Việt Nam diễn nghĩa - Tập VII (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 19)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VII  “KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ YÊN BÁI ” của PGS TS Cao Văn Liên.     
ch1abimages-1658838092.jpg
Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế Đề Thám. Nguồn: nghiencuulichsu.com

 

 Kỳ 19.

Theo chân Đề Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu đi thăm toàn bộ đồn Phồn Xương, còn có thể gọi là thành Phồn Xương thì đúng hơn. Đề Thám dẫn hai người lên đỉnh của trung tâm thành nội, nơi có cột cờ trên đỉnh quả đồi nên phóng tầm mắt nhìn ra được bốn hướng của Phồn Xương. Hoàng Hoa Thám nói với Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu:

-Thưa Phan tiên sinh và công tử, đồn Phồn Xương thuộc xã Hữu Xương, còn gọi là Cầu Gồ, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Đồn được xây dựng năm 1894-1895. Đồn cách trấn trị tỉnh Bắc Giang, tức là Phủ Lạng Thương 30 km về phía tây. Đồn lấy đồi Phồn Xương làm trung tâm. Đồn rộng khoảng 3.600m2, chạy theo hướng bắc-nam hình chữ nhật. Hai vòng thành ngoài từ sườn đồi phía đông chạy ôm lấy chân đồi lên đỉnh đồi phía bắc, hình thành vòng cung bảo vệ cho thành nội. Thành nội dài 140m, cao 4m, dầy 0,8m. Dãy tường thành nội nằm trên đỉnh đồi cũng là hình chữ nhật. Mặt đông của thành nội dài 71m, mặt bắc dài 85m, chân thành dầy 2m, cao 3m, mặt thành dầy 1m. Chung quanh thành ngoại và nội có lỗ châu mai ở tư thế đứng hay quỳ đều bắn được, Mặt ngoài của thành nội dốc thoai thoải như mái nhà. Khoảng cách giữa thành nội và thành ngoài rộng là 20m, hẹp là 10m. Đồn Phồn Xương có 5 cổng, mỗi cổng trước mặt là tường chắn kiên cố, lối ra khỏi cổng là rẽ hai bên. Cổng có cửa gỗ lim dầy, chắc chắn. Giữa hai thành nội và ngoại là hệ thống giao thông hào để binh sĩ vận động chiến đấu. Giao thông hào còn nối với cổng sau ra những cánh rừng để có thể rút lui khi cần thiết. Ngoài đồn chính thì chung quanh còn có các đồn phụ như đồn An Đông, đồn Trái Cọ, Hồ Lẫy, Cả Gan, Hà Triều Nguyệt bao quanh trên địa bàn hai xã Phồn Xương và Tân Hiệp. Trong vòng thành nội với không gian rộng là nhà khách, nhà kho, nhà ở, nhà bếp, toàn là nhà gianh, vách trát bùn đất trộn rơm bám vào xương là nan tre. Chỉ có căn nhà tiếp khách là xây bằng gạch lợp ngói khang trang. Từ bắc đồn xuống phía nam là nhà ở của gia đình Đề Thám gồm 5 gian chạy theo hướng tây-đông. Nhà thứ hai là hình vuông, bốn mặt để trống là nhà họp các tướng lĩnh, thiết đãi khách khứa, tiệc tùng. Hai dãy nhà sát cạnh tây-đông của thành là nhà ở của nghĩa quân. Tiếp đó tám gian nhà là bếp và chuồng ngựa sát cạnh thành phía nam.

Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu nhìn bao quát không gian của đồn Phồn Xương. Chỗ bãi sân rộng có cột cờ với lá cờ màu vàng tung bay theo gió trên đỉnh cột. Đối diện với đồn Phồn Xương là đền thờ để nghĩa quân hành lễ ngày rằm, ngày tết. Toàn bộ đồn chìm dưới những tán lá của cây bạch đàn, của mít, của những rừng vải xanh mát. Nắng mùa hạ chan hòa, trời tháng năm trong vắt. Xa xa, những dãy núi mờ mờ trong sương trắng. Những cánh đồng lúa vàng rộng mênh mông trĩu bông đã đến mùa thu hoạch. Đó là những cánh đồng do nghĩa quân tự sản xuất để có lương thực cho mình. Bây giờ Phan Bội Châu mới rõ Phồn Xương không chỉ là pháo đài chiến đấu mà còn được gọi là đồn điền lúa gạo.

 Sáng hôm sau, ăn sáng và uống trà nước xong, Đề Thám dẫn Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu đi tham quan thao trường, nơi nghĩa quân Yên Thế đang ngày đêm luyện tập dù đã hoà hoãn với Pháp, ngừng bắn đã được 7 năm nhưng vẫn phải sẵn sàng chiến đấu nếu Pháp bội ước tấn công. Trên thao trường tập bắn, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu thấy nghĩa quân phần lớn đã sử dụng súng trường bắn nhanh, rất ít súng kíp và súng hỏa mai. Phan Bội Châu hỏi:

-Thưa tướng quân, súng đạn ta tự chế tạo hay mua ở đâu?

Đề Thám đáp:

-Thường là mua ở Trung Quốc, ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Bây giờ nghề buôn bán vũ khí cũng nhiều, súng đạn không phải là hiếm.

Đề Thám dẫn hai người đến bãi thao trường bên cạnh, nơi đó có khoảng 200 nghĩa quân quân phục màu nâu, thắt đai đen, tay mỗi người cầm một cây côn bằng sắt, to như đoạn trúc nhỏ, dài 1m, có chiếc dài tới 2m đang luyện võ. Khi lại gần thì Phan Bội Châu ngạc nhiên vì trên tay mỗi nghĩa quân là những ống sắt có dùi lỗ như lỗ sáo. Phan Bội Châu hỏi:

-Thưa tướng quân, đây là võ gì mà côn sắt lại rỗng và có lỗ như ống sáo?

Hoàng Hoa Thám cười đáp:

-Thưa Phan Sào Nam tiên sinh, các thủ lĩnh Yên Thế và nghĩa quân phần lớn là người trong giới giang hồ võ lâm. Quân Pháp vì sợ dân ta học võ và biết võ nên chúng lùng bắt và tù đày họ. Họ đã trốn ra và tìm đứng chiến đấu dưới lá cờ nông dân Yên Thế, đấu tranh vì độc lập tự do và ruộng đất. Cho nên nghĩa quân, tướng lĩnh ngoài tập bắn súng, tập võ gươm giáo, còn luyện môn võ gia truyền hàng trăm năm nay của Yên Thế là bài võ “Thiết địch thần phong”, tức là những cây sáo này được đúc bằng sắt, có chiếc dài 1m, có chiếc 2m. Sáo sắt này được sử dụng như một loại nhạc cụ. Người võ sĩ dùng khí lực, vận công thổi vào thì tiếng sao dồn dập như bão táp mưa sa, như sóng dội thác gào. Lúc đổi nhịp thì tiếng sáo như gió thổi vi vu, như lá khua xào xạc, như nước chảy êm ái mơ hồ. Khi xung trận, chiếc sáo thành chiếc côn, lại như dao kiếm. Khi giao đấu thì “Thiết địch thần phong" có đầy đủ 25 chiêu thức và 13 phép biến hóa được gọi là  “Thập tam kiếm pháp” vô cùng huyền diệu.

Phan Bội Châu nói:

-Lại huyền diệu như vậy sao? Thật xứng danh Yên Thế là quê hương của “Hùm thiêng Yên Thế” khiến quân Pháp kinh hồn bạt vía, bách tính cả nước ngưỡng mộ, kính phục. Ngưỡng mộ, ngưỡng mộ.

Đề Thám nói:

-Không dám, không dám, tiên sinh quá khen.

Rồi Đề Thám gọi người chỉ huy quân “Thiết địch thần phong”.

-Cả Dinh đâu.

Cả Dinh bước lại gần ba người.

-Con chào nghĩa phụ, chào hai đại nhân.

Đề Thám nói với Phan Bội Châu:

-Đây là Cả Dinh, nghĩa tử của lão Phu, còn con đã biết rồi, đây là Phan Sào Nam tiên sinh, nhà yêu nước nổi tiếng, từ Nghệ An ra thăm Yên Thế ta. Còn đây là ngài Nguyễn Khắc Nhu, học trò của Phan tiên sinh. Con hãy cho một võ sĩ khá nhất thổi bài: “Bóng trăng Phồn Xương” cho tiên sinh và công tử nghe.

Cả Dinh đáp:

-Dạ, con vâng lời nghĩa phụ.

Cả Dinh quay lại cho nghĩa binh ngồi xuống nghỉ và hỏi:

-Ai có thể thổi được bài “Ánh trăng Phồn Xương” cho chủ tướng và Phan tiên sinh nghe không?

Cả 200 cánh tay giơ lên, Cả Dinh lúng túng không biết chọn ai. Người đội trưởng đứng lên nói:

-Thưa thủ lĩnh, nếu ngài bằng lòng, tại hạ xin thổi.

Cả Dinh nói:

-Các hạ thổi cho tốt vào.

-Đa tạ, xin tuân lệnh thủ lĩnh.

Người đó bước ra cúi chào Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và Nguyễn Khắc Nhu, đặt cây sáo sắt dài 2m lên môi và bắt đầu vận công thổi, 10 ngón tay bắt đầu nâng lên hạ xuống ở các lỗ sáo. Tiếng sáo bắt đầu vang lên cao vút, nghe như tiếng chuông cực lớn của chùa vang lên, sau đó như tiếng khánh đá bạc trầm xuống, rồi âm thanh bỗng dồn dập như bão táp mưa sa, vang lên như sấm sét, như sóng biển nức nở gào thét tuôn trào, lại như nước từ thác cao dội xuống căm hờn tức tửi, lại như có tiếng cồng chiêng, tiếng trống thôi thúc, tiếng quân reo ngựa hí, tiếng gươm dao chạm nhau dữ dội. Thốt nhiên âm thanh chùng xuống như mưa gió mây bay, vi vu trầm lắng như lá rừng xào xạc, như tiếng dân ca muôn thuở của mọi làng quê, như tiếng ru của mẹ từ nghìn xưa. Tiếng sáo như hội tụ đủ âm thanh của các nhạc cụ dân gian, có dư âm của đàn bầu buồn thảm, của đàn tì bà nức nở, có tiếng réo rắt tơ lòng của tiếng nhị, có tiếng thôi thúc của trống đồng, của cồng chiêng, của trống con, trống lớn, của phách nhịp, của tù và và tiếng mõ reo. "Thiết địch thần phong" thể hiện hết các giai điệu của “Mãng xà truy lão hổ”, “Tống điểu thượng lâm”, “Dạ xoa thăm hải”. Tiếng sáo còn mang tâm sự buồn mênh mang của người anh hùng trong thời loạn lạc, nước mất nhà tan. Phan Bội Châu mơ màng như đang ở trong một thế giới hư hư ảo ảo.

Tiếng sao vừa dứt, Phan Bội Châu giật mình thoát khỏi hư ảo, thoát khỏi giấc mơ, trở lại hiện thực, liền tiến lại gần viên đội vừa thổi sáo:

-Đa tạ, đa tạ đã cho nghe bài “Ánh trăng Phồn Xương” tuyệt vời, bái phục, bái phục.

Người đội trưởng chắp tay:

-Không dám, không dám. Đa tạ, đa tạ tiên sinh.

Hoàng Hoa Thám nói:

-Khá lắm, khắ lắm, nghe tiếng sáo biết được nội lực thâm hậu của các hạ. Các hạ tên gì?

-Dạ bẩm chủ tướng, thuộc hạ tên Ban ạ.

-Khá lắm, ta phong các hạ chức Lãnh binh.

Người đội chắp tay cúi đầu:

-Đa tạ chủ tướng.

Hoàng Hoa Thám nói với Cả Dinh:

-Nghĩa tử chọn hai người giao đấu bằng côn sáo để cho tiên sinh Phan Sào Nam và công tử thưởng thức võ nghệ tuyệt diệu của “Thiết địch thần phong”.

-Con vâng lời nghĩa phụ.

Cả Dinh gọi:

-Binh sĩ Đán.

-Dạ.

-Binh sĩ Dũng.

-Dạ.

Hai binh sĩ hãy dùng côn sắt giao đấu, nhớ không được giết chết hoặc làm đồng đội bị thương. Đánh sao cho đẹp mắt là được.

-Tuân lệnh thủ lĩnh.

(Còn nữa)

CVL