Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

Kỳ 16.

Im lặng. Một lát sau A. Phơ rét nói tiếp:

-Trong khi còn nhiều khó khăn thì giới quân sự vẫn phải tiến hành nhiệm vụ của mình. Nào, chúc các ngài thành công.

Tất cả đứng dậy nâng cốc:

-Đa tạ ngài Thống sứ.

-Đa tạ, đa tạ.

Rồi bọn người cạn cốc.

ch1adsc00901-1658579072.jpg
Lịch sử hào hùng, vẻ vang, tinh thần bất khuất của nghĩa quân Yên Thế do Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chống thực dân Pháp suốt gần 30 năm (1884 - 1913). Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

 

Sau cuộc họp ở phủ Thống sứ, giới quân sự chóp bu cử Đại tá Ga li en ni làm chỉ huy cuộc càn quét vào Yên Thế. Ga li en ni điều pháo thuyền đến sông Thương, con sông ngăn giữa Yên Thế và Lạng Giang, giữa Lục Liễu và Bố Hạ để bao vây Yên Thế theo đường thủy. Sau đó trong Tổng hành dinh quân Pháp ở Nhã Nam, Ga li en ni ra lệnh:

-Thiếu tá Hốp bơ nghe lệnh:

-Có thuộc cấp.

-Thiếu ta dẫn 200 tay súng, 20 đại bác tiến theo đường Mỏ Trạng, Bố Hạ tấn công Đề Thám.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Thiếu tá Rông đô ni.

-Có thuộc cấp.

-Thiếu tá dẫn 200 lính cùng 20 đại bác theo đường Bố Hạ-Nhã Nam tấn công Đề Thám.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

-Thiếu tá Rô giê.

-Có thuộc cấp.

-Thiếu tá đem 50 lính lê dương, 300 lính khố đỏ, 20 khẩu sơn pháo 80 ly cùng lính cứu thương, lính cầu đường theo đường Nhã Nam tấn công quân Yên Thế.

-Thuộc cấp tuân lệnh.

Trong khi đó, tại tổng hành dinh đồn Hố Chuối, Đề Thám đang họp với các tướng lĩnh bàn cách đối phó với cuộc tấn công quy mô lớn của Pháp. Đề Thám uống xong chén trà và nói;

-Các thủ lĩnh uống trà đi.

Trong khi mọi người đang uống trà thì Cả Dinh tay cầm phong thư vào báo:

-Dạ bẩm, Ga li en ni gửi thư cho nghĩa phụ.

-Đưa ta xem.

-Dạ.

Đề Thám bóc thư đọc, thì ra đó là một tối hậu thư. Thư viết: "Nếu ngài không muốn bị tấn công và bị tiêu diệt thì ngay lập tức hạ vũ khí đầu hàng. Ta hẹn ngài 8 giờ sáng ngày mai, tức là ngày 19 tháng 11 năm 1895 phải tới hành dinh của ta ở Nhã Nam trình diện”.

Đề Thám đọc bức tối hậu thư cho các thủ lĩnh nghe, mọi người hầm hầm tức giận.

Đề Thám nói tiếp:

-Theo tin thám mã báo về, cuộc tấn công lần này khác với mọi lần là địch chia thành nhiều cánh quân nhằm bao vây chúng ta. Dưới sông Thương có tàu chiến, nhiều con đường giáp Lạng Sơn-Yên Thế đã được mở tạo điều kiện thuận lợi cho địch hành quân và kéo pháo vào. Cho nên để phá tan vòng vây của Pháp ở Yên Thế, ta phải đánh mạnh ở khắp nơi, từ Yên Thế đến Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Tam Đảo, Đa Phúc. Sau đây các tướng nghe lệnh:

-Tướng quân Cả Tuyển.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 tay súng đến phối hợp với thủ lĩnh Đề Công ở Tam Đảo đánh địch.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đề Nguyên.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 lính đến Vĩnh Yên phối hợp với thủ lĩnh Phùng Ba Chỉ ở đó đánh giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Bang Kinh.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem quân bản bộ của mình đến Phúc Yên phối hợp với thủ lĩnh Thống Trứ ở đó đánh giặc.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đề Cân.

-Có thuộc tướng quân.                                                          

-Tướng quân đem 50 tay súng đến Đa Phúc phối hợp với thủ lĩnh Thống Luận ở đó đánh giặc,

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Đốc Thu.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 tay súng tấn công Pháp ở Bắc Ninh, Hỗ trợ cho Đốc Khế, Đốc Hậu.

-Thuộc tướng tuân lệnh

-Tướng quân Thống Ngô.

-Có thuộc tướng.

-Tướng quân đem 50 tay súng tấn công trấn trị Phủ Lạng Thương.

-Thuộc tướng tuân lệnh.

-Các tướng Cả Trọng, Cả Dinh, Ba Điều, Quản Khôi do Cả Trọng chỉ huy đánh giặc ở đồn Hữu Nhuế.

-Xin tuân lệnh.

-Các tướng Cả Huỳnh, Đốc Xuyết, Lý Bảo, quân sư Hoàng Điển Ân cùng ta đánh giặc ở đồn Hố Chuối.

-Xin tuân lệnh.

Đề Thám hỏi Đặng Thị Nhu:

-Phu nhân nói xem lương thực và súng đạn còn nhiều không?

Đề đốc phu nhân đáp:

-Bẩm tướng công, qua hòa hoãn một năm với Pháp, với số tiền chuộc Sét nây, thiếp đã tổ chức mua súng đạn từ Trung Quốc về đủ dùng tư nay đến 1897, gạo thóc thu hoạch từ đồn điền Phồn Xương đủ dùng cũng đến thời gian đó.

