Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 13)

PGS TS Cao Văn Liên

21/07/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

ch1khoi-nghia-yen-the-1658319779.jpg
Tái hiện hình ảnh khởi nghĩa Yên Thế. Nguồn: baobacgiang.com.vn

Kỳ 13.

Rồi Lê Hoan nói với người lính:

-Nhà ngươi đi ăn cơm đi, xong lên đây nhận thư, ta dặn dò thêm và đi ngay.

Người lính cùng người hầu cận đi ra. Lê Hoan ngồi vào bàn viết thư, niêm phong, đóng dấu Khâm sai đại thần vào. Một lát sau người tù binh lên. Lê Hoan đưa thư và dặn:

-Đây là 5 lạng bạc đi đường. Nhà ngươi mặc quân phục quân Yên Thế vào, đưa phong thư này cho Đề Thám và nhận thư trả lời, dùng ngựa mà đi đến đồn Hữu Nhuế, sắp đến nơi thì dương cờ trắng lên để quân Yên Thế không bắn. Rõ chưa?

-Rõ.

-Chúc thượng lộ bình an. Ta đợi tin ngươi.

Người tù binh nhận thư và bạc cho vào tay nải đeo qua vai ra sau lưng, ra khỏi phủ Khâm sai, lên ngựa, phi nước đại về đồn Hữu Nhuế.

Lại nói lính trong đồn Hữu Nhuế quan sát từ xa thấy một người lính phi nước đại vào đồn, mặc quân phục Yên Thế, trên lưng ngựa có cờ trắng nên không dám bắn, liền báo cho Cả Trọng, chỉ huy đồn. Cả Trọng cho 4 người lính ra chặn đường và hỏi:

-Người kia đi đâu, sao lại cắm cờ trắng xông vào đồn?

Người tù binh xuống ngựa đáp:

-Tại hạ là lính của Yên Thế bị bắt làm tù binh trong cuộc giao chiến gần đây. Người Pháp muốn giảng hòa với ngài Đề Thám nhờ ta đưa bức thư này tận tay cho tướng quân và cầm thư trả lời về cho Lê Hoan.

Một người lính nói:

-Thư với chả từ, lại cài bom trong thư để ám sát chủ tướng chứ gì. Mấy lần Pháp định ám sát tướng quân Hoàng Hoa Thám mà không thành, lần thì Bá Phức đặt mìn, lần thì mời dự tiệc cho thuốc độc vào chén rượu của chủ tướng. May mà chủ tướng nhân lúc chúng sơ suất xoay mâm đi, kết cục là một tên quan trúng độc. Cái bọn xâm lược thật là hiểm độc và bần tiện.

Một người lính nói:

-Giảng hòa là việc quan trọng. Cứ đưa hắn về đồn rồi báo cho ngài Cả Trọng quyết định.

Cả bọn đưa người tù binh về đồn, ngồi đợi một lát thì Cả Trọng tới. Cả Trọng hỏi:

-Nhìn ngươi có vẻ quen quen. Ngươi làm sao mà gặp được Lê Hoan.

-Dạ bẩm, trước kia tại hạ là lính của chủ tướng. Tại hạ bị bắt trong trận Hố Chuối năm 1892, Lê Hoan và người Pháp muốn giảng hòa, cần một người đưa thư nên nhờ đến tại hạ.

-Nhà ngươi tên gì?

-Dạ, tại hạ tên An ạ.

An đưa thư cho Cả Trọng và nói:

-Lê Hoan muốn nhận được thư trả lời của chủ tướng Đề Thám ạ.

Cả Trọng nhận thư và nói:

-Ngươi cứ ăn cơm và nghỉ ngơi. Sáng mai ta sẽ đưa thư trả lời của chủ tướng cho ngươi cầm về.

-Đa tạ tướng quân.

Cả Trọng gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Cho người lính này ăn cơm chiều, bố trí phòng nghỉ đêm tử tế không được sơ suất. Cho cả ngựa của anh ta ăn nữa.

-Dạ.

Tối hôm đó Cả Trọng sang Hố Chuối trao thư cho Đề Thám:

-Thưa cha, Pháp muốn giảng hòa, đây là thư của Lê Hoan.

Đề Thám gọi:

-Lính đâu.

-Dạ.

-Ngươi đem ra ngoài bóc bức thư này ra rồi đem vào cho ta.

-Dạ.

Người lính bóc thư kiểm tra, trong thư không có chất nổ, chất độc rồi đem cho Đề Thám:

-Dạ, trình chủ tướng.

Đề Thám cầm thư đọc. Thư viết: “Tại hạ là Lê Hoan kính chào tướng quân Đề Thám. Ở vùng Yên Thế suốt 10 năm nay binh đao khói lửa triền miên, bách tính lầm than khổ cực, cả hai bên Pháp, triều đình và tướng quân đều tổn thất nặng nề. Nay người Pháp muốn giảng hòa với ngài. Nếu tướng quân đồng ý thì xin có thư trả lời. Xin hẹn ngày và địa điểm đàm phán để Pháp cử đại diện tới thương thuyết. Người cầm thư qua lại vốn là cựu chiến binh của ngài, ngài có thể tin cậy. Nay kính thư” (Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan). Dưới thư có đóng dấu của Lê Hoan.

