Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022): Gợi nhớ "Nơi ấy là chiến trường" - Những năm tháng đáng tự hào

      Vũ Xuân Bân

29/12/2022 07:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài viết của Vũ Xuân Bân, nhân Kỷ niệm 50 năm ra trường (1972 - 2022) của cựu sinh viên lớp Sử khóa 13 - Đại học Tổng hợp Hà Nội nhan đề "Gợi nhớ "Nơi ấy là chiến trường" - Những năm tháng đáng tự hào". Bài này đăng trên sách "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ" (Tập 2) do NXB Thông tấn ấn hành cuối năm 2022.

Tiếp theo sau quyển “Xin Chữ”, tôi lại được bạn đồng môn, đồng hương Phạm Quang Nghị tặng cùng một lúc hai quyển sách “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” (Nhật ký) và “Nỗi Nhớ vùng ven” (Thơ) đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2019.

Cả hai quyển sách đều in đẹp, trang trọng, bắt mắt. Quyển Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” khổ 16 x 24 Cm, dày hơn 500 trang. Còn quyển “Nỗi nhớ vùng ven” khổ 20 x 18,5 Cm dày hơn 100 trang, gồm 45 bài thơ, in kèm theo nhiều bức ký hoạ quý giá của hoạ sĩ Nguyễn Thanh Châu, người đã cùng với Phạm Quang Nghị có chuyến đi thực tế ở vùng ven nam lộ 4 Mỹ Tho trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) để minh hoạ. Đây là quyển sách thứ Tám của Phạm Quang Nghị. Thật đáng nể và trân quý bút lực của người bạn đồng môn, đồng hương Phạm Quang Nghị.

vxb281222022b-1672244713.jpg
 Lưu bút của Phạm Quang Nghị trên trang đầu sách tặng Vũ Xuân Bân.

 

Là bạn đồng môn Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) sau một năm và cũng vượt Trường Sơn sau hai năm cùng vào chiến trường B2 (Nam Bộ - cùng ở R- biên giới Tây Ninh giáp với Campuchia) là phóng viên mặt trận của Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN), khi đọc “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” của Phạm Quang Nghị, giúp tôi hồi tưởng như được sống lại những ngày gian khổ hành quân trên đường Trường Sơn vô cùng bi tráng,  lãng mạn, những  tháng năm hào hùng ở R và những ngày làm phóng viên mặt trận ở “miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng”. Những tháng năm chiến tranh gian khổ đó, đói cơm, nhạt muối, lo ăn từng bữa, ốm đau bệnh tật, nhất là sốt rét không chừa một ai, sống chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng không ai kêu ca, phàn nàn, nản chí, tính toán cá nhân, mà luôn lạc quan, yêu đời, trong lòng lúc nào cũng “phơi phới dậy tương lai”. 
Đối với tôi tốt nghiệp Đại học chưa kịp nhận Bằng, chỉ được nghỉ một tuần về thăm chia tay bố mẹ, người thân trong gia đình, rồi lên đường hành quân vào mặt trận, tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thế hệ trẻ lúc đó được giáo dục rất tốt mà Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” của Phạm Quang Nghị đã phản ánh trung thực, sinh động, cuốn hút người đọc.

 “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” của Phạm Quang Nghị gồm 8 chương Vượt Trường Sơn, Ở R, Về miền Đông (Bù Đốp - Lộc Ninh), Nhịp sống đồng bằng, Người vùng ven, Tây Ninh ngày ấy, Gặp gỡ Sài Gòn, Ngày trở về, là những ghi chép chân thật, với nhiều cảm xúc về giai đoạn hơn 4 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của một người cầm bút trẻ phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta tại chiến trường Nam Bộ.
Phạm Quang Nghị rời giảng đường Đại học dấn thân vào chiến trường trong bối cảnh hai em gái ở quê nhà (trong số 43 người) bị máy bay Mỹ đánh bom trúng làng Hoành, xã Định Tân, huyên Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, giết hại cuối năm 1966, một em trại bị bệnh nan y điều trị lâu dài ở Bệnh viện y học dân tộc ở Hà Nội, cũng qua đời sau khi Nghị vào tới “R”.  Nghị có 4 anh em, là anh cả, nay chỉ còn có mình Nghị. Nhà tôi và nhà Nghị đều ở bờ Nam sông Mã, cách nhau hơn 3 Km. Có lần về nghỉ hè, tôi tới thăm, mẹ Nghị nấu canh rau đay với tép riu khô, chan cơm ăn với cà pháo muối, ngon tuyệt. Kỷ niệm đó in đậm trong trí nhớ tôi không bao giờ quên về người mẹ hiền của Nghị. Trong khi cha Nghị cán bộ nông trường đi công tác xa ở Nghệ An, chỉ mình mẹ già mòn mỏi ở quê nhà mà cho đến nay Nghị vẫn giấu kín trong lòng, chưa bao giờ nói ra, chỉ tôi là bạn cùng quê mới thấu cảm nghị lực can trường, chịu đựng của Nghị để xông pha nơi chiến trường.
Do đó, trên đường hành quân cũng như trong những tháng năm gian lao ở chiến trường Nam Bộ, Phạm Quang Nghị đã thể hiện trong Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” lúc nào cũng đau đáu nhớ thương, yêu mẹ hơn tất thảy. Mẹ lúc nào cũng ở bên, kể cả trong giấc ngủ, như đoạn “Gió lạnh gợi trong ta ngàn vạn nỗi nhớ vừa da diết, vừa xót xa. Tràn ngập nỗi nhớ mẹ già. Nhớ những mùa đông đã qua còn đọng trong ta từng chùm kỷ niệm. Gió ào ào có biết, ta muốn gào lên cho át tiếng rừng cây:

“Mẹ, mẹ ơi
Quê hương ơi, quê hương.
Và em ơi anh nhớ
Những kỷ niệm như vỡ bờ rồi”.

Đặc biệt, là những ghi chép dưới một cái tên chung “Người vùng ven” có thể được coi là chùm bút ký bằng bút pháp văn học, mô tả khá sinh động về cuộc sống, con người nơi đầu sóng ngọn gió trên chiến trường Nam bộ.
Bản thân tôi  cũng được Phạm Quang Nghị nhắc tới trong Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG”. Ở trang 253 của Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG”, Phạm Quang Nghị ghi chép “Ngày 7/6/1973 có nhắc đến tôi (Bân) trong một kỷ niệm “Ngày qua, tức ngày 6/6/1973”, tôi mới từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn vào nhận công tác tại Thông tấn xã Giải Phóng được 4 ngày, hỏi thăm được địa chỉ đã tranh thủ băng rừng ở “R” đến thăm Phạm Quang Nghị, lúc đó là phóng viên biên tập Văn nghệ Giải phóng. Câu chuyện gặp nhau cách nay hơn 45 năm không ngờ đã được Phạm Quang Nghị ghi chép lại một cách trung thực, sống động.

vxb28122022-1672244514.jpg
vxb28122022a-1672245002.jpg


 Không những vậy, trong phần cuối của sách Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG có mục “Một số hình ảnh và tư liệu” đăng 2 ảnh quý. Ảnh trên: Tôi chụp chung với Phạm Quang Nghị (bên phải), trong đó có ảnh chú thích “Gặp Vũ Xuân Bân (Phóng viên TTXGP) vừa miền Bắc vào “R”(ảnh trên chụp tháng 6 năm 1973 - cách nay gần 50 năm)  và một ảnh chú thích “Đi tiếp phẩm qua trảng  ‘Cố Vấn’ – Căn cứ ‘R’ Tây Ninh” (Phạm Quang Nghị đi xe đạp trước, tôi đi sau - ảnh dưới: Chụp cuối năm 1973, cách nay gần 50 năm).
 
Có thể nói đó là tư liệu quý mà Nghị lưu giữ được và là kỷ niệm cực kỳ sâu sắc giữa tôi và Phạm Quang Nghị thời trai trẻ cùng quê, cùng học khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nghị học  trước tôi 1 năm) và cùng vượt Trường Sơn vào “R” (Nghị đi trước tôi 2 năm) ở chiến trường Nam Bộ, cùng là phóng viên nhưng ở 2 cơ quan Văn nghệ và Thông tấn xã Giải phóng. Cả hai chúng tôi chỉ bị mấy trận sốt rét, có lúc lên bờ xuống ruộng, gian lao tưởng không qua nổi, nhưng vẫn còn sống để về với cha mẹ, người thân và quê hương, tiếp tục công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Đối với Phạm Quang Nghị thành đạt hơn nhiều, trở thành cán bộ cấp cao, là một trong những cựu sinh viên khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) thành đạt nhất, nay đã nghỉ hưu, trở về đời thường, làm “dân vạn đại”, lại tiếp tục viết sách, làm thơ dâng hiến tiếp cho đời.
Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, đã có không ít những sách, Nhật ký, ghi chép in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí bạn đọc như “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", "Nhật ký Nguyễn Văn Thạc", “Nhật ký Chu Cẩm Phong”, “Nhật ký Dương Thị Xuân Quý”… đều là liệt sĩ, đã hy sinh, nay lại thêm Nhất ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” của Phạm Quang Nghị, là một cuốn Nhật ký chân thật và cảm động mà tác giả vẫn còn sống. khoẻ mạnh. Như trong trang mở đầu thay Lời giới thiệu, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho rằng Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” là “Câu chuyện của một người - Câu chuyện của một dân tộc”… Đó “thực sự là những áng văn được viết từ trong lửa đạn,  và sự hy sinh với cách hành văn giản dị, cách chọn lọc chi tiết sống động, hình ảnh mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều thông điệp. Cuốn sách vừa mang tính xác thực như những tư liệu về một giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước, vừa tạo nên cảm xúc và ấn tượng của một tác phẩm văn học cho người đọc”..

2142022-thu-vien-quoc-gia-hn-1672241663.jpg
Gặp chia sẻ, chúc mừng đồng hương, đồng môn Sử Phạm Quang Nghị (bên phải) sáng 21/4/2022 tại Thư viện Quôc gia Hà Nội  ra mắt tiếp cuốn tự truyện  “Đi tìm một vì sao” nhân “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022”,.