1. Vài nét về mảnh đất Vĩnh Tường
Tên gọi phủ Vĩnh Tường 永祥 được xuất hiện chính thức vào niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822) dưới triều nhà Nguyễn, như vậy tính đến năm 2022, phủ Vĩnh Tường vừa tròn 200 tuổi. Theo sách Đại Nam nhất thống chí trong lịch sử vùng đất này thuộc Phong Châu, đời Trần là lộ Tam Đới, thời Minh thuộc châu Tam Đái, thời Lê lãnh 6 huyện gồm Bạch Hạc, Yên Lãng, Yên Lạc, Phù Ninh, Tân Phong và Lập Thạch. Đây là vùng đất rộng, con người hiền hậu nên có câu: “Nhất Tam Đới, nhì Khoái Châu”. Đời Cảnh Hưng tách huyện Tiên Phong lệ vào phủ Quảng Oai, bản triều đầu đời Gia Long vẫn theo như thế. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi thành Tam Đa. Và đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường.
Năm Minh Mệnh thứ 11 (1830), cắt huyện Phù Ninh về phủ Đoan Hùng và lấy huyện Tam Dương của phủ Đoan Hùng thuộc về phủ Vĩnh Tường. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), cắt 2 huyện Yên Lãng, Yên Lạc lập thành phân phủ Vĩnh Tường, kiêm huyện Yên Lãng, thống hạt huyện Yên Lạc. Phủ Vĩnh Tường còn lại 3 huyện (Bạch Hạc, Lập Thạch và Tam Dương), kiêm lý huyện Bạch Hạc, thống hạt 2 huyện lập Thạch và Tam Dương. Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), chuyển lên đặt ở 2 xã Bồ Điền, Huy Ngạc (này là thị trấn Vĩnh Tường). Năm 1899, thực dân Pháp cho thành lập tỉnh Vĩnh Yên gồm phủ Vĩnh Tường và các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch và Bình Xuyên. Lúc này, phủ Vĩnh Tường là một đơn vị độc lập thuộc tỉnh Vĩnh Yên gồm có 8 tổng (Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Tang Đố, Thượng Trưng, Tuân Lộ) và 78 xã. Năm 1907 bỏ huyện Bạch Hạc (gồm 2 tổng Mộ Chu và Nghĩa Yên với 14 xã) nhập vào phủ Vĩnh Tường. Năm 1927, phủ Vĩnh Tường gồm 10 tổng (Đồng Phú, Đồng Vệ, Hưng Lục, Kiên Cương, Lương Điền, Mộ Chu, Nghĩa Yên, Tang Đố, Thượng Trưng và Tuân Lộ) với 85 làng.
Theo thông tin trong cuốn Địa chí huyện Vĩnh Tường cho biết, sau năm 1945, phủ Vĩnh Tường đổi thành huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Đến năm 1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện Vĩnh Tường được giữ nguyên với 28 đơn vị hành chính, Năm 1968 sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1977, nhập huyện Vĩnh Tường với huyện Yên Lạc thành huyện Vĩnh Lạc thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1995, chia huyện Vĩnh Lạc thành hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc. Khi tách ra, huyện Vĩnh Tường có 28 xã.Cũng trong năm này thành lập thị trấn Vĩnh Tường. Năm 1996 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập từ tỉnh Vĩnh Phú, huyện Vĩnh Tường thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.Năm 2007, chuyển xã Thổ Tang thành thị trấn Thổ Tang.Năm 2009, chuyển xã Tứ Trưng thành thị trấn Tứ Trưng.Năm 2020, sáp nhập xã Tân Cương và xã Phú Thịnh thành xã Tân Phú.
Hiện nay, huyện Vĩnh Tường có 3 thị trấn và 25 xã, gồm: Thị trấn Vĩnh Tường, Thị trấn Thổ Tang, Thị trấn Tứ Trưng và 25 xã: Vĩnh Ninh, Phú Đa, Lũng Hoà, Tân Phú, Đại Đồng, Cao Đại, Tuân Chính, Bồ Sao,Vĩnh Sơn, Bình Dương, Vân Xuân, Tam Phúc, Lý Nhân, An Tường, Vĩnh Thịnh, Yên Bình, Tân Tiến, Vũ Di .
2. Tổng quan về văn bia huyện Vĩnh Tường
Văn bia phần lớn gắn liền với chất liệu đá, ngoài ra còn khắc trên chất liệu gỗ, vì vậy công việc sưu tầm được hành chủ yếu thông qua phương pháp in rập thành thác bản để sử dụng. Số văn bia của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay được sưu tầm qua 3 đợt chính: 1/đợt thứ 1: Hiện nay phần lớn số thác bản văn bia được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm thông qua 2 đợt sưu tầm. Do Học Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tiến hành sưu tầm từ năm 1910-1944 ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc sưu tầm được 890 văn bia. 2/đợt thứ 2: Do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành sưu tầm từ năm 1997-1999, trong khuôn khổ Dự án Sưu tầm và bảo quản tài liệu Hán Nôm, toàn tỉnh sưu tầm được là 319 văn bia, tác giảNguyễn Hữu Mùi đã thống kê và lược bỏ những bia trùng nhau của đợt 2 này số lượng bia là 43 bia. 3/đợt thứ 3: Thông qua đề tài Điều tra, nghiên cứu hệ thống văn bia đá ở Vĩnh Phúc do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, nhóm Nguyễn Hữu Mùi cho biết đã sưu tầm được thêm 4 bia. Như vậy, văn bia huyện Vĩnh Tường đến thời điểm hiện tại (6/2022) có tổng số là 321 đơn vị văn bia, phân bố trên 9 đơn vị hành chính. Cụ thể như sau:
Bảng 1: Danh mục văn bia tỉnh Vĩnh Phúc
Căn cứ theo Danh mục trong cuốn Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, từ tr. 261-402, tác giả Nguyễn Hữu Mùi cho biết toàn bộ số văn bia của huyện Vĩnh Tường sưu tầm trong 3 đợt 321 văn bia (đã không sử dụng những văn bia trùng nhau của 3 đợt sưu tầm). Theo cuốn Danh mục văn khắc Hán Nôm, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) được sưu tầm từ năm 1997-1999, toàn tỉnh có 319 văn bia, riêng huyện Vĩnh Tường là 92 văn bia (bao gồm: An Tường 1 bia, Bình Dương 8 bia, Bồ Sao 4 bia, Lũng Hòa 1 bia, Lý Nhân 4 bia, Ngũ Kiên 3 bia, Phú Đa 10 bia, Tân Cương (nay là Tân Phú) 2 bia, Thượng Trưng 8 bia, Thổ Tang 15 bia, Tuân Chính 12 bia, Tứ Trưng 8 bia, Việt Xuân 4 bia, Vĩnh Sơn 4 bia, Vĩnh Thịnh 2 bia, Vũ Di 3 bia, Phù Chính 1 bia). Trong khoảng 55 năm từ 1944-1999, số văn bia đã bị xuất nhập nhiều, văn bia huyện Vĩnh Tường hiện có 321 đơn vị, cụ thể được phân bố như sau:
2.1. Phân bố theo thời gian
2.1.1. Phân loại theo triều đại
Căn cứ vào bảng thống kê trên cho thấy văn bia huyện Vĩnh Tường xuất hiện sớm nhất là vào nhà Mạc, khi lên ngôi thay thế nhà Lê từ 1527 và bị nhà Lê giành lại ngôi vị vào năm 1592, phải chạy lên Cao Bằng lánh nạn, sau còn tồn tại đến năm 1677. Theo Văn khắc Hán Nôm thời Mạc, tư liệu và khảo cứu của Đinh Khắc Thuân, văn bia nhà Mạc có 162 bia được phân bố ở 16 tỉnh thành phố trên cả nước, chủ yếu tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng. Theo số liệu thống kê cho thấy toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 9 bia, riêng huyện Vĩnh Tường chiếm 6 bia, chiếm tỷ lệ 1,8% trong số văn bia của huyện.
