Vịt xiêm hầm măng

Nói đến món măng hầm vịt xiêm thì nhiều người rành lắm, thậm chí nấu rất ngon, không thua gì mấy tiệm ăn ngoài chợ.
vit-xiem-1661741322.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Hồi đó, ở quê tôi, dường như nhà nào cũng ấp một ổ trứng vịt hoặc nuôi bầy gà gọi là tăng gia và cũng để chuẩn bị cho mấy dịp giỗ quảy. Gà nuôi thường là gà nòi và gà tàu. Còn vịt thì có vịt ta và vịt xiêm. Lúc đó, vịt hãng (vịt ra đời từ lò ấp trứng) cũng còn ít lắm.
Dân ta có truyền thống nhớ tổ tiên. Cho nên khi nói đến đám giỗ thì có nhà một năm tổ chức đến ba bốn lần (giỗ ông cố, cúng bà cố, đám ông nội, nhớ bà nội …vân vân và vân vân). Vì vậy, mấy con gia cầm kia là cứu cánh tất yếu trong những dịp như vậy. Để có cái đãi khách vậy mà.
Luận về cái đặc sắc của thịt gia cầm thì vịt xiêm là một trong những con vật xếp đầu bảng. Thịt nhiều, màu sậm, vị ngon. Làm được nhiều món từ kho gừng đến hầm măng rồi nấu cari gì cũng đều chất lượng hết. Chưa kể, cái thời mà tiết canh còn phổ biết thì món này là khoái khẩu của nhiều người.
Hễ nhắc đến vịt xiêm là nhớ ngay đến mấy con cồ - tức lũ vịt trống trưởng thành. Dung mạo của chúng cũng oai phong lẫm liệt không kém gì mấy con gà cồ. Thỉnh thoảng, có một trận đánh nhau nảy lửa giữa hai cái giống gia cầm này - một chuyên gia đấu chọi trên cạn và kẻ còn lại thì xếp số một về thủy chiến. Kết quả hay nghiêng về phía kẻ dọc ngang mương nước. Bên còn lại nếu không sớm bỏ chạy thì trước sau gì cũng mất mạng. Bởi trận thư hùng thường kéo tới bờ mương và có cái kết cục bi thảm là con gà cồ bị đối thủ nhận nước. Gà mà mắc nước thì làm sao sống nổi. Chết vì nước. Thế thôi.
Có sáu người con, ngoại tôi cứ xẻ dọc miếng đất nhà mà chia cho mỗi người một mảnh, tính từ con lộ cặp bờ sông cái theo hướng đông chạy dài đến tận cùng đầu đất phía tây. Đất thì phần làm ruộng, phần trồng rẫy còn lại là vườn tạp. Dì tôi có trồng được bụi tre mạnh tông – là loài tre mọc cụm, không gai, măng rất ngon. Thông thường, mấy anh chị em sử dụng chung bụi măng này.
Ngoại tôi mất vào mùa mạnh tông ra măng. Vậy là năm nào cậu mợ cũng có món vịt xiêm hầm măng. Tôi còn nhớ mỗi lần đến ngày giỗ bà là thấy trên mâm dâng bàn thờ luôn có tô vịt hầm măng và dĩa đậu đũa xào đồ lòng. Món vịt hầm măng thì hiểu rồi. Còn dĩa đậu xào thì có nhiều kiểu giải thích. Nhưng theo tôi thì đơn giản thế này. Đậu đũa vốn là giống dễ trồng, dạng dây leo. Hồi đó, mỗi hộ thường có một giàn đậu đũa bên hông nhà. Ngày bà mất là lúc gia đình bối rối. Lại có nhiều người đến tiếp giúp lo hậu sự. Vậy là cứ mần thịt mấy con gà vịt có sẵn, rồi hái đậu đũa bên hông nhà vào mà xào với đồ lòng cho nhanh để bà con có cái lót bụng mà tiếp việc. Riết rồi thành thói quen cho nên sau này đến ngày giỗ có một dĩa đậu đũa xào là vậy (không biết có đúng không nữa). 
Hồi nhỏ, năm nào đến ngày giỗ bà cũng ăn món vịt xiêm hầm măng nên ngán ngẩm mà “hay nhún, hay trề”. Còn bây giờ thì hổng dám đâu. Nhiều khi thèm “dữ chời” luôn. Mà cái món này bây giờ đã lên thành phố rồi. Đâu còn cái kiểu ăn với cơm như ngày xưa. Vậy là thường lắm. Phải đến quán ăn với bún thì mới đúng điệu. Cách nhà tôi khoảng cây số, có bà cụ bán bún măng vịt xiêm. Không biết truyền lại mấy đời rồi mà bán ngon lắm. Không có đối thủ luôn. Hôm nào ngán mấy món khác, vợ chồng tôi lại rủ nhau xuống quán bà cụ. Tuy măng bây giờ không còn thuần mạnh tông như hồi đó nhưng thỉnh thoảng được thưởng thức lại cái món ẩm thực có hơi hướng cổ điển cũng phần nào đã thèm.

Chuyện làng quê