Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.         
ch1khoinghiayenthe2015-1-1658664725.jpg
Trích đoạn biểu diễn nghệ thuật ''Hoàng Hoa Thám làm lễ tế cờ'' tại lễ kỷ niệm khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh: TTXVN.

 

Kỳ 17.

         Thống sứ Bắc Kỳ đọc xong báo cáo chiến sự, cầm chén rượu vừa uống vừa trầm ngâm suy nghĩ thì có sĩ quan tùy tùng vào báo:

          -Dạ bẩm Thống sứ, có thư của Chính phủ Pháp.

          -Đưa ta xem.

          -Dạ.

          Thống sứ L. Bu lô sơ bóc thư đọc, thì ra đó là bản Chỉ thị. Chỉ thị viết: “Tại Đông Dương, từ nay, nước Pháp sẽ bắt đầu thực hiện chương trình khai thác thuộc địa vì các cuộc phản loạn hầu hết đã bị dập tắt. Chương trình gồm khai thác các mỏ vàng, bạc, quặng kim loại, đặc biệt là than đá. Thứ hai là mở hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt nối các trung tâm như Sài Gòn, Hà Nội đi các tỉnh, phục vụ cho vận chuyển hàng hóa và các cuộc hành quân quân sự. Thứ ba là xây dựng các nhà máy điện để phục vụ đời sống, phục vụ cho phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Thứ tư, khai thác ruộng đất để trồng các cây công nghiệp như cao su, cà phê, lúa gạo để xuất khẩu. Về tài chính, Chính phủ Đông Dương phải duy trì các thứ thuế thời phong kiến và tăng lên nhiều lần để bóc lột không thương tiếc dân bản xứ, đồng thời phải ra sức đặt ra nhiều thuế mới ở tất cả các ngành nghề của dân bản xứ. Về nhân công, thuê nhân công thuộc địa với giá rẻ mạt nhưng tăng giờ làm lên 17 đến 18 giờ một ngày. Ngân hàng chính quốc sẽ cho Đông Dương vay để cho dân bản địa vay với giá cắt cổ. Kết hợp lối bóc lột phong kiến với lối bóc lột kiểu tư bản là đặc điểm của bóc lột thuộc địa, là kiểu bóc lột tàn khốc nhất trong lịch sử xã hội loài người nhưng nó bảo đảm thu lợi nhuận cao nhất cho giới tài phiệt Pháp.

            Với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, chưa dập tắt được thì nên giảng hòa để Đề Thám không phá hoại đường đã có, không tấn công khi ta xây dựng đường sá mới, nhất là đường sắt, đường bộ Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội- Lạng Sơn, khi ta khai thác mỏ, đặc biệt là mỏ than lộ thiên Quảng Ninh. Giảng hòa để tìm cơ hội đi lại với nhau khiến Đề Thám mất cảnh giác mà ám sát, giảng hòa để hưu chiến, lâu năm, Đề Thám già đi, có thể nản chí chiến đấu mà đầu hàng như trường hợp Thân Bá Phức. Không chỉ Đề Thám mà các tướng lĩnh của Đề Thám cũng sẽ lung lay ý chí mà ra hàng vì cuộc sống cho gia đình, con cái họ. Như vậy, hòa hoãn chỉ có lợi cho ta, làm cho nghĩa quân Yên Thế tan rã theo thời gian.

           Toàn quyền hãy ra lệnh cho Thống sứ Bắc Kỳ, Công sứ và Tổng đốc Bắc Ninh, Bắc Giang và các cơ quan quân sự Bắc Kỳ thực hiện chỉ thị này”.(Thay mặt chính phủ Pháp, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp).

            Dưới bản chỉ thị có bút tích của Toàn quyền Đông Dương viết và đã ký; “Yêu cầu Thống sứ Bắc Kỳ triển khai thực hiện đúng chỉ thị của Chính phủ Pháp”.

           Thống sứ Bắc Kỳ đọc xong chỉ thị gật gù:

          -Hay, chinh phục Đại Nam đã gần 40 năm nay, nay đã đến lúc khai thác, bóc lột để làm giàu cho giới tài phiệt Pháp. Ha!Ha!Ha!..

