Vĩnh Phúc: "Bố Giáp" - "Báo Quốc Cần Vương - Lương Thần Danh Tướng"

Nguyễn Văn Giáp (1837 -1887), tục gọi là Bố Giáp (vì ông từng làm chức Bố chính tỉnh Sơn Tây), là một lãnh tụ, một Danh tướng xuất sắc trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở vùng Tây Bắc cuối thế kỷ XIX. Nguyễn Văn Giáp, tên húy là Nguyễn Thường, tự Văn Giáp, hiệu Chu Cát, thụy Trang Lương, sinh năm Đinh Dậu (1837), mất ngày 25 tháng 9 năm Đinh Hợi (1887).
bo-giap-danh-tuong-can-vuong2-1630630222.JPG
Mộ phần của Bố Giáp danh tướng thời Cần Vương có công lớn chống thực dân Pháp

Không chỉ có danh tướng tài ba của phong trào Cần Vương Nguyễn Văn Giáp, Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử gắn liền với những nhân vật có công đánh giặc giữ nước như Nguyễn Viết Xuân, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học…

bo-giap-danh-tuong-can-vuong1-1630630222.JPG
Phần mộ của ông nằm ngoài cánh đồng Đình Lân, làng Xuân Húc, Vân Xuân Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đường đi vào mộ ông gặp nhiều khó khăn, lối đi duy nhất là đi phần bờ ruộng của người dân

 

Theo Thạc sĩ Lê Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, người nhiều năm nghiên cứu am hiểu về lịch sử vùng đất này cho biết: "Bố Giáp" quê gốc làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông trước kia (nay là xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội). Từ đời ông nội ông đã dời lên sinh sống và lập nghiệp tại làng Xuân Húc, tổng Lương Điền, huyện Yên Lạc (nay thuộc làng Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Phần mộ của ông được đặt ở cánh đồng Đình Lân, khu Xuân Húc 1, làng Xuân Húc, Vân Xuân, Vĩnh Tường, cách trung tâm huyện Vĩnh Tường khoảng 5km, nếu đi từ trung tâm tp Vĩnh Yên khoảng 10 km.

Vị tướng tài ba có tấm lòng thương dân

bo-giap-vinh-tuong-1630630222.jpg
Văn bia ghi rõ thân thế và sự nghiệp của ông

Theo tài liệu ghi chép lại "Bố Giáp" - Nguyễn Văn Giáp đỗ cử nhân khoa Giáp Tý (1864) đời Tự Đức thứ 16, ra làm quan, lần lượt giữ các chức: Tri huyện Châu Lộc, Tri phủ Đoan Hùng và Bố chánh Sơn Tây. Trong bối cảnh chế độ phong kiến ngày càng suy tàn, bạc nhược, triều đình do dự, chủ định cầu hòa trước âm mưu xâm lược và ưu thế quân sự của thực dân Pháp, thì Nguyễn Văn Giáp nổi lên là một trong số không nhiều quan lại có tấm lòng thương dân, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc đến cùng.

Nguyễn Văn Giáp giữ chức Bố chánh tỉnh Sơn Tây vào lúc thực dân Pháp đẩy mạnh xâm lược Việt Nam. Chiếm xong sáu tỉnh Nam Kỳ, chúng đưa quân ra Bắc đánh chiếm thành Hà Nội, rồi đánh lên Sơn Tây là trung tâm kháng chiến chống Pháp của Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Giáp, quân và dân Sơn Tây đã chặn đánh quyết liệt bước tiến quân của kẻ thù và gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng với ưu thế về vũ khí, thực dân Pháp đã chiếm được thành Sơn Tây (16-12-1883).

Trước khi Sơn Tây thất thủ, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp liệu sức không thể trụ nổi trước sự tấn công của giặc Pháp, đã rút quân về Lâm Thao (Phú Thọ), tập hợp nghĩa quân chống giặc trong lưu vực sông Thao. Cùng lúc ấy, thành Hưng Hóa cũng thất thủ vào tay giặc (12-4-1884). Tuần phủ kiêm Trấn thủ Hưng Hóa là Nguyễn Quang Bích (tên gọi khác là Ngô Quang Bích) đã rút quân sĩ lui về hai huyện Tam Nông và Cẩm Khê (Phú Thọ), phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc và một số quân Thanh có mặt ở Bắc Kỳ lúc đó để chống giặc.

Biết được tin này, Nguyễn Văn Giáp đã kéo quân về hợp sức với quân của Nguyễn Quang Bích, cùng lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trong toàn vùng sông Đà, sông Thao, sông Chảy, từ Sơn Tây, Hưng Hóa lên tới biên giới phía Tây Bắc. Trong số tướng dưới quyền Nguyễn Quang Bích, vai trò của Nguyễn Văn Giáp với tinh thần chiến đấu dũng cảm và tài chỉ huy đã làm cho ông ngày càng nổi bật, trở thành trụ cột của nghĩa quân. Trong hai lần đánh lui quân Pháp khi chúng tiến công vào Cẩm Khê (28-01-1885) và Sơn Vi (02-02-1885), buộc chúng phải lui về Hưng Hóa cố thủ, Nguyễn Văn Giáp và đội nghĩa quân của ông đều có những đóng góp xuất sắc.

Ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu cùng nhân dân cả nước đứng dậy chống xâm lược Pháp. Đồng thời, Hàm Nghi cũng xuống Dụ khôi phục chức cũ và thăng chức mới cho một số quan văn, quan võ ngoài Bắc bấy lâu nay vẫn kiên trì kháng chiến chống Pháp. Chính dịp này, cùng với Tuần phủ Hưng Hóa là Nguyễn Quang Bích được phong chức Thượng thư Bộ Lễ sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ Đại thần, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp cũng được thăng chức Tuần phủ Sơn Tây kiêm chức Tham tán Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ, hai người có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với nhau lãnh đạo phong trào kháng chiến toàn vùng. Vì vậy, ngay sau khi Nguyễn Quang Bích đi sứ Trung Quốc (19-8-1885), thì Nguyễn Văn Giáp trực tiếp nắm quyền chỉ huy tối cao.

Tình hình thời kỳ ấy, phái kháng chiến trong triều đình nhà Nguyễn đã bị loại bỏ, thực dân Pháp tập trung quân, đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường Bắc Kỳ. Đầu tháng 10-1885, ba binh đoàn giặc do tướng Gia -mông (Jamont) chỉ huy đã tiến quân, bao vây ba mặt căn cứ Thanh Mai - một trung tâm kháng chiến do Nguyễn Văn Giáp đứng đầu, nằm giữa lưu vực hai con sông Thao và sông Lô, trên đường từ Việt Trì đi Hưng Hóa.

Trận đánh diễn ra liên tục trong các ngày 21, 22, 23 tháng 10-1885. Giặc Pháp bắn đại bác dọn đường rồi ồ ạt tổng công kích, nhưng khi vào trong căn cứ Thanh Mai chúng mới biết là đã tiến công vào chỗ không người, nghĩa quân đã rút đi khỏi căn cứ không biết từ lúc nào và bằng con đường  nào. Trước sức tiến công ồ ạt của kẻ địch, Nguyễn Văn Giáp đã kịp thời rút toàn bộ quân sĩ tiến lên phía Tây Bắc, về hướng Tuần Quán, dọc sông Thao, phía dưới Yên Bái độ vài dặm. Tháng 2-1886, giặc Pháp lại tập trung bốn binh đoàn  tiến đánh nghĩa quân ở Tuần Quán.

Dọc đường hành quân, chúng đã bị nghĩa quân bám sát, đánh mạnh, tiêu hao nặng nề lực lượng, làm chậm bước tiến. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn chiếm được Tuần Quán, tiếp đó chiếm và đóng đồn ở Yên Bái, Trại Hút, Phố Lu, Văn Bàn, Lào Cai.

Các trận chiến đấu diễn ra liên tiếp và không cân sức đã làm cho lực lượng nghĩa quân bị giảm sút, nhưng thanh thế của nghĩa quân thì vẫn tiếp tục được mở rộng. Quân Pháp vẫn phải thừa nhận: "Năm 1887, Bố Giáp (tức Nguyễn Văn Giáp) vẫn tiếp tục cai trị cả vùng Thanh Hoa Đạo".

Tháng 11-1887, một toán địch liều lĩnh bí mật tìm đường vào Nghĩa Lộ rồi bất thần ấp đến, Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Quang Bích phải lánh vào ở nhà đồng bào dân tộc thiểu số gần đó. Mấy ngày sau, quân Pháp bị nghĩa quân đánh bật ra khỏi căn cứ và bị phục kích tiêu hao nặng nề trên đường rút chạy. Nghĩa quân giành lại được căn cứ, nhưng Nguyễn Văn Giáp lúc trở về đã bất ngờ lâm bệnh nặng, rồi mất. Hôm đó là ngày 25 tháng 9 năm Đinh Hợi.

Nguyễn Văn Giáp mất là một tổn thất lớn cho nghĩa quân. Nguyễn Quang Bích mất một người bạn tâm huyết với tài thao lược, chỉ huy, ngày đêm cùng bàn bạc quốc sự, tìm kế đánh giặc cứu nước. Trước các tướng lĩnh và nghĩa quân, Nguyễn Quang Bích đã tổ chức buổi tế lễ long trọng và đích thân đọc bài văn tế do chính tay ông viết, nhiệt liệt ca ngợi khí tiết hào hùng của Nguyễn Văn Giáp và tỏ lòng tiếc thương vô hạn người bạn chiến đấu. Bài văn tế có đoạn:

Mặc dù chủ tướng Nguyễn Văn Giáp đã mất, nhưng nghĩa quân dưới sự chỉ huy của các bộ tướng của ông vẫn tiếp tục chiến đấu, chặn đánh quyết liệt các đợt tiến công của giặc Pháp vào Nghĩa Lộ. Mãi đến nhiều năm sau, thực dân Pháp mới ổn định được tình hình ở vùng này.

Về sau này, một số nghĩa quân và anh em họ của Nguyễn Văn Giáp là Nguyễn Văn Tề và Nguyễn Văn Tập đã bí mật đưa hài cốt của ông về an táng tại làng Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Năm 2007, gia đình và dòng họ đã tu sửa phần mộ, xây dựng lăng và dựng bia tưởng nhớ công trạng của ông.

Năm 2007, kỷ niệm 120 năm ngày mất của ông, ngày 04-11-2007 (tức 25 tháng 9 năm Đinh Hợi -1887) tại làng Xuân Húc, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường đã long trọng diễn ra buổi lễ khánh thành bia và lăng mộ Hiệp đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Văn Giáp. Trên văn bia và các bức đại tự, câu đối được khắc trên lăng mộ Nguyễn Văn Giáp, là những lời ngợi ca hào sảng, tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ của mỗi người dân hôm nay trước tinh thần yêu nước, chiến đấu tiết liệt, hết lòng vì dân, vì nước của ông. Tên tuổi của Hiệp đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Văn Giáp thật đúng với tám chữ mà Giáo sư Vũ Khiêu kính soạn: "Báo Quốc Cần Vương - Lương Thần Danh Tướng".