Chén Nước Mắm

Chấm chung một chén nước mắm mới thấy cái ấm cúng, cái tình chia sẻ trong bữa ăn.
chen-nuoc-mam-1642403085.jpg
 

 

Sang Mỹ cả gần bốn mươi năm rồi, thế mà mỗi lần dọn cơm lên bàn cho chồng con tôi vẫn lúng túng với chén nước mắm. Hôm nay có cần không? Bao giờ nhìn bữa ăn dọn ra, cũng chần chừ giữa có và không một phút. Cuối cùng thế nào cũng phải rót một chút nước mắm vào cái chén nhỏ, đặt giữa bàn. Có khi suốt bữa ăn không ai chấm vào, nhưng không có nó, hình như bữa ăn chưa gọi được là hoàn tất. Dù sau này các con đã ra riêng, chỉ có hai vợ chồng, đã bỏ thói quen ăn mặn, thế mà chén nước mắm vẫn luôn luôn hiện diện trong bữa ăn.

Thập niên đầu, khi các con còn nhỏ chưa dùng nước mắm chấm trong bữa ăn thì tôi còn cha mẹ. Cha mẹ ăn cơm bao giờ cũng có chén nước mắm, chanh, ớt để bên cạnh như một thói quen, một điều ắt có như cái bát, đôi đũa vậy. Dù bất cứ hôm đó ăn món gì, có cần đến nước mắm chấm hay không?

Rót chút nước mắm ra cái chén nhỏ, mùi thơm mằn mặn bốc lên, như ngửi thấy cả quê nhà, sao mà nó gợi tình, gợi cảnh thế, nó Việt Nam quá đỗi. Không có chén nước mắm, bữa ăn không gọi là đầy đủ được và lại càng không phải bữa ăn của một gia đình ViệtNam. Đĩa thịt, đĩa cá, bát canh, đĩa xào, bày đầy bàn. Nhìn đi, nhìn lại, vẫn như thiêu thiếu một cái gì? À, thì ra thiếu chén nước mắm. Thế là chưa ngồi xuống ghế được.

Ai đó cất tiếng:

- Chưa có nước mắm.

- Hôm nay, có món nào cần chấm đâu.

- Sao lại không, cứ mang nước mắm ra đây, thế nào cũng cần đến.

Thế là người đi tìm chén rót nước mắm, người đi kiếm chanh ớt đem ra. Chưa có chén nước mắm, bữa ăn chưa bắt đầu. Chén nước mắm sao mà quan trọng thế!

Trong những truyện viết về quê nhà nghèo khổ, bao giờ mâm cơm nhà nghèo, không có thịt cá gì, cũng được tả bằng chén nước mắm để cạnh đĩa rau cho cả nhà cùng chấm vào ăn với cơm hẩm. Chén nước mắm là phần bổ dưỡng nhất cho cả nhà vì nó có chất đạm từ cá. Nó giúp cho miếng rau trở nên đậm đà để miếng cơm hẩm dễ ăn hơn.

Chén nước mắm đó nhiều khi được chắt ra từ một cái tĩnh nước mắm đặt ở trong bếp, hay ngoài mái hiên nhà. Tĩnh nước mắm mẹ làm bằng những con cá cha đánh lưới đem về. Những con cá nhỏ sót lại sau khi đã lựa những con cá lớn mang ra chợ bán để mua gạo, mua vải may quần áo, mua thuốc đề phòng ốm đau.

Đôi khi chén nước mắm đó là chén cuối cùng làm ra từ những con cá cha đem về. Vì lần đi biển vừa qua cha đã không trở lại bờ nữa. Cả nhà chấm chung chén nước mắm đó thì làm sao mà quên được. Nếu một người nào đó trong gia đình, thoát được cảnh cơ hàn, có đời sống khá giả hơn, ăn những món ngon hơn, chắc đôi khi hồi tưởng lại, khó lòng mà quên được cái chén nước mắm ngày xa xưa đó. Những giọt nước mắm thơm và mặn như những giọt lệ.

Sống đời văn minh, phú quý nên sinh lễ nghĩa. Bây giờ trong gia đình ăn cơm chung với nhau, rất nhiều nhà không còn chấm chung một chén nước mắm nữa. Không biết từ bao giờ, người ta nhiễm thói quen, chén nước mắm của ai người đó chấm, chấm chung không lịch sự, không vệ sinh dù là giữa những người trong một gia đình.

Từ chỗ riêng tư này chén nước mắm thành ra lạc lõng, nó không được đặt ở giữa bữa ăn nữa, nó mất hẳn cái đia vị quan trọng cho bữa ăn của cả gia đình. Chấm chung một chén nước mắm mới thấy cái ấm cúng, cái tình chia sẻ trong bữa ăn. Chỉ có mâm cơm của người Việt mới có chén nước mắm. Nói không ngoa, chén nước mắm nhất định góp phần làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Hoàng Hà

Nói đến chén nước mắm mới nhớ vô cùng. Thói quen này đã có từ lâu khi hình thành nên gia đình Việt. Chỉ gia đình người Việt mới có chén nước mắm trong bữa ăn. Nếu sợ mất vệ sinh, sợ không lịch sự thì để thêm cái thìa nhỏ vào chén nước mắm. Chén nước mắm là tâm điểm của bữa ăn nhưng nó cũng làm cho người ăn thêm vừa miệng vì có người ăn nhạt có người thích ăn mặn. Đâu phải khi nấu ta nêm nếm gia vị có khi mặn có khi nhạt nên có thêm chén nước mắm ngoài việc chấm các món khác thì cũng làm cho người ăn thêm vừa miệng hơn.

Đỗ Xuân Phương

Quốc hồn quốc túy. Không chỉ người Việt nghiện nước mắm đâu, nhiều người nước ngoài đã biết đến và nghiện kinh khủng luôn. Điển hình là ông Tây Didier Corlou. Tôi biết có cậu du học sinh ở Đức đã đầu độc các bạn Đức bằng nước mắm khiến mấy cậu bạn cùng phòng cuồng nước mắm,ăn món gì dù là món Âu,Á chúng đều chấm nước mắm.

Dung Le

Đúng chén nước mắm trong bữa ăn gia đình là văn hóa là hạnh phúc nói về vệ sinh thì cũng cần từng chén riêng cho mỗi người khi ăn bánh cuốn cắn nhiều lần trong miệng còn những món chấm một lần thì dùng chén nước mắm chung là biểu hiện sự ấm cúng yêu thương trong gia đình VN. Còn chén nước mắm để giữa bàn ăn nói như bạn thì nó là linh hồn của bữa ăn nếu không có thì thấy bữa ăn nó thiếu thiếu món gì nhớ khi nhỏ khi dọn mâm cúng ông bà tổ tiên thì mọi người đều nhắc có chén nước mắm chưa rồi mới được cúng như vậy để thấy từ ngày xưa ông cha ta luôn tôn trọng chén nước mắm trong bửa ăn dù có ăn món gì.

Quang Bùi Doãn

Cho đến bây giờ bữa cơm nào nhà tôi vẫn có bát nước mắm.

 

Theo Chuyện làng quê