            Thống sứ cầm bút viết xuống dưới chỉ thị: “Yêu cầu Ngài Khâm sai đại thần Bắc Kỳ phải triển khai thực hiện đúng quy định của chính Phủ Pháp. Ngài chỉ thị cho Tổng Đốc, Công sứ Bắc Ninh, Bắc Giang và giới quân sự Bắc Kỳ thực hiện giảng hòa với Đề Thám, càng sớm càng tốt”. (Thống sứ Bắc Kỳ L. Bu lô sơ).

           L. Boulloche gọi:

          -Thư ký đâu.

          Một nữ thư ký người Pháp tóc vàng xuất hiện:

          -Dạ, ngài Thống sứ.

          -Bản Chỉ thị của Chính phủ Pháp và của Toàn quyền Đông Dương, ta đã ghi vào đây rồi, gửi cho Khâm sai đại thần Bắc Kỳ và Công sứ Bắc Ninh. Gửi ngay, không được quên.                         

 -Dạ, ngài yên tâm.

            Lê Hoan đang ngồi trong phủ, bàn việc với Công sứ Bắc Ninh Ma hê, hai người vừa uống xong cốc rượu vang thì có tùy tùng vào báo:

          -Dạ, bẩm ngài Khâm sai, bẩm Công sứ, có thư của Thống sứ Bắc Kỳ.

          -Đưa ta xem.

           Lê Hoan bóc thư ra thì trong có bản Chỉ thị của Chính phủ Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương, lại có Chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương gửi Thống sứ Bắc Kỳ, lại có chỉ thị của Thống sứ gửi Khâm sai đại thần Bắc Kỳ, Công sứ, Tổng đốc Bắc Ninh, Bắc Giang tìm cách thực hiện bằng được giảng hòa với Đề Thám để có hòa bình, để thực hiện chương trình khai thác thuộc địa ở vùng này và các vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Xem xong Lê Hoan đưa cho Công sứ:

          -Ngài xem đi để thực hiện.

           Khi Ma hê xem xong, hỏi Lê Hoan:

-Làm thế nào để lại liên hệ với Đề Thám đây?

Lê Hoan nói:

-Lại dùng cách như đã làm năm 1894 trong cuộc hòa hoãn lần thứ nhất thôi. Nhưng lần này không phải dùng đến tù binh Yên Thế nữa. Chỉ cần một tên lính khố xanh cầm cờ trắng đến đưa thư và nhận thư của Đề Thám. Quân Yên Thế đã quen rồi, thấy cờ trắng biết là đến giao thiệp, họ sẽ không bắn đâu.

Công sứ Ma hê nói:

-Ngài Khâm sai cứ làm như vậy đi.

Lê Hoan gọi:

-Người đâu.

-Dạ, ngài Khâm sai.

-Đem giấy mực ra đây.

-Dạ.

Có giấy mực Lê Hoan ngồi viết thư cho Đề Thám. Viết xong, Lê Hoan đưa cho Ma hê:

-Ngài đọc lại xem có cần bổ sung gì không?

Công sứ Ma hê đọc. Thư viết: “Kính gửi tướng quân Đề đốc Hoàng Hoa Thám. Chiến tranh xung đột giữa quân Pháp và quân Yên Thế của tướng quân ở Yên Thế Bắc Giang đã mấy chục năm, gây nhiều tổn thất nặng nề cho cả hai bên, cho nên quân Pháp muốn ngừng chiến giảng hòa để Yên Thế và Bắc Giang được hưởng hòa bình. Điều kiện giảng hòa và ngừng bắn là:

1.Nghĩa quân Yên Thế, Không được tấn công quân Pháp và quân triều đình ở Bắc Giang và ở các tỉnh khác.

