Vĩnh Phúc: Thần sắc nguồn tư liệu có giá trị trong tìm hiểu tín ngưỡng thờ Thành hoàng của huyện Vĩnh Tường

TS. Trần Thị Thu Hường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm

26/11/2022 07:09

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận của TS. Trần Thị Thu Hường - Viện Nghiên cứu Hán Nôm " Thần sắc nguồn tư liệu có giá trị trong tìm hiểu tín ngưỡng thờ Thành hoàng của huyện Vĩnh Tường " tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.

lanh-dao-vinh-phuc-chuc-mung-hoi-thao-1669338412.jpg
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa chúc mừng Hội thảo " 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)"

Thần sắc là một loại cổ vật quý giá, tài sản chung của cả làng xã nên thường được lưu trữ tại đình (đền, miếu). Việc khảo cứu hệ thống văn bản và giá trị nội dung thần sắc, góp phần tìm hiểu tín ngưỡng thờ thần thành hoàng làng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường là việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tiến hành khảo cứu hệ thống văn bản thần sắc huyện Vĩnh Tường hiện lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội (VTT) và văn bản thần sắc lưu trữ tại địa phương (trên cơ sở cuốn Sắc phong Vĩnh Phúc (toàn tập)) . Từ đó, đưa ra một cái nhìn tổng quan về đặc điểm hệ thống văn bản thần sắc huyện Vĩnh Tường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa đặc biệt này trong đời sống xã hội đương đại của Vĩnh Tường nói riêng và Việt Nam nói chung. 
1.    Hệ thống văn bản thần sắc của huyện Vĩnh Tường
1.1.    Thần sắc lưu trữ tại VTTKHXH
Trên cơ sở cuốn Thư mục Thần tích Thần sắc của VTT (bản khai năm 1938), chúng tôi đã thống kê được một lượng lớn các đạo sắc phong thần (SP) và văn bản thần tích (TT) được thờ trong các ngôi đình (đền, miếu) tại các làng xã trên địa bàn phủ Vĩnh Tường . Cụ thể như sau:

than-sac-1669338411.png
 
than-sac1-1669338411.png
 
than-sac2-1669338411.png
 
than-sac3-1669338411.png
 
than-sac4-1669338411.png
 
than-sac5-1669338411.png
 
than-sac6-1669338411.png
 
than-sac7-1669338412.png
 
than-sac8-1669338411.png
 
than-sac9-1669338412.png
 

Qua bảng thống kê trên cho thấy,tư liệu thần sắc của các làng xã trên địa bàn phủ Vĩnh Tường hiện đang được lưu trữ tại VTTKHXH, gồm có 170 SP thần và 8 danh mục SP. Đây là những sắc phong (Thần sắc) được các triều đại phong kiến Việt Nam ban cho các vị thần có công lao trong việc hộ quốc tí dân, được tôn thờ tại các di tích đình (đền, miếu) ở 25 làng thuộc các xã trong 06 tổng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường  trong lịch sử.
1.2.    Thần sắc lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu bổ di I quyển thượng (Thần sắc, Thần tích, Tục lệ), Trần Nghĩa (chủ biên), NXB. KHXH năm 2002 thì thần sắc tỉnh Vĩnh Yên chỉ có 01 bản viết, gồm 38 trang chữ Hán, ký hiệu AD.a8/1, ghi thần sắc 04 xã thuộc huyện Bạch Hạc  tỉnh Vĩnh Yên mà không có bản thần sắc nào của huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên.
1.3.    Thần sắc lưu trữ tại huyện Vĩnh Tường
Do chưa có điều kiện điền dã tại các di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, nên dựa theo Sắc phong Vĩnh Phúc toàn tập (Lê Kim Thuyên ), do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Vĩnh Phúc xuất bản năm 2012, chúng tôi thống kê được số lượng sắc phong của huyện Vĩnh Tường  như sau:

vi-than-1669338412.png
 
vi-than1-1669338412.png
 
vi-than2-1669338412.png
 
vi-than3-1669338412.png
 
vi-than4-1669338412.png
 

Theo số liệu từ Sắc phong Vĩnh Phúc (toàn tập), số lượng SP trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có 175 đạo, được lưu trữ tại 16 ngôi đình, 05 ngôi đền, 02 ngôi miếu và phòng truyền thống xã, của 17 xã thuộc huyện Vĩnh Tường. Số SP này đã được tác giả cuốn sách giới thiệu về nơi (di tích) lưu trữ, tên thần, ảnh chụp nguyên bản SP , phiên âm, dịch nghĩa từng SP . 
Như vậy, từ Thư mục Thần tích Thần sắc của VTT và Sắc phong Vĩnh Phúc (toàn tập) do Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Vĩnh Phúc xuất bản cho biết, số thần sắc trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hiện còn khoảng hơn 170 đạo. Số SP này được lưu trữ chủ yếu tại ngôi đình - nơi thờ Thành hoàng làng, ngoài ra còn có ở đền và miếu. Số SP được lưu trữ ở các di tích tại địa phương nhiều hơn so với SP mà VTT đã công bố. Một trong những lý do khiến SP lưu truyền tại lưu tại VTT (khai năm 1938) ít hơn số SP lưu tại địa phương (Sắc phong Vĩnh Phúc (toàn tập)) do tác giả Lê Kim Thuyên đã thực hiện điều tra, điền dã thực địa ở các di tích (đình, đền, miếu) tại địa phương. Chúng ta biết rằng, nguồn di sản Hán Nôm phần lớn đã được sưu tầm, lưu trữ và bảo quản tại các thư viện , nhưng nguồn tư liệu này hiện vẫn đang được lưu truyền rải rác trong dân gian mà chúng ta vẫn chưa sưu tầm được hết và chưa bảo quản một cách đúng mức.Trường hợp 11 đạo SP hiện lưu trữ tại phòng truyền thống xã Vũ Di là một ví dụ, số SP này không có trong Thư mục Thần tích Thần sắc của VTT, đình làng Cát  thì không còn, nên những SP này được lưu trữ tại phòng truyền thống của xã Vũ Di . Thư mục Thần tích Thần sắc thống kê các SP của các làng xã thuộc phủ Vĩnh Tường theo địa danh hành chính thời Nguyễn, khác với Sắc phong Vĩnh Phúc (toàn tập) thống kê các SP ở các di tích của các xã thuộc huyện Vĩnh Tường theo địa danh hành chính mới,vào thời điểm cuốn sách được xuất bản (2012). Vì vậy, tên làng xã giữa hai sách trên có sự khác nhau. Tên một số các vị thần trong hai cuốn thư mục thần sắc cũng có sự khác nhau, có thể là do sách thì ghi tên hiệu, sách lại ghi tên tự, mỹ tự,… của thần .Từ cứ liệu thống kê trên, giúp người đọc đối chiếu, bổ sung cho nhau, nhằm cung cấp những thông tin khá đầy đủ về hệ thống các vị thần thành hoàng làng được thờ tại các ngôi đình, đến, miếu trên địa bàn Vĩnh Tường trong lịch sử.
Văn bản thần sắc (khoảng hơn 170 đạo) Hán Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hiện còn là nguồn di sản quý giá và đáng trân trọng. Điều đó trước hết phải kể đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn di sản văn hóa đặc biệt này được triển khai sâu rộng từ các cấp chính quyền, các đơn vị chức năng và cộng đồng làng xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường một cách có hiệu quả trong thời gian qua.
Trên cơ sở từ hệ thống văn bản thần sắc huyện Vĩnh Tường nêu trên, bài viết tiến hành khảo cứu một số đặc điểm văn bản và nội dung thần sắc, góp phần tìm hiểu tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng làng tại huyện Vĩnh Tường trong lịch sử. 
2.    Đặc điểmvăn bản thần sắc huyện Vĩnh Tường
Sắc phong nói chung và thần sắc (sắc phong thần) nói riêng đều được viết bằng chữ Hán Nôm, thể chữ chân, nét chữ rõ ràng, đẹp, trên một chất liệu giấy đặc biệt dành cho các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng để viết các SP cho bách quan, bách thần nên dân gian thường gọi là giấy sắc, hay giấy Nghè . Căn cứ vào thể chữ viết trong văn bản thần sắc để nghiên cứu về cách viết chữ Hán Nôm qua từng thời kỳ.
Hoa văn trang trí: trên bề mặt giấy có thếp vàng, hình rồng, mây, chữ vạn,… trên văn bản thần sắc, góp phần nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật trang trí Việt Nam thời phong kiến.
Niên đại văn bản thần sắc: văn bản thần sắc có ghi niên đại cụ thể rõ ràng từ ngày, tháng, niên đại triều vua ban sắc. Văn bản thần sắc của xã Yên Cát phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên là một ví dụ, ghi: 啟定玖年柒月貳拾五日/Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật (ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Đinh thứ  9 (1924)). Với 175 SP trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, được phân bố theo thời gian của ba triều đại:Thời Lê: với các niên đại như: Vĩnh Tộ (1 đạo), Dương Hòa (1 đạo), Phúc Thái (1 đạo), Khánh Đức (1 đạo), Dương Đức (2 đạo), Chính Hòa (3 đạo), Vĩnh Khánh (2 đạo ), Cảnh Hưng (11 đạo), Chiêu Thống (3 đạo), Cảnh Thịnh (5 đạo), gồm 31 đạo , chiếm 17,7%; thời Tây Sơn với niên hiệu Quang Trung, gồm 03 đạo, chiếm 1,7%; thời Nguyễn, gồm 141 đạo, chiếm 80,5%. Trong đó, thần sắc mang niên đại thời Nguyễn chiếm số lượng nhiều nhất. Văn bản thần sắc huyện Vĩnh Tường có niên đại sớm nhất là năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628)  đời vua Lê Thần Tông, sắc phong cho hai vị thần: Đô Hộ Đại Vương và Ả Lã Nương Đê, thờ tại đình làng Tuân Lộ, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Thần sắc có niên đại muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924) đời vua Nguyễn Hoằng Tông, như sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, tại đền làng Cẩm Triền, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường; hay sắc phong cho thần Bát Hải Long Vương, thôn Yên Cát, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường,…
Bố cục văn bản thần sắc: Thần sắc là văn bản của triều đại Nhà nước phong kiến, do nhà vua phong tặng cho bách thần nên bố cục văn bản tương đối thống nhất theo thể thức công văn của Nhà nước phong kiến. Tuy nhiên ở mỗi triều đại lại có đôi nét khác biệt.
Sắc phong thần thời Lê có bố cục thường là: chữ đầu tiên trong văn bản (phía bên phải) là chữ “sắc” (sắc lệnh, tờ chiếu mệnh của vua ban cho bách thần); danh hiệu phong tặng;lý do ban sắc,tên thần,…; hai chữ cuối trong phần nội dung sắc là chữ “cố sắc” (Nay ban sắc); dòng niên đại ghi rõ ngày, tháng, niên hiệu vua ban sắc (phía bên trái sắc) và có đóng dấu son hình vuông màu lên dòng niên đại. 
Sắc phong thần thời Nguyễn thường có bố cục: chữ đầu tiên trong văn bản (phía bên phải) là chữ “sắc” (sắc lệnh, tờ chiếu mệnh của vua ban cho bách thần); tên địa danh nơi thờ thần, tên thần, danh hiệu phong tặng,… hai chữ cuối trong phần nội dung sắc là chữ “Khâm tai” (Kính vậy thay); dòng niên đại ghi rõ ngày, tháng, niên hiệu vua ban sắc (phía bên trái sắc) và có đóng chèn hình con dấu vuông màu son lên dòng niên đại.
3.    Nội dung thần sắc và giá trị trong tìm hiểu tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng tại huyện Vĩnh Tường
Mỗi di tích thờ thần thường gắn liền với một truyền thuyết, lai lịch của một vị thần, có thể là Thiên thần hoặc Nhân thần và thường được vua ban tặng sắc phong. Hệ thống thần Thành hoàng làng Việt Nam nói chung thường thờ 02 hệ thần, gồm: Thiên thần và Nhân thần. Vậy hệ thống các vị thần thành hoàng được thờ ở Vĩnh Tường như thế nào? Theo Thư mục Thần tích Thần sắc trên cho thấy, đình (đền, miếu) làng xã trên địa bàn Vĩnh Tường thờ 02 hệ thần là Thiên thần và Nhân thần, trong đó chủ yếu là các vị Nhân thần.
Thiên thần , tín ngưỡng thờ các Thiên thần tại huyện Vĩnh Tường gồm 8 làng thờ với 10 vị thần thành hoàng: làng Vân Ổ (không rõ tên); làng Xuân Húc (Thổ Lệnh); làng Diêm Xuân (An Giang); làng Lũng Ngoại(Lê Thuồng Luồng, Lê Ngọc Thanh, Lê Ngọc Chính); làng Bạch Hạc (Thổ Lệnh); làng Xuân Chiểu(Tản Viên Sơn); làng Phù Cốc (Ả Lã Lương Đê), làng Phù Lập (Lã Nam Đế A Lã Nàng).
Nhân thần được thờ tại huyện Vĩnh Tường gồm 21 vị: Hùng Chiêu, Hùng Hiển, Cả Lợi, Hai Lợi, Hùng La, Lão Tiên Bà, Nguyễn Nhượng, Phương Dung, Quế Hoa, Hồng Khiến, Đông Hải, Lê Hoàn, Trình Ngọ, Thần Quan, Viết Thạch Cầu Nhi, Đăng Đạo Nga, Đống Vinh, Quí Minh, Cao Tăng, Cao Biền, Đế Vương. Nhân thần được thờ tại các làng xã thuộc huyện Vĩnh Tường chủ yếu là những nhân vật lịch sử từ thời Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý, Trần,… Ngoại trừ nhân vật Cao Biền, viên quan đô hộ nước ta thời Bắc thuộc, không phải người Việt.
Ngoài 02 hệ Thiên thần và Nhân thần, trong bảng danh mục thần sắc Vĩnh Tường còn ghi việc thờ Thủy thần: Bát Hải Long vương và Thành hoàng: Rồng Nàng Bà Miếu,...
Thành hoàng làng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được vua ban sắc phong thường là những vị thần có tên tuổi rõ ràng (tên thần, danh hiệu thần được phong tặng), có công trạng với triều đình. Thần với chức năng là “hộ quốc tí dân”, sau khi mất được dân tôn thờ và được triều đình sắc phong. Hoặc là những người lúc sinh tiền có công khai đất lập làng, là những vị anh hùng của làng xã sau khi mất cũng được phong là Thành hoàng làng.
Hệ thống Thần thành hoàng được thờ tại huyện Vĩnh Tường gồm 02 đẳng cấp: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần (không có cấp Hạ đẳng thần).Thượng đẳng thần và Trung đẳng thần được ghi vào tự điển của triều đình, được cúng tế theo quy chế ấn định.
Thượng đẳng thần, như:Lý Nhã Lang Trung hưng Thượng đẳng thần tại đình Bích Chu (sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924)); Bạch Hạc Tam Giang Trung hưng Thượng đẳng thần tại đình Kim Đê; Cao Tăng Thánh Thần, gia tặng Thượng đẳng Phúc thần, thờ tại đình Đông Viên,… 
Trung đẳng thần: Lê Ngọc Trinh gia tặng Tĩnh Hậu Trung đẳng thần, thờ tại đình Lũng Ngoại xã Lũng Hòa; Minh Quang trung đẳng thần và Quang Ý trung đẳng thần, thờ tại đền làng Trục xã Nghĩa Hưng; Bản thổ Thành hoàngTrung đẳng thần, thờ tại đình thôn Nội, xã Tân Tiến,…
Có một số vị thần Thành hoàng từ cấp trung đẳng thần được phong tặng lên cấp thượng đẳng thần, như: Lân Hổ Đô Thống Đại Vương, thờ tại đình Hương Viên, xã Thổ Tang, năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), năm Duy Tân thứ 3 (1909) được phong cấp Trung đẳng thần, đến năm Khải Định thứ 9 (1924) gia phong cấp Thượng đẳng thần; Hay vị Thông Phán Đại Vương (Nguyễn Nhượng), thờ tại đền Đức Ông, xã Tứ Trưng, năm Duy Tân thứ 3 (1909) phong Trung đẳng thần, đến năm Khải Định thứ 9 (1924) gia phong Thượng đẳng thần,…
Thần sắc huyện Vĩnh Tường cho biết, hầu hết các làng xã đều có một ngôi đình (đền, miếu) để thờ thần Thành hoàng của làng. Trong đó, có làng chỉ thờ 01 vị thần, như: đình làng Phong Doanh, xã Bình Dương; đình làng Diệm Xuân, xã Việt Xuân; đình làng Hòa Loan, xã Lũng Hòa,…Nhưng có làng lại cùng thờ nhiều vị thần khác nhau, như: miếu làng Vĩnh Lại, xã Chấn Hưng thờ 02 vị thần (Cả Lợi, Hai Lợi); đình làng Yên Trù, xã Yên Bình thờ 03 vị thần (Hùng Chiêu, Hùng La, Hùng Hiển), đền Đuông xã xã Bồ Sao, thờ 05 vị thần (Đông Hải Long Vương thượng đẳng thần và 04 cung phi…tôn thần),… Thông thường, mỗi làng thờ một vị Thành hoàng, nhưng cũng có trường hợp một vị Thành hoàng được thờ ở nhiều làng trong một xã, như: thần Lý Nhã Lang được thờ ở làng Bích Chu và làng Thủ Độ xã An Tường; hay hệ thống đình, đền, miếu của các làng Hoà Loan, Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa đều thờ vị thần Lê Ngọc Trinh, hay các làng (Phù Cốc, Phù Lập) thuộc xã Tam Phúc và các làng (Quảng Cư, Tuân Lộ) thuộc xã Tuân Chính đều thờ thần Thành hoàng là bà Triệu Thị Loan và Cao Biền (phu quân của bà Triệu Thị Loan),…
Nội dung văn bản thần sắc cung cấp cho người đọc về tín ngưỡng thờ nữ thần trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, như làng Cẩm Vực, xã Ngũ Kiên thờ 2 vị thần Phương Dung và Quế Hoa; đình làng Tuân Lộ, xã Tuân Chính thờ bà Triệu Thị Loan; đình làng Hòa Loan, làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa thờ thần Lê Ngọc Trinh,… Họ là những nữ thần (nữ thánh, nữ tướng) có công phù vua, giúp nước, cứu dân, được triều đình ban sắc, nhân nhân tôn thờ làm Thành hoàng làng. Hay trường hợp đền Đuông xã Bồ Sao có 16 đạo SP, trong đó có 04 đạo phong cho các Cung phi của Thượng đẳng thần Đông Hải Long Vương, gồm: Minh Thái phu nhân chi thần; cung phi Trinh Thục thuần nhất chi thần; cung phi Hoàng hậu tôn thần; cung phi Trinh Tĩnh tôn thần,…
Như vậy, qua nội dung văn bản thần sắc cung cấp cho người đọc nguồn thông tin chính xác về lai lịch vị thần, địa danh thờ thần, triều đại ban sắc phong thần,… Đây là một nguồn tư liệu có giá trị, truyền tải những thông tin chính xác, làm căn cứ quan trọng trong việc tìm hiểu tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng làng, xác định sự thay đổi tên địa danh làng xã qua các thời kỳ và tìm hiểu về địa danh làng xã cổ củahuyện Vĩnh Tường trong lịch sử.
    Kết luận:
Văn bản thần sắc huyện Vĩnh Tường khá phong phú,có giá trị, cung cấp những thông tin trung thực về tên, hiệu và công trạng của các vị thần, biểu thị sự tôn vinh của vương triều và cộng đồng cư dân với vị thần đó. Mỗi bản thần sắc là một nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện, một số thông tin có thể bổ sung thêm lịch sử. Đây là một loại cổ vật quý giá, mang tính độc bản rất cần được bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quảtrong đời sống xã hội đương đại.
Đình làng và hệ thống văn bản thần sắc của Vĩnh Tường được coi như bảo vật của địa phương, biểu tượng đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam. Thần Thành hoàng được thờ ở đình là vị thần linh cai quản, bảo hộ chung cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, toàn thể dân làng được an cư lạc nghiệp. Thần che chở cho dân chúng địa phương chống lại ác thần, phù giúp người dân được an khang thịnh vượng. Ngài chứng kiến đời sống của dân làng, bảo vệ cho người dân; những người hiền lương được ngài phù hộ, những kẻ gian ác bị ngài trừng phạt. Người dân tôn kính thần Thành hoàng và luôn tôn trọng luật lệ của địa phương, mọi luật lệ và các công việc chung của địa phương đều được họp bàn trong ngôi đình, dưới sự chứng kiến của thần.
Thần sắc- nguồn di sản văn hóa đặc biệt,lưu giữ những thông tin có giá trị trong tìm hiểu tín ngường thờ thần thành hoàng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có giá trị tinh thần lớn lao,ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn. Vì vậy, nguồn di văn thần sắc nói riêng và di văn Hán Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nói chung rất cần được bảo tồn, giải mã và nghiên cứu, nhằm truyền tải những thông điệp từ lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau. Để giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương trở thành nền tảng hình thành nguồn nội lực quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội huyện Vĩnh Tường, đúng vớiý nghĩa danh xưng “Vĩnh Tường”  mà bậc tiền nhân đã đặt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Toan Ánh (2000), Tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Văn nghệ TPHCM.
2.    Phan Kế Bính (2011), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học.
3.    Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng thờ Thành hoàng Việt Nam, NXB. KHXH, Hà Nội.
4.    Nguyễn Đức Dũng (2004), Mấy suy nghĩ ban đầu về di sản văn hóa “sắc phong”, Tạp chí Di sản Văn hóa số 9.
5.    Đỗ Long, Trần Hiệp (1993), Tâm Lý cộng đồng làng và di sản, Nxb KHXH, Hà Nội.
6.    Trần Thị Thu Hường (2004), Văn bia đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII và sự     phản ánh văn hóa tín ngưỡng nơi đình làng, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại     học KHXH và Nhân văn.
7.    Trần Thị Thu Hường (2021), Tín ngưỡng thờ Thần và phụ thờ Hậu Thần tại ngôi đình: khảo cứu từ văn bia Hậu thần Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, số 3 (195) năm 2021, trang 30-38.
8.    Trần Thị Thu Hường, Góp phần tìm hiểu về ngôi đình làng trong lịch sử (qua tư liệu văn bia đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII-XVIII), Nghiên cứu Hán Nôm 2019, NXB. Thế giới, trang 422-434.
9.    Vũ Ngọc Khánh (2002), Thành hoàng làng Việt Nam, NXB. Thanh niên.
10.    Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, NXB. Văn hóa     Thông tin.
11.    Tạ Chí Đại Trường (2014), Thần, người và đất Việt, NXB. Tri thức, Hà Nội.