Số lượng văn bia thời Lê Trung hưng ở tỉnh Vĩnh Phúc là 357 bia, trong đó bia huyện Vĩnh Tường là 145 văn bia chiếm tỷ lệ 45,1% trên tổng số 321 văn bia của toàn huyện. Số lượng văn bia thời Lê Trung hưng trên đất Vĩnh Tường cũng như cả nước đã phản ánh khá sát thực giai đoạn lịch sử đương thời, đó là một giai đoạn kéo dài với nhiều biến động lớn về chính trị. Lí do quan trọng hơn, theo tác giả Phạm Thị Thùy Vinh cho rằng do "nhu cầu phát triển của làng xã ngày càng cao và phức tạp hơn, chính điều này gắn liền với sự nảy sinh lệ bầu Hậu. Bầu Hậu càng nhiều càng có nhiều bia đá được dựng lên ở các làng quê” . Có lẽ với các kết quả nghiên cứu đi trước theo Văn bia xứ Kinh Bắc: 1.063 bia, Văn bia Hải Phòng: 686/1048 bia đã phần nào cho thấy con số "bùng nổ" của văn bia thời Lê Trung hưng.
Triều Tây Sơn tồn tại 14 năm ngắn ngủi (1788-1802), theo thống kê của Lê Văn Cường trong luận văn Thạc sỹ Tìm hiểu văn bia hậu thời Tây Sơn, cho biết có 359 văn bia phân bố đều trên 21 tỉnh thành của cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc có 25 bia, trong đó huyện Vĩnh Tường là 6 bia, chiếm tỷ lệ 1,8% so với văn bia của toàn huyện, đó cũng là tình hình chung của văn bia thời đại này.
Triều Nguyễn (1802-1945) trị vì trong 143 năm, giai đoạn này huyện Vĩnh Tường có 156 văn bia với 48,5%, đây là triều đại có nhiều bia nhất. Khi nhà Nguyễn lên ngôi đã tiếp tục chính sách củng cố Nho giáo, văn bia gắn với hệ tư tưởng này rất phát triển, ở Vĩnh Tường hàng loạt bia do hội Tư văn, Tư võ chủ trì, nhiều bia ghi việc xây dựng văn miếu, văn chỉ từ cấp thôn, trang đến cấp huyện. Thứ nữa, do tư tưởng Phật giáo đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân nên những văn bia có liên quan đến lĩnh vực này vẫn phát triển một cách mạnh mẽ. Một nguyên nhân khác, đó là sự xuất hiện của hàng loạt bia Hậu và một số lượng lớn bia do nhân dân đứng ra dựng, thêm vào đó thời kì này gần với ngày nay hơn, nên còn bảo tồn được nhiều bia đá do thời gian chưa kịp hủy hoại.
Số lượng văn bia không ghi rõ niên đại, hoặc ghi niên đại bằng can chi chỉ có 9 bia, tỷ lệ 2,8%. Qua số liệu thống kê văn bia huyện Vĩnh Tường từng thời kì, đã góp phần phác họa nên biểu đồ phân bố và sự phát triển của hệ thống văn bia của toàn tỉnh và cả nước.
Biểu đồ 1: Biểu đồ phân bố văn bia huyện Vĩnh Tường theo triều đại
2.1.2 Phân loại theo niên đại
Bảng 3. Bảng thống kê số lượng văn bia theo niên đại
Theo kết quả nghiên cứu đi trước cho thấy toàn tỉnh có 885/938 văn bia có ghi niên hiệu vua, trong đó huyện Vĩnh Tường có 312/321 bia có ghi niên đại, chỉ có 9 bia không ghi mà thôi. Cụ thể 312 bia được dựng ở 27 đời vua, chúa như sau:
Nhà Mạc (1527-15920: Về tình hình phân bố bia Mạc trong cuốn Văn bia thời Mạc tác giả Đinh Khắc Thuân cho biết bia nhà Mạc tập trung chủ yếu ở vùng châu thổ sông Hồng bao gồm Thăng Long Hà Nội và tứ trấn, tiếp đó là các vùng phụ cận trong đó có Vĩnh Phúc. Huyện Vĩnh Tường có 6 bia thời Mạc, gồm niên hiệu Đoan Thái (1585-1587) có 3 bia, niên hiệu Quang Hưng (1578-1599) và Hưng Trị (1588-1590) đều chỉ có 1 bia.
Nhà Lê Trung hưng (1593-1788): Số văn bia dựng vào giai đoạn này xếp vị trí thứ 2 với tỷ lệ 45,1% ít hơn bia dựng vào giai đoạn nhà Nguyễn là 11 bia. Nhà Lê Trung hưng tồn tại 30 niên hiệu thì văn bia huyện Vĩnh Tường có mặt ở 11 niên hiệu, sớm nhất là Đức Long (1629-1634) và muộn nhất là niên hiệu Chiêu Thống. Cụ thể như sau: Đức Long (1629-1634) 1 bia; Cảnh Trị (1663-1671): 2 bia; Đức Nguyên (1674-1675): 2 bia; Vĩnh Trị (1676-1680): 39; Chính Hòa (1680-1705): 49 bia: Vĩnh Thịnh (1705-1719): 5 bia; Bảo Thái (1720 - 1729): 1 bia, Long Đức (1732-1735): 3 bia: Vĩnh Hựu (1735-1740): 3 bia: Cảnh Hưng (1740-1786): 39 bia, và Chiêu Thống 1 bia.
Nhà Tây Sơn (1788-1802): Do chính sách của nhà Nguyễn đối với triều Tây Sơn, nên một phần thành quả văn hiến của triều đại này bị tiêu hủy theo. Văn bia cũng là một trong những sản phẩm văn hóa mà nhà Nguyễn nhằm vào, hậu quả là văn bia thời này (1788-1802) thường có hiện tượng bị đục niên đại. Trong khoảng 14 năm (1788-1802) trên đất Vĩnh Tường có 6 bia, chiếm tỷ lệ 1,8%, bao gồm Quang Trung (1778-1792): 1 bia, Cảnh Thịnh (1793-1801): 2 bia và Bảo Hưng: 3 bia.
Nhà Nguyễn (1802-1945): Là giai đoạn có số lượng văn bia nhiều nhất với 156/321 chiếm tỷ lệ 48,5%. Chỉ riêng niên hiệu Tự Đức (1848-1883) đời vua Nguyễn Dực Tông trong 35 năm đã có 50 bia, trung bình thời Tự Đức cứ một năm dựng gần 5 bia (1,4 bia). Tiếp đó là 3 niên hiệu có số lượng bia nhiều nhất gồm Thành Thái (1889-1907) có 32 bia, niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840) và Bảo Đại (1926-1945) đều dựng được 20 bia. Lúc này tình hình đất nước đang rối ren, quân Pháp đòi quyền bảo hộ đối với nhà Nguyễn, chính quyền phong kiến Việt Nam với vai trò “bù nhìn” về chính trị, đành mặc cho quân Pháp thao túng. Tuy vậy, số lượng văn bia giai đoạn này vẫn phát triển, cụ thể niên hiệu Đồng Khánh (1886-1888) có 4 bia, Duy Tân (1907-1916) có 14 bia, và Khải Định (1916-1925) là 3 bia, phần lớn bia có nội dung gửi Hậu, trùng tu di tích. Điển hình như xã Bình Dương có tất cả là 50 bia, có đến 12 bia niên hiệu Bảo Đại trên tổng số 33 bia thời Nguyễn.
2.2. Phân bố theo không gian
Các thác bản văn bia được in rập vào những năm 1910-1944, ở diềm bia đều được ghi kí hiệu vào thời điểm in rập. Ở mỗi văn bia giai đoạn này thông thường có 2 địa danh, ví dụ bia Tạo tiền đường Bà Nghệ tự lập bi kí, mang kí hiệu N013722, dựng vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) trên văn bia ghi xã Địa Tang, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới. Còn địa danh khi người Pháp cho in rập là xã Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Ngày nay là thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, như vậy, trên mỗi văn bia có cả thảy 3 lớp địa danh.
Văn bia huyện Vĩnh Tường phân bố theo không gian, gồm 3 thị trấn và 25 xã, phường đã được Nguyễn Hữu Mùi tác giả cuốn Nghiên cứu văn bia huyện Vĩnh Phúc quy đổi sang địa danh hiện tại. Như vậy, trong số 28 đơn vị hành chính này chỉ có duy nhất 1 xã có sự thay đổi đó là xã Tân Phú (được hợp nhất từ Tân Cương và Phú Thịnh).
Bảng 4. Bảng thống kê số lượng văn bia theo địa danh
Theo địa danh hành chính huyện Vĩnh Tường, hiện nay có 28 đơn vị hành chính, trong đó có 3 đơn vị hành chính cấp thị trấn gồm và 25 đơn vị hành chính cấp xã. Căn cứ theo kết quả kháo sát có 24/25 đơn vị hành chính có văn bia, số lượng ít nhất là 2 văn bia, nhiều nhất là 50 đơn vị văn bia. Duy nhất xã Tân Tiến không có văn bia, tỷ lệ chiếm 96% các xã có văn bia. Cụ thể như sau: Nhóm có tỷ lệ văn bia trên 10 % gồm 3 xã: Bình Dương có 50 bia chiếm tỷ lệ 15,5%, Cao Đại có 44 bia chiếm tỷ lệ 13,7% và xã Việt Xuân có 32 văn bia chiếm tỷ lệ 10%.
Nhóm có tỷ lệ văn bia dưới 10% gồm 25 đơn vị xã, thị trấn còn lại, số văn bia dao động từ 2-19 văn bia. Thấp nhất là các xã An Tường và Chấn Hưng, Vũ Di đều có 2 bia chiếm tỷ lệ 0,6%. Tiếp đó là các xã Vân Xuân và Vĩnh Sơn có 3 bia chiếm tỷ lệ 0,9%, có 2 xã có số bia chiếm tỷ lệ 1,5% là Đại Đồng và Tân Phú với 5 văn bia. Tỷ lệ 2,1% là Lý Nhân, Nghĩa Hưng và 2,4% là Ngũ Kiên đều có 7 văn bia, còn Vĩnh Thịnh và Thị trấn Vĩnh Tường có 8 văn bia chiếm tỷ lệ 2,4%, xã Kim Xá có 9 bia chiếm tỷ lệ 2,8%. Các xã Lũng Hòa, Phú Đa và thị trấn Thổ Tang lần lượt là từ 10-12 bia chiếm tỷ lệ từ 3,1-3,7%. Một số bia có tỷ lệ văn bia trên 10 văn bia là Thượng Trưng và Tuân Chính đều 14 bia, chiếm tỷ lệ 4,3%, xã Yên Lập là 15 bia chiếm tỷ lệ 4,6% và thị trấn Tứ Trưng là 19 bia chiếm tỷ lệ 5,9%. Như vậy, chỉ trừ xã Tân Tiến không có bia, và 3 xã có tỷ lệ bia dày đặc (gồm Bình Dương, Cao Đại và Việt Xuân) còn lại các xã, thị trấn của huyện Vĩnh Tường văn bia được phân bố khá đồng đều.
3. Một số nội dung tiêu biểu giúp tìm hiểu về đời sống văn hóa của người dân Vĩnh Tường trong lịch sử
Nội dung văn bia đề cập tới nhiều lĩnh vực trong đời sống, kinh tế và xã hội của người dân huyện Vĩnh Tường trong quá khứ. Qua kết quảnghiên cứu của tác giả bài viết và những thành tựu nghiên cứu đi trước, đặc biệt là các nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Mùi đã cho thấy, trong số 321 văn bia của huyện Vĩnh Tường đã phản ánh nhiều nội dung khác nhau, dó đó trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 3 nội dung tiêu biểu gồm: 1/Phản ánh việc xây dựng, trùng tu các công trình công cộng về tín ngưỡng. 2/Phản ánh việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh. 3/Phản ánh về phong tục tập quán của người dân trong lịch sử. Cụ thể như sau:
3.1. Phản ánh việc xây dựng, trùng tu các công trình công cộng về tín ngưỡng
Xây dựng, trùng tu chùa chiền: Văn bia có nội dung phản ánh việc xây dựng, trùng tu các công trình về tín ngưỡng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có 77 văn bia . Từ kết quả khảo sát cho thấy, các văn bia ghi việc xây dựng, trùng tu chùa chiếm tỷ lệ cao nhất với 62 văn bia, số còn lại gồm 15 văn bia ghi nhận việc xây dựng, trùng tu đình, đền, miếu, quán. Như vậy, số lượng văn bia chùa ở Vĩnh Phúc rất phong phú. Văn bia có nội dung phản ánh việc xây dựng các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sớm nhất vào thời Lý trên bia Báo Ân thiền tự報恩禪寺, được dựng năm 1209. Còn văn bia ghi nhận ngôi chùa được trùng tu sớm nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Tường là chùa Phượng Tường, thuộc xã Kiên Cương, huyện Bạch Hạc (nay là xã Ngũ Kiên) vào đời Mạc niên hiệu Đoan Thái thứ 2 (1587). Theo nội dung văn bia cho biết, toàn bộ ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ 6 văn bia, sớm nhất là văn bia được dựng vào niên hiệu Đoan Thái thứ 2 (1587), muộn nhất là niên hiệu Minh Mệnh (1820-1840). Theo văn bia Phượng Tường tự bi kí 鳳祥寺碑記 (N014288-89) cho biết khá kỹ về lịch sử ngôi chùa này như sau: “Ngôi chùa Phượng Tường là chốn danh lam của huyện Bạch Hạc, trở thành cổ tích, sau nạn binh đao, nay được khôi phục lại. Tuy việc tu bổ đã hoàn thành, nhưng quy mô chưa được hoàn bị. Việc tu bổ tất chờ phương sách lớn, lực lượng lớn đảm nhiệm. Tỳ khâu bản chùa pháp hiệu Mậu Thiền, tự Đức Tâm cùng với các thái ông, lão bà vùng phụ cận thờ Phật thành tâm, vui làm việc thiện, bỏ tiền góp gỗ, mời thợ khởi công làm thượng điện, lại dựng tiền đường, xây thềm đá, quy mô hơn cũ. Bày tượng điểm nhãn, sửa sang diện mạo. Rồi mua 2 sào ruộng cùng làm tam bảo, sửa đặt pháp hội, tạo khắc bia đá, thật là nền phúc cao dày, quả thiện viên mãn...” Cũng cùng năm đó trên bia Phượng Tường tự鳳祥寺(N014285) ghi rằng có khoảng 250 vị người thuộc các xã Kiên Cương, An Thọ, Bích Đại, Thượng Trưng, Văn Trưng và Yên Tâm thuộc phủ Tam Đới đã cùng nhau góp tiền để trùng tu chùa.
Một ngôi chùa khác cũng được trùng tu khá sớm vào niên hiệu Đoan Thái là chùa Bảo Quang, thuộc xã Thượng Trưng, huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Thượng Trưng). Theo nội dung văn bia cho biết: “Trong các danh lam huyện Bạch Hạc thì chùa Bảo Quang là đứng đầu. Sau nạn binh đao chùa bị hư hỏng đã được tu sửa lại. Tuy việc tu sửa đã xong nhưng các đồ tế khí vẫn chưa hoàn hảo. Cái cũ thì sửa thành mới, cái mục nát thì bổ sung vào. Công việc đó không có những bàn tay lớn, công sức lớn thì khó thành. Kì lão Bùi Tiền Mậu, Phúc Lai Trần Hàn Lâm, Dụng tâm Lê Tự Cường, hiệu Thuận Phúc trong xã, phụng thờ Phật, thành tâm lấy điều thiện làm niềm vui lớn, phát gia tài mua gỗ, mời thọ khởi công. Các vị đã làm hương án ở tiền đường, lại xây bệở thượng điện, tô điểm tượng Phật, dựng phòng oản bên chùa, dựng bức pháp đồ”. Văn bia cho biết tổng cộng có khoảng 80 người đã cùng nhau công đức tu sửa (N04950).
Ngôi chùa được trùng tu nhiều lần phải kể đến là chùa Bà Nghệ thuộc địa bàn thị trấn Thổ Tang. Văn bia ghi việc tu sửa sớm nhất là Tạo tiền đường Bà Nghệ tự lập bi ký 造前堂婆藝寺立碑記(N013722), dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) đã ghi lại họ và tên của 40 người gồm các hội chủ thiện nam, tín nữ góp công góp sức xây dựng tiền đường, tô tượng Phật, làm cột hương... Đến niên niệu Tự Đức có 2 đợt tu sửa, đợt thứ 1 theo bia Bà Nghệ tự bi kí婆藝寺碑記 được dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1950), ngôi chùa được trùng tu gồm các hạng mục chính như Tiền đường và Thượng điện, với chi phí khoảng 200 quan: “Quan viên ấp xã Thổ Tang, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường dựng bia khắc chữ rằng; Sở dĩ là để biểu dương những điều tốt đẹp mà ghi chép lại công đức vậy. Nay bản xã trùng tu Thượng điện, Tiền đường và gác chuông phí tổn rất nhiều...” . Đợt thứ 2, trên bia Bà Nghệ tự bi ký 婆藝寺立碑記 (N013723), còn cho biết thêm vào niên đại Tự Đức thứ 35 (1882), xã Thổ Tang, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường đã cho sửa sang thượng điện, tiền đường, gác chuông của ngôi chùa, việc đóng góp cụ thể như sau: “Các viên sắc thuộc xã Thổ Tang, huyện Bạch Bạc, phủ Vĩnh Tường cũng nhau dựng bia... bản xã trùng tu Thượng điện, Tiền đường và Gác chuông phí tổn rất nhiều nên đóng góp mỗi người 10 quan...”. Về số người đóng góp được ghi trong văn bia có khoảng 40 người. Như vậy số tiền công đức là 40 quan, nếu với số kinh phí đó thì việc tu sửa cũng không lớn lắm, vả lại có đến 3 hạng mục được sửa sang.
Xây dựng, trùng tu đình: Đình là nơi sinh hoạt chung của cả làng, ở đó các quan viên sắc mục bàn với nhau các công việc chung. Cũng nằm trong tình trạng chung của cả huyện Vĩnh Phúc, theo Nguyễn Hữu Mùi “văn bia nói về việc xây dựng, trùng tu sửa đình, đền miếu ở Vĩnh Phúc ở chiều ngược lại, bởi có rất ít thông tin đề cập đến chủ đề này. Theo kết quả phân loại cho thấy toàn tỉnh chỉ có 20 văn bia trên tổng số 937 văn bia đề cập đế chủ đề vừa nêu, đạt tỷ lệ 2,1%) . Ở huyện Vĩnh Tường văn bia có nội dung xây dựng, trùng tu các ngôi đình trên địa bàn huyện chỉ có 15 văn bia. Trên thực tế thì số bia có nội dung trùng tu đình còn nằm trong loại bia Hậu Thần mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau. Ghi nhận về việc sửa chữa, xây dựng các ngôi đình theo bia Đông Viên đình vũ bi kí 東圓亭宇碑記 (N034147), đặt tại đình thôn Tứ xã Đông Viên, huyện Vĩnh Tường (nay là thôn Đông Viên, xã Bình Dương) được dựng vào niên hiệu Đồng Khánh thứ 1 (1886) cho biết: “Đình xã Đông Viên thờ vị Đương cảnh Thành hoàng Cao tăng Đại vương, đặt ở bãi đất chợ, đến năm Tự Đức Bính Dần (1866) các vị kì hào của xã Đông Viên di dời về địa bàn của thôn Tứ Kì, trong xóm Khanh Tạ, già trẻ cùng nhau góp tiền tạo Hậu cung cùng 2 dĩ. Năm 1867, dân làng bàn nhau góp tiền từ khoản gửi giỗ và khoản tiền tùy tâm của mọi người tạo tòa tiền đường, nghi môn, xây tường xung quanh. Đến năm Ất Dậu (1885) và Bính Tuất (1886) lại tiến hành trang hoàng đình, tạo tòa bếp. Trong khoảng mấy chục năm mới hoàn thiện, chi phí rất nhiều. Nay khi đình hoàn thành, ghi lại họ tên các vị đóng góp trong khoảng thời gian đó. Số người đóng góp có khoảng 100 vị. Cũng bàn về việc di dời địa điểm đình còn được ghi lại trên bia Minh Trưng bi kí 明徵碑記, được dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859), là ngôi đình thuộc xã Phú Trưng, tổng Thượng Trưng, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Thượng Trưng). Văn bia cho biết có ông họ Cao cùng với hơn 50 người trong xã đã góp tiền để di dời đình về xứ Ma Lôi, qua 4 tháng xây dựng thì hoàn thành.
Xây dựng, trùng tu văn từ, văn chỉ: Văn chỉ là nơi thờ những người đỗ đạt của làng, do Hội tư văn đứng ra thành lập. Văn chỉ là nơi diễn ra các hoạt động nhằm tưởng nhớ những người đã tham gia thi tuyển qua các kì thì của Nho học. Đặc biết ở huyện Vĩnh Tường ta thấy có hệ thống văn bia ghi việc xây dựng văn chỉ, văn từ khá phong phú, nội dung cho biết rất nhiều thông tin. Văn bia có nội dung ghi việc xây dựng văn từ văn chỉ của Vĩnh Phúc là 54 đơn vị, trong đó nhiều nhất là huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc mỗi huyện đều có số lượng 12 văn bia.
Văn bia ghi chép về văn từ, văn chỉ của huyện Vĩnh Tường tập trung ở các xã có truyền thống hiếu học như Cao Đại, Vũ Di, và Văn Trưng và Thổ Tang. Văn bia sớm nhất nhắc đến hệ thống văn miếu ở Vĩnh Phúc là tấm bia Trùng tu văn niếu tịnh nghi môn bi kí重修文廟並宜門碑記(N05107-08), được dựng vào niên hiệu Cảnh Trị thứ 7 (1669), tại văn chỉ xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại). Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, văn miếu sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc đồng thời là của huyện Vĩnh Tường là văn miếu phủ Tam Đới, văn miếu này được đặt trên địa phận của huyện Vĩnh Tường ngày nay. Theo Trùng tu văn niếu tịnh nghi môn bi kí cho biết, văn miếu của phủ được trùng vào năm 1669 với quy mô khá lớn. Vấn đề này được Tiến sĩ Trần Đăng Tuyển cho biết rõ về đối tượng, thời gian và quy mô sửa chữa ngôi văn miếu trong văn bia như sau: “Nay Tri phủ bản phủ Nguyễn Duy Chí, đồng tri phủ Phương Hữu Luân cùng các quan viên trong phủ theo cửa lễ, hướng về việc thiện, muốn trùng tu thánh miếu, dựng nghi môn để mở rộng nền đức, lưu tiếng thơm cho mạch đạo, mới bỏ của cải trong nhà, tập hợp đàn thí làm đầu, xướng xuất các việc trong phủ, người tham gia mỗi lúc một đông, của tích chứa mỗi lúc một nhiều, chưa đầy một ngày mà đã tập hợp đông đủ. Chọn ngày tốt tháng 10 năm Đinh Mùi (1667) khởi công, qua 12 tháng đến tiết đông chí thì hoàn thành, không phải chạm xà, vẽ cột mà tự trang nghiêm, không dùng đá đẹp hoa lạ mà tự đoan nghiêm sừng sững, khí tượng ung dung, khiến chiêm ngưỡng thêm sùng kính”.
Sau đó 33 năm, vào năm Chính Hòa thứ 23 (1702), trong tấm bia Tu tập từ vũ bi 修集祠宇碑記, dựng tại Văn chỉ Cao Xá cho biết rõ thêm về lần trùng tu tiếp theo của văn miếu phủ Tam Đới như sau: “Trước đây văn miếu của phủ đã qua 1 lần trùng tu vào năm 1668, trải đến nay có Tri phủ Nguyễn Sĩ Vinh, đồng Tri phủ Nguyễn Hữu Danh kết hợp với mọi người trong phủ đóng góp công đức để trùng tu. Khởi công từ năm 1697 đến năm 1701 hoàn thành, tạo 3 gian tiền đường, 5 gian chính điện, hai bên có dãi vũ, mỗi dải 3 gian. Bên ngoài có nghi môn, giữa đào ao bắc cầu 7 gian, xung quanh tường bao bọc”. Việc trùng tu ghi nhận sự đóng góp của 260 cá nhân và 18 tập thể.
Văn bia Từ chỉ bi kí祠址碑記(N014417-18) dựng niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851) tại Văn chỉ Hoàng Xá, tổng Tang Đố, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Vĩnh Thịnh) được Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo cho biết vào năm Tự Đức thứ 4 (1851) các vị kì lão, chức dịch trong xã mỗi người bỏ ra 3 quan tiền, tổng cộng 120 quan. Cũng trên địa phận xã Vĩnh Thịnh ngày nay (tức tổng Tang Đố xưa) ghi nhận có 2 ngôi văn chỉ đó là văn chỉ của thôn Hoàng Xá đã nêu ở trên và văn chỉ của thôn Môn Trì, theo Văn chỉ bi minh文址碑銘 (N014405-06). Hệ thống văn chỉ ở Vĩnh Tường có thể nói là phong phú nhất tỉnh, hiện có đến 50% các xã trên địa bàn huyện ghi nhận sự tồn tại của các ngôi văn chỉ. Văn bia Bản xã văn chỉ bi ký điều ước cung tiến bi kí本社文址碑記條約供進碑記 (N014246-47), dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867) cho biết việc trùng tu, xây dựng văn chỉ của xã Vũ Di như sau: “Xã Vũ Di là nơi văn vật với nhiều người đỗ đạt khoa trường, nhưng chưa có văn chỉ để thờ cùng tiên hiền khi mở việc học. Nay các vị hào mục trong xã đứng ra lập văn chỉ, đồng thời khắc họ tên các vị khoa trường của bản xã như Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Bá Dung, Nguyễn Đình Phương...”.
Văn bia Bản xã Văn hội bi 本社文會碑(N013791-94), dựng niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) Tiến sĩ Tô Thế Huy đã cho biết về sự tồn tại của ngôi văn miếu này như sau: “Xã Bồ Sao là nơi sản sinh nhiều anh tài nhưng trước đây chua có miếu thờ tiên hiền, nay các vị trong Văn hội gồm các ông Nguyễn Công Bao, Nguyễn Tuấn Vĩ, Nguyễn Viết Luân đứng ra xây dựng miếu tiên hiền”.
Xây dựng, trùng tu quán: Việc xây dựng các ngôi quán ở Vĩnh Tường không nhiều, tiêu biểu có bia Hưng công 興功(N013623-25), dựng niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734) thuộc thôn Hương Phú, xã Lương Điền, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Bình Dương) cho biết có ông Uy viễn tướng quân Lê Đắc Nam đã bỏ tiền mua trụ đá, xây quán đá gồm 3 gian, sau đó đến năm 1734, các con của ông là Trì uy Tướng quân Lê Đình Giáp và vợ Bùi Thị Cẩm; Nho sinh Lê Kim Giai, vợ Kim Thị Phúc, con gái Lê Thị Dưỡng, Lê Thị Dung, Lê Thị Liên noi theo gương cha, cùng nhau đóng góp tiền sửa sang quán đá được hoàn thiện hơn.
2. Phản ánh việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh
Với mục đích phục vụ cuộc sống của cộng đồng được tốt đẹp hơn, đã có nhiều hoạt động nhằm phát triển cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường như xây dựng trường học, xây cầu, làm giếng...
Xây dựng trường học: Theo kết quả khảo sát toàn tỉnh chỉ có 2 huyện xuất hiện văn bia liên quan đến việc xây dựng trường lớp và đặt học điền đó là Vĩnh Tường và Yên Lạc. Số lượng văn bia liên quan đến vấn đề này chỉ có 10 văn bia, trong đó 7 văn bia thuộc huyện Vĩnh Tường phân bố ở 5 xã sau: Phú Đa 2 bia, Tam Phúc 1 bia, Tuân Chính 2 bia, Tứ Trưng 2 bia và Thị trấn Vĩnh Tường 1 bia. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này còn được ghi lại trong loại bia Hậu, hoặc điều lệ...
Văn bia ghi việc xây dựng trường học sớm nhất ở Vĩnh Tường được ghi nhận trên tấm bia Học xá điền thổ bi kí tập thiện tính danh bi 學舍田土碑記集善姓名碑 (N014252-53), được dựng vào niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) tại văn chỉ xã Văn Trưng và Lăng Trưng. Theo nội dung văn bia cho biết: “Hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng tập hợp mọi người thiện tín, lấy chân Nho đạo học để nối tiếp chính mạch tư văn. Có thân thương dùm bọc, giúp đỡ nhau trong xóm làng, mới tiếp nhận hào quang; có chính học thi tài ở quận huyện, nuôi dưỡng cánh chim bằng, mới bay liệng trên trời cao, tiềm du vào phán thủy, có tỏ chí khí tiết nuốt trâu, dần bước vào huỳnh xá, đều sẽ trổ tài nhả phượng. Khoa cử luôn trọng vọng, mũ áo giúp xênh sang, tất thảy do hào kiệt ở phía tây. Thế rồi mọi người trên dưới già trẻ trong làng bàn bạc với nhau rằng: Làng ta là nơi văn vật, sinh ra nhân tài ở đây, chẳng phải không nhiều, người ham chuộng thi thư ở đây, không phải là ít, nhưng trường học của làng chưa dựng, giáo pháp còn thô sơ, e rằng việc học sẽ do từng hộ khởi phát, triệt đường tiến bước, dường như chẳng phải là để dẫn dụ hậu học, chấn tác văn phong. Nay bèn cùng nhau không hẹp hòi gia sản, quyên góp ruộng đất, cộng được 37 thửa, tổng là 4 mẫu 7 sào 5 thước. Trong đó trích 3 sào đất lưu làm trường học còn 4 mẫu 4 sào 5 thước lưu làm học điền” . Việc xây dựng ngôi trường và công lao đóng qóp quỹ học có đến 50 người tham gia, trong đó có Tri phủ Quốc Oai Nguyễn Đình Toản, Giám sinh Đặng Duy Giám, Nho sinh Đỗ Tế Mỹ.... Theo văn bia Học xá điền thổ bi kí tập thiện tính danh bi cho thấy ngôi trường có diện tích khá lớn, được tọa lạc trên mảnh đất 3 sào, nội dung văn bia không cho biết quy mô cụ thể là bao nhiêu gian. Tuy nhiên, vấn đề này được thông tin trên bia Tăng tạo hương học bi kí 曾造鄉學碑記(N014250-51), được dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), tức là sau 149 năm, việc trùng tu đã được ghi lại cụ thể như sau: “Hai xã Lăng Trưng và Văn Trưng vào niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đã góp công của xây dựng chung một ngôi trường làm nơi cho con em học tập. Ngôi trường qua nhiều lần tu sửa, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851) Tri phủ họ Trần nhân trường cũ mà cải tạo, xây dựng thành ngôi trường mới gồm 10 gian”.
Ngôi trường thứ 2 của huyện Vĩnh Tường được xây dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 ( 1767) tại xã Phú Đa. Theo văn bia Hương Trại điều lệ鄉賽條例(N014531) ghi rằng: “Hễ thành phong tục không gì bằng việc học, mới cùng nhau đóng góp gia tài trong nhân dân được 800 quan tiền cổ, trích lại một phần để dựng 2 dãy nhà học, mỗi dãy 5 gian tọa lạc tại xứ Doanh Sung”. Ngôi trường thứ 3 được biết qua văn bia Vô đề無題(N013933) được đặt ở Từ đường họ Lê, xã Định Hương ghi rằng vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17 (1756) vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh đã dùng xã 3 sào ruộng, ao và vườn để con cháu xây trường học cho dòng họ. Ngôi trường thứ 4 được đặt tại xã Thế Trưng (nay là Tứ Trưng), theo bia Hậu Phật bi kí後佛碑記(N014255) đặt tại chùa Phổ Cung, niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864) cho biết vào niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859) xã Thế Trưng xây dựng văn chỉ và trường học, ông Nguyễn Đình Tiền và vợ lẽ người họ Lê là người bản xã đã bỏ ra 100 quan và 3 sào ruộng cho bản xã làm kinh phí xây dựng trường học.
Cùng với việc xây dựng trường học, có nhiều văn bia trên địa bàn huyện Vĩnh Tường ghi nhận việc nhân dân đóng góp vào quỹ “học điền” dùng để khuyến khích việc học đối với người dạy học (thầy giáo) và học sinh. Số tiền, ruộng này trích cho dùng vào việc học tập. Theo văn bia Bản xã học điền bi chí 本社學田碑記(N014359-60), dựng vào niên hiệu Tự Đức 20 (1862) ghi rằng: “Các bậc thế gia, cũng như những nhà bình dân không có sách, không có thầy, nếu như đặt ruộng giúp vào việc học thì đó là làm việc thiện vậy”. Theo các điều lệ số 4 của văn bia này đã quy định rõ về lương cho thầy gồm 6 mẫu 2 thước do thầy chọn người lĩnh canh, người trong ấp không được tranh chấp. Hoặc thầy giáo có người nhà được lĩnh canh cũng được. Điều thứ 6 quy định “mỗi năm vào 3 tiết Đoan ngọ, Thường tân và Nguyên đán mỗi tiết mừng thầy 2 quan tiền, y phục hàng năm trị giá 6 quan”. Còn đối với học trò được quy định theo điều 7 cho biết “Người nào đích thực theo việc học thì miễn chi việc binh dịch... người nào đỗ Tú tài mừng tiền 20 quan, 1 đôi cấu đối bằng gấm đỏ, đỗ Cử nhân mừng 40 quan, 1 bức trướng gấm, đỗ Tiến sĩ mừng 80 quan 1 bức trướng gấm Trung Quốc thêu hoa”.
Xây dựng cầu: Nội dung văn bia phản ánh về việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn có một số văn bia ghi việc xây dựng cầu. Trong số 33 bia có nội dung phản ánh việc làm cầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8 bia thuộc huyện Vĩnh Tường. Chỉ trên trên địa bàn xã Bình Dương đã ghi nhận sự xuất hiện của 3 cây cầu. Thứ nhất là cây cầu đá ở xứ Cầu Dương trên bia Kiều Dương xứ tạo bi橋陽處造碑(N013651-52) được dựng vào năm Kỉ Mão niên hiệu Chính Hòa (1699) do 40 thái ông, lão bà của xã Phong Đăng đã cùng nhau đóng gióp xây dựng. Cũng trên địa phận xã Phong Đăng còn có cây Cầu Quán do 50 người thuộc các xã Phong Đăng, Lan Điền, Tề Lỗ và Thượng Trưng đóng góp xây dựng được ghi nhận trên văn bia Tu tạo kiều quán bi kí 修造橋館碑記(N013660-61). Cây cầu này có thể ở giáp gianh của 4 xã, nên khi xây dựng đã nhận được sự đóng góp của nhân dân quanh vùng vào niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694). Trên địa phận xã này còn có 1 cây cầu đá khác được ghi trong Thạch kiều bi kí石橋碑記(N013656-59) xây dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 (1777) với sự đóng góp của 50 người dân trong vùng.
Trên văn bia Tu tạo kiều lương thạch trụ修造橋梁石柱 (N014147-80) thuộc địa bàn xã Bàn Mạch (nay là xã Lý Nhân) cho biết vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) dân làng có xây dựng 1 cầy cầu đá. Phần lớn các cây cầu ở địa phận huyện Vĩnh Tường đều được xây bằng chất liệu đá. Tuy nhiên, trên văn bia Tạo lập cống kiều bi kí (N014351-52) dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) còn cho biết, dân xã ngoài việc công đức để xây dựng 1 xây cầu đá mới, 1 chiếc cống đá còn cho tu sửa lại 1 chiếc cầu bằng gỗ 3 gian để giúp dân đi lại được dễ dàng. Ở xã Vũ Di cũng ghi nhận 1 trường hợp xây dựng cầu đó là bia Bản xã tạo kiều bi kí本社造橋碑記(N014217-18) dựng vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706). Như vậy, phần lớn các cây cầu được phản ánh trên văn bia huyện Vĩnh Tường đều được xây mới vào thời Lê Trung hưng, còn thời Nguyễn việc xây dựng cầu không nhiều.
Đào giếng: Trong cấu trúc làng truyền thống xưa còn có một nơi để sinh hoạt cộng đồng chung đó là giếng làng. Giếng nước có vai trò vô cùng thiết yếu đối với cuộc sống của một cộng đồng dân cư. Văn bia huyện Vĩnh Tường cho biết việc đào giếng sớm nhất được ghi nhận trên văn bia vào niên hiệu Hưng Trị thứ 4 (1591) thời nhà Mạc trên văn bia Tân tạo Ngọc hoàng chư Phật Bảo Quang tự bi kí新造玉皇諸佛寶光寺碑記 (N04949) cho biết vào năm 1590 dân xã công đức làm một chiếc giếng trong khuôn viên của chùa Bảo Quang. Việc đào giếng thường được gộp vào với các công việc khác như xây đình, làm chợ... trên văn bia Tu tạo quán đình giếng xứ修造館亭汫處(N04964-65) dựng vào niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) cho biết rõ điều này.
3.Phản ánh về phong tục, tập quán của người dân trong lịch sử
Bia Hậu nói chung ngoài việc khắc lại những thông tin về họ tên, ngày giỗ của bên bầu Hậu thì nội dung bia Hậu còn có tính chất nêu gương tốt (về phẩm chất và đạo đức) để đời sau noi theo. Từ “Hậu” ở Việt Nam được dùng bằng các chữ Hán có âm đọc là Hậu (後,后,厚) hoặc âm Hầu (侯) được dùng thông nghĩa với nhau và được coi như một danh từ và được hiểu là [đối tượng] phối thờ ở phía sau Phật. Trong các hoạt động làng xã Việt Nam, các vị Hậu còn được gọi chung một cái tên rất dân dã, chung nhất là “cụ Hậu”, là những người có công lao đóng góp tiền của, vật chất (bằng nhiều hình thức khác nhau như tự nguyện hoặc được làng xã vận động) nên được các cơ sở tôn giáo, các tổ chức làng xã, khu dân cư và được nhân dân thờ cúng, dựng bia tôn vinh. Do đó, ở Việt Nam đối tượng được bầu làm Hậu rất phong phú: Người được phối thờ sau Phật ở chùa gọi là Hậu Phật/後佛, phối thờ sau Thần tại đình gọi là Hậu Thần/後神, phối thờ sau đức Khổng Tử tại từ chỉ, văn chỉ gọi là Hậu Hiền/後賢, phối thờ sau Thánh tại đền/miếu là Hậu Thánh/後聖, hoặc Hậu Đình/後亭phối thờ sau các vị Tiền hiền lập làng tại ngõ xóm gọi là Hậu Ngõ/後儣, phối thờ sau các vị Tiên tổ tại Từ đường của một dòng họ gọi là Hậu Tộc/後族...
Bầu Hậu Phật: Văn bia Hậu của tỉnh Vĩnh Phúc có 254 văn bia, riêng văn bia của huyện Vĩnh Tường chiếm 157 văn bia. Trong đó có 114 bia Hậu Phật, 37 bia Hậu Thần, 4 bia Hậu Hiền và 2 bia Hậu Tộc. Tấm bia Hậu có niên đại sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc thuộc về huyện Vĩnh Tường là Vĩnh truyền Hậu Phật tướng bi kí永傳後佛相碑記(N04979-80), được dựng vào niên đại Cảnh Trị thứ 2 (1664) tại chùa Sùng Ninh, xã Định Hương, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường (nay là xa Cao Đại). Văn bia ghi việc bà Lê Thị Khám, hiệu Từ Ý người bản xã có 2 người con gái, nghĩ mình tuổi đã già, sớm tối không biết thế nào, nên cúng 5 dật bạc, 12 thửa ruộng, trị giá 100 gánh lúa cho làng chi dùng, nên được bầu làm Hậu Phật. Trên văn bia Hậu Phật ở Vĩnh Tường cho thấy các đối tượng trực tiếp đóng góp của cải vật chất để làng bầu Hậu phần lớn là phụ nữ. Sự có mặt của phụ nữ trong các bia Hậu Phật cho thấy các hoạt động về tín ngưỡng Phật giáo luôn được phái nữ quan tâm tham gia chia sẻ nhiều hơn nam giới. Bởi lẽ, xã hội phong kiến xưa chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, người phụ nữ không được coi trọng (ví dụ tư tưởng "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, chỉ có đinh nam mới được ghi tên vào sổ bạ..), nên người phụ nữ ít có cơ hội được tham gia vào các nghi thức cúng tế lớn của làng xã nơi tập thể. Người phụ nữ muốn được vinh danh, người đời nhớ đến họ, vậy ngôi chùa sẽ là nơi phù hợp nhất đối với họ, chốn thiền môn thì luôn rộng mở không phân biệt nam nữ, là nơi từ bi hỷ xả, bao dung tất thảy. Bên cạnh đó, lệ bầu Hậu Phật cũng không quá khắt khe như lệ bầu Hậu Thần, Hậu Hiền ... ngoài ra điều kiện đóng góp cho nhà chùa rất nhẹ nhàng. Theo bia Trần thị Hậu Phật thần tượng 陳氏後佛神像(N049820) dựng niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) tại chùa Sùng Ninh, xã Định Hương, huyện Bạch Hạc (nay là xã Cao Đại) có bà Trần Thị Văn, hiệu Đạo Đức người bản xã đã đóng gióp 50 quan cùng 1 thửa ruộng trị giá 7 gánh lúa, nên được bầu làm Hậu Phật. Giá trị đóng góp để được bầu Hậu Phật chỉ từ 30-50 quan, kèm theo một số ruộng từ vài sào đến 1 mẫu. Thông thường mỗi văn bia được dựng chỉ để ghi việc bầu 1 vị Hậu, tuy nhiên cũng có những văn bia ghi nhận cả một tập thể, hầu hết là phụ nữ như trên bia Hậu Phật bi ký後佛碑記 (N013765), dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 1 (1848) cho biết có 4 bà họ Nguyễn, 1 bà họ Lê, 1 bà họ Trịnh và 1 bà họ Phan, mỗi người bỏ ra 7 quan tiền làm nhu phí bắc cầu qua con ngòi nhỏ nên được bầu làm Hậu Phật.
Bầu Hậu Thần: Loại này chiếm vị trí thứ 2 sau Hậu Phật. Ccũn giống như chùa, ở đình cũng thờ những người được bầu Hậu, đó là Hậu Thần, là những vị được thờ sau Thần. Theo kết quả khảo sát, bia Hậu Thần của toàn tỉnh là 164 văn bia, trong đó riêng huyện Vĩnh Tường có 37 bia là địa phương có số lượng bia Hậu Thần xếp thứ 2, sau huyện Bình Xuyên. Những người được bầu làm Hậu Thần thường phải bỏ ra một khoản tiền nhất định đóng góp cho dân xã chi tiêu việc công, chủ yếu là sửa chữa đình. Bia Hậu Thần bi kí 後神碑記 (N014227-28), dựng niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861) ghi việc là Nguyễn Thị Loát, người bản xã tự nguyện bỏ ra 100 quan tiền và 5 sào ruộng làm nhu phí cho dân tu sửa đình, nên được bầu làm Hậu Thần. Ngoài việc chính là sửa đình, số tiền còn được dùng để xử lý các việc khác trong làng xã như chi vào việc làm sổ sách, theo bia Hậu Thần bi kí, (14162), dựng tại đình xã Yên Cát, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1904) cho biết ông họ Hoàng, tự Phúc Trưng người xã Yên Cát, vào năm Kỉ Sửu nhân xã làm sổ sách, cần chi tiêu ông và vợ đã bỏ ra 400 quan tiền dùng cho công việc, nên dân xã bầu ông bà làm Hậu Thần.
Nội dung văn bia Hậu nói chung, đặc biệt là văn bia Hậu Thần suốt từ thế kỉ thứ XVII trở đi trên khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng đâu đâu cũng thấy ghi về việc các tầng lớp nhân dân hưng công đóng góp tiền riêng để chi trả việc đóng thuế và quan dịch cho nhà nước. Các loại thuế khóa quan dịch của nhà nước phong kiến đã đè nặng lên đôi vai của họ, nguồn thu từ túi tiền của nhân dân đã phần nào đảm bảo cho các khoản thuế khóa, binh dịch cho triều đình. Người trực tiếp đứng ra, thay mặt triều đình tháo gỡ khó khăn về tài chính là bộ máy chính quyền địa phương. Thông thường người có chức sắc trong làng, họ cũng đứng vai trò là người đại diện cho làng xã sở tại, điều đó có thể thấy rõ trong nhiều tấm bia ở huyện Vĩnh Tường như Hậu Thần ki bí 後神碑記(N013849) ghi việc ông Nguyễn Hữu Dũng, người bản thôn đã bỏ ra 5 sào 12 thước ruộng cho làng dùng vào việc quan dịch, nên bầu ông làm Hậu Thần. Đối tượng được bầu Hậu Thần, chủ yếu là tầng lớp bình dân, tuy nhiên trong văn bia huyện Vĩnh Tường có ghi nhận khá nhiều trường hợp là các vị quan chức của làng xã. Đó là trường hợp Đô tổng binh Phong Lĩnh hầu Nguyễn Trung Nghĩa và Đô đốc Lệ Quận công Nguyễn Khiêm Tố, do công lao và sự đóng góp trọng hậu của 2 vị nên nhân dân xã Phú Đa, huyện Tiên Phong đã bầu 2 ông làm Hậu Thần vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767) (N014535). Hay trường hợp Thập lý hầu, Thiêm sự Trần Bá Thành và vợ được ghi trên bia Tiên lập Hậu Thần tượng bi先立後神像碑(N014379-81), dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778) ghi nhận ông bà đã bỏ ra 750 quan giao cho giáp Nam, giáp Trung, giáp Đông và Đoài mỗi giáp 150 quan chi dùng vào việc công. Năm giáp trong thôn đã tôn bầu ông bà làm Hậu Thần.
Bầu Hậu Hiền: Theo kết quả khảo sát của Nguyễn Hữu Mùi, văn bia Hậu Hiền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 12 văn bia, trong đó huyện Vĩnh Tường chiếm 4 bia. Văn bia sớm và đặc biệt đó là bia Hậu Hiền Thần tu tạo thạch bi truyền kí後賢神修造石碑傳記(N014181-83), dựng tại từ đường họ Hoàng, khắc vào niên hiệu Bảo Thái thứ 3 (1722) do Tiến sĩ Đỗ Hy Thiều soạn cho biết: Phó cai hợp Thị nội Thư tả Hình phiên huyện thừa Hoàn Kim Toàn cùng vợ người xã Đan Dương Hạ, huyện Bạch Hạc và vợ là Lê Thị Xuân làm điều thiện. Ông bà đã cúng cho Hội tư văn của bản xã tiền và ruộng tổng cộng là 965 quan để chi dùng vào việc hương khói hàng năm. Dân làng tôn bầu làm Hậu Hiền và Hậu Thần. Đây là trường hợp khá đặc biệt là một người vừa được bầu Hậu Thần lại được bầu cả Hậu Hiền. Số văn bia Hậu Hiền còn lại là 3 bia được tập trung tại văn chỉ thôn Quý Mãn, xã Lương Điền, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay là xã An Tường) tất cả đều được dựng dưới thời Nguyễn. Năm Duy Tân thứ 4 (1910) dựng 2 bia, niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923), tất cả văn bia đều ghi nhận 3 trường hợp được bầu Hậu Hiền đều là nữ giới. Bia Hậu Hiền bi kí後賢碑記(N013628) ghi nhận trường hợp bà Trần Thị Chuyên người bản thôn đã bỏ ra 60 đồng, 60 đấu gạo để tu sửa văn từ. Bia Hậu Hiền bi kí後賢碑記(N013629) ghi nhận trường hợp bà họ Nguyễn cũng bỏ ra 60 đồng, 60 đấu gạo để tu sửa văn từ, sau bà còn bỏ ra 3 sào ruộng cho thôn cầy cấy. Bia Hậu Hiền bi kí後賢碑記(N013629) cho biết bà Vũ Thị Định người bản thôn đã bỏ ra 20 đồng, 60 đấu gạo để tu sửa văn từ.
Bầu Hậu Tộc: Loại này được ghi nhận trên văn bia huyện Vĩnh Tường chỉ có 2 bia, sớm nhất là bia Hậu Tổ bi後祖碑(N014261) dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863) tại từ đường họ Nguyễn, xã Thế Trưng, tổng Kiên Cương, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Tứ Trưng). Văn bia ghi nhận vào niên hiệu TựĐức thứ 16 (1853) dòng họ Nguyễn cho trùng tu nhà Từ đường. Vợ chồng ông Nguyễn Đình Tín là trưởng chi đã cúng 200 quan và 6 sào ruộng để đến đáp hiếu đễ. Dòng họ đã bầu ông và 2 người vợ của ông làm Hậu Tổ. Một tấm bia khác cũng ghi nhận việc bầu Hậu Tộc nhưng có tên là Kí kỵ thạch bi記忌石碑(N013822), dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851), tại từ đường họ Phạm xã Bồ Sao, huyện Bạch Hạc (nay là xã Bồ Sao), cho biết: “Vào năm Ất Dậu, họ Phạm làm 3 gian tiền đường, kinh phí tốn kém. Ông Phạm Đình Hán và vợ Hà Thị Tiền cúng cho dòng họ 100 quan và 3 sào ruộng. Toàn họ nhất trí bầu làm Hậu đường”.
Tập tục lập Hậu là một nét văn hóa độc đáo trong nền văn hóa Việt Nam, thực chất nó được xuất phát từ tình cảm chia ngọt sẻ bùi, lá lành đùm lá rách, hay nói một cách khác những người có điều kiện về vật chất đã chung tay chia sẻ những khó khăn đối với cộng đồng làng xóm. Nghiên cứu về bia Hậu nói chung đã phần nào giúp chúng ta tìm hiểu thêm về phong tục tập quán cũng như tình hình kinh tế của xã hội phong kiến xưa ở Vĩnh Tường.
4. Kết luận:
Huyện Vĩnh Tường hiện là địa phương có số bia đứng đầu của tỉnh Vĩnh Phúc với 321 đơn vị trên tổng số 938 đơn vị văn bia của toàn tỉnh. Với địa thế được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi về đường giao thông, làng mạc trù phú, dân cư đông đúc... chính những điều đó là lý do khiến văn bia nơi đây khá phát triển. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, với 321 đơn vị được dựng từ niên hiệu Đoan Thái (1585-1587) nhà Mạc, đến niên hiệu Bảo Đại (1926-1945) trên địa bàn huyện đã phản rất nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của người dân Vĩnh Tường xưa. Nhân hướng tới kỷ niệm 200 năm thành lập huyện Vĩnh Tường (1822-2022) bài viết thông qua hệ thống văn bia đã cung cấp cho người đọc cái nhìn khái quát nhất về mảng tư liệu này. Nổi bật và có giá trị hơn cả được văn bia Vĩnh Tường phản ánh trên 321 đơn vị văn bia có ba nội dung đó là: việc xây dựng, trùng tu các công trình công cộng về tín ngưỡng; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và phong tục tập quán của người dân trong lịch sử. Ngoài ra, còn có một số nội dung khác như sử kiện, quyền hát cửa đình, xây dựng các quy ước điều lệ, gia phả, gửi giỗ, khắc gia huấn... chưa được đề cập trong bài viết này, mong rằng những vấn đề đó sẽ được tiếp tục giới thiệu ở một công bố khác.
N.K.M
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huyện uỷ - Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc (2018), Địa chí Vĩnh Tường, NXB. Thế giới, Hà Nội, tr.63.
2. Quốc Sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, NXB Thuận Hoá, Huế, tr.193.
3. Lê Văn Cường (2009), Tìm hiểu văn bia hậu thời Tây Sơn, luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Danh mục văn khắc Hán Nôm (bản đánh vi tính) 33 tập, lưu tại phòng Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, bản lưu hành nội bộ.
5. Nguyễn Thị Kim Hoa (2011), Nghiên cứu Văn bia Hải Phòng, luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
6. Nguyễn Quang Hồng (1992), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tuyển chọn-Lược thuật, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Trịnh Khắc Mạnh (2010), Thư mục Thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, 11 tập, Viện NCHN và EFEO Trường Cao học Thực hành (Cộng hoà Pháp) hợp tác xuất bản (8 tập) NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
8. Nguyễn Hữu Mùi (2006), Nghiên cứu văn bia khuyến học Việt Nam, luận án Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
9. Nguyễn Hữu Mùi chủ biên (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở văn hóa Thể thao Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc.
10. Nguyễn Hữu Mùi (2015), Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu văn từ văn chỉ ở Vĩnh Phúc, Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, tr.276-277.
11. Nguyễn Hữu Mùi (2021) Hoạt động khuyến học ở Việt Nam thời quân chủ, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Thịnh (2009), Văn bia thời Lí, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
13. Đinh Khắc Thuân (2001), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Đinh Khắc Thuân (2021), Văn khắc Hán Nôm thời Mạc, tư liệu và khảo cứu, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
15. Phạm Thị Thùy Vinh (2003), Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã, NXB. Văn hóa Thể thao, Hà Nội.
16.https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%A9nh_T%C6%B0%E1%BB%9Dng, cập nhật ngày 2/6/2022.