2. Không được tấn công đường bộ, đường sắt và các phương tiện giao thông của Pháp và của triều đình.

3. Không được tấn công vào các cơ sở kinh tế của Pháp như hầm mỏ, nhà máy, trang trại của Pháp ở bất cứ đâu.

4. Phải nộp lại vũ khí cho Chính phủ Pháp bất cứ lúc nào.

5. Về quyền lợi của nghĩa quân Yên Thế:

-Ngài Đề Thám và nghĩa quân được quyền kinh doanh, phát triển kinh tế ở vùng Thượng Yên Thế.

-Vùng thượng Yên Thế danh nghĩa do chính quyền bảo hộ Pháp quản lý. Tuy nhiên quân Pháp, quân Triều đình không bao giờ được hành quân hoặc tấn công vào đó.

-Vùng Thượng Yên Thế được giao thông kinh tế và đi lại với các vùng khác, được giao lưu quan hệ bạn bè, anh em với người của các vùng khác trong toàn Đại Nam.

Trấn trị Bắc Ninh ngày 10 tháng 12 năm 1897

Đại diện Chính phủ Đông Dương:   

Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan, Công sứ  Bắc Ninh Ma hê.                    

Đại diện nghĩa quân Yên Thế: Đề đốc tướng quân Hoàng Hoa Thám.

Ma hê đọc xong nói:

-Ngài viết như vậy là được.

Lê Hoan gọi:

-Người đâu.

-Dạ, ngài Khâm sai.

-Đưa văn bản này chép làm hai bản. Rõ chưa?

-Dạ, rõ.

Lê Hoan nói thêm:

-Ta phải viết thêm một bức thư nữa cho Đề Thám.

Lê Hoan viết xong đưa cho Ma hê. Ngài đọc lại đi.

Ma hê đọc lại. Thư viết: “Khâm sai đại thần Bắc Kỳ Lê Hoan kính gửi ngài Đề đốc Hoàng Hoa Thám. Chiến sự mãi làm hai bên thiệt hại và mệt mỏi. Nay người Pháp có ý ngừng bắn giảng hòa. Ta đã thảo ra bản Hiệp định đình chiến. Vì điều kiện cách trở khó khăn không hỏi ý kiến ngài được. Để đỡ tốn thời gian đi lại, ngài Đề đốc đọc văn bản này nếu đồng ý thì ký vào coi như văn bản chính thức, trên cơ sở đó, hai bên sẽ ngừng bắn lâu dài. Ký xong, ngài giữ một văn bản, gửi lại cho ta một văn bản làm bằng cớ mà thực hiện”. (Kính thư, Khâm sai đại thần Lê Hoan, Công sứ Bắc Ninh Ma hê).

Xong văn bản giấy tờ, Lê Hoan gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Gọi một người lính khỏe mạnh lên đây.

-Dạ.

Người lính khố xanh khỏe mạnh lên, Lê Hoan cẩn thận căn dặn:

-Nhà ngươi đem gói công văn lên đồn Hữu Nhuế trao cho Đề Thám, để lại cho Đề Thám một bản, còn cầm một bản có chữ ký của Đề Thám về cho ta. Nhớ dùng một con ngựa tốt, một là cờ trắng, khi gần đến nơi thì cắm cờ trắng lên để họ biết là người đi đàm phán, họ sẽ không bắn. Xong công việc, nhà ngươi sẽ được trọng thưởng, trước hết cầm 5 lạng bạc này mà đi đường. Ta đợi nhà ngươi, gắng hoàn thành công vụ. Rõ chưa. Chúc thượng lộ bình an.

-Dạ, đa tạ ngài Khâm sai.

-Đa tạ ngài Công sứ.

Người lính đi ra và phi ngựa về phương Bắc. Lê Hoan ra tận cổng nhìn theo cho đến khi người ngựa khuất theo gió bụi mờ.

Ba ngày sau, người lính quay trở về, trao một văn bản có chữ ký của Đề Thám cho Lê Hoan. Vậy là quân Pháp và Đề Thám lại bước vào cuộc ngừng bắn, giảng hòa lần 2 bắt đầu từ tháng 12 năm 1897. Tin tức này đã tràn ngập trên trang nhất các báo ở Pháp và ở Đông Dương, gây xôn xao dư luận và thanh thế cho phong trào Yên Thế.

(Còn nữa)

CVL