẽ tan rã. Nhưng không ngờ Đề Thám lên nắm quyền chỉ huy, phong trào càng mạnh hơn. Sau trận Hữu Nhuế, trận Hố Chuối năm nay, quân ta đều khiếp đảm, gọi Đề Thám là “Hùm thiêng Yên Thế".
Thống sứ dừng lại, uống một hớp rượu và nói tiếp:
-Nhưng sự kiện chấn động giới tư bản Pháp và nước Pháp, giới tư bản Pháp ở Đông Dương là ngày 17 tháng 9 năm 1894, ngài Sét nây bị Bang Kinh, một tướng của Đề Thám bắt ở Hữu Lũng Lạng Sơn. Sét nây là chủ bút báo “Tương lai Bắc Kỳ” (Lavennir Du Tonkin), lại là nhà tư bản, điền chủ lớn của Pháp. Mấy ngày nay, trên tất cả các tờ báo lớn của Pháp ở Pháp, các tờ báo tiếng Pháp ở Đông Dương đều đăng bài không ngớt. Đây các ngài xem đi.
Thống sứ Bắc Kỳ F. Rô đi ê cầm một tập báo ở bàn giơ lên, rồi không chờ có ai cầm xem, ông ta lại đặt xuống bàn và nói tiếp:
-Trong các báo, các ông chủ nói là để cứu Sét nây chỉ có một biện pháp duy nhất là giảng hòa với Đề Thám và chuộc lại bằng bất cứ giá nào. Các ngài có kế sách gì hay để giải thoát Sét nây không?
Sau câu hỏi của Thống sứ Bắc Kỳ, cả Pi en, Ma hê, Lê Hoan đều đăm chiêu suy nghĩ. Lúc lâu Ma hê nói:
-Giới tài phiệt và báo chí mà lên tiếng thì đó là áp lực lớn mà Chính phủ Pháp và Chính phủ Đông Dương phải chịu cho nên ta không thể có biện pháp quân sự mạnh tay với Đề Thám e gây nguy hiểm đến tính mạng ngài Sét nây. Cho nên tạm thời giảng hòa với Đề Thám để chuộc Sét nây ra là biện pháp tốt nhất.
Thống sứ hỏi:
-Ý kiến ngài Pi en thế nào?
Pi en đáp:
-Thưa ngài thống sứ, ta cũng cho rằng giảng hòa với Đề Thám để chuộc Sét nay là tốt nhất.
Thống sứ hỏi Lê Hoan:
-Ngài khâm sai đại thần Bắc Kỳ?
Lê Hoan đáp:
-Ta cũng cho rằng nên hòa hoãn để chuộc Sét nây, đó là giải pháp tối ưu.
Thống sứ nói như kết luận:
-Vậy theo sách lược như vậy mà hành động. Còn tiến hành cụ thể như thế nào ta giao toàn quyền cho ngài Lê Hoan và ngài Ma hê.
-Tuân lệnh Thống sứ.
Thống sứ nói thêm:
-Ta sẽ trình lên ngài Toàn quyền Đông Dương biện pháp như vậy. Nào, chúc các ngài thành công.
Thống sứ F. Rô đi ê cùng Ma hê, Pi en và Lê Hoan nâng cốc và cạn.
Sớm hôm sau, trong dinh Khâm sai ở Bắc Ninh, Lê Hoan ăn sáng xong đang ngồi uống trà thì có lính vào báo:
-Dạ bẩm ngài Khâm sai, có ngài Công sứ đến.
-Cho mời vào.
-Dạ.
Một lat sau Ma hê đi vào:
-Chào ngài Khâm sai.
-Chào ngài Công sứ. Mời ngài ngồi.
Lê Hoan rót trà và hỏi:
-Ngài Công sứ uống trà Việt có quen không?
-Đa tạ, quen, quen.
-Quen rồi sẽ nghiện như nghiện rượu đấy.
Mahê uống một ngụm trà, đặt chén xuống và hỏi:
-Ngài Khâm sai, ngài đã nghĩ ra cách liên hệ với Đề Thám chưa?
Lê Hoan đáp;
Ta nghĩ ra rồi, ta có thể dùng một tù binh Yên Thế vì hắn quen đường sá cầm thư của ta vào Hố Chuối cho Đề Thám và nhận thư của Đề Thám về cho ta. Nếu Đề thám đồng ý giảng hòa thì ta cho một cố đạo do người lính này dẫn đường vào thương thuyết với Đề Thám về điều kiện giảng hòa. Còn bước tiếp theo thì còn xem Đề Thám yêu cầu gì mà hành động.
Ma hê nói:
-Phương pháp của ngài Khâm sai thật là tuyệt vời, cứ vậy mà thực hiện đi.
Lê Hoan gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Xuống nhà ngục, bảo người cai ngục dẫn một người tù binh Yên Thế khoảng 40 tuổi lên đây.
-Dạ.
Hai người uống trà chờ đợi. Một lát sau người cai ngục dẫn một tù binh khoảng 45 tuổi ngang tàng đi vào, tay bị trói nhưng không hề sợ hãi. Lê Hoan quát người cai ngục:
-Cởi trói cho hắn.
-Dạ.
Lê Hoan chỉ vào chiếc ghế:
-Ngồi xuống.
Người lính ngồi xuống và hơi ngạc nhiên, không rõ hai vị quan này định làm gì?
Lê Hoan hỏi:
-Nhà ngươi có vợ con chưa?
-Ta có một vợ hai con. Nhưng việc tham gia quân của Đề Thám không liên quan gì đến vợ con ta, ta gánh hết trách nhiệm.
-Có muốn về sống với vợ con không?
-Ai mà chả muốn sống với vợ con.
-Vậy thì nhà ngươi hãy giúp ta một việc. Hiện nay người Pháp và ta muốn giảng hòa với Đề Thám, nhà ngươi là quân Yên Thế, thuộc đường đất cho nên hãy cầm phong thư đề nghị giảng hòa của ta cho Đề Thám và cầm thư trả lời của Đề Thám về cho ta. Nếu Đề Thám không đồng ý giảng hòa, ngươi vẫn được 5 lạng bạc và về quê sinh sống, nếu Đề Thám đồng ý giảng hòa ngươi sẽ giúp ta các bước tiếp theo. Kết thúc công việc này nếu thành công ngươi sẽ được thêm 15 lạng bạc nữa. Ý nhà ngươi thế nào?
-Vì hòa bình của hai bên ta đồng ý. Đại nhân hãy viết thư đi.
Lê Hoan gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Đem bút mực ra đây.
-Dạ.
Có giấy mực rồi Lê Hoạn nói.
-Nấu cơm cho người lính này ăn no, chọn cho anh ta một con ngựa, một lá cờ trắng để anh ta đi làm công vụ ngay.
-Dạ.
(Còn nữa)
CVL