Kinh tế báo chí là động lực phát triển cho báo chí

TS. Đinh Văn Tới

17/06/2021 16:42

Theo dõi trên

Trên thế giới, kinh tế báo chí được xem là một ngành kinh tế, thậm chí là mũi nhọn, siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, ở nước ta báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu. Do vậy, các cơ quan quản lý và các nhà lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí phải xác định việc chủ động đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại.

kinh-te-bao-chi34346-1623922711.gif
Ảnh minh họa Internet

1. Tổng quan về báo chí Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (CQBC), giảm 71 CQBC so với năm 2019. Trong đó, có 142 báo in (68 báo Trung ương,74 báo địa phương, 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí in (520 tạp chí Trung ương, 92 tạp chí địa phương, 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 CQBC điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình (PTTH) với 2 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 1 Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.Có 2 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, đó là: Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh và Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước.

Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện có trên 41.000 người, trong đó khối PTTH là 15.768 người. Hiện, cả nước có 21.132 người được cấp thẻ nhà báo, tăng 725 thẻ so với năm 2019.

Trong số 65/72 cơ quan PTTH, có 16 cơ quan là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 2 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 45 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu quảng cáo, tài trợ, hợp tác truyền thông của các CQBC các quý II - IV đã giảm mạnh so với trước, có cơ quan sụt giảm đến 70%. Riêng khối PTTH, doanh thu đạt gần 9.500 tỉ đồng, và chủ yếu nguồn thu đến từ các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (trên 5.700 tỉ đồng, giảm 4% so với 2019).

2. Vai trò của kinh tế báo chí

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi quan hệ thị trường được khẳng định rõ ràng và trở thành đòi hỏi trong quản lý, phát triển của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế, thì hầu như các CQBC còn lạ lẫm với vấn đề “tự chủ tài chính”. Tuy nhiên, đến nay đã có 300/779 CQBC hoàn toàn tự chủ về tài chính, tự đảm bảo được nguồn lực kinh tế - kỹ thuật cho các hoạt động nghiệp vụ cũng như khả năng mở rộng quy mô sản phẩm và khả năng ảnh hưởng. Đó chính là cơ sở hình thành nền kinh tế báo chí (KTBC).

Hai yếu tố quyết định cho nền KTBC là sản phẩm hàng hóa báo chí và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện báo chí. Xã hội càng phát triển thì yêu cầu thông tin báo chí càng tăng lên. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh dẫn đến nhu cầu ngày càng lớn về quảng cáo nhằm đưa hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.

Sự phát triển KTBC sẽ trở thành động lực phát triển cho báo chí, bởi nó mang lại nguồn lực tài chính quan trọng đảm bảo cho sự tiếp tục phát triển, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới thiết bị công nghệ, mở mang thêm các nguồn thông tin, tài liệu, cũng như công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo. Tuy nhiên, sự phát triển của KTBC cũng có thể dẫn tới hiện tượng “thương mại hóa” báo chí, hay là sự xuất hiện những sản phẩm báo chí thuần túy hàng hóa, chỉ quan tâm thu lợi nhuận, không quan tâm chức năng thông tin tuyên truyền hoặc coi chức năng thông tin tuyên truyền như vỏ bọc cho hoạt động kinh tế.

Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng, báo chí phải xác định các loại hình báo chí. Ngoài những tờ báo có chức năng, nhiệm vụ đặc thù được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động (dưới hình thức đặt hàng), còn lại hầu hết các tòa soạn sẽ phải tự chủ về tài chính.

Hoạt động theo cơ chế tự chủ đồng nghĩa với việc CQBC sẽ quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Làm thế nào để tòa soạn có kinh phí vận hành bộ máy, như: chi phí xuất bản, chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm…? Trong khi đó, báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, bởi vậy, không thể vì tăng doanh thu mà để bị “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ, mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều độc giả là một bài toán luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản kỳ báo, tạp chí.

3. Giải pháp phát triển kinh tế báo chí

Một số giải pháp được các CQBC áp dụng tạo ra nguồn thu như xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu… Vì thế, việc CQBC nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin ngày càng trở nên phổ biến theo đúng quy luật phát triển. Theo đó, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin và doanh nghiệp đồng hành, hỗ trợ các CQBC sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin.

Cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, khán giả, từ đó phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu xưa nay vẫn được bao cấp. Báo chí không giống hẳn một doanh nghiệp bởi tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, vì thế yêu cầu thông tin đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến vấn đề kinh tế. Khi CQBC hoạt động hoàn toàn tự chủ cũng đồng nghĩa với việc giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của CQBC được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.

phong-vien-tac-nghiep-25352-1623923215.gif
Phóng viên tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: P.V

Các nhà báo có động lực để biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí nhân văn, có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng CQBC với thương hiệu báo chí vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.

