Có một thời như thế

AI Bui

21/03/2022 10:39

Theo dõi trên

Đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, lúc đó đang còn bao cấp, cái đói cái nghèo còn đeo bám từng hộ gia đình.

keo-mau-1647833910.jpg
Kẹo Mấu. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tuy nhỏ, nhưng tôi vẫn biết, ai là viên chức nhà nước, thì con cái họ còn có được vài cái áo phân phối, mặc đi học, chứ còn người dân bình thường, thì cả năm có một cái áo duy nhất, còn ngoài ra, là mặc lại của anh chị. Nhất là mùa đông, trời rét thấu xương, quần áo rách lành gì là mặc, đủ các thế hệ của ông nội bà nội trở xuống, cứ mặc cho nó ấm thân, không phân biệt áo của ai hết, đi ra cũng không cảm thấy xấu hổ, bởi cả xã hội đều như thế, thì ai cười ai bây giờ. Một thời như thế, lớp trẻ bây giờ không thể biết được, lúc đó ăn còn chả có mà ăn, con người thiếu thốn đủ thứ, có nuôi được con gà, con chó, thì cũng đâu dám ăn thịt, để dành có dịp gì, hay là đầu năm học, phải bán để lo các khoản đóng học cho con, phải tính toán chi li, chỉ cần sai lệch là hỏng chuyện.

Nhà nào thời đó, mà có việc đại sự, cưới xin cho con cái chẳng hạn, là gia đình lo mất ăn, mất ngủ, thứ nhất là khoản "đầu tiên" rồi đến công việc, phải bố trí sao cho phù hợp, không để mất lòng ai, bởi người xưa có câu "ma chê cưới trách" dù gia đình có cẩn thận đến cỡ nào, cũng không tránh khỏi miệng lưỡi thế gian, cuộc sống mà, cái khó nó bó buộc cái khôn, làm con người bị mắc kẹt.

Tôi còn nhỏ, một buổi đi học, một buổi phải đan lát phụ giúp gia đình, quê tôi có nghề mây tre, ngày đó ở xã tôi còn có đồng vào đồng ra nhờ vào nghề này, dù là cơm độn sắn độn khoai, nhưng cũng có thịt cá cải thiện bữa ăn, các xã khác không có nghề phụ, họ còn khổ hơn nhiều, mấy bà làng khác sang làng tôi cấy lúa thuê, thường ở lại ăn cơm trưa, hôm đó tôi còn nhớ, bác trai tôi lúc ăn cơm xong, có vặt mấy cái đầu cá kho cho chó ăn, một bà làm thuê đã nói, sao bác lãng phí thế, nhà tôi là đầu cá cũng không đến phần chó, chỉ cho chó tí nước cá mà thôi, hoặc cùng lắm là trộn cái dấu nồi cá,..

Nhà tôi với nhà bác chung sân, nên đến bữa ăn là hai nhà đối diện nhau, nên mọi sinh hoạt đều nắm rõ... bác tôi rất tốt, thấy người làm thuê nói vậy, nên bác nói với con dâu,hôm nào mua biếu chị ấy nồi cá, và con dâu bác đã thực hiện, thế là người làm công cảm ơn rối rít, rồi từ đó họ coi nhau như người thân trong nhà, có khi ăn ở cả năm trong nhà, chị ấy có cái gì cũng mang cho bác tôi, mãi về sau, nhà chị làm thuê có con lớn, đi bán báo ở hà nội, làm ăn phát đạt, rồi về mang mẹ nó đi, thế là chị ấy giã từ nghề cấy lúa thuê, mà ra hà nội bán báo. Hôm nhà chị ấy đi hà nội, đến nhà bác tôi nấu bữa cơm thân mật gọi là chia tay, rồi từ đó tới giờ bận làm ăn nên ít gặp lại.

Tôi ngày đó còn nhỏ, cứ hễ mẹ đi chợ là trông ngóng từng giờ phút, cứ chăm chăm nhìn ra ngõ, thấy mẹ về là mừng lắm, kiểu gì trong cái mủng con con, bên trên đậy một cái đệm đan bằng sợi cói, ngoài đồ ăn gia đình, sẽ có vài cái "kẹo mấu" đó là loại kẹo rất dân dã, vì vừa dễ làm, mà bán lại rất rẻ, theo tôi được biết, cứ sau dịp tết nguyên đán, là loại kẹo này được bán tràn lan, bởi mật mía sau tết, không thể để được lâu, nó sẽ bị chua, ăn dễ bị ngộ độc, nên người dân làm kẹo này, cách làm rất đơn giản, chỉ nấu mật lên, cho thêm mạch nha, và bột để tạo sự đông kết, khi nguyên liệu đông kết thì họ đem ra lăn luyện, kéo ra, thu lại, như nhào nặn đất sét, sau đó họ kéo dài ra như một đoạn dây thừng, rồi dùng kéo cắt đều thành từng mẫu hơi xéo xéo như một miếng cây mấu, mà các bà hay mua về để ăn trầu, nên quê tôi mới đặt tên là "kẹo mấu" kẹo này là phải trộn với bột nếp, khi nó vữa đến đâu, là bột lại bám vào, ăn rất ngon, và nhất là vị gừng tươi được sao tẩm vào nguyên liệu.. quà mẹ hay mua ở chợ thời đó, còn có cả xâu quả "nụ quân" có nơi gọi quả bồ quân, người bán dùng que xiên thành từng xâu, dài khoảng 20cm, hay mua cho ống bò táo hột, ngày đó đâu có táo lai tạo như bây giờ, chỉ có táo hột, cây rất cao to, quả nhỏ như đầu ngón tay, ít nhà có táo ngọt, đa số là chua và đắng, mà thời đói khổ, ăn vào mồm thấy ngon hết, người bán cứ dùng cái bò đong gạo để bán, một hào thì được một ống bò.

Nhà tôi thời đó, cũng như bao gia đình khác, kiếm được gạo ăn cũng toát mồ hôi hột, chứ đâu phải đùa, cả làng cả tổng, số nhà lợp ngói chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa số là nhà tranh vách đất. Gần 50 năm lăn lộn với cuộc sống, bây giờ nhìn lại, đúng là một trời một vực, cuộc sống thay da đổi thịt thật rồi, đôi lúc nhắc lại chuyện cũ, con cháu cứ "ôi dào" nhắc lại làm gì,.. bây giờ chúng nó lãng phí lắm, quần áo cứ thích là mua, có khi mua rồi lại chán, lại xếp xó không thèm mặc, tôi cứ nghĩ cái thời, quần áo vá trăm tấm mà cũng không có để mặc, trước kia tôi còn hay mua quần áo, bây giờ chỉ mặc lại của con mà cũng không hết, ăn uống cũng vậy, nó đâu có căn ke như mình, mua đủ dùng là được đằng này nó mua ăn dư dã quá mức, nhiều khi tôi bảo chúng, bọn mày phải sinh cái thời đó, mới  sáng mắt ra được, chúng còn bĩu môi bảo "lạc hậu" ai như bố, sống ngày nay, quên chuyện hôm qua cho nó nhẹ đầu. Ấy vậy mà, tôi lại cứ nhớ dai, nhớ những gì mình đã trải qua, năm tháng không thể xói mòn, cuộc sống ngày nay và xa xưa, như một bức tranh tương phản, giữa sự no đủ và cảnh thiếu thốn, có lẽ con người thời nay, chỉ có tiến bước, không cần nhìn lại phía sau.  Giờ đây, muốn ôn lại chuyện cũ, chỉ có vào CHUYỆN LÀNG QUÊ có những  người  cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh, họ mới đồng cảm với mình mà thôi...

                               HẾT

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Có một thời như thế" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn