Kỳ 31.
-Rồi sau đó?
-Sau đó anh sẽ đưa em về quê ở làng Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên thăm cha mẹ và gia đình để tổ tiên nhận con dâu. Cha mẹ và các em của anh chắc là quý con dâu, chị dâu lắm đây.
-Vì sao vậy?
-Vì em đẹp và dịu dàng, anh chưa thấy một người đàn bà nào nói dịu dàng, mềm mại, hay như em nói vậy.
-Rồi sao nữa?
-Anh sẽ đưa em về Phủ Lạng Thương thăm mẹ và các anh chị em.
-Hứa rồi đấy nha.
-Hứa rồi, quân tử nhất ngôn.
Sau khi đã thực hiện xong những việc đã hứa, hai người sống với nhau trong những ngày hạnh phúc. Một hôm, Nguyễn Thái Học nói:
-Anh có quà cho em.
-Quà gì vậy anh?
Nguyễn Thái Học lôi trong túi ra chiếc đồng hồ quả quýt có dây chuyền nhỏ bằng vàng, sau mặt đồng hồ có khắc chữ G. Cô Giang thích quá, tay cầm mà run run:
-Đẹp quá, cảm ơn anh yêu.
Nguyễn Thái Học lôi trong túi ra khẩu súng ngắn và nói:
-Đây không phải là quà, người Việt Nam ta kiêng tặng nhau dao và súng, nhưng anh cho em mượn vì trong hoạt động có nhiều nguy hiểm, em cầm mà phòng thân.
Cô Giang ứa nước mắt:
-Anh chu đáo quá, cảm ơn anh yêu.
-Lo cho em bây giờ là bổn phận của anh mà.
IV
Đêm mùa xuân năm 1929, Hà Nội chìm trong bóng tối, dù đã tháng hai âm lịch rồi nhưng gió vẫn còn se lạnh, mưa phùn bay lất phất làm cho mọi vật đều trở nên ẩm ướt dưới ánh đèn điện vàng khè, yếu ớt. Những con đường phố chìm dưới bóng cây. vài chiếc ô tô nhà binh Pháp chạy trên đường vội vã, vài người phu kéo xe chở khách chạy vội vã mệt nhoài.
Trong căn nhà nhỏ ở ngõ một con phố nghèo, ba đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng của thành bộ Hà Nội đang vừa uống nước vừa chụm đầu bàn tán. Đó là Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung. Nguyễn Văn Viên vừa uống nước, tay cầm tờ báo tiếng Pháp, đọc rồi đặt tờ báo xuống bàn và nói:
-Hai ông xem đi, tên mộ phu Ba danh này mai ra Hà Nội, đi qua chợ Hôm.
Nguyễn Văn Lâm cầm tờ báo lên xem qua và nói:
-Đã mấy năm nay rồi, thằng này chuyên đi mộ phu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, bán cho bọn chủ đồn điền trồng cao su ở Nam Kỳ, còn bán sang Tân Ca lê đô, Va nua tu, Ta hi ti, Tân thế giới, sang Miến Điện, sang Lào. Ở đó họ bị biến thành nô lệ lao động kiệt sức và gục chết trên đồng ruộng. Nghe nói thằng Ba danh trong nghề buôn nô lệ này thu được lợi không phải nhỏ.
Nguyễn Đức Lung nói:
-Hắn giả bộ mua người, thực ra hắn chuyên dụ dỗ, hứa hẹn rồi bắt cóc dân nghèo. Đó thực sự là một nghề buôn nô lệ ngay trong thời đại gọi là văn minh, dân ta quả là quá cực khổ trăm bề không khác gì trâu ngựa, hầu hết bị kiệt sức, chết gục khi đang làm việc. Thằng Ba danh đã gây không biết bao nhiêu tội ác.
Nguyễn Văn Viên nói:
-Tên này là Giám đốc Tổng nha nhân lực Đông Dương, là người then chốt trong việc tuyển dụng nhân lực, Cứ một người phu được ghi tên vào là hắn được từ 10 đến 20 đồng bạc Đông Dương. Tội ác của Ba danh được nhiều đảng cách mạng rải truyền đơn tố cáo nhưng nhà cầm quyền Pháp cho đó là việc của cá nhân chứ không phải là việc của chính quyền khiến dư luận càng phẫn nộ.
Ba người lại im lặng uống nước. Chợt Nguyễn Văn Lân nói:
-Tôi có ý này.
-Ý gì vậy?
-Ám sát tên Ba danh trả thù cho những đồng bào của ta bị hắn bắt làm nô lệ.
Nguyễn Đức Lung nói:
-Như vậy phải báo cáo cho anh Nguyễn Thái Học và phối hợp với ban ám sát do anh Nguyễn Văn Nho là Trưởng Ban chứ? Hay là báo cho Thành Bộ Hà Nội?
Nguyễn Văn Lân gạt đi:
-Thôi đi, các ông ấy không đồng ý đâu. Đảng ta đang trong thời kỳ xây dựng, củng cố, sợ Pháp nó lấy cớ khủng bố, các cơ sở Đảng chưa vững mạnh sẽ tan rã.
-Nhưng tự ý làm thì bị xử là vô kỷ luật?
-Vô kỷ luật gì thì không nói nhưng đây là giết một tên thực dân tội ác như núi thì vô kỷ luật gì?
-Thôi được, anh hùng hảo hán đầu đội trời, chân đạp đất chưa lập được công danh gì, thôi thì làm một việc kinh thiên động địa này vậy. Thế kế hoạch thế nào?
Nguyễn Văn Viên nói nhỏ, sợ có ai nghe được:
-Giờ giao thừa đêm mai, tức ngày 9 tháng 2 năm 1929, ba chúng ta đến chờ ở phố Huế, số nhà 110 của Giéc manh Xa xen lơ là tình nhân của Ba danh, tôi canh phòng bảo vệ bên ngoài, anh Nguyễn Đức Lung tiến lại giao phong thư có bản án tử hình cho nó, nhân cơ hội khi hắn nhận thư không đề phòng, anh Nguyễn Văn Lân nã súng vào hắn, bắn vào đầu hoặc vào tim, nếu không hắn không chết đâu.
-Hay, kế hoạch hoàn hảo.
Đường phố Hà Nội trong đêm giao thừa, người đi lại tấp nập ngược xuôi. Hình như người ta không ngủ trong đêm giao thừa thiêng liêng. Phố Huế cũng không ngoại lệ. Khi đó đã là 11giờ 30’, còn 30 phút nữa thì đến giao thừa. Ba danh từ ngõ nhà 110 khoác vai cùng tình nhân Xa xen lơ đi ra. Có hai người tiến nhanh lại gần hắn, một người tay cầm phong thư đưa cho hắn. Ba danh bị bất ngờ không hiểu thư gì, đưa tay cầm và đang giở ra đọc. Người bên cạnh nhanh như cắt rút súng ngắn bắn một phát vào đầu, phát thứ hai vào tim, máu tuôn xối xả. Ba danh chưa kịp ngã thì hai người đã nhanh chóng biến vào dòng người trong tiếng kêu thất thanh của Xa xen lơ. Cảnh sát ào đến xem xét thì Ba danh đã chết, chúng chỉ lấy được mảnh giấy kết án tử hình tên buôn nô lệ tàn ác.
Một buổi sáng, trong trụ sở bí mật của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Nguyễn Thái Học đang ngồi với Tổng Bộ thì có Phạm Tuấn Tài vào báo:
-Báo cáo Chủ tịch, ba đảng viên của Thành Bộ Hà Nội là Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Đức Lung không được sự đồng ý của Thành Bộ Hà Nội, của Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng, tự ý ám sát chết tên Ba danh, trùm mộ phu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ ở số nhà 110 phố Huế vào lúc 11giờ 30 phút, tức là đêm giao thừa ngày 9 tháng 2 dương lịch 1929. Tên Ba danh đã chết.
Nguyễn Thái Học hỏi:
-Ba đảng viên ám sát có bị bắt không?
-Dạ không, nhưng vụ ám sát làm chấn động Đông Dương. Sở Liêm phóng Đông Dương mở cuộc càn quét dữ dội. Chúng bắt được Riêng Sanh, một cựu sinh viên trường Bưởi giam vào Hỏa Lò. Khám trong người của hắn, Sở Liêm phóng Đông Dương tìm thấy một mảnh giấy ghi danh sách 200 đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng và đang mở cuộc truy lùng bắt bớ gắt gao.
Nguyễn Thái Học hỏi:
-Riêng Sanh có phải là đảng Viên Việt Nam Quốc Dân Đảng không?
-Dạ không phải.
Nguyễn Thái Học nói:
-Hắn không phải là thủ phạm, không phải là Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, tại sao trong túi áo của hắn lại có danh sách 200 đảng viên của ta. Đảng ta hoạt động bí mật cơ mà?
Nguyễn Khắc Nhu nói:
-Chúng không bắt được thủ phạm, cũng không biết được tổ chức nào ám sát, như vậy là chúng dàn cảnh bỏ danh sách 200 đảng viên của ta và bắt tên này để lấy cớ tấn công vào Đảng ta.
Nguyễn Thái Học nói:
-Anh Nhu nhận định không sai, nhưng hoạt động bí mật mà để chúng lấy được danh sách 200 đảng viên. Thôi, chúng ta đã bị kẻ nào đó phản bội bán đứng Đảng rồi. Nay tôi ra lệnh, chỉ thị cho tất cả các cơ sở Đảng phải rút vào bí mật hơn nữa. Anh Phó Đức Chính.
-Dạ.
-Anh làm một bước chấn chỉnh lại tổ chức Đảng.
-Dạ.
-Anh Phạm Tiềm.
-Dạ.
-Anh tìm cho bằng được tên phản bội chỉ điểm trong Đảng. Phát hiện ra phải thủ tiêu ngay.
-Dạ.
Tháng sau có tin báo của Phạm Tiềm, Trưởng Ủy Ban trinh sát:
-Báo cáo Chủ tịch, Sở Liêm Phóng Đông Dương đã bắt được 200 đảng viên của ta trong bản danh sách, hơn nửa số cơ sở đảng đã tan vỡ.
Tháng 7 năm đó lại có tin báo về:
-Báo cáo Chủ tịch, ngày 3 thang 7, Hội Đồng đề hình đã xét xử 227 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã đưa tên Bùi Tiên Mai là Đảng viên của ta ra đối chất làm chứng. Hội Đồng Đề hình đã tuyên án 72 người tù từ 2 đến 15 năm tù, thêm 5 năm biệt xứ. Như vậy, tên Bùi Tiên Mai là tên phản đảng nằm vùng, làm nội ứng cho sở mật thám Bắc Kỳ từ lâu rồi ạ.
Nguyễn Thái Học nói:
-Giao cho Tòa Án cách mạng của Đảng xử tử tên phản bội Bùi Tiên Mai. Bản án phải thi hành ngay lập tức.
-Dạ.
Tuần sau, Hoàng Văn Tùng, Phó Ủy Ban ám sát về báo:
-Dạ báo cáo Chủ tịch, hai ám sát viên của ta đã xử được tên Bùi Tiên Mai nhưng một đã hy sinh, một đã bị bắt.
Lại có tin từ Ban Trinh sát báo về:
-Dạ báo cáo anh, có hai đảng viên của ta là Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Ngọc bị tra tấn dã man không vượt qua được đã khai ra rất nhiều cơ sở Đảng và tất cả những bí mật hoạt động của Tổng Bộ, thêm nhiều cơ sở Đảng bị phá và nhiều đảng viên bị bắt.
(Còn nữa)
CVL