Chính phủ, bộ, ngành và các cơ quan chủ quản (CQCQ) cần có chính sách thông thoáng hơn để giúp các CQBC có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Cần có sự ưu tiên, hỗ trợ đối với những CQBC làm nhiệm vụ chính trị, với quan điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của CQBC, tinh gọn báo chí và không làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước. Điều này, cần có những giải pháp mạnh mẽ từ các CQCQ. Cụ thể:

Một là, báo chí về cơ bản sẽ phải tự chủ về tài chính, vì vậy, mô hình quản trị DN là phù hợp để quản lý tài chính. Các CQBC cần có kiến thức về quản trị DN. Đồng thời, các CQBC, muốn phát triển thì phải tạo được thương hiệu trong xã hội. Không có được thương hiệu của mình thì đồng nghĩa CQBC đó sẽ tự đào thải ra khỏi dòng chảy.

Hai là, CQCQ cần tăng cường dành nguồn kinh phí đặt hàng báo chí, vừa là bảo đảm tính định hướng của Đảng và Nhà nước, vừa là để giúp các CQBC có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, từng CQBC phải tự mình đổi mới, sáng tạo để phát triển. 

Ba là, các CQCQ nên tạo điều kiện cho CQBC có nguồn thu ổn định. Điều này tránh cho các nhà báo phải bươn trải trên thị trường, bị cơ chế thị trường chi phối dẫn đến vi phạm đạo đức người làm báo, thậm chí vi phạm pháp luật. Đồng thời, các CQBC nên có bộ phận làm thêm các dịch vụ, làm theo đơn đặt hàng của các cơ quan, doanh nghiệp như: tư vấn truyền thông, tổ chức sự kiện, đánh giá dư luận xã hội, về sản phẩm của doanh nghiệp.

Bốn là, mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo. KTBC cũng từ đó giúp cho các nhà báo có thể sống được với nghề và tự hào với nghề của mình.

Trong dòng chảy thông tin hiện nay, báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất mà cần đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì các thông tin giả mạo, sai lệch và giật gân được phát đi dưới hình thức tin tức. Tự mạng xã hội đã và đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và, đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Các CQBC phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình.

Năm là, báo chí cần phải đáp ứng tốt yêu cầu về công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào nghiệp vụ báo chí. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo chí và cho độc giả. Chẳng hạn như: công nghệ sẽ giúp chúng ta đọc và tổng hợp tin bài theo chủ đề; giúp chúng ta viết các tin chuẩn mực theo đơn đặt hàng… Và do vậy, chúng ta có nhiều thời gian hơn cho các bài viết có giá trị.

Sáu là, một bài báo là một tác phẩm do lao động của nhà báo, của CQBC tạo ra, tốn nhiều chi phí. Bất kỳ ai dùng cũng phải trả bản quyền. Nếu không làm tốt việc này, báo chí sẽ mất nguồn thu, sẽ không có các bài báo hay. Thực tế hiện nay nhiều tin tức báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền. 

Bảy là, quản lý và phát triển báo chí là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển. Với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để báo chí phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, cần đổi mới cách quản lý, sự phát triển các quan điểm mới của Đảng, của Nhà nước về quản lý báo chí, theo kịp sự phát triển của xã hội, theo kịp sự phát triển của công nghệ. Báo chí cần chủ động là người đầu tiên đưa thông tin ra mạng. Song, cần phân biệt rõ tai nạn nghề nghiệp và hành vi chống phá Đảng và Nhà nước để xử lý nghiêm khắc.

4. Kết luận

Kinh tế báo chí phát triển là một nhu cầu tất yếu cuẩ xã hội, mang lại nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của người làm báo. Phát triển KTBC lành mạnh không nên nhầm lẫn với “thương mại hóa” theo kiểu giật gân, câu khách rẻ tiền, giảm chất lượng thông tin báo chí, coi báo chí là loại hàng hóa thuần túy, dẫn tới tiêu cực trong hoạt động. Làm báo thì phải bán sản phẩm báo chí chứ không để bao cấp, do đó CQBC phải tăng độc giả và phát hành để tăng khả năng thu hút quảng cáo và dịch vụ truyền thông. Chính vì thế, các nhà báo hiện nay không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ báo chí mà cần phải có kiến thức cơ bản về kinh tế và hiểu biết về nguyên lý hoạt động thị trường truyền thông để tích cực tham gia vào các dự án, góp phần xây dựng chiến lược phát triển của tòa soạn.
---------------------------------------

Tài liệu tham khảo:
1.    https://www.sggp.org.vn
2.    ttps://www.quanlynhanuoc.vn
3.    http://tailieu.ttbd.gov.vn/

(*) Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế báo chí là động lực phát triển cho báo chí" tại chuyên mục Bài viết. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn