Nho giáo là từ xuất hiện vào thời Nam Bắc Triều (420 – 589), dùng để phân biệt với Đạo giáo. Nho giáo lấy tư tưởng Nho gia làm nền tảng với giáo lý, lễ nghi thời Hạ, Thương, Chu. Trong văn tế Khổng Tử ở các di tích Nho giáo hầu hết đều có câu “Tổ thuật Nghiêu Thuấn, Hiến chương văn võ” (祖述尧舜宪章文武) là để tóm gọn thời đại, tư tưởng, triết lý Nho giáo. Nho giáo từ khi truyền nhập vào Việt Nam đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng người Việt. Đặc biệt là khi Nho giáo được chính quyền Nho giáo dùng làm nền tảng tư tưởng, Nho giáo đã làm thay đổi cơ bản về kiến trúc thượng tầng, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống.
Khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Đây là khoảng thời gian Nho giáo thể hiện rõ nhất vị thế của mình trong xã hội. Trong thời gian này, ở các vùng miền địa phương đã xuất hiện kiến trúc thờ tự của Nho giáo, đó là Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ đề thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết, Thất thập nhị hiền và các vị có công với giáo dục khoa cử trong lịch sử Việt Nam.
Bài viết này thông qua các tư liệu Hán Nôm, chủ yếu là tư liệu văn bia, để tiến hành khảo sát số lượng, sơ bộ phân tích đặc điểm kiến trúc của điểm thờ tự của Nho giáo ở huyện Vĩnh Tường (chúng tôi không dùng khái niệm “cơ sở thờ tự”), qua đó nghiên cứu đặc trưng di tích Nho giáo ở đây.
1. Về định nghĩa Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ
Nguyễn Quốc Hùng (trong bài viết “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nho giáo thời hội nhập”, Di sản văn hóa, số 2(27), 2009, tr.19-25): Hệ thống di tích Nho học ở nước ta bao gồm những nơi dạy học, thư cử như: Quốc Tử Giám – nhà Thái học, nơi yết bảng vàng ở kinh đô, trường học và những nơi thi cử (thi hương) ở các phủ, châu, huyện thời Lê, dinh trấn, tỉnh, thành thời Nguyễn…); Những nơi thờ tự như các văn miếu ở kinh đô và địa phương thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết Nho gia người Trung Quốc như văn chỉ, từ chỉ, từ vũ, nghè… ở huyện, xã vừa tôn vinh Nho học vừa đề cao sĩ tử người địa phương. Thêm vào đó là những đền miếu thờ các nhà Nho người Việt như: Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Đình Chiểu.v.v…
Căn cứ theo định nghĩa này, di tích Nho giáo được hiểu là tất cả các kiến trúc thờ tự, giáo dục có liên quan đến Nho giáo. Xét riêng trong phạm vi kiến trúc thờ tự của Nho giáo, Nguyễn Hữu Mùi (trong Truyền thống hiếu học và Hệ thống Văn miếu Văn từ Văn chỉ ở Vĩnh Phúc) đã căn cứ trên cơ sở tư liệu văn bia để cho rằng, Văn miếu “vốn được xây dựng ở cấp trung ương, cấp phủ và cấp tỉnh” ; còn “Văn từ và văn chỉ chỉ xây dựng ở cấp huyện, cấp tổng và cấp xã (chủ yếu tạo dựng dưới triều Nguyễn), nên người Việt Nam đặt ra tên gọi như vậy để phân biệt với Văn miếu” . Tuy nhiên, trên cơ sở khảo sát tư liệu và điều tra điền dã, Nguyễn Hữu Mùi cùng cho rằng, “tại địa bàn Vĩnh Phúc chúng tôi thấy không hoàn toàn như vậy. Chẳng hạn cùng là nơi thờ Khổng Tử cùng các bậc tiên hiền của Nho giáo ở cấp xã, nơi này gọi là Văn chỉ, nơi kia gọi là Văn từ, nơi khác nữa gọi là Từ vũ, thậm chí có nơi gọi là Văn miếu”.
Theo chúng tôi, “miếu”, “từ” và “chỉ” vốn là các kiến trúc thờ tự có trong truyền thống tín ngưỡng của người Á Đông, trong đó có Việt Nam. Sau đó nó đã được Nho giáo định danh thành tên gọi, lễ định các kiến trúc đó trở thành sản phẩm của Nho giáo. Xét về miếu, thiên “Tế pháp” 祭法 sách Lễ kí 禮記 viết: “Từ thiên tử đến sĩ đều có Tông miếu” . Thiên “Vương chế” 王制 sách Lễ kí 禮記 lại viết: “Thiên tử lập bảy miếu, ba miếu hàng chiêu, ba miếu hàng mục, cùng miếu Thái tổ mà thành bảy miếu. Chư hầu năm miếu, hai miếu hàng chiêu, hai miếu hàng mục, cùng miếu Thái tổ mà thành năm miếu. Đại phu ba miếu, một miếu hàng chiêu, một miếu hàng mục, cùng miếu Thái tổ mà thành ba miếu. Sĩ một miếu. Thứ nhân tế ở chính tẩm” . Theo đó, “miếu” trong Nho giáo chính là Tông miếu, là nơi thờ tự Tổ tiên. Đến đời Tống, Chu Hy (1130 – 1200) trong sách Văn Công gia lễ đã gọi nơi thờ tự Tổ tiên là “gia miếu”. Đến đời Minh, Dương Thận (1488 – 1559) biên tập lại sách Văn Công gia lễ thành sách Văn Công gia lễ nghi tiết đã gọi nơi thờ tự tổ tiên là “Từ đường”. Tuy nhiên, có điểm khác giữa Văn Công gia lễ và Văn Công gia lễ nghi tiết đó là tính giai tầng. Nếu như Văn Công gia lễ vẫn còn màu sắc giai tầng và “miếu” là nơi thờ tự tổ tiên của tầng lớp cao; thì Văn Công gia lễ nghi tiết đã xóa mờ tính giai tầng, và “từ đường” là nơi thờ tự của mọi tầng lớp, bất kể là tầng lớp cao hay thấp. Như vậy, xét về bản chất “miếu” và “từ” cùng là để chỉ nơi thờ tự nói chung, chỉ khác nhau về tính giai tầng. Và theo trật tự này, xét trong phạm vi thờ tự Nho giáo, miếu và từ về đều là nơi thờ tự của Nho giáo, nhưng miếu được hiểu là cấp cao hơn từ. Trong luận văn Thạc sĩ của La Siêu (Việt Nam quốc tử giảm văn miếu nghiên cứu) có cho rằng: “Văn miếu là Khổng miếu do Nhà nước lập nên, đối tượng phụng thờ là Chí thánh Tiên sư Khổng Tử, địa phương cấp huyện trở lên mới được dựng văn miếu, có chính điện 9 gian, quy mô to lớn, các loại chế độ tế tự tuân theo quy định nghiêm ngặt của triều đình. Còn văn từ thì là từ đường mang tính dân gian phụng thờ năm vị đế quân Văn Xương, Văn Hành, Đại Khôi, Chu Tử, Phu Hựu là vị thần quản về văn học trong Nho giáo. Văn từ không có điện Đại thành, quy mô nhỏ, việc tế tự Khổng Tử cũng tương đối tự do. Văn chỉ thì là nơi lộ thiên, không có kiến trúc”. Nhận định về Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ của La Siêu còn nhiều điều đáng bàn, nhưng về cơ bản cũng cho rằng, Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử quan phương từ cấp huyện trở lên, Văn từ là nơi thờ Khổng Tử của dân gian.
Từ những nhận định nêu trên, chúng tôi cho rằng nơi thờ tự của Nho giáo chỉ chia thành hai cấp là Văn miếu và Văn từ, trong đó Văn miếu mang tính quan phương, Văn từ mang tính dân gian. Nơi thờ tự Nho giáo ở hai cấp này khác nhau về quy mô kiến trúc và chế độ tế tự. Còn Văn chỉ đơn thuần chỉ là cái nền hoặc là nơi dựng tạm thời để tế Khổng Tử và không xây dựng thành kiến trúc có tính quy mô như Văn miếu hoặc Văn từ. Tuy nhiên, xét về bản chất thì Văn chỉ và Văn từ đều mang tính dân gian, do nho sĩ địa phương lập nên để tế tự hoặc thờ cúng Khổng Tử. Thêm nữa, việc phân định Văn từ và Văn chỉ không có quy định rõ ràng, và có thể chỉ là phụ thuộc vào điều kiện kinh tế.
2. Một số văn miếu, văn từ, văn chỉ huyện Vĩnh Tường
Trong phần thống kê về Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ huyện Vĩnh Tường chúng tôi không hướng đến mục tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, mà chỉ liệt kê một số Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ hiện còn tư liệu (đặc biệt là văn bia), nhằm mục đích thông qua tư liệu văn bia để khảo cứu các đặc trưng của các kiến trúc này. Một số Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ sau đây được sắp xếp theo cấp quản lý tương ứng từ cao đến cấp thấp, từ Văn miếu đến các Văn từ Văn chỉ.
1) Văn miếu phủ Vĩnh Tường
Theo Nguyễn Thị Lâm trong “Vĩnh Tường Văn miếu chung nguồn tư liệu nói về Văn miếu phủ Vĩnh Tường”, “Văn miếu của phủ Vĩnh Tường và tiền thân của Văn miếu ấy là Văn miếu phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá có từ thời Lê, nơi thờ cúng Khổng Tử và các bậc Tiên hiền của Nho giáo” .
Theo Đinh Khắc Thuân trong “Văn miếu và Văn miếu phủ Tam Đới thời Lê” , “Thời Lê - Trịnh, số Văn từ ở hàng phủ được dựng không thật nhiều, trong đó nổi bật là Văn từ phủ Tam Đới. Tuy dấu tích đã mai một, song bài văn bia của Văn từ này dựng năm Nhâm Ngọ niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) hiện còn đã cho biết khá cụ thể Văn từ phủ Tam Đới thời Lê - Trịnh”. Theo nghiên cứu này, kiến trúc Văn miếu phủ Vĩnh Tưởng có quy mô to lớn, kiến trúc tương đối đồ sộ so với một Văn miếu cấp phủ: “Cả thảy chính điện 5 gian, cột xà sơn son lộng lẫy. Tiền đường 3 gian chạm lộng. Hai bên tu tạo hai gian dải vũ, làm mới một cây cầu 7 gian. Chính điện, tiền đường trong ngoài đều lợp ngói, sửa chữa chỗ dột nát. Trước sau khuôn viên đều xây tường bao. Trước đây nghi môn ở gần bờ nước, nay chuyển vào gần đường, tu sửa thêm. Hai cửa trang trí hình rồng, lại tạo tượng Thánh hiền. Nhân cũ mà làm thêm tòa Thập triết theo như trước vậy. Lại tái tạo một biển văn đề ba chữ đại tự là “Văn miếu điện”. Biển được sơn son, chữ được dát vàng, treo ở gian giữa tòa tiền đường. Mọi việc đều hoàn tất. Khởi công từ năm Đinh Sửu (1697) đến năm Tân Tỵ (1701) thì hoàn thành. Nay thấy cung thờ to lớn, tường cao thềm bậc sừng sững, sân đình rộng rãi, chế độ quy mô, mới tươi văn vật, uy nghi xán lạn, đẹp đẽ thay”.
2) Văn chỉ tổng Tang Đố .
Văn từ được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 6 (1685), được xây dựng ở thôn Môn Trì (nay là xã Vĩnh Thịnh). Văn từ có quy mô kiến trúc nhỏ, thờ Tiên thánh và các vị đại khoa của tổng. Xin xem văn bia Văn chỉ bi minh, kí hiệu 14405-06, niên đại Tự Đức 9 (1856).
3) Từ chỉ tổng Đồng Vệ.
Xây dựng tại xã Đồng Vệ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Từ chỉ bi, kí hiệu 14028-29, niên đại Tự Đức 9 (1856)
4) Văn chỉ xã Vũ Di.
Xây dựng tại xã Vũ Di tổng Thượng Trưng phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Bản xã Văn chỉ bi ký, kí hiệu 14246-47, niên đại Tự Đức 20 (1867).
5) Văn chỉ xã Hoàng Xá.
Xây dựng tại xã Hoàng Xá tổng Tang Chá phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Từ chỉ bi kí, kí hiệu 14417-18, niên đại Tự Đức 4 (1851).
6) Văn từ xã Hoàng Xá Hạ.
Xây dựng tại xã Hoàng Xá Hạ tổng Đồng Vệ phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Văn từ bi ký, kí hiệu 14037-38, niên đại Tự Đức 20 (1867).
7) Văn chỉ xã Bảo Trưng.
Xây dựng tại xã Bảo Trưng tổng Kiên Cương phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Bảo Trưng văn chỉ bi, kí hiệu 14315-16, niên đại Tự Đức 33 (1880).
8) Văn từ thôn Quý Mãn.
Xây dựng tại thôn Quý Mãn xã Lương Điền tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Hậu Hiền bi, kí hiệu 13627-28-29, niên đại Duy Tân 4 (1910).
9) Văn chỉ xã Đông Viên.
Xây dựng tại xã Đông Viên huyện Yên Lạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Văn chỉ bi ký, kí hiệu 13593, niên đại Tự Đức 22 (1869).
10) Văn chỉ xã Thổ Tang.
Xây dựng tại xã Thổ Tang tổng Lương Điền phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia kí hiệu 13704-05, niên đại Gia Long 3 (1804).
11) Từ chỉ xã Bồ Sao.
Xây dựng tại xã Bồ Sao tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên. Xin xem văn bia Tiên hiền từ vũ bi ký, kí hiệu 13791-94, niên đại Vĩnh Khánh 2 (1730).
3. Một số đặc trưng Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ ở Vĩnh Tường
Tính đồng bộ
Văn miếu, Văn từ thờ tự của Nho giáo của phủ Vĩnh Tường xưa được xây dựng chủ yếu vào thời Tự Đức. Ngoài Văn từ cấp phủ được trùng tu nhiều lần thì trong số Văn từ Văn chỉ cấp xã tổng, địa điểm thờ tự của Nho giáo ở Vĩnh Tường sớm nhất là Từ chỉ xã Bồ Sao, được xây dựng năm 1730, và địa điểm thờ tự xây dựng muộn nhất là Văn từ thôn Quý Mãn xây dựng năm 1910. Việc xã Bồ Sảo xây dựng Từ vũ vì xã này có người đỗ đại khoa, làm quan, nghỉ hưu và quan tâm đặc biệt tới giáo dục khoa cử. Nghĩa là, việc xây dựng này là công trình kỷ niệm, đồng thời để phát huy truyền thống hiếu học địa phương. Văn bia Tiên hiền Từ vũ bi kí có nói: “Ấp ta Bồ Sao là vùng đất đời nào cũng xuất hiện anh tài, nhưng việc hai kì xuân thu không có nhà mà chỉ tế ở đàn. Nay có Tiến sĩ khoa Tân Sửu, Bồi tụng, Binh bộ Tả thị lang, tước Nam, trí sĩ Nguyễn Tướng công thụy là Cương Chính hưng công xây dựng…”. Đền thời Nguyễn, đặc biệt là thời Tự Đức, việc xây dựng Từ chỉ mới được xây dựng phổ biến, tạo nên một phong trào nhằm phát huy các giá trị Nho học. Tự Đức là vị vua có thời gian trị vì dài nhất triều Nguyễn (với thời gian trị vì từ năm 1847 đến năm 1883), đã tổ chức nhiều kỳ thi nhất, với số lượng người đỗ đạt đông nhất. Tuy nhiên, giai đoạn này và trong cả triều Nguyễn, Vĩnh Tường “có ít người đỗ đạt nhất” trong lịch sử khoa bảng của địa phương này nói riêng và Vĩnh Yên xưa nói chung. Theo số liệu thống kê của Nguyễn Hữu Mùi, nếu như số người đỗ Trung khoa thời Lê trung hưng có 225 người thì đến thời Nguyễn chỉ có 13 người. Vì vậy, việc xây dựng Văn chỉ và công tác khuyến học nhằm chấn hưng Nho học ở địa phương này có mối quan hệ mật thiết. Và có thể nói, việc xây dựng Văn từ, Văn chỉ cấp xã thuộc Vĩnh Tường được thực hiện có tính đồng bộ, được các xã đồng loạt thực hiện trùng tu, xây dựng.
Tính tín ngưỡng
Như đã nói ở trên, trong thời Nguyễn, Vĩnh Tường có 13 người đỗ trung khoa, cùng với huyện Yên Lạc (cũng với 13 người đỗ trung khoa) là hai địa phương có số người đỗ nhiều nhất của Vĩnh Yên xưa. Tuy nhiên, khi so sánh với thời Lê, cả huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường đều có xu hướng giảm số người đỗ. Tuy nhiên, so với thời Lê, số người đỗ trung khoa của huyện Yên Lạc giảm 71%, còn Vĩnh Tường đã giảm đến 94%. Số liệu này cho thấy rằng, khoa bảng của Vĩnh Tường có xu hướng đi xuống nghiêm trọng.
“Nhà Nho Việt ít thể hiện lập trường trong vấn đề niềm tin linh hồn, nhưng ít nhiều có niềm tin vào sự cảm ứng. Hồ Sĩ Dương (từng nằm mộng khi đi sứ trong câu chuyện không ăn thịt trâu), Hồ Phi Tích (từng nhiều lần nằm mộng sau khi chiêm bái chùa Sài Sơn, miếu Hát Giang) đều ít nhiều đặt niềm tin vào sự cảm ứng” . Với việc thi cử trong các kì thi khoa cử Nho học, các sĩ tử ngoài tin vào năng lực, còn tin vào một sự may rủi với sự tham gia, can thiệp của hồn báo ân, báo oán. Chính bởi vậy, ở trường thi khoa cử Nho học đều có bày hương án, người phụ trách trước khi gọi thí sinh vào trường thi thì có gọi to câu: “Báo oán giả tiên nhập, báo ân giả thứ nhập, sĩ tử thứ thứ nhập”. Việc thờ cúng, tế tự Khổng Tử, các vị Tiên hiền và các vị thần phụ trách Văn học một mặt là thực hành nghi lễ Nho giáo, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, mặt khác còn là niềm tin về sự bảo hộ của Tiên thánh, Tiên hiền và các vị thần Nho học đối với sĩ tử nói riêng và thành tựu, thành tích giáo dục của địa phương nói chung.
Tính kinh tế
Như đã phân tích, Văn miếu được mặc nhận là điểm thờ tự Nho giáo ở cấp phủ, nhưng quy mô, kiến trúc Văn miếu hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Theo văn bia Tu tập từ vũ bi của Văn miếu Vĩnh Tường đã cho thấy số tiền đóng góp xây dựng của giới Nho sĩ của địa phương này là không hề nhỏ:
- Xã sử Nguyễn Thế Bình người xã Bình Lỗ huyện Yên Lạc cúng 5 quan tiền sử. Xã chính Nguyễn Đức Nhuận người xã Y Kì huyện Phù Khang cúng 5 quan 5 mạch tiền sử. Tri huyện Đặng Danh Nho người xã Trung Vực huyện Lôi Dương cúng 5 quan tiền cổ. Bản phủ nha môn đề lại công đức cổ tiền 8 quan 6 mạch. Đồng Tri phủ Diệu Hải nam Phạm Chính Học người Hạ Yên Quyết huyện Từ Liêm cúng 7 quan tiền cổ.
- Phụ công: Đề lại Nguyễn Quang Hoa người Đông Ngạc huyện Từ Liêm cúng 7 quan, 9 mạch 30 văn tiền sử; Đề lại Đỗ Tuấn Đức người Đông Ngạc huyện Từ Liêm cúng 10 quan tiền sử; Giám sinh Phạm Công Phụ người Xa Mạc huyện Yên Lạc cúng 51 quan 3 mạch tiền sử; Huyện thừa Lê Đăng Tướng người Lỗ Hạ huyện Gia Phúc cúng 52 quan tiền sử.
- Khởi thủy công đức: Xã sử Tô Đăng Doanh người xã Cao Xá huyện Bạch Hạc cúng 16 quan, sau lại cúng 1 quan tiền sử; Thôn trưởng Tô Quang Ánh người Bằng Đắng huyện Bạch Hạc cúng 9 quan, sau lại cúng 2 quan tiền sử; Sinh đồ Nguyễn Thế Minh cúng 14 quan...
- Đồng Tri phủ Nguyễn Hữu Danh người Linh Đường huyện Thanh Trì cúng 54 quan tiền sử; Tri phủ Đình Sơn nam Nguyễn Sĩ Vinh người Mi Sơn huyện Thanh Chương cúng 120 quan tiền sử; Tri phủ nha môn quan viên tử Nguyễn Bản, con trai Nguyễn Lê cúng 5 quan tiền sử, Nguyễn Văn Đậu người Ỷ La huyên Từ Liêm cúng 1 quan tiền sử… .
Theo đó, giữa “miếu” và “từ” có sự phân cấp trong tên gọi, nhưng một phần nào đó cũng chịu ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế. Xuống cấp tổng, xã, việc gọi là “từ” hay “chỉ” hầu như không có sự phân cấp mà hoàn toàn do yếu tố kinh tế. Cho nên, xã Bồ Sao xây dựng Văn từ, còn tổng Tang Đố chỉ dựng được Văn chỉ. Văn bia Tiên hiền từ vũ bi kí của xã Bồ Sao có viết: “Xuân thu hai kì không có nhà mà tế ở đàn”, theo đó, “chỉ” vốn là cái đàn tế. Đàn tế không có kiến trúc, nên so với Văn từ đương nhiên có kinh phí thấp hơn. Như vậy, việc xây dựng từ hay chỉ không có phân theo cấp hành chính mà phụ thuộc vào vấn đề kinh tế. Nơi nào có điều kiện kinh tế thì xây dựng Văn từ. Ngược lại, nơi nào chưa đủ điều kiện thì dựng đàn, chỉ mang tính tạm thời để đến kì xuân thu thì tế lễ theo đúng nghi lễ Nho giáo.
Trên đây là một số phân tích cơ bản về đặc trưng hệ thống di tích Nho giáo ở Vĩnh Tường (chủ yếu thông qua tư liệu văn bia). Các điểm thờ tự của Nho giáo trong thời kỳ quân chủ ở Vĩnh Tường về cơ bản có các đặc trưng: tính đồng bộ, tính tín ngưỡng và tính kinh tế. Việc xây dựng Văn miếu cấp phủ, hay Văn từ, Văn chỉ cấp tổng xã trong thời kỳ quân chủ, đặc biệt là thời Nguyễn đã cho thấy việc chú trọng giáo dục khoa cử Nho học của Vĩnh Tường trong bối cảnh thành tựu khoa cử Nho học ở địa này ngày càng đi xuống và ít có thành tựu. Việc xây dựng này, một mặt là để thực hành nghi lễ Nho giáo, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, nhưng một mặt là để chấn khởi Nho học, thể hiện niềm tin tín ngưỡng trong Nho giáo, nhằm vãn hồi thành tựu khoa cử Nho học trước kia. Trong thời đại ngày nay, việc phục dựng Văn miếu, Văn từ không phân biệt theo các cấp hành chính, mà được khuyến khích ở tất cả các vùng miền nếu có điều kiện kinh tế xã hội. Việc làm này không đơn thuần chỉ là sự hồi cố lịch sử mà còn là xây dựng một biểu tượng về truyền thống hiếu học của tiền nhân, nhằm cổ động tinh thần khuyến học của thời đương đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Việt Bằng: Nho giáo và văn hóa dòng họ: Văn bản Hồ Thượng thư gia lễ, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2022
Nguyễn Quốc Hùng: “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Nho giáo thời hội nhập”, Di sản văn hóa, số 2(27), 2009, tr.19-25
Nguyễn Thị Lâm: “Vĩnh Tường Văn miếu chung nguồn tư liệu nói về Văn miếu phủ Vĩnh Tường”, Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007, tr. 27 – 30.
Nguyễn Thị Vĩnh Linh: “Những giá trị văn hóa – lịch sử của hệ thống Văn Thánh – Khổng Miếu ở Quảng Nam”, Tạp chí khoa học Đại học Quảng Nam, 46-55, 2019.
Trịnh Khắc Mạnh: Văn miếu Việt Nam khảo cứu, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021
Nguyễn Hữu Mùi: Truyền thống hiếu học và Hệ thống Văn miếu Văn từ Văn chỉ ở Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, 2010.
La Siêu: Việt Nam quốc tử giảm văn miếu nghiên cứu, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Dân tộc Quảng Tây, 2009.
Đinh Khắc Thuân: “Văn miếu và Văn miếu phủ Tam Đới thời Lê”, Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007, Tr. 15 -20.