Đề Thám rót chè, uống một chén và gọi:

-Người  đâu.

-Dạ.

-Đem giấy bút mực ra đây.

-Dạ.

Có giấy bút mực, Đề Thám ngồi vào bàn viết thư và gọi:

-Cả Trọng đâu?

-Dạ.

-Con đưa thư này cho Lê Hoan, chắc là họ muốn cứu tên Sét nây nên đề nghị giảng hòa.

-Ý cha thế nào ạ?

- Ta đồng ý đàm phán, nếu có lợi cho ta thì cũng nên giảng hòa một chuyến. Con đưa thư cho người lính và bảo hắn đi về cho sớm.

-Dạ.

Ngay chiều hôm sau, Lê Hoan nhận được thư của Đề Thám. Thư viết: “Kính chào ngài Khâm sai đại thần Bắc Kỳ, bản tướng quân đã nhận được thư của ngài, xem xét thì không phải là một mưu kế, cho nên bản tướng quân đồng ý đàm phán. Địa điểm hai bên gặp nhau là đồn Hữu Nhuế, thời gian là ngày 24 tháng 10 năm 1894. Ngài có thể cử đại diện tới và được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Người Yên Thế là anh hùng hảo hán nên lấy chữ tín hàng đầu cho nên các ngài cứ an tâm cho sự an toàn của các “sứ giả”của các ngài.

Đọc xong thư Lê Hoan đưa cho Ma hê:

-Đây là thư đồng ý đàm phán của Đề Thám, ngài Công sứ xem đi.

Ma hê đọc xong hỏi:

-Chúng ta chọn ai làm đại diện đàm phán cho tiện lợi?

Lê Hoan đáp:

-Quan lại triều đình không được, võ quan Pháp càng không được. Tốt nhất là chọn vị Cố đạo người Tây Ban Nha ở nhà thờ Bắc Ninh, vị này vừa nói được tiếng pháp, vừa nói được tiếng Việt, vừa có vẻ khách quan cho quân Yên Thế một chút tin tưởng, yên tâm.

Ma hê nói:

-Ta nhớ ra rồi, ở trấn trị Bắc Ninh có vị cố đạo người Tây Ban Nha, tên là Lô ve sten.

Lê Hoan nói:

-Thật tốt, ngài cho đi mời ông ta đến ngay đi.

Công sứ gọi:

-Lính đâu.

Một người lính Pháp, cận vệ của Ma hê bước vào:

-Dạ, ngài Công sứ.

-Đi mời cha Lô ve sten ở nhà thờ trấn trị Bắc Ninh cho ta.

-Dạ, tuân lệnh.

Một canh giờ sau, cha Lô ve sten bước vào:

-Kính chào ngài Công sứ, chào ngài Khâm sai.

Lê Hoan và Ma hê đứng dậy:

-Xin chào cha, mời cha ngồi.

Lê Hoan gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Mang rượu ra đây.

-Dạ.

Lê Hoan nâng cốc:

-Nào, xin mời, chúc sức khỏe cha, chúc sức khỏe Công sứ.

Đa tạ, đa tạ.

Sau khi ba người đặt cốc xuống bàn, Lê Hoan nói:

-Xin cha giúp cho một việc quan trọng. Cha đọc xong bức thư của Đề Thám đi và ta sẽ nói.

Cha Lô ve sten đọc xong thư, ngẩng lên hỏi:

-Triều đình và Pháp định giảng hòa với Đề Thám à? Cha giúp được gì cho các ngài.

Ma hê nói:

-Thưa cha, việc quân Yên Thế bắt Sét nây, một tư sản kiêm điền chủ lớn đã làm chấn động giới giàu có ở Pháp, chấn động dư luận Pháp và Đông Dương. Quan Toàn quyền Đông Dương và Thống sứ Bắc Kỳ muốn giảng hòa với Đề Thám để cứu Sét nây và Lô gi u là trợ lý của ngài ta. Ta muốn cha đại diện cho Pháp tới đồn Hữu Nhuế đàm phán với Đề Thám.

-Vì sao lại là ta, quan triều đình và quan chức Pháp thiếu gì người?

-Thưa cha, cha là giới tôn giáo được coi là trung lập, không gây nghi ngờ cho quân Yên Thế.

Cha Lô ve sten hỏi:

-Điều kiện giảng hòa thế nào?

Mahê đáp:

-Thưa cha, điều kiện giảng hòa của ta là Đề Thám phải thả Sét nây và Lô gi u. Còn phía Yên Thế chưa rõ họ sẽ đưa ra những điều kiện gì. Nhưng Toàn quyền Đông Dương đã nói phải cứu Sét nây và Lô gi u bằng mọi giá cho nên những yêu cầu của họ về quân sự thuộc phạm vi Yên Thế thì chấp nhận, những yêu cầu về tiền chuộc bao nhiêu cũng chấp nhận. Tinh thần là như vậy thưa cha.

-Ta đồng ý giúp các ngài. Bao giờ phải lên đường?

-Thưa cha, ngày mai, cha phải lên đường để ngày 24 tháng 10 này còn kịp đàm phán.

Lê Hoan gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

Đưa người lính Yên Thế hôm nọ đến đây.

-Dạ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 13)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn