Cây "chim" ông Bộ, hay còn được gọi là cây nắp ấm, là một loại cây độc đáo thuộc họ nắp ấm (Nepenthaceae). Cây này trong dân gian thường gọi là cây "chim ông Bộ”. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, nó có khả năng bắt và “tiêu hóa” côn trùng để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Tên gọi này có nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian Việt Nam liên quan đến ông Bộ, một người không có vợ, con và có thể trở thành hoạn quan trong triều đình ngày xưa.
Theo một số bậc cao niên trong một làng cổ thuộc khu vực miền Trung cho hay, vào thời Vua, Chúa ngày xưa, hễ làng, xã nào có gia đình nào có sinh con thuộc dạng “ái nam ái nữ’’ thì phải báo ngay lên huyện, huyện cho mời “chuyên gia” đến khám xét. Sau khi xác minh được tình trạng “đặc biệt” của đứa bé, huyện sẽ theo hệ thống báo lên cấp tỉnh.
Tỉnh sẽ báo về Bộ Lễ, đặc trách về giáo dục và nghi lễ của triều đình. Lý lịch đứa bé như thế đã được “đăng ký” và từ đó triều đình sẽ quản lý và chu cấp để nuôi dưỡng. Để tỏ lòng biết ơn (người đã mang lại ân huệ) và kính trọng (người của Vua), làng không gọi đứa bé kia là thằng này “thằng nầy, thằng nọ” nữa, mà gọi là “ông Bộ".
Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ “Bộ” này do Bộ Lễ quản lý đứa trẻ là người của Bộ, của triều đình, nên được gọi là ông Bộ? Ông Bộ được lưu truyền trong nhân gian là người có cơ quan sinh dục không bình thường nên ông ta không có vợ, con và sau nầy có thể trở thành “hoạn quan” trong triều đình nhằm hầu hạ các Hoàng hậu, cung phi mỹ nữ… trong cung…
Trở lại vấn đề, cây nắp ấm thuộc họ nắp ấm (Nepenthaceae): là loài cây bụi, bò trườn, ít phân nhánh. Mỗi bụi mọc lên từ ba đến năm ngọn. thân cây cao khoảng 1 mét. Lá dày, mọc so le với thân, bề ngang khoảng 6cm, dài 20cm, đường gân lá ở giữa lá kéo dài ra khoảng 20cm thì phình ra tạo thành cái ống, đáy dưới kín, trên miệng có nắp đậy lại.
Trong đáy ống có tiết ra chất dịch nhầy có mùi thơm, có một số loài tiết ra mùi hôi thối để dụ côn trùng nhỏ như ruồi muỗi, kiến… đi vào. Khi các côn trùng vào bình, nắp bình sẽ “tự động” đậy lại, côn trùng chết dần. Đáy bình chứa một chất dịch có men tiêu hóa dùng để phân giải con mồi cung cấp thức ăn cho cây. Trên thế giới có những cây nắp ấm rất to và có thể bắt được cả chuột, ếch...
Theo GS.TS Võ Văn Chi, hiện có khoảng 500 loại cây ăn thịt trên thế giới, chúng có khả năng phi thường là phát triển trong môi trường axit, khô cằn và hiếm hoi chất dinh dưỡng. Là thực vật biết quang hợp song cũng biết săn mồi để lấy thêm dinh dưỡng. Chúng thường sống ở đầm lầy, trên đất cát, trong ao hồ nghèo chất dinh dưỡng, phần lớn tập trung ở vùng nhiệt đới. Loại cây này chuyên mọc ở vùng đầm lầy dọc bờ biển Nam Carolina, nước Mỹ. Riêng ở Việt Nam có hơn 20 loài và chia thành rất nhiều họ khác nhau.
Ở một số loài, cây nắp ấm rất “thông minh”, khi gặp mưa, nắp ống tự động đóng nắp lại để tránh nước mưa làm loãng dung dịch có thể làm cây không tiêu hóa con mồi được. Hoa nắp ấm có màu xanh khi mới hình thành, theo thời gian thân bình chuyển sang màu vàng, tím sậm… Khi đến tuổi, ngọn của thân cây phụt lên ngồng như hoa cải. Họ này chỉ có 1 giống Nepenthes (Nắp ấm) với trên 70 loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, phần lớn sống ở vùng rừng núi nơi có đầm lầy. Cũng sống ở chỗ đất nghèo dinh dưỡng như các bờ taluy có nước nhỉ .
Theo tài liệu, ở Việt Nam ta, gặp 3 loài cùng có tên Nắp ấm: Nepenthes annamensis Macf.; N. mirabilis(Lour.), Druce và N. thorelii H. Lec. Sinh trưởng nhiều các nơi ẩm thấp, đầm lầy nước đọng… ở miền Trung và Nam Bộ. Thực tế cho thấy, cây nắp ấm ở khu vực xứ lạnh như Lâm Đồng có “dụng cụ” bắt côn trùng dài và thon thả hơn để “chống lạnh”.
Ngược lại, ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, “dụng cụ” này lại ngắn và to hơn, có thể để dễ toả nhiệt - chống nóng chăng ? Một thông tin thú vị trên tạp chí Life Science của 2 nhà nghiên cứu Laurence Gaume và Yoel Forterre ở Pháp cho thấy cây nắp ấm mọc ở vùng rừng mưa nhiệt đới Á châu thông minh hơn những cây nắp ấm mọc ở nơi khác: Khi gặp nước mưa, mặc dầu chất nhầy trong “dụng cụ” bị loãng, nhưng vẫn giữ chân các côn trùng được là nhờ những sợi tơ mảnh và dai hiện diện trong chất nhầy do “dụng cụ” tiết ra.
Ở quê tôi, vào thập niên trước đây “hoa” ông Bộ này có nhiều. Tuy nhiên, thời gian càng về sau, do phát thực bì để trồng rừng keo, nên cây nầy cũng hiếm dần, tất nhiên “chim” ông Bộ cũng ít thấy xuất hiện. Thi thoảng, có người đi rừng bắt gặp, họ mang về trồng trong vườn nhà để ngắm những cái bình là lạ, hoặc là để mang về phố tặng nhau. Vì loài hoa ngồ ngộ nên người nhận rất quý và người tặng cũng rất vui.
Gặp bụi cây này, nếu đất ướt, ta có thể nhổ (rễ chùm ăn lên), hoặc dùng cây gỗ, sắt nhọn xoi và bứng lên mang thân cây cả rễ về trồng. Khi trồng trong chậu, nên cắt bỏ các thân dài, và những lá già, khô nơi gốc. Chú ý, cặm vài cây que nhỏ để buộc các thân cây còn lại vào que để giữ cho khỏi ngã, che nắng, tưới đủ nước…
Điều đáng lưu ý là không nên bón phân cho cây, vì lẽ nếu cây đủ dinh dưỡng sẽ không ra những cái “dụng cụ” bắt côn trùng nữa. Cứ để cho cây “thiếu ăn”, cây sẽ tức khắc tạo ra những cái “bình” để bắt côn trùng làm thức ăn và phát triển. Hiện nay, một số cây có dáng đẹp được nhập cảnh và dùng làm cây phong thủy trong nhà.
Nhiều người còn tin rằng để cây này ở phòng khách hay bàn làm việc theo hướng Đông Nam hay Đông Bắc sẽ được giàu sang, sung túc (!). Ngoài ra, trong Đông y, cây nắp ấm phơi khô, mỗi ngày dùng 20 - 40 g, sắc thuốc uống có thể điều trị chứng phù thũng toàn thân.
Hiện nay, ngoài thị trường sinh vật cảnh có bán rất nhiều loại cây nắp ấm đẹp, lạ; song với nhiều người yêu sinh vật cảnh cũng thích trồng cây nắp ấm nội địa bởi dễ trồng, dễ chăm sóc. Theo kinh nghiệm, họ thường trồng trong các hũ, vại… có chiều cao trên 50cm, để các bình này treo bám quanh thành hủ mà không rơi xuống đất thì rất đẹp. Sáng ra vườn, nhìn thấy các bình hoa “ngộ nghĩnh” đung đưa trước gió với nhiều màu sắc trông giống như những cái đèn lồng Hội An trong đêm hội “hoa đăng phố cổ”.
“Hoa nắp ấm” tuy không nhiều màu sắc, nhưng đây là loài lá hoa lạ gắn liền với truyền thuyết dân gian Việt Nam đã bổ sung vào “kho tàng” cây cảnh nước ta. Được trực tiếp ngắm các nắp bình này bắt sống côn trùng, trông rất ngồ ngộ. Bạn không thể không cười thầm, khi chứng kiến “chim” ông Bộ đang tiết “dịch nhày” để bắt côn trùng nhé./.