Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)

PGS TS Cao Văn Liên

22/07/2022 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         

Kỳ 14.

Người lính Yên Thế bước vào. Lê Hoan nói:

-Trong thư hôm nọ nhà ngươi chuyển về, Đề Thám đã đồng ý đàm phán giảng hòa. Đây là cha Lô ven sten, đại diện cho Pháp đi đàm phán với Đề Thám. Ngày mai ăn sáng xong, nhà ngươi một ngựa, cha một ngựa, nhà ngươi đưa cha đến đồn Hữu Nhuế. Cũng như lần trước, khi đến gần đồn thì dương lá cờ trắng lên cho quân Yên Thế biết để họ đón vào. Đây là 5 lạng bạc nữa cho nhà ngươi hoàn thành công việc ngày mai. Trong khi cha đàm phán, nhà ngươi phải ở lại cùng về với cha.

-Ta đã rõ rồi.

ch2-1hht-1658405360.jpg
Cụ Hoàng Hoa Thám cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân (trong ảnh: từ trái qua phải, hàng thứ 2, người đứng thứ 4 là cụ Thám). Nguồn: baotanglichsu.vn

 

Trưa hôm sau, lính trong đồn Hữu Nhuế đã biết sẽ có người của Pháp tới đàm phán nên khi thấy hai người họ ra đón từ xa và đưa vào đại sảnh, đem cơm cho hai người ăn, bố trí chỗ nghỉ trưa. Chiều lúc 14 giờ thì Cả Trọng dẫn Hoàng Hoa Thám đến. An và cha Lô ve sten đứng dậy:

-Chào tướng quân.

-Chào tướng quân.

Đề Thám đáp lại:

-Chào cha.

Sau một lượt trà, người lính tên An rút phong thư trong túi ra kính cẩn đưa cho Đề Thám:

-Thưa Chủ tướng, đây là thư của Lê Hoan gửi ngài.

Cả Trọng cầm bức thư và gọi:

-Lính  đâu.

-Dạ.

Đem bức thư ra ngoài bóc ra, nếu thấy an toàn thì đem vào đây.

-Dạ.

Một lát người lính cận vệ vào:

-Dạ bẩm tướng quân, thư an toàn ạ.

Cả Trọng cầm thư sau đó chuyển cho Đề Thám. Trong thư Lê Hoan viết: "Kính gửi tướng quân Đề Thám, đây là cha Lô vesten, đại diện cho phía Pháp đàm phán với ngài về các điều kiện của hai bên để giảng hòa. Cha có toàn quyền quyết định những điều kiện do ngài đưa ra. Kính thư. Khâm sai đại thần Lê Hoan”.

Đề Thám đọc xong ngước nhìn cha Lô ve sten:

-Cha nói và nghe tiếng Việt tốt không?

-Thưa tướng quân, ta nói và nghe được tiếng Việt, tướng quân cứ nói.

-Trong thư, ngài ngài khâm sai và Công sứ Bắc Ninh cho cha toàn quyền đàm phán, vậy phía Pháp đòi ta đáp ứng điều kiện gì để có thể giàng hòa?

-Thưa tướng quân, điều kiện đầu tiên là hai bên ngừng bắn, điều kiện thứ hai là các ngài thả ngài Sét nây và ngài Lô gi u trợ lý của Sét nây.

Ngừng lại uống một chén nước, cha Lô vesten nói tiếp:

-Thế còn phía tướng quân có điều kiện gì với người Pháp để các ngài thả Sét nây, Lô gi u và thực hiện ngừng bắn?

Hoàng Hoa Thám thong thả uống một chén trà nóng và nói:

-Điều kiện thứ nhất, Pháp phải thả tất cả những chiến binh Yên Thế mà Pháp bắt và hiện đang bị giam cầm. Điều kiện thứ hai, Pháp phải trả một khoản tiền chuộc Sét nây và Lô gi u là 15.000 fơ răngce, số tiền này trả bằng bạc trắng theo giá quy đổi. Thứ ba, Pháp phải rút quân khỏi khu vực Yên Thế, bàn giao lại 4 tổng Pháp còn chiếm lại cho Yên Thế là Nhã Nam, Hữu Thượng, Mạc Sơn và Yến Lệ. Bách tính ở 4 tổng này không nộp thuế cho Pháp mà nộp cho nghĩa quân Yên Thế.

Đề Thám ngừng lại để hỏi cha Lô ve sten:

-Cha nghe được hết chứ?

-Ta nghe được hết, nhưng mà…

Cả Trọng hỏi:

-Nhưng mà sao cha?

-Những điều kiện này lớn quá, ta không đủ quyền lực quyết định, Cho nên tướng quân cho ghi lại nội dung đàm phán thành văn bản để có giá trị pháp lý. Ngày mai ta ở lại, anh An sẽ đem văn bản này về Bắc Ninh cho ngài Lê Hoan và Công sứ Ma hê đọc, nếu đồng ý thì cả hai người đó ký vào, sau đó chuyển lên đây ngài ký vào nữa là xong, cứ theo đó mà thi hành.

Đề Thám nói:

-Cha nói phải lắm.

Rồi gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đi mời tướng quân Hoàng Điển Ân tới đây.

-Dạ.

Một lát Hoàng Điển Ân bước vào, dáng dấp nho nhã:

-Kính chào chủ tướng, chào cha.

Lô ve sten đáp lễ:

-Chào tướng quân.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Quân sư ngồi đi.

Rồi nói với cha Lô ve sten:

-Đây là ngài quân sư Hoàng Điển Ân, giỏi về tiếng Pháp và tiếng Trung, thư ký của ta. Ngài Hoàng Điển Ân này, đây là cha Lô ve sten, đại diện của Pháp đến đàm phán với ta để giảng hòa. Bây giờ xin mời cha đọc lại những điều kiện, yêu cầu của Pháp đối với nghĩa quân Yên Thế để thực hiện giảng hòa, ngài Hoàng Điển Ân đây sẽ ghi hai bản bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Sau đó ta cũng sẽ nói những điều kiện của Yên Thế yêu cầu quân Pháp thực hiện.

Cha Lô ve sten nói xong, đến lượt Hoàng Hoa Thám nói những điều kiện giảng hòa cho Hoàng Điển Ân ghi. Dưới hai văn bản tiếng Pháp và tiếng Việt, Hoàng Điển Ân ghi địa điểm, ngày tháng năm đàm phán, tên họ chức vụ đại diện cho Yên Thế và đại diện cho triều đình và Pháp. Viết xong Hoàng Điển Ân đọc lại cả tiếng Pháp và tiếng Việt, nhấn mạnh Hiệp ước này ký kết tại Đồn Hữu Nhuế, Yên Thế, ngày 25 tháng 10 năm 1894. Đại diện cho nghĩa quân Yên Thế, Đề đốc Hoàng Hoa Thám, đại diện cho triều đình Huế, Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan, Đại diện cho phía Pháp, Công sứ Bắc Ninh Ma hê.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Quân sư hãy viết thêm hai bản, một tiếng Việt, một tiếng Pháp nữa để sau này mỗi bên đều có đủ một bản tiếng Việt và một bản tiếng Pháp.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Canh giờ sau, Hoàng Điển Ân nói:

-Thưa chủ tướng, đã xong hai bản tiếng Việt, hai bàn tiếng Pháp rồi ạ.

Đề Thám nói với cha Lô ve sten:

-Thưa cha, xong mọi giấy tờ rồi. Cha thì ở lại vì công việc chưa xong. Bây anh An hãy cầm 4  tờ văn bản này đưa cho ngài Lê Hoan và công sứ Mahê, nếu đồng ý thì ký tên vào, nếu không đồng ý thì đàm phán lại hoặc hủy bỏ cuộc đàm phán.

Người lính tên là An nói:

-Tuân lệnh chủ tướng.

Hoàng Hoa Thám gọi:

-Cận vệ đâu.

-Dạ.

-Cho anh An này đi ăn cơm trước, ăn xong anh ta còn về Bắc Ninh trước khi trời tối.

-Dạ.

Người lính đi rồi, Hoàng Hoa Thám nói với Cả Trọng và Hoàng Điển Ân:

-Quân sư và Cả Trọng ở lại tiếp cơm cha, xong bố trí phòng ngủ cho cha nghỉ. Nhớ canh phòng cẩn mật bảo vệ cha.

-Con hiểu rồi thưa cha.

-Ngày mai, người của Lê Hoan đem văn bản Hiệp ước lên lúc nào thì báo cho ta.

-Dạ.

Đề Thám hướng về phía Lô ve sten:

-Xin chào cha.

Lô ve sten vội đứng dậy:

-Xin chào tướng quân.

Chiều hôm sau Đề Thám đang ngồi trong Tổng hành dinh ở Đồn Hố Chuối thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, thủ lĩnh Cả Trọng mời ngài sang Hữu Nhuế có việc.

Đề Thám đi sang và vào phòng khách đồn Hữu Nhuế thì đã thấy Cả Trọng, quân sư Hoàng Điển Ân, cha Lô ve sten, người lính tên An đã ngồi đợi. Đề Thám nói:

-Chào cha.

Lô ve sten và cả ba người  đứng dậy:

-Chào tướng quân.

-Chào chủ tướng.

-Chào cha.

Lô ve sten nói:

-Thưa tướng quân, các văn bản của Hiệp định đưa về Bắc Ninh đã được ngài Lê Hoan và công sứ Ma hê đồng ý và đã ký, xin mời tướng quân ký vào để thành văn bản chính thức.

Đề Thám nói:

-Quân sư Hoàng Điển Ân đọc lại tất cả các văn bản để ta ký vào.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Đề Thám lại gọi:

-Cận vệ đâu.

-Dạ.

-Đem bút mực ra đây.

-Dạ.

Chờ canh giờ, quân sư Hoàng Điển Ân đọc xong, đưa văn bản cho Đề Thám:

-Dạ bẩm chủ tướng, thuộc tướng đã đọc xong, không có gì thay đổi.

Đề Thám cầm bút nhúng mực ký vào bên dưới hàng chữ: “Đại diện cho nghĩa quân Yên Thế” ký và ghi: Đề đốc Hoàng Hoa Thám. Sau khi đưa cho cha Lô ve sten hai bản Tiếng Việt và tiếng Pháp, Đề Thám còn đưa tiếp một bức thư cho ông ta và nói:

-Đây là thời gian và trình tự thi hành Hiệp ước. Nhờ cha chuyển giúp cho ngài Lê Hoan và ngài Công sứ Ma hê.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 14)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn