Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 53)

PGS TS Cao Văn Liên

16/02/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 53.

Tháng 3-1972 trên đà thắng lợi, ta bắt đầu cuộc tiến công có qui mô lớn, cường độ mạnh, đạt hiệu quả cao. Ta phá vỡ ba tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Từ tháng 3 đến tháng 8 -1972, ta diệt 28 vạn tên địch, tiêu diệt và làm thiệt hại 7 trong số 13 sư đoàn cơ động thiện chiến của địch. Nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch. Ở miền Bắc từ 15-1-1972 đến tháng 4-1972, ta đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bắn rơi 750 máy bay, trong đó có 54 pháo đài bay B52, 10 máy bay F111, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái. Đặc biệt trong 12 ngày đêm  (18 đến 30 –12) 1972, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52, bắt sống 44 giặc lái. Đến đây, “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ hoàn toàn thất bại. Mỹ phải ngồi lại vào bàn đàm phán và ngày 27-1-1973 buộc phải ký Hiệp định Pari “ Về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam ”. Ngày 29-3-1973, Mỹ cuốn cờ rút quân  đội viễn chinh khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt 115 năm có mặt của quân xâm lược nước  ngoài trên đất nước ta (1858-1973). Đại tá  Ô đen nhân viên quân sự cuối cùng của Mỹ trong số 2,5 triệu  lính Mỹ rời khỏi Tân Sơn Nhất,  chấm dứt 30 năm  Mỹ trực tiếp dính lứu vào Đông Dương. Mỹ rút,  nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu trở nên suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho ta hoàn toàn lật đổ chế độ  nguỵ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước .

b1aa3-1676445291.jpg

 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng đã húc tung cánh cửa cổng chính dinh Độc Lập - trở thành biểu tượng cho sự thất bại của Mỹ - ngụy, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Ảnh do nữ Nhà báo Pháp Francoise Demulder chụp. Bà là một trong số ít người phương Tây có mặt lúc đó - nhưng là người duy nhất ghi được khoảnh khắc lịch sử này.  Bà qua đời ở tuổi 61, tại Paris, Pháp năm 2008 sau một thời gian điều trị bệnh ung thư.

 

5-. Tổng tấn công mùa xuân 1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam

 Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam tạo nên một sự thay đổi so sánh lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta, mở ra một thời cơ mới để nhân dân ta tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất đất nước. Cuổi 1974 đầu 1975, quân ta giải phóng tỉnh Phước Long mà địch không phản kháng chiếm lại, điều đó minh chứng  địch đã suy yếu cùng cực. Ních xơn thắng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 nhưng với vụ Oa tơ gết đặt băng nghe trộm đảng Dân chủ trong tranh cử Tổng thống với đầy đủ chứng cứ không thể chối cãi, Ních xơn phải từ chức giữa nhiệm kỳ 2. Pho lên thay làm Tổng thống không có phản ứng gì mạnh mẽ khi ta giải phóng Phước Long. Nắm thời cơ đó ta quyết tâm giải phóng  hoàn toàn miền Nam vào năm 1975 .

          Mở đầu cuộc tấn công, ta quyết định giải phóng Tây Nguyên. Vì Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, địch lại tương đối yếu, ta lại có thể phát huy được tối đa sức mạnh của các phương tiện vũ khí chiến tranh hiện đại. Từ Tây Nguyên ta có thể khống chế, chia cắt và phát triển  chiến dịch  xuống  các vùng Đông Nam Bộ, chia cắt vùng địch chiếm đóng mà giải phóng .

          Ngày 10-3-1975, bốn cánh quân ta đánh thẳng vào Buôn MêThuột. Sau hai ngày chiến đấu, ta tiêu diệt toàn bộ sư đoàn 23 của địch, làm chủ thị xã, phá vỡ hệ thống phòng phủ của địch ở Tây Nguyên. Địch điều động hai trung đoàn còn lại của sư đoàn 23 và một tiểu đoàn biệt động phản kích. Nhưng sau năm ngày chiến đấu, lực lượng phản kích này bị ta tiêu diệt. Ngày 14-3-1975 tại Cam Ranh, Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú tư lệnh quân đoàn 2 rút khỏi Công Tum, về cố thủ ở miền duyên hải Nam Trung Bộ. Ta đã bịt kín đường số 7 chặn đánh địch rút chạy. Ngày 24-3-1975 toàn bộ quân địch tháo chạy bị ta tiêu diệt. Ta hoàn toàn làm chủ Tây Nguyên. Từ Tây Nguyên, chiến tranh của ta chuyển sang giai đoạn Tổng tiến công để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc rút lui chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu trở thành cuộc tháo chạy hỗn loạn của một quân đội hoàn toàn sụp đổ, hoảng loạn về tinh thần,  rối loạn về chỉ huy tổ chưc, với tư tưởng hoàn toàn chiến bại, tạo thời cơ lớn để ta thực hiện những trận quyết chiến chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam.

          Trận quyết chiến lựơc thứ nhất: Từ 10-3-1975 đến 24-3-1975 ta đập tan Quân khu 2 nguỵ, giải phóng Tây Nguyên .

          Trận thứ hai: Giải phóng Huế, Đà Nẵng, đập tan Quân khu 1.  Ngày 25-3-1975, Quân đoàn 2 của ta phối hợp với nhân dân tiêu diệt Sư đoàn 1 nguỵ, giải phóng thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên. Mất  Huế, phía bắc thành phố Đà Nẵng bị ta uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 24-3-1975 Tam Kỳ Quảng Nam được giải phóng. Ngày 25-3 Quảng Ngãi, 26-3 Chu Lai (Núi Thành-Quảng Nam) được giải phóng. Sư đoàn 1 và 2 của nguỵ bị tiêu diệt. Mặt Phía nam của thành phố Đà Nẵng bị uy hiếp .

          Ngày 28-3- Quân đoàn 1 của ta cùng các lực lượng Liên khu 5 chia thành 5 cánh: Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam tấn công Đà Nẵng. 15 giờ ngày 29-3,  Đà Nẵng-một căn cứ Liên hiệp lớn nhất của Mỹ-nguỵ bị ta tiêu diệt, thành phố lớn thứ hai của miền Nam được giải phóng .

          Ngày 1-4, Bình Định,  Qui Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hoà,  tiếp đến Nha Trang, Khánh Hoà liên tiếp lọt vào tay quân ta. Như vậy, chiến dịch Huế-Đà Nẵng (21-3- đến 3-4-1975) trận then chốt thứ hai đã hoàn toàn thắng lợi, làm sụp đổ hệ thống phòng ngự của địch ở miền Trung, xoá bỏ Quân khu 1 nguỵ, không cho địch co cụm về phòng ngự bảo vệ Sài Gòn  .

          Trong cơn hấp hối của chế độ Sài Gòn, Chính phủ của Tổng thống Pho lập cầu hàng không khẩn cấp để chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự cho chính quyền nguỵ .

          Trận quyết chiến lược thứ 3: đập tan Quân khu 3 và 4, giải phóng Sài Gòn. Ngày 14-4-1975 Bộ chính trị quyết định đặt tên trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào Gài Gòn-Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh ”

          Ngày 9-4-1975 ta tấn công thị xã Xuân Lộc. Ngày 21-4-1975, ta giải phóng Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh, mở toang cánh cửa phía đông vào Sài Gòn. Cùng thời gian đó, Quân đoàn 2 của ta từ Đà Nẵng tấn công thần tốc vào phía Nam, giải phóng Phan Rang -Ninh Thuận vào 16-4-1975 .

          Ngày 17-4-1975, thủ đô Nôngpênh của Cam pu chia được giải phóng.

          Tất cả diễn biến tình hình quân sự đó đặt chế độ Sài Gòn  trước sự sụp đổ không thể cứu vãn nổi. Ngày 1 đến ngày 8 tháng 4, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn và 23-4 tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”. 21-4-1975, Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hoà . Trần Văn Hương lên thay nhưng 26-4, Hương phải ra đi. Dương Văn Minh được đặt vào ghế Tổng thống.

26-4-1975, các cánh quân của ta gồm cả 4 quân đoàn chủ lực đã hình thành thế trận bao vây Sài Gòn-Gia Đinh. 7 giờ ngày 26-4, ta bắt đầu tấn công, 28-4, ta đánh sập phòng tuyến vòng ngoài, 5 máy bay A7 do không quân ta lái ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 29-4, ta tổng công kích với 15 sư đoàn chủ lực đánh vào nội thành. 30-4-1975, ta chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, phủ Tổng thống, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, căn cứ hải quân cảng Bạch Đằng, tiêu diệt và làm tan rã các đơn vị chủ lực nguỵ .

10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc lập. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sớm cùng ngày, Đại sứ Mỹ Matin rời Sài Gòn bằng máy bay lên thẳng. 11 gời 30 phút 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập. Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng .

Tại đồng bằng Nam Bộ, phối hợp với quân chủ lực, nhân dân vùng dậy gành quyền làm chủ. Ngày 2-5-1975,  lực lượng vũ trang  và chính quyền địch  trên khắp miền Nam hoàn toàn sụp đổ .

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 kéo dài gần hai tháng, (từ 4-3 đến 2-5-1975), trải qua 3 chiến dịch: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan bộ máy nguỵ quyền, tiêu diệt làm tan rã 1 triệu quân nguỵ, 1 triệu dân vệ, cơ đồ thực dân mới của Mỹ xây dựng qua 5 đời Tổng thống: Ai xen hao, Ken nơ đi, Giôn xơn, Ních Xơn, Pho sụp đổ, miền Nam được giải phóng, cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi. Mỹ đã tốn 350 tỉ USD,  huy động đến mức cao nhất 50 vạn quân viễn chinh, lôi kéo 5 nước đồng minh với 7 vạn lính, hơn 1 triệu quân Nguỵ, 1 triệu dân phòng, dội xuống Việt Nam hơn7.850 triệu tấn bom đạn, sử dụng đến mức tối đa tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại. Nhưng Mỹ đã thất bại.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 53)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn