Cánh chim non vượt bão (Tiểu thuyết trinh thám - Tiếp theo và hết)

Nhà văn Phạm Xuân Đào đã có gần 20 đầu sách, gồm: các tập Truyện vụ án; truyện ngắn; thơ và Tiểu thuyết. “Cánh chim non vượt bão” là một trong những tác phẩm của ông. Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
pham-xuan-dao-1620459656.jpg
 

Sau khi chia tay Huỳnh Minh, Trần Hoạt rời Ngân hàng về nhà, trong lòng khấp khởi. Ông mong Copeland đến hơn lúc nào hết. Ông ta sẽ trao viên Kim cương thiên thạch này cho gã, và sẽ nhận từ gã 45 triệu đô. Trừ đi khoản tiền vay của bạn bè mà ông đã trả cho Huỳnh Minh 30 triệu, ông ta còn có 15 triệu Đô . Với số tiền này, ông và vợ con sẽ sống một cuộc sống vương giả tới hết đời. Một viễn cảnh huy hoàng đang bày ra trước mắt Trần Hoạt…

Đã quá ngày hẹn theo giấy đặt cọc nhưng vẫn không thấy Copenland đâu. Ruột gan Trần Hoạt nóng như có lửa đốt. Tự dưng ông ta thấy mình quá đoảng, quá hấp tấp. Ông tự hỏi, tại sao hôm đó mình không lấy số điện thoại của thằng Tây? Hay lão đang gặp trục trặc, sự cố gì rồi?

Thấy chồng bồn chồn đứng ngồi không yên, Phương Trinh đến bên:

- Có gì không ổn phải không anh?

- Không. Không có gì. Không phải việc của em! – ông ta nổi cáu.

Trần Hoạt đi đi lại lại như kẻ mất hồn. Đến bữa, anh ông chỉ ăn quấy quá lấy lệ rồi đem thuốc tăng lực, thuốc an thần ra uống. Nhưng hình như càng uống, ông ta càng tỉnh táo và nóng ruột hơn.

Hơn một tuần nữa vẫn không thấy Copenland đâu, trong khi mấy ông bạn cho mượn tiền liên tục điện đến chúc mừng thắng lợi và hối thúc ông ta phải trả tiền ngay. Trần Hoạt mỗi ngày mỗi ngộ ra rằng, hình như mình đã bị lừa. Một cú lừa ngoạn mục và cay đắng. Tuy vậy, trong đầu ông ta vẫn le lói niềm tin, một niềm tin mơ hồ rằng, chắc Copenland gặp trục trặc gì đó thôi. Rằng, ông ta sẽ đến. Rằng, nhất định ông ta sẽ đến và việc mua bán sẽ được thực hiện. Cho đến lúc này, Trần Hoạt cũng không cần giấu giếm gì người vợ trẻ nữa. Ông đã nói hết mọi chuyện với Phương Trinh. Linh cảm của  một phụ nữ đã từng ra bắc vào nam, đã từng lăn lộn trong tình trường và trong cuộc sống khe khắt của những kẻ có tiền luôn tìm cách sát phạt nhau, cô ta hiểu rằng, Trần Hoạt đã mắc một sai lầm chết người. Và ông sẽ đã chuốc lấy thất bại cay đắng. Là người "ngoài cuộc" nên Phương Trinh tỉnh táo hơn. Cô bảo với chồng:

- Anh à, hay là… trong khi chờ đợi cái ông Tây gì đó đến đây, anh chịu khó đem viên Kim cương này đi kiểm định xem thực hư thế nào?

Nghe vợ nói thế, Trần Hoạt ớ người ra. Và anh ta hấp tấp gói ghém viên Kim cương ấy đem đến một cơ sở trong thành phố, nhờ họ giám định giúp.

Trao viên Kim cương cho chuyên viên, Trần Hoạt ngồi bên ngoài, mồ hôi toát ra như tắm. Ông ta chợt nghĩ, khi mình đang ngồi đây mà Copenland đến cửa hàng, không thấy viên Kim cương ở đó, ông ta sẽ nghi mình đi tráo đổi và việc mua bán không thành thì nguy to. Rồi ông ta lại rùng mình khi nghĩ rằng, nếu kết quả giám định mà đây chỉ là một viên kim cương  thường và cái lão Copeland cùng với Huỳnh Minh đã kết hợp với nhau để lừa thì coi như cuộc đời ông ta tới đây coi như đã chấm hết.

Một nữ chuyên viên giám định đem trả lại viên kim cương và thông báo cho Trần Hoạt biết:

 - Đây là viên kim cương thường đã được pha trộn một số hợp chất khá tinh vi. Nó được tạo dáng rất khéo, trông hấp dẫn và cực kỳ bắt mắt; nó còn được "tôn lên" bởi một hàng chữ tiếng Nga rất gợi cảm, cuốn hút. Hiện tại, giá thị trường, viên kim cương  chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng Việt nam.

 Nghe đến đây, Trần Hoạt suy sụp hẳn. Nhưng ngay sau đó, ông ta cố gắng tỉnh tao, lấy tiền trả công giám định rồi run rẩy gói ghém và đem viên "Kim cương thiên thạch" ra xe, hoảng hốt phóng nhanh về cửa hàng.

Hai tay đỡ viên kim cương từ xe đi vào, vẫn thấy vợ bình thản lau chùi tủ kính mà không thấy động tĩnh gì, Trần Hoạt như điên lên. Vừa đặt viên kim cương vào chỗ cũ, đang định hỏi điều gì đó thì ông ta đã nghe vợ thông báo:

- Anh à. Mấy anh ở Sài Gòn và Hà Nội vừa điện vào máy bàn, nói là anh chuyển tiền ngay vào tài khoản trả nợ cho họ đấy.

- Chuyển chuyển cái gì? Tất cả điên hết rồi! – Trần Hoạt cáu kỉnh.

- Ơ hay. Sao anh lại nổi nóng với em? Em có làm gì sai đâu. Là em…

- Thôi, đủ rồi! Im mồn đi, hãy để cho tôi yên!

Quát vợ xong, Trần Hoạt bám vào tủ kính loạng choạng đi vào trong nhà. Đầu óc ông ta quay cuồng, bước đi chống chếnh như người không trọng lượng.

Copeland vẫn bặt vô âm tín. Trần Hoạt sốt li bì, anh ta nằm đắp chăn mà người run cầm cập. Ngoài kia, những cú điện của mấy người bạn làm ăn từ Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hải Phòng vẫn liên tục hối thúc phải trả nhanh, trả cả gốc lẫn lãi cho họ. Có người còn nói: "Cô nói với lão Hoạt của cô rằng, ông ta có hiểu luật giang hồ không?" và rằng "Đừng có dồn tôi vào chân tường nghe không?!". Phương Trinh rất lo lắng nhưng vẫn phải thông báo với chồng, mặc dù cô biết Trần Hoạt đang thực sự hoảng loạn.

Cửa hiệu của thiếu gia vẫn mở, người ra vào mua hàng vẫn có. Nhưng người cần đến vẫn không thấy đến. Chín giờ sáng, khi thiếu gia đang đứng ngóng chờ thì một chiếc xe con đỗ xịch trước cửa. Tim Trần Hoạt đập dồn dập. Copeland! liệu có phải ngài không? Thiếu gia tươi cười đi ra tận cửa. Từ trên xe, một cô gái ăn vận kiểu cách, đẹp một cách đài các bước xuống. Cô nở một nụ cười cùng với cái gật đầu chào khách. Trần Hoạt tẽn tò, thất vọng. Và ngay sau đó ông ta giật mình, dạt vào một bên cửa nhìn theo dáng người con gái. Rồi ông ta lập cập đi vào. Chả có lẽ… Trần Hoạt nhăn trán, nghi ngờ?

Cô gái bình thản đi ngó nghiêng như một người đến mua hàng. Đến quầy nào, cô cũng dừng lại ngắm nghía một chút rồi đi tiếp. Đi hết một vòng, cô gái đi đến và dừng trước quầy nơi Trần Hoạt đang đứng. Nhìn thẳng vào mắt người đàn ông có sắc mặt trắng bệch, cô gái lên tiếng:

- Chào ông Trần Hoạt. Ông khỏe chứ? Ông không nhận được tôi sao?

Từ đầu, Trần Hoạt đã ngờ ngợ, nhưng cho đến phút này thì ông ta thất thần, hoảng hốt, miệng lắp bắp:

- Cô… là cô… Gia Linh… Sao cô lại ở đây?

- Ông hỏi thế nghĩa là sao? Ý ông muốn nói là tôi chưa hết hạn tù phải không?

- Cô… cô cần gì ở tôi?

- Cần ư? Tôi chẳng cần gì ở ông cả. Lâu ngày không gặp, nay có đi qua, rẽ vào thăm người xưa tý thôi. Thấy ông làm ăn phát đạt, xin chúc mừng!

Nói rồi Gia Linh bình thản rời khỏi quầy vàng bạc đá quý Phương Bắc, trước sự sững sờ của chủ quán.

Chỉ tới khi cô gái vào trong xe và chiếc ô tô phóng đi, Trần Hoạt mới như bừng tỉnh. Mồ hôi lấm tấm trên trán. Ông ta run run rút vội chiếc khăn từ trong túi ra lau mồ hôi rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế trước quầy hàng, thở hắt ra. Có thể nào? Có thể nào cô ta đã ra trại? Nếu không lầm thì cô ta còn phải ở trại gần 4 năm nữa cơ mà. Sao cô ta lại xuất hiện ở đây? Trần Hoạt đưa mắt nhìn viên Kim cương thiên thạch và bỗng giật mình, hốt hoảng. Có phải con này đã ra tay chơi mình!? Có thể như thế lắm! Con quỷ cái. Trời ơi, đúng là mình đã "thấp mưu thu chí đàn bà" rồi. Và cái viễn cảnh khuynh gia bại sản đang hiển hiện ra trước mắt trần Hoạt.

Từng đêm, trong giấc ngủ ngắn ngủi và chập chờn, Trần Hoạt thấy bọn đàn em của những gã anh chị, dao súng trong tay… lăn xả vào mình và ông thấy toàn thân mình ê chề đau đớn, máu me đầy người. Trần Hoạt lấy hết sức bình sinh vùng vẫy, kêu cứu nhưng không có bất cứ một người nào tới cứu giúp… rồi ông ta bị quẳng xuống biển. Ông bị ngạt nước, cố gắng ngoi lên nhưng càng ngoi, càng đuối sức nên chìm dần, chìm dần trong làn nước lạnh giá của đại dương...

*

Hà Nội đang vào xuân.

Những cơn mưa nhỏ như lay phay phủ trắng cả phố phường. Cuộc sống vẫn diễn ra nhộn nhịp, tưng bừng vốn có của một thủ đô đang trên đà đổi mới. Những căn nhà cao ngất mỗi ngày mỗi vươn lên trời xanh. Đó đây, những công trình vẫn mọc lên đủ kiểu cách và màu sắc, làm cho bộ mặt Hà Nội mỗi ngày mỗi tươi trẻ. Đường phố vẫn nườm nượp người xe. Trong công viên, những cặp tình nhân vẫn dương những chiếc ô, đi nép vào nhau trong cái lạnh còn sót lại của mùa đông. Trong ánh mắt họ đều ánh lên những niềm hạnh phúc.

Tại tư dinh của Gia Linh.

Một cuộc gặp mặt diễn ra thắm đượm tình nghĩa giữa chủ nhà Gia Linh, Lê Quang (Huỳnh Minh) và Andray Bonkoncki (Copeland). Họ đang tràn ngập niềm vui vì vừa thực hiện thắng lợi một doanh vụ cực lớn. Cả ba đang ngồi quanh một chiếc bàn lớn rất sang trọng đặt giữa phòng khách chan hòa ánh điện để cùng thưởng ngoạn những ly rượu vang thơm lừng.

Ngày mai Andray Bonkoncki và Lê Quang sẽ trở lại nước Nga. Hôm nay họ gặp mặt nhau để rồi chia tay. Gia Linh vui như một con chim nhỏ vừa trút bỏ được một gánh nặng đã từng đè trĩu lên thân hình bé nhỏ của cô bấy lâu nay. Nhìn hai người đàn ông với ánh mắt biết ơn, cô vui vẻ:

- Em cảm ơn anh Lê Quang, cảm ơn anh Andray Bonkoncki. Nhờ có hai anh mà em đã trả được món nợ một cách ngọt ngào. Công của các anh rất lớn, lớn lắm. Em không biết lấy gì đền đáp được. Ngày mai các anh về Nga, em có chút quà thay cho lời cảm tạ…

Lê Quang giơ tay ngăn lại:

- Em đừng làm thế. Bên Nga, anh có thiếu gì đâu. Anh có nghe tin không vui về gia đình em, nhưng không biết thực hư thế nào. Anh tìm điện thoại để điện cho em mà không tìm được. Rồi rất bất ngờ, anh nhận được điện của em. Và anh đã về với em ngay. Được nghe kể lại, anh rất thương em và cũng lây cả sự căm thù. Chỉ tiếc chúng mình không cứu được cô… Nga. Nhưng thôi, anh tin là ở dưới suối vàng, cô sẽ mỉm cười và rất hài lòng với những việc em làm. Còn quà ư, em chỉ gửi cảm ơn bạn anh thôi. Riêng anh, anh ghi nhận tấm lòng của em. Anh chỉ muốn… em chấp nhận lời đề nghị của anh hôm trước. Nếu em đồng ý, ngày mai anh sẽ cùng Bonkoncki bay sang Nga. Rồi anh sẽ về nước và cùng em… chúng mình làm lại từ đầu…

- Anh! Đừng làm em buồn. Không có các anh, em sẽ không làm được gì cả…

Andray Bonkoncki tươi cười:

- Thôi được rồi, hai người đừng tranh luận nữa. Tôi nhớ, Việt Nam các bạn có câu "cung kính không bằng tuân lệnh". Tôi sẽ nhận quà của em. Còn Lê Quang, em cũng nên trả công cho anh ấy một cách hậu hĩnh chứ… bằng cách nào ư? Bằng cách… em nhận lời cầu hôn của anh ấy đi! Em biết không, Lê Quang tuyệt vời lắm đấy Gia Linh à!!!

Gia Linh nhìn Andray với ánh mắt biết ơn. Rồi cô đứng dậy đi sang phía Lê Quang.

Lê Quang cũng đứng lên chờ đợi. Và như đọc được những suy nghĩ trong đôi mắt của người con gái đang tiến về phía mình, Lê Quang dang rộng hai cánh tay rồi ôm trọn Gia Linh, kéo sát vào người mình, thổn thức:

- Em! Em bằng lòng làm vợ anh chứ?

- Vâng... em đồng ý!

Andray vỗ tay đôm đốp, miệng reo to:

- Ôi tuyệt vời! Chúc mừng hạnh phúc! Chúc mừng các bạn!

Sau phút giây thật sự thiêng liêng và hạnh phúc ấy, Lê Quang và Gia Linh buông nhau ra. Cô nhìn hai người đàn ông, thành thật:

               - Cuộc đời em kể từ hôm nay đã sang một trang mới. Em mãi mãi ghi nhận và suốt đời không quên sự giúp đỡ chân tình của Andray. Lát nữa anh sẽ bay về Nga, em chúc anh lên đường mạnh khỏe và may mắn. Cho em gửi lời chào và thăm gia đình. Khi nào có điều kiện, em sẽ bay sang Nga thăm anh chị và gia đình sau! – Quay sang Lê Quang, đôi mắt Gia Linh ánh lên niềm hạnh phúc. Cô âu yếm nói với người yêu:

               - Còn anh. Hôm nay... anh... ở lại với em chứ, anh yêu?!

- Có Andray ở đây làm chứng, anh nói với em rằng, anh rất hạnh phúc khi em đồng ý làm vợ anh... Bây giờ, hai đứa mình sẽ tiễn Andray ra sân bay. Và anh sẽ ở lại để cùng em giải quyết nốt một số việc. Sau đó, chúng mình cùng bay sang Nga thăm gia đình Bonkoncki và chờ anh làm thủ tục về nước. Được không em?

- Ôi anh... có anh, em thật là hạnh phúc.

Andray Bonkoncki đứng dậy:

- Tuyệt vời. Trên cả sự tuyệt vời. Coi như hôm nay là ngày vui nhất của hai bạn. Tôi dành số tiền này làm quà mừng được chứ? – Andray chìa chiếc phong bì Gia Linh đưa ban nãy ra. Lê Quang vội vàng ngăn lại:

- Đừng làm thế Andray. Làm thế, Gia Linh sẽ buồn đấy. Cứ nhận lấy đi! "cung kính không bằng tuân lệnh" mà. Cậu chả vừa nói thế là gì. Khi nào bọn mình cưới, cậu sang với bọn mình và có quà... thì lúc đó, bọn mình nhất quyết không chối từ đâu.

- Ok! Lê Quang, cậu đúng là một người thấu tình đạt lý. – nói rồi, Andray nhìn đồng hồ.

- Đã đến giờ ra sân bay rồi. Mình đi được rồi chứ?

Lê Quang nhìn người yêu:

- Chúng mình cùng tiễn anh ấy nhé.

- Dạ... vâng ạ.

Gia Linh đi nhanh vào phòng trong thay đồ rồi đi ra. Họ cùng rời ngôi nhà, vẫy và lên một chiếc tắc xi hướng ra sân bay. Trông nét mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc.

*

Một giờ đêm, cả thành phố đã đi vào giấc ngủ. Trên đường phố hầu như không một bóng người. Thi thoảng một chiếc xe con hối hả chạy khá nhanh như thể những người lái xe muốn về nhà để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhọc hay sau một chuyến đi xa về.

Trước cửa Ngân hàng ngoại thương, một nhân viên bảo vệ đang đi đi lại lại làm nhiệm vụ "bảo vệ mục tiêu" của mình. Bỗng một người đàn ông tấm thước, mắt đeo kính, tay kéo chiếc vali từ một đường ngang đi ra phố chính. Người đàn ông dừng lại ngay trước mặt người bảo vệ, giọng bình thản:

- Chào anh. Anh làm ơn chỉ giúp tôi đường ra ga tàu hỏa ạ?

Anh Nhân (người bảo vệ) nhìn người đàn ông rồi đưa tay chỉ về phía cuối phố:

- Bác cứ đi thẳng con phố này. Đến ngã tư thì rẽ phải. Bao giờ kịch đường thì…

Bất thình lình, người đàn ông bỏ vali xuống, lao vào, một tay vòng qua cổ, tay kia rút chiếc khăn từ trong túi ra ấp vào mũi người bảo vệ. Anh Nhân giãy dụa, ú ớ kêu rồi lả người, ngất lịm. Ngay lập tức, người đàn ông kéo nhanh anh Nhân vào một chỗ tối, dùng giây mang theo trói anh vào thanh lan can gần đó và không quên dùng băng dính dính chặt vào miệng người bảo vệ. Rồi nhanh như một con sóc, anh ta lấy mũ trùm kín mặt, kín đầu mình, cúi xuống kéo chiếc va li tiến về phía cửa chính của Ngân hàng. Rút chiếc dao Thủy ngân trong người ra, người đàn ông làm một đường vòng cung quanh ổ khóa của bức tường kính. Tức thì, cửa kính của Ngân hàng bung ra. Người đàn ông lẻn vào trong, kéo cửa kính lại như cũ rồi nhanh chóng chạy lên tầng. Anh ta bật công tắc điện, đưa mắt xác định mục tiêu. Ngay sau đó, anh ta tiến đến hai chiếc két đứng cạnh nhau. Như một nhà ảo thuật điêu luyện, người đàn ông lấy từ trong vali ra một chiếc đèn khò. Cắm một một đầu vào ổ điện gần đó và bắt đầu hành động. Ánh lửa đèn khò xanh lét liếm quanh ổ khóa. Chỉ một loáng, ổ khóa được lấy rời ra khỏi chiếc két sắt. Anh ta nhanh chóng chuyển những tập đô la từ két sắt vứt vào chiếc va li đã được mở sẵn. Lấy hết tiền của chiếc két thứ nhất, anh ta tiến hành làm chiếc thứ hai. Và không mấy khó khăn, những tập đô la mới cứng được chuyển từ két sắt sang vali của người đàn ông. Khóa vali đựng đầy căng đô la lại, người đàn ông kéo va li xuống tầng trệt và thoát nhanh ra ngoài.

Từ Ngân hàng đi ra, người đàn ông làm như không có gì xảy ra, bình tĩnh kéo chiếc vali rẽ vào con phố nhỏ.

Từ đằng xa, hai sỹ quan cảnh sát đang đi tuần phát hiện thấy một người kéo va li từ Ngân hàng đi ra. Linh tính có chuyện không bình thường, một sỹ quan cảnh sát chạy tới trước cửa Ngân hàng ngó nghiêng, nhưng không thấy anh Nhân bảo vệ Ngân hàng đâu. Phát hiện cửa đã bị cắt, không khóa, anh quay lại nói với đồng đội:

- Có chuyện rồi. Ngân hàng bị kẻ gian đột nhập. Có lẽ chính là hắn. – anh chỉ tay về phía người đàn ông đang kéo chiếc vali đang đi rất nhanh trên con phố nhỏ.

Trong khi đó, người đàn ông vẫn kéo vali đi mải miết, không quay đầu nhìn lại.

Hai sỹ quan cảnh sát tuột hai khẩu AK ra khỏ vai chạy theo người đàn ông khi anh ta đã bỏ họ một đoạn khá xa. Người đàn ông dừng lại bên một chiếc xe ô tô nhỏ. Anh ta mở cửa xe và đang gắng nhét chiếc va li căng phồng vào bên trong. Khi va li đã lọt vào trong xe, cánh cửa ô tô đóng "sầm", người đàn ông chạy vòng sang bên kia mở cửa, vào trong, nổ máy và chiếc xe trườn ra đường phố, chạy thục mạng.

Một sỹ quan cảnh sát dương AK lên trời. Một tiếng nổ cực lớn và kèm theo là một quần lửa trong đêm. Chẳng biết người điều khiển xe ô tô có biết không nhưng chiếc xe vẫn rú ga phóng hết tốc lực. Tức thì, cả hai sỹ quan cảnh sát kê súng vào chạc cây bên đường, nhả đạn. Những tiếng nổ chát chúa vang lên trong đêm. Chiếc xe loạng choạng, láng sang hai bên rồi đâm sầm vào một gốc cây bên đường. Hai sỹ quan cảnh sát chạy tới... Người lái xe đã chết. Anh ta bị trúng đạn vào đầu và gục ngay trên tay lái.

*

Đã hơn nửa tháng nay, như thành thường lệ, sau khi cơm nước tối xong, Gia Linh và Lê Quang đều ra ngồi trên ghế salon xem chương trình ANTV. Cô muốn biết là Trần Hoạt có đi báo Công an về vụ ông ta bị lừa hay không. Hôm nay cũng vậy, khi hai người vừa bật tivi lên thì cả hai đã bị cuốn hút vào một "tin đặc biệt". Nữ phát thanh viên thông báo:

" Đêm qua, một người đàn ông đã đột nhập vào Ngân hàng ngoại thương trong thành phố. Sau khi khống chế người bảo vệ, kẻ gian đã phá hai két sắt, lấy đi 30 triệu đô la. Nhưng ngay khi vừa thoát ra khỏi Ngân hàng, hắn đã bị phát hiện. Mặc dù cảnh sát đã bắn cảnh cáo nhưng kẻ gian vẫn ngoan cố lên xe ô tô bỏ chạy. Lực lượng cảnh sát đã ra tay và kẻ gian đã giết. Cơ quan điều tra đã thu toàn bộ số tiền trả về cho Ngân hàng. Kẻ phạm tội đã được xác định danh tính. Đó là chủ cửa hàng vàng bạc đá quý Phương Bắc  – Trần Hoạt. Chúng tôi sẽ thông tin tiếp tới khán giả về vụ án này."

Gia Linh nhìn sang Lê Quang và bắt gặp cái nhìn của anh. Hai người không nghĩ là kết cục của cuộc chơi lại diễn ra đột ngột và ly kỳ như vậy. Cô cười nửa miệng. Đáng đời kẻ dâm đãng, dã man và mất hết nhân tính. Vậy là hắn đã chết, một cái chết hoảng loạn và thê thảm. Có lẽ, vừa tiếc của, vừa bị cánh bạn bè trên giang hồ đe dọa nếu không trả tiền nên Trần Hoạt đã hành động ngông cuồng và bị trả giá. Cô nhìn người yêu đắm đuối rồi từ từ ngả đầu vào vầng ngực săn chắc của Lê Quang:

               - Vậy là đã xong một việc lớn. Nhưng sao em vẫn thấy buồn buồn, anh ạ.

- Không sao đâu. Tự hắn tìm đến cái chết, có phải em trực tiếp ra tay đâu, đúng không?!

- Vâng. Em cảm ơn vì anh đã hiểu được nỗi lòng của em!

Cả hai ngồi trong im lặng. Gia linh vẫn đắm chìm trong suy nghĩ mông lung. Đúng, hắn tự tìm đến cái chết. Một cái chết đáng đời. Còn một món nợ nữa phải trả. Đó là thứ trưởng Lê Khuất, kẻ đã trâng tráo nhận 100 ngàn đô la nhưng đã không hề có bất cứ một động thái nào giúp mẹ cô. Và cuối cùng bà đã phải chết, một cái chết oan khuất, tức tưởi. Không thể để cho loại sâu mọt như thế tồn tại trong các cơ quan công quyền của nhà nước này. Nhất định phải thanh toán sòng phẳng.

*

Tối chủ nhật, hứng chí, thứ trưởng Lê Khuất cùng vợ vời tắc xi đi siêu thị Big C ở trung tâm thành phố. Xe dừng ở ngoài đường, Lê Khuất sánh vai cùng vợ hòa vào dòng người tiến vào khu mua sắm. Cảnh sắc ở đây thật lung linh và nhộn nhịp. Ông như thấy choáng ngợp và cảm nhận như đang lạc vào một thế giới khác, rất khác với cuộc sống thường nhật mà suốt ngày ông phải ngồi họp, phải nghe báo cáo, phải chỉ đạo, điều hành…

Đang đứng cùng vợ trên băng chuyền đi lên gác hai, thứ trưởng đưa mắt nhìn những gian hàng với vô vàn pano quảng cáo nhiều kiểu dáng. Chạnh nghĩ, thời mở cửa có khác, ở Việt Nam, hàng hóa không thiếu và cũng đẹp không kém so với hàng hóa ở những siêu thị của các nước phương Tây mà ông đã có dịp ghé qua… Đang say sưa với những suy nghĩ ấy, chợt từ băng chuyền đang xuống có tiếng gọi:

- Lê Khuất!

Thứ trưởng giật mình quay sang. Ông bắt gặp một cô gái ăn vận sang trọng, rất đẹp đang nhìn mình, một cánh tay đưa lên thay một lời chào. Lê Khuất nở một nụ cười xã giao. Ông không nhớ đã gặp cô gái này ở đâu. Một khuôn mặt khả ái, vừa lạ, vừa quen. Cô gái đã xuống được một đoạn khá xa, Lê Khuất vẫn còn quay lại nhìn. Vợ thứ trưởng thấy vậy véo vào tay chồng, làm cho thứ trưởng giật mình:

- Cái gì thế? – ông giãy nảy lên.

- Cô nào hớp hồn ông mà làm ông ngẩn người ra thế?

- Chả biết là ai nữa, một cô gái vừa lạ vừa quen…

- Á à… Ông đi nhiều nơi, quan hệ với nhiều cô nên bây giờ không nhớ hết người ta chứ gì?

- Mình cứ nói linh tinh. Người ta nghe thấy, cười cho đấy. Mình tính, ở cương vị tôi, khách khứa không có mới lạ. Với lại, người ta nhớ mình chứ mình làm sao mà nhớ hết người ta được.

Vừa lúc, thứ trưởng cùng vợ rời băng chuyền bước lên tầng hai. Hai vợ chồng sánh vai nhau đi rất tình tứ, hòa vào dòng người tấp nập trên sàn. Thực ra thì để chiều vợ và đi thăm thú, đổi gió cho đỡ buồn chứ ở nhà ông chả còn thiếu thứ gì.

Đi hết gian hàng này tới gian hàng khác, nhìn ngắm rồi tấm tắc, trầm trồ, sau cùng, thứ trưởng đưa vợ đến trước quầy bán sữa. Ông với tay chọn mấy bịch sữa Anlene. Nghe đâu, tuổi già cần phải dùng loại sữa này để tránh  bệnh loãng xương. Bỏ mấy thùng sữa vào chiếc xe kéo, đang định bước đi thì hai vợ chồng ông khựng lại. Đứng chặn trước xe lại là cô gái ban nãy đã gặp khi băng chuyền đang lên. Chưa kịp phản ứng gì thì vợ chồng ông đã nghe tiếng cô gái:

- Ông không nhớ tôi sao, ông Lê Khuất? Ông còn nợ tôi một món kha khá đấy. Liệu lo mà trả đi nhá!

Thứ trưởng hơi lúng túng:

- Cô… cô là… ai mà nói năng vớ vẩn thế?

Bà Ngân sợ sệt bám vào tay chồng, không hiểu chuyện gì. Cô gái tự tin cười rất tươi, nhưng trong nụ cười ấy ẩn chứa một cái gì đó như là răn đe, dằn mặt:

- Ông quen cách làm của mình, không cần quan tâm tới hoàn cảnh của người khác. Để giữ thể diện cho ông, hôm nay ta dừng ở đây. Ông về nhớ xem tôi là ai và ông đã nợ tôi như thế nào. Nhất định tôi sẽ còn gặp lại ông để đòi món nợ ấy… Chào!

Sau câu chào ấy, cô gái quay lưng, thản nhiên bỏ đi. Hai vợ chồng Lê Khuất đứng chôn chân, trân trân nhìn cô gái cho tới khi cô khuất dạng sau gian hàng phía trước. Thứ trưởng lập cập lôi chiếc khăn mùi soa trong túi áo ra lau mồ hôi đang rịn ra trên trán. Ông tháo chiếc áo khoác ra khỏi người. Tự nhiên, ông thấy người bức bối quá. Đẩy chiếc xe trên có mấy thùng sữa Anlene, ông cùng vợ đi nhanh ra quầy thanh toán…

Ngồi trên tắc xi trở vể nhà, bà Ngân lơ đãng nhìn đi đâu đâu, còn thứ trưởng thì đang cố nhớ xem người con gái kia là ai và ông đã nợ cô ta những gì. Cuối cùng thì ông cũng nhớ ra được khuôn mặt, ánh mắt và nụ cười ấy. Đúng rồi, cô gái này có tên là Linh, Gia Linh gì đấy. Thứ trưởng bỗng cảm thấy chờn chợn. Đúng là cô gái đã đến nhà ông mấy lần khi vợ ông vắng nhà và cô ta đã đưa cho ông 100 ngàn đô, nhờ ông chạy án cho mẹ mình... Nhưng  suy cho cùng, việc cô ta đưa tiền chẳng ai biết và cũng chẳng có chứng cứ gì. Nếu cô ta đến đòi, ông sẽ báo công an địa phương bắt gô cổ vào chứ lị. Bao nhiêu năm làm trong ngành pháp luật, tiếp xúc với biết bao loại đầu gấu ông còn chẳng sợ, nói gì tới con ranh này… Ông nhớ ra rồi. Ông đã đọc nhiều bài báo viết về cô gái đặc biệt này. Mẹ cô bị bị bắt, cô ta đã đến nhà người tình của mẹ và phạm tội ở đó và bị xử tù. Sau này, ô ta còn trốn trại, mượn trang phục, vũ khí và xe máy của cán bộ quản giáo về "tính sổ" tình địch của mẹ và bị bắt lại; trong thời gian cải tạo, cô ta còn giúp cơ quan pháp luật phá một vụ án hiếp dâm… cô ta là võ sĩ môn Vovinam đã dành được huy chương vàng Sea games… Nghĩ tới đây, Lê Khuất bỗng rùng mình. Chạnh nghĩ, nếu đối mặt ở công đường, ông chẳng sợ gì hết và thắng là cái chắc. Nhưng nếu phải đối mặt cô gái ở ngoài đường thì… Lê Khuất không giám nghĩ tiếp.

Tắc xi dừng trước cổng, hai vợ chồng thứ trưởng khệ nệ bê mấy thùng Anlene ra khỏi xe. Ông đi nhanh đến tra chìa khóa vào cổng rồi kêu người giúp việc ra giúp đưa hàng vào nhà. Vào toilet rửa ráy mặt mũi chân tay xong, ông lên giường nằm ngay mà không xem tivi như mọi khi. Ông suy nghĩ mông lung, giả định biết bao tình huống. Có lúc ông cứng rắn, lại có khi ông hoảng loạn. Trong giấc ngủ chập chờn, ông như thấy đang gặp Gia Linh ở mọi lúc mọi nơi. Ông cố gạt ra khỏi đầu những hình ảnh ấy, cũng có khi ông thực sự thấy hoảng sợ. Nói dại, nếu gặp cô ta ở ngoài đường, chỉ cần nó tung  ra một chưởng thì mình chỉ có toi đời. Hay là… rút tiền ở Ngân hàng về, đợi khi nào cô ta tới sẽ trả lại để đổi lấy sự thanh bình. Không được. Làm thế, họa có điên. Ai làm chứng việc ông nhận tiền của cô ta? Nhưng mà biết đâu, cô ta đã chả bài binh bố trận, đợi khi ông trả tiền thì cho người ập vào lập biên bản…Hức! ai dại cho bọn bay khôn cơ chứ. Mà chả lẽ một người như ông lại thua một đứa trẻ ranh. Các cụ đã chẳng nói "Khôn đâu tới trẻ… " là gì. Và ông chập chờn đi vào giấc ngủ.

Kể từ hôm gặp cô Gia Linh ở Big C, cái tâm của Lê Khuất không an. Ở cơ quan thì thôi, cứ ra tới cổng và ngồi trên xe con về nhà là ông lại lo phát sốt. Nhiều hôm, mùa đông rét mướt, người người hết áo nọ áo kia vẫn không chịu nổi, vậy mà người ông lúc nào cũng bốc hỏa, cũng tóa mồ hôi. Xe dừng, mắt trước mắt sau, thứ trưởng chạy như ma đuổi tới trước cổng. Tra chìa khóa vào ổ để mở mà tay ông cứ run cầm cập như kẻ đi ăn trộm. Rồi khi cổng mở, ông liếc mắt nhìn nhanh ra hai phía, chỉ sợ cô gái kia tới tung chưởng hạ gục mình. Nếu quả là thế thật thì coi như chết chắc. Nhưng mà… nếu chết được thì lại là may, không chết mà thành tật nằm một chỗ mới khốn nạn cái đời…

Hôm nay cũng vậy. Ông xuống xe, mặc cho tay lái xe của cơ quan đánh xe đi, Lê Khuất lập cập tra chìa vào ổ. Vừa mở khóa, ông ta vừa đảo mắt nhìn ra xung quanh. Chết rồi, ai như Gia Linh đang tới. Nguy quá. Thứ trưởng cố gắng mở cổng. Quay ra, cô gái đang mỗi lúc mỗi tới gần. Và khi cánh cổng bung ra, Lê Khuất cúi xuống, xách vội chiếc catap đang để dưới đất, co chân chạy vào trong sân, quên cả đóng cổng. Hình như Gia Linh đang đứng từ cổng nhìn vào, ánh mắt long lên căm giận. Phải vào nhà thôi. Nghĩ vậy, Lê Khuất co chân chạy như ma đuổi. Nhưng ông bị vấp vào cái xô nước người giúp việc đang để ở sân chuẩn bị tưới cây. Người ông đổ vật xuống sân, đầu đập vào bậc tam cấp. Ông nằm bất động, máu từ tai rỉ ra. Và ông lịm đi, không hay biết gì nữa…

Có dễ phải gần nửa tiếng sau, người giúp việc đi ra mới phát hiện  ông chủ bị nạn. Bà cuống quít, díu lưỡi gọi người tới giúp. Nhưng làm gì có ai giúp. Nhà ông thứ trưởng trước nay vẫn kín cổng cao tường, có giao du với ai đâu. Bà dìu ông chủ vào nhà. Khổ nổi, thân bà còm cõi, xanh xao, lại phải dìu ông chủ to như hộ pháp, nặng hơn tám mươi cân nên bà hầu như bất lực. Cuối cùng, bà nghĩ ra một cách, túm hai vai áo, kéo ông chủ nhích từng tý qua bậc tam cấp. Bà kéo như kéo một bao gạo, mặc cho đầu ông chủ đập xuống bậc thềm. Khó khăn lắm, cuối cùng người giúp việc cũng đưa được ông chủ vào tới phòng ngủ của ông. Ông chủ vẫn thở, bà nghĩ, chắc chỉ chút nữa là ông ấy tỉnh dậy thôi. Bà bỏ mặc ông chủ nằm đấy, đi tưới cây vội và lo cơm nước.

Khi mâm cơm thịnh soạn đã được sắp trên bàn ăn, bà mới đi vào mời ông chủ ra dùng bữa. Ông chủ có vẻ đã tỉnh hơn nhưng hình không biết gì nữa. Chân tay ông không cử động được mà cứ nằm đó cười ngô nghê như một đứa trẻ. Sợ quá, người giúp việc chạy ra gọi điện cho bà chủ. Khốn nổi, bà Ngân đang "có việc" ở mãi Tam Đảo nên không về được ngay. Người giúp việc cảm thấy buồn. Bà ra nhà ngoài xới một bát cơm ăn cho đỡ nhớ bữa rồi ngồi chờ bà chủ về.

Khoảng gần mười giờ đêm, xe của bà chủ mới về tới cổng. Người giúp việc ra mở cổng. Bà nói hết mọi chuyện với bà chủ về việc ông chủ đã ngã ra sao, giờ sức khỏe thế nào. Bà Ngân chạy xộc vào phòng chồng. Thấy có người vào, Lê Khuất vẫn trân trân nhìn lên trần nhà và nở một nụ cười ngô nghê, mụ mị. Vợ hỏi, ông cũng chẳng nói, chỉ cười như kẻ bị bệnh đao trông thật ngây dại. Bà Ngân thở dài đánh thượt. Ra phòng ngoài thay quần áo rồi bà đi ăn cơm. Sự việc đã rồi, có cuống lên cũng chả giải quyết được việc gì. Ăn cái đã. Trong khi ăn, trong đầu bà mường tượng ra cảnh ông Khuất nằm đó, ăn ỉa một chỗ và căn nhà sang trọng này sẽ sặc mùi xú uế… Bà chán chường, cám cảnh khi nghĩ tiếp nữa. Nhưng sau đó, bà trở nên tỉnh táo và vui hơn. Ấy là lúc bà nghĩ, bà sẽ giao phó công việc chăm sóc ông Khuất cho người giúp việc. Việc ông lâm nạn thế mà may. Bà sẽ có điều kiện đi chơi nhiều hơn với những "phi công trẻ" để "trả thù đời". Tội ư? Làm gì có tội! Bà đang hồi xuân, thân thể phơi phới thế này tội gì mà không hưởng thụ? Với lại, ông ấy đi nhiều, hưởng nhiều rồi. Bà thiệt thòi lắm lắm. Giờ bà đi cũng là công bằng thôi. Hơn nữa, ông ấy không may bị ngã, bị xuất huyết não rồi nằm liệt, chứ bà có muốn thế đâu…bà chẳng có tội tình gì sất.

Ăn cơm xong, bà vào phòng chồng. Biết là bệnh tình của ông Khuất khá nặng nhưng không chết ngay được. Ngữ này phải nằm hằng năm may ra mới "thăng" được. Bà kéo người giúp việc ra phòng ngoài giao việc. Bà hứa sẽ tăng lương thỏa đáng. Bà thẽ thọt:

- Sắp tới, tôi có nhiều việc phải làm, phải xa nhà. Bà ở nhà trông nhà, lo việc ăn uống, giặt dũ cho ông chủ. Tôi sẽ tăng tiền lương gấp rưỡi cho, vất vả một tý nhưng không thiệt đâu...

Người giúp việc khúm núm:

- Thế… bà không đưa ông nhà đi bệnh viện sao?

- Bà thì biết gì! – bà Ngân gắt. - Bệnh viện nào chữa được cái bệnh này. Ông ấy không chết được đâu mà lo. Người này có chết cũng phải dăm sáu năm nữa.

Người giúp việc không nói gì. Bà đứng như cam chịu và nhận trách nhiệm bà chủ giao cho. Và để cho người giúp việc an tâm, tin tường, bà Ngân lấy ra một tập tiền, phân làm đôi, đặt lên bàn trước mặt người giúp việc:

- Đây là tiền ăn của ông ấy. Bà cố gắng chăm nom cho chu đáo. Nhưng nhớ là cho ông ấy ăn in ít thôi. Ăn nhiều, đại ỉa đái nhiều là bà khổ đấy. Chịu khó đi nhá. Gái có công, chồng không phụ mà. Còn đây là lương tháng này của bà.

Người giúp việc cầm tiền đi vào phòng riêng của mình. Bà chả ra buồn cũng chả ra vui. Thôi thì gia đình khó khăn, bà phải bươn chải đi lao động kiếm tiền để trang trải cho gia đình. Họ cho bao nhiêu cũng quý.

Kể từ hôm đó, những chiếc xe con với những gã thanh niên choai choai thường tới đỗ trước cổng nhà Lê Khuất dày hơn. Bà Ngân sau khi đã trang điểm, vận những bộ quần áo rất kiểu cách, hở hang lại tất tả đi ra. Bà tươi cười trèo lên xe và xe chở họ đi đâu, có trời mà biết được.

*

Cuối chiều, một đôi trai gái đi trên một chiếc xe máy SH. Họ đi tới trước cửa căn nhà kín cổng cao tường của sếp Khuất. Hai người vào quán đối diện ngồi nhấm nháp li café đắng ngắt để dò chuyện. Người con gái khéo léo gợi chuyện chị chủ quán:

- Chị ơi, ngôi nhà kia của ai mà suốt ngày cứ im ỉm thế nhỉ?

Chị chủ quán đang lau bàn, dừng tay nhìn theo tay cô gái chỉ, thật thà:

- Ôi dào. Quan tâm tới hạng người đó làm gì.

- Người đó là ai thế chị? – cô gái giả ngô.

- Trước đây, ông ta làm tới chức thứ trưởng của cơ quan pháp luật Tối cao cơ đấy. Nhưng chắc sống thất đức, chẳng ra gì nên từ ngày về hưu, chẳng có chó khô mèo lạc nào tới thăm. Quan hệ với hàng phố cũng thờ ơ nên bị mọi người khinh lắm. Mấy lần tôi thấy có hàng chục người cả trẻ già, trai gái ở tỉnh nào ấy đến phục ở ngõ để đưa đơn kêu cứu, nhưng lão ta không tiếp, đi về toàn lẩn cửa sau. Chắc là ăn của đút, ăn hối lộ nhiều mà không giải quyết được việc cho người ta nên bị thù oán đấy thôi. Ở đời ăn gì thì ăn, nhưng cũng phải được việc cho người ta thì người ta mới quý, mới trọng. Đằng này…

- Thế ông ta về hưu lâu chưa ạ? – chàng trai góp chuyện.

Một người chắc là khách quen góp chuyện:

- Có người còn kể, khi làm ở cơ quan pháp luật rồi, có lần lão ta về trường cũ để xác minh một việc gì đấy. Gặp thầy cũ, lão coi như không quen biết. Lão gọi thầy bằng "anh" xưng "tôi". Xong việc, lão phủi đít ra về. Thầy giáo gọi mấy học sinh của mình, hiện cũng là cán bộ giảng dạy của khoa tới hỏi "này các cậu. Tớ nhìn cái tay cán bộ luật vừa rồi cứ thấy quen quen". Một đồ đệ của thầy bảo "Ơ. Thầy không nhận ra nó sao. Thằng Lê Khuất, học ở K9 đấy thôi". Ông thầy ớ ra "Thế hả? Vậy mà trông thấy mình, mắt hắn cứ trợn lên trắng dã như mắt lợn luộc, lại còn gọi mình bằng "anh", xưng "tôi" nữa chứ. Bất hạnh, bất hạnh. Đất nước mình có những cán bộ như thế thì bất hạnh". Đấy, lão Khuất là con người như thế đấy.

 Chị chủ quán tiếp lời:

- Ngày xưa thì thế, bây giờ thì hỏng hẳn rồi.

- Chị nói hỏng hẳn là sao? – cô gái gợi chuyện.

- Ông ta béo như con lợn, chả biết đi đứng thế nào mà ngã rồi bị xuất huyết não. Giờ nằm như một cái xác không hồn đã mấy tháng nay rồi.

- Thế ạ? Thế không đi viện hả chị?

- Nghe đâu mụ vợ không đưa đi. Mụ ghê lắm, mụ bảo chả bệnh viện nào chữa được bệnh này nên để lão nẳm ở nhà. Mụ giao hết việc nhà, việc chăm sóc chồng cho Osin rồi đi du hí với đám trai trẻ bằng tuổi con mình ấy…

- Ối giời. Chị nói thế nào ấy chứ… vợ ông ta chắc cũng già rồi… còn giai gái gì nữa. – cô gái giả vờ giãy nảy.

- Cái nhà cô này, chẳng biết cái gì sất. Bây giờ bà ta tiêu tiền của chồng cả đời chả hết. Lão vắng nhà thường xuyên, không ỏ ê gì tới mụ, mụ không đi tìm giai để giải khuây thì nằm đấy, chết già ở xó cửa à?

- Eo ôi, thật thế hả chị? Thế con cái của ông ta đâu mà lại để như thế hả chị?

- Con cái ấy à? Nghe đâu vợ chồng lão ta có hai con, một gái một trai. Cả hai đều xong đại học. Thằng lớn cậy bố làm to, ăn chơi phớ lớ. Nghe đâu bập vào ma tý. May mà phát hiện kịp nên ngăn được. Sau đó, ông ta cho đi  du học tiếp rồi định cư ở nước ngoài. Bây giờ vợ con đàng hoàng rồi. Nhưng cơ mà mấy năm nay vợ chồng thằng nhỏ chẳng về mà cũng chẳng điện đóm thăm hỏi gì bố mẹ cả. Còn đứa con gái, của đáng tội cũng "không đến nỗi đẹp". Nhưng mà ăn chơi lắm mà cũng có mấy thằng yêu. Nói là yêu chứ thực ra thì bọn trai chỉ lợi dụng thân xác của con bé và moi tiền của bố nó thôi. Khi quá tuổi băm thì mới con nhỏ chõm được thằng chồng. Cái thằng trông đến đẹp mã nhưng học hành phọt phẹt lắm. Cưới nhau xong, con bé cũng đưa chồng ra nước ngoài sinh sống, phó mặc bố mẹ ở nhà. Con cái thế đấy. Đúng là nhà vô phúc…

Như đã nắm rõ tình hình, hai cô cậu liếc nhìn nhau rồi họ cùng đứng dậy, trả tiền café cho chị chủ quán, ra xe, xuống phố. Ngồi sau xe, Gia Linh vòng tay ôm ngang lưng và ngả đầu vào vai người yêu, nghĩ mông lung. "Phải trả thù! Trả thù bằng được. Nhưng không để cho gã chết nhanh được! Phải để gã sống, càng lâu càng tốt. Đời sẽ đày đọa gã!". Rồi cô cười, một nụ cười ranh mãnh. Lê Quang cảm nhận được người yêu đang cười khi cô đang dụi mặt vào lưng mình. Anh quay lại:

- Em cười gì thế, Gia Linh?

- Không có gì.- cô nói lạc sang chuyện khác, cố giấu đi ý định của mình. - Em đang nghĩ, không hiểu sao chị chủ quán lại căm ghét cái lão Lê Khuất kia đến thế.

- Cứ nghe khẩu khí của chị ấy thì cái lão này cũng là kẻ đốn mạt. Em có nghĩ thế không?

- Thì đúng thế rồi còn gì. Lão ta đã chả xơi ngon 100 ngàn đô của em đấy thôi.

Xe của cặp tình nhân chầm chậm đi trên đường phố, giữa vô vàn khách bộ hành và xe cộ ngược xuôi. Trong đầu Gia Linh bỗng lóe lên một phương kế tuyệt vời. Cô nở nụ cười và dụi má vào lưng người yêu. Hai cánh tay ôm ghì lấy Lê Quang chặt hơn.

*

Gần trưa của một ngày cuối xuân, trời đang nắng ấm và gió vờn nhè nhẹ trên các cành cây. Đường phố sạch khô sau những ngày bẩn bụi, lép nhép bởi những cơn mưa còn sót lại của mùa đông. Khách bộ hành trên  đường ai nấy đều hớn hở. Các thiếu nữ được thể phô diễn những bộ cánh rất mốt, rất kiểu cách như thể để trả thù cho mấy tháng bị bó mình trong những chiếc áo dày cộp, to sụ để chống chọi với những đợt gió mùa đông bắc.

Cánh cổng nhà sếp Khuất bỗng mở. Bà Ngân trong bộ váy áo rất kiêu kỳ và khêu gợi từ sân kéo chiếc va li ra cổng. Người đàn bà giúp việc đi theo sau. Khi bà chuẩn bị khóa cổng thì chủ nhà quay lại:

- Chị nhớ là không mở cửa cho bất cứ ai vào nhà đấy nhá. Với lại cho ông ấy ăn vừa vừa thôi. Càng cho ăn nhiều, chị càng phải phục vụ vất vả hơn đấy. Tôi chỉ đi nửa tháng rồi về. Có việc gì, chị điện cho tôi nhá. Còn như không có việc thì cứ thế mà làm. Tháng này tôi sẽ trả thêm tiền công cho chị.

Người đàn bà trông vẻ mặt khổ hạnh khép nép cúi xuống:

- Vâng ạ. Bà cứ yên tâm. Ở nhà tôi sẽ phục vụ ông nhà chu đáo.

- Thôi được rồi, chị khóa cổng rồi đi làm việc đi!

Người phục vụ khóa cổng sắt để quay lại với công việc thường nhật của mình.

Ngay lúc đó, một chiếc ô tô sang trọng táp vào cổng, nơi bà Ngân đang đứng. Bà ta nhoẻn miệng cười. Cánh cửa xe bật mở. Một thanh niên choai choai xuống xe đi đến bên người phụ nữ. Anh ta nói gì đó rồi cầm lấy chiếc va li từ tay bà Ngân kéo vòng ra sau xe. Sau khi đã đưa chiếc va li vào cốp, anh ta vòng lại, mở cửa cho người phụ nữ lên xe. Rồi anh ta cũng mở cửa ngồi vào sau tay lái. Chiếc ô tô từ từ lăn bánh rồi lẫn vào đoàn người xe đang tấp nập trên phố.

Lát sau, một chiếc ô tô khác từ phía trung tâm thành phố đi tới. Nó cũng táp vào cổng nhà sếp Khuất và dừng lại. Từ trên xe, người ta thấy một cô gái và một chàng trai còn khá trẻ bước xuống. Không một chút do dự, cô gái đi tới bấm chuông. Lát sau, người giúp việc nhà sếp Khuất đi ra. Bà không mở cổng mà nhìn qua ô cửa sắt nơi bà vẫn thường vòng tay vào mở cổng mỗi khi đi đâu về. Phát hiện thấy có người lạ, người đàn bà ghé mắt, hỏi vọng ra:

- Thưa, anh chị hỏi ai ạ?

Cô gái nhanh nhảu:

- Thưa bà, đây có phải là nhà ông Lê Khuất, nguyên là thứ trưởng…

- Vâng, đúng rồi ạ. Thế anh chị là ai, có việc gì không? Ông ấy ốm, không biết gì đâu. Còn bà nhà thì vừa đi có công chuyện rồi. Có gì thì khoảng nửa tháng nữa anh chị quay lại, thế nào cũng gặp được. – Nói xong, người giúp việc quay lưng định bước đi. Nhưng bà đã bị giữ lại bởi tiếng nói vội vàng của cô gái:

- Bà ơi. Bà dừng lại chút, cho chúng cháu nhờ chút việc ạ.

Người giúp việc quay ra:

- Có chuyện gì thế?

- Thưa bà. Chúng cháu từ nước ngoài mới về nước. Ba cháu trước đây là bạn thân của bác Khuất. Biết bác Khuất bị bệnh, nhưng vì công việc quá bận, ba cháu không về được. Ba cháu nhờ chúng cháu đem về biếu bác Khuất mấy hộp thực phẩm chức năng…

- Thực phẩm chức năng là gì, tôi chả nghe bao giờ.

- Dạ. – cô gái vẫn nhanh nhảu – nó không phải là thuốc nhưng nó phục hồi được chức năng của các cơ quan trong cơ thể con người, bà ạ. Ví như đau dạ dày mà uống vào thì nó giảm đau. Còn nếu như bị bại liệt như bác Khuất thì nếu dùng nhiều, chân tay có thể cử động lại được. Cộng với chịu khó tập luyện, người bệnh có thể đi lại bình thường ạ.

- Ôi, thật thế hả cô? Ông Khuất nằm liệt mấy tháng nay, thối cả mông ra rồi. Như cô nói, dùng cái này mà đi lại được thì tốt biết mấy.

- Vâng ạ. Bà cứ cho bác Khuất dùng ạ. Mà phải dùng ngay, dùng thường xuyên kẻo càng để lâu càng khó chữa bà ạ. Đây, bà nghe cháu dặn nhá. Một ngày, bà cho bác ấy uống ba bữa, mỗi bữa hai phần ba cốc. Bà phải cho bác ấy uống đều trong khoảng một tháng. Nhớ là, đừng bỏ bữa. Đây là 10 chai bà ạ.

Người con trai góp chuyện:

- Bà cũng có thể dùng được đấy bà ạ.

Nghe hai người nói thế, người giúp việc mở cổng nhận 10 chai thực phẩm chức năng. Đang định khóa cổng thì bà như chợt nhớ ra điều gì, bảo:

- Quý hóa quá. Nếu có cái loại thuốc này sớm thì có lẽ ông ấy không phải nằm liệt như thế.

- Vâng ạ. Chúng cháu xin phép ạ. Khi nào có điều kiện, chúng cháu tới thăm bác ấy sau.

- Ừ, thế tôi cảm ơn anh chị nhá. Quý hóa quá.

Đôi nam nữ quay lưng bước đi. Khi họ chuẩn bị lên xe thì lại nghe người phục vụ gọi với ra:

- Ơ này anh gì, chị gì ơi.

- Dạ. – đôi trai gái quay lại, cùng lên tiếng.

- Thế tên anh chị là gì ấy nhẩy? để khi nào bà nhà về, tôi còn nói lại chứ!

- Dạ, không cần đâu ạ. Bà cứ nói là có con gái và con rể của người bạn ở bên Hàn Quốc gửi về là bác Ngân biết ngay đấy ạ.

- Thế hử. Quý hóa quá. Thế anh chị đi nhá!

Chờ cho chiếc xe của đôi trai gái kia rời cổng xuống phố, người giúp việc mới nhanh chóng khóa cổng lại rồi khệ nệ xách 10 chai thực phẩm chức năng vào nhà.

Đoạn, bà loay hoay mở nút chai, đổ ra cốc. Một thứ nước đặc sếnh, vàng ươm. Bà đưa lên uống thử. Ôi thứ nước gì mà thơm thơm, ngầy ngậy, đăng đắng. Uống vào đến đâu tỉnh cả người đến đó. Người đàn bà lại đổ thứ nước ấy ra cốc và đi đến chỗ sếp Khuất đang nằm. Bà nựng người ốm như nựng đứa trẻ con:

- Nào, ông chủ dậy uống thuốc đi. Cái loại này là tốt lắm đấy. Đây là quà của bạn ông từ mãi bên Hàn Quốc gửi về cơ đấy. Ngon đáo để nhá. Ông chủ có nhớ ông bạn ấy không?

Lê Khuất cười ngây như kẻ bị bệnh đao. Ông há miệng theo phản xạ, như con chim non bé bỏng. Người giúp việc cần mẫn bón cho lão từng thìa thực phẩm chức năng. Và sau khi lão đã "xơi" xong hơn nửa cốc, người đàn bà lấy khăn lau miệng cho ông một cách chu đáo. Cho ông ta uống thêm chút nước, nâng đầu đặt xuống chiếc gối đã ố vàng vì lâu ngày không được giặt dũ, người phục vụ tiếp tục công việc theo bổn phận của mình.

*

Chiếc xe con táp vào trước cổng nhà Lê Khuất. Cậu lái xe cũng là bồ của bà Ngân xuống xe, chạy vòng sang bên kéo cửa xe. Bà Ngân mặc một chiếc váy ngắn rất một tươi cười bước xuống. Cậu lái xe ra sau mở cốp lôi chiếc vali xuống trao cho bà Ngân. Người đàn bà nhìn cậu lái xe với ánh mắt dâm đãng, cười tít mắt rồi đưa tay làm động tác hôn gió. Cậu lái xe ngồi vào cabin. Chiếc xe trườn ra khỏi cổng, hòa vào dòng xe đang ngược xuôi trên phố. Bà Ngân kéo va li tới trước cổng, lấy chìa khóa từ chiếc bóp đang khoác trên vai ra tra vào ổ chìa khóa. Cánh cửa mở, bà lôi vội chiếc vali vào sân. Cánh cửa được khóa lại ngay tức khắc.

Nghe có tiếng mở cổng, người giúp việc chạy ra, vẻ khúm núm:

- Bà đã về ạ?

- Ừ. Ở nhà có gì đặc biệt không?

- Dạ, thưa bà,  không có gì đâu ạ.

Nhưng khi bà Ngân vừa kéo chiếc vali đến bậc tam cấp thì người giúp việc chạy tới, thành thật khoe:

- À, ở nhà có một việc, thưa bà.

- Việc gì thế?

- Thưa bà, hôm bà đi được khoảng nửa tiếng thì có một đôi trai gái đến. Anh chị ấy giới thiệu là con gái và con rể của một người bạn của ông nhà. Hiện ông ta đang ở bên Pháp. Ông ấy có gửi biếu ông nhà mấy chai thuốc để chữa bệnh bại liệt. Theo hướng dẫn của họ, tôi đã cho ông nhà uống gần hết rồi ạ.

- Hả? Bà bảo sao? Thuốc chống bại liệt?

- Thưa,vâng ạ.

Bà Ngân trợn mắt, quát:

- Bà xách vali vào nhà cho tôi rồi lôi những chai ấy ra đây xem nào!

Người giúp việc răm rắp làm theo. Sau khi đã cất vali của bà chủ vào nơi quy định, bà ta chạy vào bếp lôi ra một chiếc túi nilon trong đựng mấy chiếc vỏ chai, xách đến trước mặt bà chủ khi bà Ngân đang ngồi vắt chân trên ghế sopha:

- Thưa bà chủ, đây ạ:

Bà Ngân cầm một vỏ chai lên ngắm nghía, bỗng bà dột dạt hỏi:

- Thế bà cho ông Khuất uống hết rồi à?

- Dạ, thưa vâng.

- Chết tôi rồi. Đây là cao sâm, bà có biết không? Bà cho ông ấy uống thì ông ấy sẽ béo mầm lên cho mà xem. Không làm gì có chuyện đi lại được đâu. Ông ấy béo ra, nặng lên thì bà làm sao mà nâng giấc ông ấy được. Rõ thật là... đang muốn cho lão ta đi mau để tống khứ cái tội nợ này đi thì bà lại  rước cái của khỉ này về thì đến bao giờ lão ấy mới đi đây... Trời ơi, sao mà tôi khổ thế này... hở trời.

Nghe bà chủ lu loa, người giúp việc sợ hết vía, đứng nép vào một xó nhà. Tức thì, bà Ngân hằm hằm đi vào phòng của Lê Khuất. Bà bật điện. Căn phòng sáng choang. Thấy có ánh sáng, Lê Khuất đang nằm, ngước mắt lên, cười ngô nghê. Bà Ngân giật mình, hét ầm ầm:

- Đấy, tôi nói có sai đâu. Lão ấy uống nhiều nên tăng tới năm sáu cân rồi đây này. Bà nhìn đi, trông lão có giống con lợn ỉ không, hả?

Bị mắng, người giúp việc không giám cãi lại, không giám động cựa. Tức mình, bà Ngân vùng vằng:

 - Thôi, tôi mặc bà đấy. Từ nay lão ấy là của bà. Bà chịu hoàn toàn trách nhiệm với lão. Từ ăn uống, ỉa đái, giặt dũ... bà chịu hết. Mà tiền công tôi không trả thêm cho đồng nào đâu. Đúng là dốt nát. Mà ai khiến bà cơ chứ...

- Thưa... thì tôi tin tưởng họ và nghĩ rằng, cho ông nhà uống, ông sẽ đứng dậy, đi lại được chứ ai ngờ...

- Ngờ ngờ cái gì? Có gì thì phải chờ tôi về để hỏi đầu cuối đã chứ. Lão ấy đã làm khổ tôi mấy năm nay rồi, giờ bà lại làm khổ tôi bao nhiêu năm nữa đây? – quay ra, thấy người giúp việc vẫn đang đứng khép nép, bà Ngân quát – còn không đi làm đi à, đứng đấy làm gì.

Người giúp việc như rắn mùng năm, khúm núm đi làm phận sự của mình. Bà chủ đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, miệng lẩm bẩm:

- Mà lão Khuất làm gì có bạn bè ở Pháp mà lại bảo là bạn ở Pháp nhỉ? Mà gửi gì không gửi lại gửi cao sâm. Hay là có kẻ nào...

Bà bỏ giở câu nói, vùng vằng đi vào phòng trong. Lát sau, bà đi ra, trên tay cầm một bộ đồ mới mua đi vào toilets. Bà nghĩ, thây kệ cái xác không hồn kia với mụ nhà quê dốt nát. Tắm cái đã. Dù sao thì mình cũng  đã có một cuộc sống khác đế vương hơn với gã trai trẻ rồi. Giá kể chàng không bận, hai người ở lại Tam Đảo nửa tháng nữa thì sướng biết nhường nào. Nhưng thôi, nghỉ ngơi mấy ngày rồi thể nào mình cũng sẽ lôi kéo, điều được chàng đi xa hơn. Có khi nàng và chàng bay vào Nha Trang hay bay lên Đà Lạt chơi thì mới đã đời. Tiền nhiều, thời gian nhiều việc gì không chơi, việc gì không tiêu. Mai một già nua có ma nó nhòm ngó. Thây kệ cái lão Khuất lợn kia. Ai bảo lão sinh bệnh.

Lát sau, tiếng vòi sen ào ào trong nhà tắm vọng ra. Chỉ nghe tiếng nước xối, người ta cũng có thể hiểu được rằng, người ở trong đó đang dễ chịu, sung sướng và mãn nguyện đến nhường nào.

11

Khu Resort Thảo Nguyên rộng chừng hơn 40 ha, cách trung tâm thành phố về phía tây khoảng 75km là một khu nghỉ mát lý tưởng. Ở đây có núi đá, nhiều hồ nước lớn nhỏ và một con sông uốn khúc quanh co suốt năm trong vắt. Nó được xây dựng cách nay không lâu. Bên trong có một sân golf tầm cỡ quốc tế, những bể tắm nóng lạnh cả ngoài trời lẫn trong nhà, có hồ câu cá giải trí, sân tennis, phòng chơi pi-a, và có cả những con đường lòng vòng, nên thơ để các đôi trai gái thư giãn trên những chiếc xe đạp đôi duyên dáng, có vô số phòng Karaoke đủ tiêu chuẩn âm thanh, ánh sáng... thu hút hàng vạn lượt khách trong năm. Giá nghỉ một đêm ngày ở đây từ 4 đến 25 triệu một phòng, đã bao gồm cả phần vui chơi, ăn uống và spa...

Chủ nhân của khu du lịch nổi tiếng này là một người đàn ông tên là Thế Phương, năm nay quãng 65 tuổi, trông rất phong độ và lịch lãm.

Gần 9 giờ sáng, đang ngồi trong phòng thì có tiếng gõ cửa. Ông Phương dừng tay, lên tiếng:

- Mời vào!

Một nam nhân viên rất trẻ, mặt mũi sáng sủa, dáng nhanh nhẹn xuất hiện:

- Thưa ông, cô Gia Linh đã tới ạ.

- Thế hả? Mời cô ấy vào!

Chàng thanh niên quay ra:

- Xin mời chị!

Gia Linh bước vào, xởi lởi:

- Cháu chào chú ạ.

- Chào Gia Linh. Cháu đến rồi à? Có gì thay đổi không? Cháu ngồi đi!

Thế Phương rời chỗ ngồi đi đến bàn trà. Ông chỉ cho Gia Linh ngồi rồi tự tay rót nước cho khách:

- Cháu uống đi!

- Vâng ạ.

- Thế hôm nay thế nào đây cô bé?

- Thưa chú. Như đã thống nhất hôm trước, hôm nay cháu đến để hai chú cháu mình làm thủ tục ạ. Nếu chú không có ý kiến gì nữa thì cháu mời chú ra Ngân hàng ngay bây giờ để làm thủ tục chuyển tiền. Sau đó cháu sẽ điện mời các anh bên Công chứng tới để làm văn bản chuyển giao.

- Thế hả? uống nước đi đã!

Ông Phương đẩy chén nước sang phía Gia Linh và bưng chén nước của mình đưa lên miệng, làm một hớp nhỏ, cười:

- Hôm rồi, chú vẫn còn đọc được sự băn khoăn của cháu…

- Dạ… không, làm gì có… chuyện băn khoăn ạ.

- Đừng giấu chú. Mà giấu cũng không được đâu. Chú nói thật nhé. Khu Resort này là máu thịt của chú. Cả cuộc đời chú lao động, xây dựng và tâm huyết với nó lắm đấy. Hiện tại, nó là một trong những khu nghỉ mát có tiếng của cả nước. Nhưng cháu biết không, cô nhà chú mất đã hai năm nay,  hai thằng con trai chú đang sống ở bên Đức. Vợ chồng, con cái chúng ở bên đó hết. Chúng muốn chú qua đó sống nốt những  năm cuối cùng của cuộc đời. Nghe thì có vẻ trái với quy luật, bởi những người già, cuối đời thường tìm về quê hương. Đằng này, chú lại bỏ quê mà đi. Nhưng suy nghĩ như trước là cũ rồi. Giờ mình phải thay đổi thôi. Cháu biết đấy, chú cứ ở đây sống trong khu nghỉ mát này đến khi nhắm mắt xuôi tay thì có gì bất ổn đâu… Nhưng chú phải bán để đi, cũng tiếc lắm chứ. Chú không muốn trao nó vào tay một người không có tiềm lực kinh tế, không có năng lực quản lý và điều hành…

- Dạ, cháu hiểu ạ, cháu cám ơn chú.

- Nếu cháu không còn gì băn khoăn nữa thì chú cháu mình đi Ngân hàng nhỉ.

- Dạ. Cháu mời chú ra xe. Hai chú cháu mình đi một xe.

- Thế cũng được, khỏi phải điều thêm lái xe.

Ông Thế Phương và Gia Linh cùng rời phòng làm việc đi tới chiếc xe BMW còn mới coóng đang đậu sẵn trên sảnh. Gia Linh nhanh nhẹn mở cửa xe, mời Thế Phương rồi cô mở cửa ngồi sau tay lái. Chiếc xe nhẹ nhàng trôi êm xuống khỏi tiền sảnh rồi lượn một vòng trên con đường dẫn ra cổng chính khu Resort. Nhìn cô gái thao tác, Thế Phương trầm trồ:

- Cháu học lái xe từ bao giờ thế?

- Dạ. Cũng mới thôi ạ.

- Thế mà chú cứ tưởng cháu đã có hàng chục năm lái rồi cơ đấy.

- Chú quá khen. Cháu cũng lái thường thôi. Với lại…cháu có một suy nghĩ là, làm gì cũng phải để tâm vào thì mới mong đạt được kết quả tốt, chú ạ.

- Cháu nghĩ thế là phải.

Xe rời khỏi khu nghỉ mát, ra đường chính và hướng vào thành phố, tới Ngân hàng.

Tại Ngân hàng, Gia Linh đã chuyển 5 triệu đô la từ tài khoản của mình sang tài khoản của Thế Phương.

Buổi chiều, tại phòng làm việc của ông, hai bên làm hợp đồng chuyển nhượng khu Resort từ chủ sử dụng Thế Phương sang chủ mới Nguyễn Gia Linh.

*

Tám giờ tối, mọi người đã tập hợp đông đủ tại Hội trường lớn. Trong ánh sáng chan hòa của những chùm đèn trên trần nhà, ông Thế Phương từ lô ghế đầu tiên bước tới trước bục, nơi ông đã từng đứng đây không biết bao nhiêu lần để nói với những nhân viên dưới quyền của mình về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình phát triển Công ty. Và cũng không biết bao nhiêu lần ông đứng ở đây để tuyên dương những người đã có những thành tích đáng kể qua từng năm trong việc đưa Công ty đạt được thương hiệu như ngày nay. Ông nhìn mọi người với ánh mắt thân thiện, giọng run run, ông thông báo  là sẽ bàn giao khu nghỉ mát này cho người chủ mới.

Rồi nói tiếp:

- Sở dĩ tôi ghi nhận và cảm ơn các vị... là bởi vì sắp tới... tôi phải xa khu Du lịch này, sang định cư ở nước ngoài với gia đình. Người tiếp quản khu nghỉ mát này và cũng là người chủ mới của các vị là một cô gái còn rất trẻ nhưng rất giỏi giang và năng động. Xin trân trọng giới thiệu với các vị, cô Gia Linh. – ông chỉ tay xuống lô ghế đầu. Gia Linh đứng lên chắp hai tay vào nhau, quay lại chào tất cả những người có mặt. Giọng ông Thế Phương lại vang lên:

- Tôi đã chỉ thị cho Kế toán trưởng chuẩn bị một bữa cơm thân mật tại đây vào trưa mai. Mong mọi người có mặt đông đủ, đừng ai vắng nhé. Có điều gì phải nói với nhau, ngày mai chúng ta sẽ trao đổi thẳng thắn. Tôi rất mong tất cả chúng ta hãy ủng hộ cô Gia Linh bằng cách đem hết tâm huyết và năng lực của mình, xây dựng khu Du lịch ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững và giữ vững thương hiệu. Còn bây giờ, tôi xin nhường lời cho chủ nhân mới của chúng ta. Mời Gia Linh!

Gia Linh bước lên bục. Cô đưa ánh mắt đầm ấm, đầy thiện cảm nhìn mọi người, giọng nghẹn ngào, xúc động:

- Thưa tất cả các cô các chú, thưa các anh các chị và các bạn. Như chú Thế Phương đã nói, vì lý do gia đình, chú Phương phải chia tay khu Resort yêu quý của chúng ta. Chú Phương đi, tôi tin rằng, các bác các cô, các anh các chị và các bạn rất nhớ và rất tiếc. Chúng ta nhớ và biết ơn một người cha, người anh, người bạn… mà ngay từ những ngày đầu đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, dựng xây rồi phát triển khu Du lịch này đàng hoàng như ngày nay. Nhưng tôi cũng tin rằng, tất cả chúng ta đều tôn trọng ước nguyện của chú… - ngừng một lát, Gia Linh tiếp:

- Được chú Thế Phương tin tưởng giao cho tiếp nhận cơ sở này… tôi rất vui và hứa sẽ mang hết tâm huyết của mình, đồng thời tha thiết đề nghị các vị tiếp tục cộng tác như đã từng cộng tác trước đây với chú Phương để khu Du lịch của chúng ta ngày càng phát triển, phát triển, phục vụ thật tốt du khách, tăng thu nhập cho Công ty cũng là tăng thu nhập cho từng cá nhân. Về công tác tổ chức, trước mắt, vẫn không có gì thay đổi. Mọi bộ phận vẫn hoạt động bình thường. Thời gian tới, tôi sẽ có cuộc gặp riêng với các anh các chị đương chức ở từng bộ phận để lắng nghe và nắm bắt toàn bộ hoạt động của chúng ta.

Tiếng vỗ tay ràn rạt nổi lên:

- Chúng tôi sẽ ủng hộ cô chủ mới!

- Nhất trí ủng hộ cô chủ!

- Yên tâm đi, chúng tôi sẽ phấn đấu hết mình vì thương hiệu của Thảo Nguyên!

Gia Linh nhìn xuống và bắt gặp những ánh mắt vui vẻ, tin tưởng. Cô giới thiệu trưởng phòng Hành chính tiếp tục cho công  ty sinh hoạt rồi đi xuống lô ghế đầu tiên. Ông Thế Phương đứng dậy, giơ tay vẫy chào mọi người rồi cùng cô ra xe. Trên đường đi, Thế Phương nói với Gia Linh:

- Chú tin là cháu sẽ làm tốt công việc ở đây. Những ánh mắt, những tràng vỗ tay vừa rồi đã khẳng định điều đó.

- Cháu cảm ơn chú. Sang bên Đức, thi thoảng chú về đây nhé. Cháu sẽ giành cho chú một phòng riêng và sẵn sàng đón chú về bất cứ lúc nào.

- Chú cảm ơn cháu. Ta tạm biệt ở đây nhé. Cháu trở vào với mọi người đi!

Gia Linh bắt tay, tạm biệt ông Thế Phương ngay trên tiền sảnh. Ông chủ cũ mở cửa bước lên xe. Chiếc xe nhẹ nhàng rời khỏi khuôn viên khu Resort, đưa ông về nhà riêng.

Gia Linh đưa tay vẫy vẫy người tiền nhiệm của mình. Khi chiếc xe đã ra khỏi khu Resort Thảo Nguyên, cô nở một nụ cười và tản bộ trên những con đường rải nhựa nhẵn bóng, giữa những thảm cỏ và những bồn hoa đang tỏa ngát hương thơm.  

Về đêm, khu du lịch lung linh ánh điện và đẹp đến nao lòng. Từng làn gió thoang thoảng mang theo mùi hoa sữa ngan ngát làm cho bầu không khí ở đây càng trở nên thơ mộng và lãng mạn hơn. Gia Linh nghĩ, cô đã chọn hướng đi đúng. Sắp tới, cô sẽ cùng Lê Minh về đây sống một cuộc sống bình lặng sau bao thăng trầm, sóng gió cuộc đời.

Gia Linh đến ngồi vào ghế đá trong một khuôn viên khá rộng, cạnh đó là một bể bơi đang lung linh ánh điện. Đưa mắt nhìn địa hình lý tưởng, thoáng mát và hít một hơi căng lồng ngực, tự nhiên, Gia Linh thấy hưng phấn. Chân tay muốn vung vẩy, động cựa. Cô đứng lên làm mấy động tác. Từ sâu thẳm trong tiềm thức, những đường quyền Vovinam bất chợt hiện về. Thế rồi nữ võ sĩ rất tự nhiên đi những bước uyển chuyển, linh lợi quen thuộc. Càng tập càng hưng phấn, Gia Linh bắt đầu tả xung hữu đột như thể cô đang "chiến đấu" với những đối thủ trên sàn đấu. Với sức lực tràn trề và tinh thần sảng khoái, Gia Linh thể hiện những đường tấn công như vũ bão. Những tiếng "hự", "giết" cứ tự nhiên bung ra dứt khoát, quyết liệt…

Sau những đường quyền điêu luyện, mồ hôi vã ra như tắm, Gia Linh đến ngồi lại ghế đá, nghỉ lấy sức. Và ánh mắt của cô vô tình bao quát cả khu đất rộng mênh mông dưới ánh điện, ánh trăng bàng bạc. Bỗng nữ võ sĩ nở nụ cười với chính mình. Cô đã tìm ra một hướng đi mới và quyết định sẽ làm dự án để thành lập võ quán, trình Ủy ban nhân dân thành phố. Rồi cô sẽ xin giấy phép hoạt động của Sở thể thao văn hóa và du lịch. Cô sẽ mời một số bạn bè về đây làm võ sư, huấn luyện cho các cháu thiếu niên và biến họ trở thành những võ sĩ tương lai của đất nước…

Nghĩ vậy, Gia Linh đứng lên tiếp tục khảo sát khoảng đất rất rộng trước mặt. Đúng rồi, ngay tại đây, một võ quán với tất cả tiện nghi hiện đại và các võ sư nổi tiếng sẽ được mời về. Nhất định đây sẽ là nơi cung cấp cho đất nước những võ sĩ có đủ tài năng, trí tuệ làm rạng danh cho Tổ quốc. Và Gia Linh nở một nụ cười trong đêm như thể cô đang nhìn thấy những võ sĩ ở mọi thế hệ sẽ từ đây lên đường, họ ra đi và sẽ gặt hái được những thành công lớn từ các đấu trường Sea games, châu lục và có thể vươn xa tới tầm quốc tế...

Khuya. Gia Linh mới ra xe, nổ máy. Chiếc BMW nhẹ nhàng lướt trên con đường rải nhựa nhẵn thín, trườn ra khỏi khu Resort Thảo Nguyên, hướng ra đường lớn chạy về thành phố. Tiện tay, Gia Linh bật công tắc. Một bản nhạc dặt dìu vang lên hòa vào niềm vui đang ào về trong cô. Cái cảm giác vốn có trong cô đã bị mất sau một đoạn đời cay đắng, giờ mới lại bắt đầu.

Đồng hồ trong xe đã chỉ 11 giờ đêm.

*

Trời đã về khuya, Gia Linh đang ngồi trước bàn máy để xây dựng đề án thành lập võ quán thì chuông điện thoại reo vang. Ngước nhìn đồng hồ, đã 1 giờ đêm. Giờ này còn ai gọi nữa chứ. Cô với tay lấy điện thoại, bấm phím, đưa lên tai, mắt vẫn không rời màn hình máy tính:

- Alo! Tôi Gia Linh nghe đây…

Im lặng một lát.

Gia Linh thấy hơi bực mình. Khuya rồi, bấm máy lại không gọi. Chả biết là ai nữa.

Một giọng ấm áp cất lên:

- Em! Em chưa ngủ sao?

- Ôi anh. Sao lại điện vào giờ này? Mà lại không nói gì thế…

- Biết là em chưa ngủ. Em đang tập trung vào một việc quan trọng, đúng không?

- Vâng. Sao anh biết?

- Ồ, tình yêu mách bảo anh điều đó mà.

- Anh lại xạo rồi. Cái xạo đáng yêu làm sao. Đúng là em đang suy nghĩ về một việc rất hệ trọng. Anh ủng hộ em chứ?!

- Nhất định rồi.

- Nhưng anh đã biết em làm gì đâu mà "ủng hộ" nhanh thế?

- Anh không biết cụ thể... chỉ mường tượng ra rằng... em đang nhớ Vovinam và em sẽ có ý phục hồi nó ở Resort Thảo Nguyên. Sau tất cả những cay đắng của cuộc đời... giờ em lại tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình... đúng không?

- Ôi anh yêu. Anh thật tuyệt vời. Anh đọc được cả những ý tưởng của em rồi. Em cảm ơn anh. Nếu giờ này anh đang ở bên, nhất định em sẽ tặng anh một nụ hôn thật dài, thật tuyệt vơ...ơi...vời cho mà xem.

- Em không phải chịu đựng lâu nữa đâu. Ba ngày nữa anh sẽ có mặt ở Việt Nam và sẽ ở bên em.

- Ba ngày nữa?

- Đúng vậy. Chiều nay, anh đã chuyển toàn bộ số tiền 8 triệu đô ở bên này vào tài khoản của em rồi. Ngày mai, em có thể ra Ngân hàng...

- Em biết rồi... em sẽ làm ngay.

- Còn điều này nữa, em nghe nhé?

- Dạ, vâng. Em đang nghe đây.

- Về nước, chúng mình làm đám cưới luôn. Em không phản đối chứ?

- À… vâng... Em… đồng ý. Ôi anh, em hạnh phúc quá. Thế khi nào anh bay?

- Tối mai anh lên máy bay.

- Dạ. Em chờ anh.

- Thôi, bây giờ thì em ngủ đi. Đừng àm quá khuya. Phải giữ gìn sức khỏe, đợi anh về… chứ.

- Vâng ạ. Tạm biệt anh yêu. Quang ơi, em yêu anh nhiều lắm…

- Anh cũng thế. Hôn em nhiều nhiều nhé cưng!

Gia Linh mỉm cười, tắt điện thoại, áp nó vào ngực, nhắm nghiền mắt lại và tưởng như đang được ôm Lê Quang trong vòng tay yêu thương. Trong cô cồn lên bồi hồi, xúc động… Sau khi đã trải qua những thăng trầm, khổ ải, gian truân, Gia Linh nhận thấy rằng, cô chẳng khác gì một chú chim non, còn quá yếu ớt và non nớt đã phải vật lộn vượt qua những cơn bão táp khủng khiếp của đời, có những lúc tưởng như không trụ nổi. Nhưng rồi cô đã vượt qua, vượt qua tất cả để đến được những vùng đất bình yên, không có giông bão... Đã đến lúc cô có quyền được hưởng những thành quả, được hưởng hạnh phúc do chính tay mình xây nên. Trong những thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của bạn bè, người thân và nhất là của người yêu. Lê Quang thật tuyệt vời. Gia Linh tin rằng, cô đã chọn đúng. Và rằng, anh sẽ là bờ vai vững chãi để cô dựa vào và cùng đứng dậy, đương đầu với những thử thách của đời. Trong tương lai, cô không còn đơn độc, không còn cô đơn nữa… Và cứ thế cô nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ thật sâu, thật êm đềm, sảng khoái, cô mơ thấy đám cưới của mình…

 Đó là một ngày đầu đông dìu dịu, mây trắng bảng lảng trời xanh, mấy đọt nắng vàng còn vương lại của những ngày cuối thu làm vàng rực cả đất trời. Khu Resort Thảo Nguyên bừng lên, nhộn nhịp bởi số khách đến đông một cách lạ thường. Người người đều phấn chấn, đều rạng rỡ nụ cười. Gia Linh được gặp tất cả những người thân của mình từ khắp mọi miền tổ quốc. Từ Thu Trang, người bạn học phổ thông cho tới bà Nghiêm, người hàng xóm tốt bụng. Có cả mấy cán bộ quản giáo của trại giam Trang Bình cùng các cậu ấm, cô chiêu giờ đang là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội như Phi Hùng, Quỳnh Trang và Tuyết Châu. Cô còn gặp cả Quốc Tuấn, tuyển thủ quốc gia môn bắn súng và Minh Huệ, bạn đồng nghiệp trong đội tuyển Vivonam quốc gia. Bà  con nội ngoại cũng có mặt khá đông. Và đặc biệt, đám cưới của Gia Linh còn có cả anh bạn người Nga, Andray Bonkonxki đáng quý. Phòng cưới được trang hoàng lộng lẫy. Những chùm đèn đủ màu sắc rực rỡ, lung linh, làm cho căn phòng như mê cung huyền ảo, lãng mạn. Tiếng nhạc dập dìu, đằm thắm với những bản nhạc trữ tình. Các quan khách lịch sự, trang nhã, tươi cười ngồi quanh những mâm cỗ thịnh soạn… Gia Linh duyên dáng cùng Lê Quang tươi cười đi đến từng bàn cùng nâng ly, cảm ơn mọi người và nhận lại những lời chúc phúc. Ai cũng chân thành mong cho đôi bạn trẻ hạnh phúc đến trọn đời… Rồi Gia Linh lại thấy mình đang ngồi ngả đầu vào vai chồng trên chiếc Boinh 787 lướt giữa bầu trời xanh thẳm, dưới đôi cánh là những đám mây trắng tơi xốp. Cô đang cùng chồng trên đường sang Nga hưởng tuần trăng mật.

HẾT