Đề Thám hài lòng:

-Vậy vũ khí lương thực thì ta yên tâm rồi

-Đa tạ tướng công.

-Nữ tướng Đặng Thị Nhu nghe lệnh:

-Có thuộc tướng.

Trong khi chiến đấu, tướng quân phải tổ chức chu cấp hậu cần, cơm nước, thuốc men, cứu thướng đầy đủ cho toàn quân.

-Thuộc tướng tuận lệnh.

Trong hành dinh của Pháp ngày 29 tháng 11 năm 1895, Đại tá Ga li en ni, Tổng chỉ huy cuộc tấn công ngồi chờ Hoàng Hoa Thám đến đầu hàng theo tối hậu thư rất sốt ruột. 8 giờ, 9 giờ rồi 10 giờ trôi qua một cách nặng nề chậm chạm. Đã 10 giờ hơn mà không thấy bóng dáng Đề Thám cùng các thủ lĩnh Yên Thế xuất hiện, Ga li en ni tức giận ra lệnh:

-Ba cánh quân nhất loạt bao vây và tấn công vào đồn Hữu Nhuế, Hố Chuối.

-Tuân lệnh Đại tá.

Ngay trưa hôm đó, đạo quân thứ 3 do Đại úy Rô mông chỉ huy đã tiến tới pháo đài Dụ Lâm. Đạo quân thứ 2 do Đại úy A đô lin chỉ huy tiến tới Bãi Mẹt. Đạo quân thứ nhất do Đại úy Gơ răng my chỉ huy đến Bãi Mẹt và tách ra đi về Hố Chuối. Đại bác nổ vang, gầm thét trút lửa vào căn cứ Hữu Nhuế và Hố Chuối, Phồn Xương. Tiếng đại bác xen lẫn với tiếng súng trường, súng hỏa mai, xen lẫn tiếng kèn xung trận của quân Pháp, xen lẫn tiếng trống, tiếng tù và, tiếng sáo sắt của quân Yên Thế như sóng gầm thác đổ. Miền tây bắc Bắc Giang hỗn loạn âm thanh, đạn rơi máu đổ, khói lửa ngút trời, bầu trời bỗng nhiên đỏ như máu. Cuộc chiến giữa những kẻ xâm lăng với những người nông dân khát khao tự do độc lập ruộng đất thật là dai dẳng và khốc liệt. Lần này, cuộc chiến kéo dài tới ba năm: 1895-1897. Trong phủ Thống sứ, Thống sứ Bắc Kỳ Lê ông Bu lô sơ cuối cùng nhận được bản báo cáo về chiến sự vào cuối năm 1897. Báo cáo viết:

“- Ngày 6 tháng 1 năm 1896, Đốc Khế chỉ huy 50 tay súng giao chiến với quân Pháp do Đại úy Rông đô ni chỉ huy ở Long Vân, Yên Thế.

-Ngày 6 tháng 2, quân ta giao chiến với quân của Đốc Khế, Thống Luận và Tổng Trụ.

-Quân ta bị quân Yên Thế phục kích ở Suối Câu, một Giám binh, một hạ sĩ quan Pháp và hai lính khố xanh bị thương.

-Trong trận đánh ở núi Phú Đồ ngày 8 tháng 2, ta bắt được vợ con của Đốc Khế, Đốc Hậu khiến cho ngày 16 tháng 2, Đốc Khế, Đốc Hậu phải ra hàng để cứu vợ con.

-Ngày 21 tháng 2 năm 1896, quân ta kịch chiến với quân Đề Thám ở Trại Tre, Yên Thế, cùng ngày đó có cuộc giao tranh giữa 150 tay súng Yên Thế, trong đó có Đề Thám, Tổng Luận và Đề Cần chỉ huy ở Dốc Nghè.

-Trong chiến trận, một số thủ lĩnh của Yên Thế đã ra hàng, đó là Đốc Tục, Đốc Vân, Đốc Hy, Tổng Luận.

-Tháng 7 đầu tháng 8 năm 1896, quân ta đánh nhiều trận với quân Yên Thế ở Thái Nguyên, kịch liệt nhất là trận Hùng Sơn và Phổ Yên.

-Ngày 15 tháng 8, quân Yên Thế đánh phá đồn điền của Gô be ở Bắc Ninh.

-Ngày 2 tháng 10, 100 lính khố xanh và 70 lính Pháp do Đại úy Lo răng chỉ huy đã kịch chiến với quân Yên Thế tại làng Quạt.

-Ngày 10 tháng 1 năm 1897 một đoàn xe vận tải của ta do Trung úy Ma ti va chỉ huy bị chặn đánh ở gần Minh Lý.

-Ngày 30 tháng 1 năm 1897, quân Yên thế tấn công nơi đồn trú của Trung úy La ba ri e coi việc đắp con đường Chợ Mới ở Bắc Kạn.

-Ngày 25 tháng 2 năm 1897, giao chiến giữa quân Yên Thế và quân Pháp do Quản đốc đồn mỏ Na Lương là Ra bi nô chỉ huy, Pháp thiệt hại nặng.

-Tháng 4 năm 1897, một toán lính khố xanh hành quân bị tấn công.

-Ngày 2 tháng 6 năm 1897, Quản đốc đồn Đức Thắng là Bô ve bị quân Yên Thế phục kích bắn chết.

-Ngày 22 tháng 9 năm 1897, một toán lính khố đỏ do Trung úy Mu sê di bị chặn đánh ở Bình Trạm.

Tóm lại, trong 3 năm, 1895 đến 1897, các cuộc càng quét bao vây của Pháp không thu được kết quả, không giết được Đề Thám, không làm nghĩa quân tan rã. Nghĩa quân Yên thế còn hoạt động mạnh ở khắp Yên Thế, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn.”

(Còn nữa)

CVL